Categories: Xã luậnBlog

Đà Lạt: Vì sao quy hoạch theo hướng xóa danh tính?

Với cuộc thi và việc triển lãm 3 phương án quy hoạch đồi Dinh thành một công trình khách sạn 10 tầng kết hợp thương mại, dịch vụ cao cấp, thật ngạc nhiên vì thành phố Đà Lạt lại lấy một công trình phức hợp thương mại, dịch vụ, và nghỉ dưỡng là điểm nhấn đặc biệt của thành phố. 

Dinh Tỉnh trưởng (nay là số 1, Lý Tự Trọng, Đà Lạt) hơn 100 tuổi ở ngọn đồi trung tâm của TP Đà Lạt. (Ảnh: baolamdong.vn)

Di sản, kí ức sẽ bị xóa bỏ, di dời

Đầu năm 2019, UBND Tỉnh Lâm Đồng công bố trước người dân địa phương và cả nước bản quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị cho khu trung tâm Hòa Bình rộng 30 ha với mục đích chỉnh trang đô thị, đem lại sức sống mới, giá trị kinh tế và du lịch cho thành phố Đà Lạt. Ý tưởng quy hoạch được vẽ nên bởi KTS Hồ Thiệu Trị dưới sự hỗ trợ kinh phí của Công ty Cổ phần đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh.

Nội dung tóm tắt của quy hoạch này gồm có: một quãng trường đặt tại khu chợ đêm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Chợ Đà Lạt thiết kế bởi KTS Ngô Viết Thụ được giữ lại, Rạp Hòa Bình bị dỡ bỏ, Dinh Tỉnh trưởng được di dời nguyên khối, khu dân cư phố được chỉnh trang, và một số công trình thương mại mới sẽ được xây dựng.

Ngay khi vừa công bố, dự án đã vấp phải nhiều sự phản đối của dư luận bởi sự xem nhẹ và đánh đổi di sản Đà Lạt để lấy lợi ích kinh tế. Sự phản đối đến từ nhiều tầng lớp và ngành nghề trong xã hội, những con người thực sự yêu và muốn cứu lấy linh hồn của thành phố này. Đứng trước sự phản đối, tháng 3/2019, KTS Hồ Thiệu Trị đã giải thích: “Không gian cần được thiết kế lại cho phù hợp với xu thế phát triển. Công năng công trình cũ được giữ lại”. Với lời biện hộ này, tôi đặt ra câu hỏi: Như thế nào là phù hợp? Cái phù hợp đó được đánh giá như thế nào và dựa trên tiêu chí gì? Hội đồng đánh giá là ai? Bởi vì trong bản quy hoạch mới, nhiều di sản về kiến trúc, đô thị, kí ức bị xóa sổ hoặc di dời. Trong đó, Dinh Tỉnh trưởng ở đồi Dinh sẽ được di dời để xây dựng một trung tâm thương mại và khách sạn 10 tầng. Tôi cho đó là tầm nhìn ngắn hạn hoặc một sự lựa chọn bị cám dỗ.

Trong lúc bản quy hoạch mới mẻ này chưa ngã ngũ thì đến giữa tháng 8/2020, UBND TP Đà Lạt lại đưa ra 3 phương án quy hoạch không gian và thiết kế cho khu đồi Dinh. Ba phương án của ba tác giả: Espace Architecture International Vietnam (EAIV), HTT Group, và SDesign Vietnam. Về phía ba phương án thiết kế được chọn, tôi thật lấy làm tiếc khi chúng không đem đến giá trị lớn lao, đích thực và bền vững cho Đà Lạt. Về phía lãnh đạo thành phố thì tôi cho đây là một sự xúc phạm và thiếu tôn trọng đến di sản, nguyện vọng của người dân địa phương, và ý kiến của các chuyên gia kiến trúc/quy hoạch/lịch sử kể từ quy hoạch khu trung tâm được công bố cách đây 1 năm. Về phía người dân và “Đà Lạt”, đó là sự mất mát quá lớn mà muốn hồi sinh cũng không được.

Sự hào nhoáng vô nghĩa và giá trị đích thực

Với chủ trương của thành phố và cụ thể 3 phương án này, tôi xin có một số nghi vấn và ý kiến:

Đây là một dự án lớn (Khu trung tâm Hòa Bình và công trình tại đồi Dinh) và có sức ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển kinh tế, đời sống đô thị, môi trường, cảnh quan, con người của thành phố một cách dài hạn. Tuy nhiên, cuộc thi đã không được công bố một cách công khai và rộng rãi trên các phương tiện truyền thông hoặc chí ít thông tin phải được đăng tải lên website chính thức của thành phố (https://quyhoach.dalatcity.org) hay tỉnh (https://dalat.lamdong.gov.vn). Tôi đã thử tra cứu trên hai trang chính thức này nhưng đều không có thông tin. Đây là sự thiếu sót có thể gây sự nghi ngờ về cách tiến hành và sự minh bạch thông tin, cũng như giá trị chính đáng được mong đợi từ cuộc thi và dự án này.

