Tối ngày 3/6, “ông hoàng livestream” Lý Giai Kỳ (Li Jiaqi) của Trung Quốc đã bị ‘cắt sóng’ ngay khi chương trình đang được phát trực tiếp vì sự xuất hiện của một chiếc bánh gato có hình xe tăng.
Lý Giai Kỳ có hơn 100 triệu người hâm mộ, hầu hết đều là những người trẻ tuổi.
Nhiều người trẻ Trung Quốc ngày nay không hiểu vì sao buổi livestream của Lý Giai Kỳ bị cắt sóng, khi hỏi lẫn nhau mới biết cảnh quay này đã vi phạm những điều cấm kỵ của nhà chức trách Trung Quốc. Hóa ra trong ngày “4/6” cách đây 33 năm, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã điều xe tăng tới trấn áp các cuộc tụ tập ôn hòa của người dân. Chiếc bánh này gợi nhớ đến chủ đề nhạy cảm “Thảm sát Thiên An Môn” (4/6/1989) hay còn gọi là “Sự kiện Lục Tứ”.
Hành động này của giới chức Trung Quốc quả thực là “gập ông đập lưng ông”. Họ đã chặn hình ảnh này, vốn để che giấu sự thật về “ngày 4/6”, để mọi người không nhớ đến ngày này và không biết về nó, nhưng lại phản tác dụng. Thay vào đó, việc này lại càng nhắc nhở mọi người về vụ thảm sát kinh hoàng trong lịch sử Trung Hoa.
Kết quả là trên các kênh truyền thông nước ngoài đã xuất hiện một thuật ngữ mới có tên “Nghịch lý Lý Giai Kỳ” (Li Jiaqi Paradox). Nghĩa là, nếu một người muốn hoàn toàn không động chạm đến vùng cấm chính trị nhạy cảm, thì họ phải hiểu chúng là gì. Nói cách khác, để mọi người không động chạm vào thứ gì đó, trước tiên bạn cần phải cho họ biết đó là thứ gì. Đây chẳng phải là một điều vô cùng mâu thuẫn sao?
Đây cũng là tai họa của kênh truyền thông cá nhân. Các kênh truyền thông truyền thống có biên tập viên kiểm soát. Họ đều biết những gì có thể được đăng và những gì không. Có lẽ những người livestream của các kênh truyền thông cá nhân không phải ai cũng biết điều này, hoặc có thể biết nhưng họ lại quên vì sơ suất.
Buổi livestream bán hàng của Lý Giai Kỳ một lần nữa nhắc nhở: Tại Trung Quốc, thực sự có rất nhiều người trẻ tuổi không biết về “ngày 4/6”. Tất nhiên, đây là kết quả tồi tệ của việc chính quyền ĐCSTQ đàn áp nghiêm trọng sự thật lịch sử. Trong sách giáo khoa lịch sử trung học cơ sở, phong trào dân chủ năm 1989 cũng như vụ thảm sát ngày 4/6/1989 tại Quảng trường Thiên An Môn đều không được đề cập dù chỉ nửa chữ.
Ngay cả nghị quyết thứ 3 về các vấn đề lịch sử được chính quyền ĐCSTQ thông qua năm ngoái, một bài báo dài hơn 36.000 từ, cũng chỉ viết 2 câu về phong trào ủng hộ dân chủ năm 1989 và vụ thảm sát “ngày 4/6” rằng: “Vào cuối những năm 1980, đầu những năm 1990, Liên Xô tan rã, Đông Âu trải qua những biến động mạnh mẽ, do sự tiếp tay, kích động của các thế lực thù địch chống phá đảng và chủ nghĩa xã hội trên thế giới, hoàn cảnh quốc tế và trong nước (Trung Quốc) đã dẫn đến tình trạng hỗn loạn chính trị nghiêm trọng ở nước ta vào dịp giao mùa xuân và mùa hạ năm 1989. Đảng và chính phủ dựa vào Nhân dân, giương cao ngọn cờ chống phản loạn, bảo vệ quyền lực nhà nước xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích cơ bản của nhân dân.” Cả 2 câu đều không nhắc đến “ngày 4/6” hoặc “xe tăng”.
Cách đây 8 năm, nhà báo người Mỹ, bà Louisa Lim, đã đăng một bài viết, nhắc đến việc bà từng mang bức ảnh nổi tiếng của Tank Man (Người chặn xe tăng) tới 4 trường đại học Bắc Kinh, để xem có bao nhiêu sinh viên nhận ra bức ảnh.
