Để tình trạng “phá bỏ lịch sử” không tái diễn thì những công trình cổ xưa khác còn giá trị sử dụng cần được quan tâm bảo tồn và “tái sử dụng” ngay. Đừng để thế hệ mai sau sẽ hỏi chúng ta đã để lại di sản gì!
Chương trình thời sự của VTV chiều 10/12/2017 có hai tin chẳng liên quan gì đến nhau nhưng lại làm tôi chú ý. Cùng ngày này, tại TP.HCM đã “quyết định tháo đỡ ba thủy đài lớn xây dựng trước năm 1975, từ lâu bỏ hoang không sử dụng”, còn tại Hà Nội thì tổ chức “tuần lễ bảo vệ gấu” tuyên truyền việc không nuôi nhốt gấu trái phép và kêu gọi người dân không sử dụng mật gấu.
Tin thứ nhất là hình ảnh thủy đài trên đường Nguyễn Văn Đậu (Q. Bình Thạnh) đang lắp giàn giáo để tháo đỡ, còn khu vực “thủy đài đôi” duy nhất ở Sài Gòn trên đường Nguyễn Văn Tráng (Q.1) đã xuất hiện xe xúc xe cẩu, mặt đất ngổn ngang gạch ngói… Ba thủy đài sừng sững bất lực trước những dòng tin lạnh lùng về số phận của mình và vài thủy đài còn lại ở Sài Gòn.
Tin thứ hai là hình ảnh cuộc thi “Chạy vì Gấu” có hơn 800 người tham gia đến từ 43 quốc gia, số tiền gây quỹ từ Giải chạy sẽ hỗ trợ việc đóng cửa những nơi nuôi nhốt gấu lấy mật trái phép… Trong vài năm qua nhờ sự nỗ lực của những ngành liên quan mà số gấu nuôi nhốt đã giảm đáng kề, từ 4.300 xuống chỉ còn 936 cá thể. Người tham gia chạy đủ lứa tuổi, có cả những em bé, người già… tất cả đều vui tươi, họ reo hò khi về đến đích vì họ biết việc làm của họ đã mang lại kết quả.
Không chỉ bảo vệ Gấu mà “chiến dịch” bảo vệ các động vật khác như tê giác, cá sấu… cũng được phát động rầm rộ ở nhiều nơi, hình thức đa dạng, đặc biệt là có một số “người của công chúng” tham gia. Qua đó, ít nhất thông điệp “bảo vệ động vật” đã được nhiều tầng lớp người trong xã hội biết đến, dù phần lớn người dân không có điều kiện để được sử dụng sừng tê, mật gấu hay sản phẩm từ da cá sấu. Nhưng từ thông điệp này cộng đồng sẽ hình thành ý thức và hành vi đối với động vật nói riêng và thiên nhiên nói chung.
Tôi chợt nghĩ, bao giờ thì “phong trào bảo tồn di sản” được tổ chức rộng rãi và có nhiều người tham gia như vậy?
Những thủy đài đến nay còn hiện diện ở Sài Gòn đều được xây dựng trước năm 1975, trong đó thủy đài góc đường Võ Văn Tần – Pasteur có tuổi đời xưa nhất từ cuối thế kỷ 19, là thủy đài duy nhất và là một di tích công nghiệp được công nhận Di tích kiến trúc – nghệ thuật của thành phố vào năm 2016. Công ty Cấp nước thành phố (Sawaco) đã có ý tưởng bảo tồn thủy đài thành một “bảo tàng” và địa điểm du lịch hấp hẫn bởi lịch sử lâu dài và kiến trúc độc đáo của nó.
Ngoài ra còn các thủy đài góc đường Nguyễn Văn Đậu – Lê Quang Định (Q.Bình Thạnh), Phạm Phú Thứ (Q.6), đường 3 Tháng 2 (Q.10), góc đường Lê Đại Hành – 3 Tháng 2 (Q.11), đường Nguyễn Thái Sơn (Q.Gò Vấp), góc đường Nguyễn Tất Thành – Hoàng Diệu (Q.4), đường Hồ Văn Huê (Q.Phú Nhuận) và hai thủy đài cạnh nhau ở đường Nguyễn Văn Tráng (Q.1). Hệ thống thủy đài này xây dựng khoảng những năm 1960 – 1970, cùng với Nhà máy nước Thủ Đức đảm nhận chức năng cung cấp nước sạch cho đô thành Sài Gòn thay thế dần nước bơm từ các giếng ngầm.
Những thủy đài khổng lồ hình nấm, cao khoảng 30m, phía dưới xây tường kín hay là những khung cột bê tông cốt thép đỡ bồn nước hình tròn bên trên. Không gian khu vực thủy đài thường rất rộng để đảm bảo an toàn khi thủy đài vận hành. Vị trí của các thủy đài cho biết mật độ dân cư ở đó khá tập trung, nhu cầu nước sạch lớn nên cần có “áp lực” mạnh và khối lượng lớn để cung cấp. Ở vị trí trung tâm thành phố tại đường Nguyễn Văn Tráng lại có “thủy đài đôi” chứng tỏ thời đó mật độ dân cư khu vực này rất cao. Ngày nay “thủy đài đôi” đứng sừng sững giữa khu phố đông đúc sầm uất, giá trị đất xây dựng thủy đài có thể tính bằng “kim cương”, lại bị bỏ hoang phế lâu ngày nên việc tháo dỡ được coi là hợp lý.
Tuy nhiên, chúng ta có thể lên tiếng vì những loài động vật ở nơi xa, bảo vệ gấu khỏi bị hút mật, tê giác khỏi bị cắt sừng, cá sấu khỏi bị lột da… để làm thành sản phẩm phục vụ cho một số ít người thì vì sao, chúng ta không thể lên tiếng bảo vệ “thủy đài đôi” duy nhất của thành phố như một kiến trúc tiêu biểu cho dịch vụ dân sinh của thời kỳ đã qua. Nếu “thủy đài đôi” được bảo tồn chắc chắn sẽ có không ít người – nhất là giới trẻ – đề xuất phương án cải tạo và sử dụng nó vào mục đích văn hóa – kinh doanh – du lịch vừa có hiệu quả cao đồng thời vừa phục vụ cả cộng đồng. Trên thế giới việc tận dụng những địa điểm tương tự để tạo thêm không gian “sáng tạo nghệ thuật” của giới trẻ là mô hình văn hóa cộng đồng phổ biến nhưng ở nước ta hầu như còn vắng bóng. Một không gian văn hóa như vậy nhiều người mơ ước sẽ được thực hiện ở khu vực Ba Son nhưng ước mơ đó đã không thành.
Hai người bạn trẻ, một kiến trúc sư và một là doanh nhân, đều nói với tôi một cách tiếc nuối và có phần bức xúc: Giá mà cùng với thông tin tháo dỡ các thủy đài, cơ quan quản lý có động thái tham khảo ý kiến các chuyên gia về bảo tồn, kiến trúc… để có thể tìm ra những phương thức sử dụng hợp lý và đỡ lãng phí hơn đối với những công trình có giá trị như “thủy đài đôi” hơn là đập bỏ? Và để tình trạng “phá bỏ lịch sử” không tái diễn thì những công trình cổ xưa khác còn giá trị sử dụng cần được quan tâm bảo tồn và “tái sử dụng” ngay. Đừng để thế hệ mai sau sẽ hỏi chúng ta đã để lại di sản gì!
Và đừng để những câu tự vấn của chúng ta cứ vang lên nhiều lần trong vô vọng.
Nguyễn Thị Hậu
Theo nguoidothi.net.vn
Xem thêm:
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…