Chỉ 15 sinh viên trong số 100 em biết rằng bức ảnh này được chụp ở Bắc Kinh vào năm 1989. Nhiều sinh viên nghĩ rằng đó là một cuộc duyệt binh. Điều này đã khiến bà Louisa Lim rất ngạc nhiên khi có quá ít người trẻ Trung Quốc biết về “ngày 4/6”.
Rốt cuộc, đây là thời đại Internet và dòng thông tin không thể bị chặn lại. Những sinh viên đại học đến từ các trường đại học danh tiếng ở Bắc Kinh này hoàn toàn có khả năng vượt tường lửa kiểm duyệt Internet nếu họ muốn. Ngay cả khi họ vượt tường lửa, nhiều người vẫn không tìm kiếm thông tin về phong trào ủng hộ dân chủ năm 1989 và vụ Thảm sát Thiên An Môn “ngày 4/6”.
Ngoài ra, cha mẹ và thầy cô của những bạn trẻ này thì sao? Nhiều phụ huynh, trưởng bối và giáo viên của họ là những người tham gia hoặc nhân chứng sống của năm đó. Họ có thể nói cho thế hệ trẻ biết sự thật mà họ biết, nhưng nhiều bậc cha mẹ đã không chịu nói cho con cái mình biết về sự kiện này.
Vì sao lại không chịu nói với con họ? Vì sợ con họ lỡ lời mà gặp họa. Ông Chu Học Cần (Zhu Xueqin), giáo sư tại Đại học Thượng Hải, đã viết một bài về cuộc đấu tranh nội tâm của mình với tư cách là một người cha: “Hamlet mở đầu bằng câu nói ‘Tồn tại hay không tồn tại, đó là vấn đề’. Đây là một câu hỏi kinh điển.
Nhưng trong môi trường xám xịt của Trung Quốc, chỉ có thể rút gọn thành: ‘Nói hay không nói, đó là vấn đề.’ Dù có nói, thì nói với con khi nào và ở mức độ nào, cũng đều khiến người ta khó nghĩ.”
“Đã có những cuộc thảo luận trên Internet về những sai lầm của Cố Chuẩn (Gu Zhun) trong việc giáo dục con cái trước khi chết. Xuất phát từ tấm lòng yêu con, ông đã cố tình che giấu sự thật mà ông đã thấy và những suy nghĩ thực sự của mình. Để tránh tai họa, ông đã không nỡ kể lại chuyện này với phụ nữ và trẻ em, khiến tinh thần của 2 thế hệ cách biệt, điều này cuối cùng lại trở thành một thảm kịch.”
“Cố Chuẩn còn vậy, thì hàng ngàn gia đình bình thường lại càng thêm khó nghĩ. Hiện tại tình hình đã khá hơn, dù người cha không nói gì, nhưng các con cũng có thể xem trên mạng Internet. Nhưng vấn đề vẫn tồn tại, ước chừng sẽ bị truyền kiếp, thực không biết còn phải truyền bao nhiêu kiếp nữa?”
Có thể thấy, sự thiếu hiểu biết của nhiều bạn trẻ về ngày 4/6 không phải là sự thiếu hiểu biết thực sự, cũng giống như nhiều người chứng kiến sự kiện ngày 4/6 không thực sự lãng quên.
Không phải là vô tri, không phải là lãng quên, mà là trốn tránh, cố tình trốn tránh.
Vì sao phải trốn tránh? Vì không dám đối mặt. Bởi vì sự kiện thảm sát học sinh, sinh viên “ngày 4/6” quá vô liêm xỉ và độc ác, hễ đối mặt với nó, sự phẫn nộ về đạo đức chắc chắn sẽ khơi dậy. Nó sẽ thúc đẩy bạn đứng lên phản kháng. Nếu sợ rủi ro và không dám đứng lên phản kháng, ắt sẽ khiến bản thân rơi vào một sự hổ thẹn và cắn rứt lương tâm.
Do vậy, đối với những người không muốn đứng lên phản kháng và muốn lương tâm thanh thản, thì lựa chọn duy nhất là trốn tránh, quay lưng với sự kiện “ngày 4/6” vô liêm sỉ và tàn ác. Mắt không thấy thì tâm không phiền, giả vờ như không hay biết, giả vờ như đã lãng quên.
Nhiều người nói rằng hơn 33 năm qua, kể từ ngày 4/6/1989, chính quyền ĐCSTQ đã dốc sức xóa hoàn toàn ký ức về vụ thảm sát Thiên An Môn khỏi bộ nhớ của người dân. Thoạt nghe, điều này nghe có vẻ hợp lý, nhưng nếu nghĩ kỹ lại, sẽ thấy điều đó hoàn toàn không đúng.
Bởi vì mục đích của cuộc Thảm sát Thiên An Môn không chỉ là giết một số người, mà còn là gây ra nỗi khủng hoảng cho người dân, từ đó buộc đa số người dân phải từ bỏ việc biểu tình công khai. Vì vậy, phải làm cho công chúng biết đến cuộc thảm sát này và ghi nhớ cuộc thảm sát để đạt được mục đích này của ĐCSTQ.
Câu “Giết 200.000 người đổi lại 20 năm ổn định” nghĩa là thông qua vụ thảm sát 200.000 người, một ký ức mạnh mẽ và sâu sắc về nỗi sợ hãi được tạo ra có giá trị trong vòng 20 năm, từ đó buộc họ phải từ bỏ sự phản kháng của mình. Ví dụ, nếu giết gà để dọa khỉ, nhưng khỉ không thấy gà bị giết, há chẳng phải điều này sẽ trở thành vô ích hay sao?
Nếu nhiều người không biết về vụ thảm sát, và những người biết về nó đều đã quên, như thể vụ Thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989 chưa bao giờ xảy ra, thì họ sẽ không cảm thấy sợ hãi, và họ sẽ không từ bỏ cuộc đấu tranh.
Ngẫm lại, trước “ngày 4/6”, tinh thần của người dân Trung Quốc quật cường như thế nào; sau đó hãy nhìn lại sự tương phản mạnh mẽ về tình hình trầm lắng chung sau “ngày 4/6”. Đó là vì có quá nhiều người biết về ngày 4/6/1989, ký ức đau thương về ngày này quá sâu.
30 năm sau ngày 4/6/1989, các nhà chức trách ĐCSTQ đã tìm cách làm mờ nhạt ngày này, không đề cập đến “ngày 4/6” trong các trường hợp công khai, và cố gắng sử dụng các cách diễn đạt như “hỗn loạn” khi thỉnh thoảng phải đề cập đến nó. Có vẻ như ĐCSTQ đang cố gắng thúc giục người dân Trung Quốc quên đi ngày 4/6.
Thật ra là không. Các nhà chức trách nhận thức rõ rằng ký ức về ngày 4/6/1989 quá sâu sắc, người dân Trung Quốc không thể nào quên, chưa kể các nhà chức trách cũng không muốn người dân Trung Quốc lãng quên.
Đã vậy, tại sao các nhà chức trách lại tiếp tục làm mờ nhạt và tránh đề cập đến ngày này trong các trường hợp công khai? Lý do là vì ĐCSTQ biết rằng vụ Thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989 hoàn toàn trái với đạo đức, trong khi những diễn ngôn chính trị công khai luôn chứa đựng yếu tố đạo đức.
Bất cứ điều gì được nói một cách công khai trước đám đông đều không thể hoàn toàn coi thường đạo đức. Một chính phủ có thể làm những điều vô liêm sỉ, nhưng không thể công khai nói ra những lời vô liêm sỉ trước công chúng.
ĐCSTQ nhận thức rõ rằng nếu họ cho phép chủ đề Thảm sát Thiên An Môn được công khai, sẽ tương đương với việc đặt đảng này lên vũ đài phán xét đạo đức, và chắc chắn sẽ khơi dậy sự phẫn nộ của người dân.
Đây là lý do vì sao trong 33 năm qua, ĐCSTQ vẫn luôn che giấu chủ đề “ngày 4/ 6”, và đã mạnh tay đàn áp. Điều này cũng cho thấy, tầm quan trọng của chúng ta là phải lên tiếng và công khai về vụ thảm sát học sinh sinh viên vào ngày này.
Hồ Bình
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng cá nhân của tác giả, được đăng trên Đài Á Châu Tự Do.)
Mỹ sẽ xem xét việc điều chỉnh chiến lược răn đe hạt nhân của nước…
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham cho biết Ukraine có khoáng sản đất hiếm trị giá…
Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa được thành lập để tiếp nhận nguồn viện…
Chứng khoán có dấu hiệu hồi phục nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức…
Bắc Kinh đang chuẩn bị trở thành nước nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân uranium…
Vì đại diện và biện hộ cho nhiều người tập Pháp Luân Công, ông Vương…