Ví dụ ở London, mọi dự án quy hoạch và thiết kế công trình trong thành phố đều được đánh giá và phê duyệt bởi hội đồng thành phố. Chúng sẽ được đăng tải công khai trên cổng thông tin của thành phố và cho phép truy cập. Đặc biệt với các dự án trọng điểm, tính công khai, minh bạch, sự tiếp cận càng được ưu tiên; thậm chí khi chỉ ở ý tưởng ban đầu, chúng đã được công bố để lấy ý kiến của chuyên gia và công chúng. Một bước quan trọng cho sự triển khai chi tiết ở những bước tiếp theo để đảm bảo rằng sự đầu tư là hiệu quả và đúng đắn vì lợi ích của thành phố và cư dân.

Vì vậy, tôi cho rằng đây là cách làm khôn ngoan vì không những giới thiệu cho người dân biết và hiểu về những kế hoạch và sự đầu tư phát triển của thành phố, những lợi ích tương lai cho thành phố và họ mà nó còn thể hiện sự tôn trọng và kết nối với cộng đồng, xây dựng lòng tin và ủng hộ ở nhân dân. Với cách làm đó, mục đích thực sự của các dự án lên hệ thống đô thị và con người sẽ được khẳng định.

Công bằng mà nói thì ba phương án này có thể đáp ứng yêu cầu của đề bài và nhiệm vụ thiết kế được giao. Tuy nhiên, sự ngờ vực ở đây là yêu cầu thiết kế, tiêu chí đánh giá, những quan tâm đặt lên hàng đầu của dự án này là gì, đã được nêu ra như thế nào cho các tác giả tham gia cuộc thi. Chúng hoàn toàn không được công khai.

Với 3 phương án quy hoạch và thiết kế cho đồi Dinh được giới thiệu, có thể thấy rõ ràng đề bài của ban tổ chức, cụ thể là hội đồng thành phố Đà Lạt, đưa ra là có vấn đề ngay từ ban đầu khi không quan tâm đúng đắn đến giá trị di sản, đi ngược với định hướng quy hoạch đô thị Đà Lạt 704 là một thành phố di sản, thành phố rừng và rừng trong thành phố.

Ban giám khảo cuộc thi cũng không được đề cập. Với một cuộc thi cho một công trình hạng đặc biệt, thì ban giám khảo uy tín có kiến thức thâm sâu, tầm nhìn xa và kinh nghiệm sâu sắc là một đóng góp quan trọng cho tính sáng tạo và mối quan hệ đa chiều của công trình đó lên toàn bộ hệ thống đô thị khi nó hiện hữu.

Nhà thờ Chính tòa Thánh Nicôla Bari – nhà thờ lớn nhất Đà Lạt (Lâm Đồng) – một trong những kiến trúc tiêu biểu của thành phố do người Pháp xây dựng. (Ảnh: Shutterstock)

Tôi có thể đưa ra ví dụ kinh điển của Nhà hát Opera Sydney, Úc được thiết kế bởi KTS Jorn Utzon (1918-2008). Jorn Utzon đã chiến thắng cuộc thi thiết kế nhà hát này vào năm 1955 chỉ với những bản vẽ sơ phác và những giải thích ý tưởng. Mặc dù, ngay từ ban đầu thiết kế này không được để mắt tới về tính bất khả thi, tuy nhiên một thành viên ban giám khảo – KTS Henry Ingham Ashworth (1907-1991) đã bảo vệ nó vì ông tin rằng đây là một kiệt tác kiến trúc của thế giới chứ không chỉ của thành phố Sydney hay Úc. 2007, nhà hát Opera Sydney được UNESCO xếp hạng di sản. Nói đến đây để thấy tầm quan trọng của ban giám khảo 1 cuộc thi cho 1 công trình có sức ảnh hưởng lớn và vì giá trị vô hạn của một công trình kiến trúc.

Giá trị vô hạn của công trình đều không đạt được ở cả 3 phương án. Chúng ta có thể khiên cưỡng chấp nhận sự cải tổ lại khu vực này nếu đó là bắt buộc, nhưng chúng ta có quyền mong đợi một thiết kế đột phá. Chúng cần đánh giá sâu sắc và bền vững về mối quan hệ phức tạp giữa công trình xây mới và di sản kiến trúc – Dinh Tỉnh trưởng xây dựng năm 1910 phải được bảo tồn; thiên nhiên hiện hữu trên đồi; hệ thống hạ tầng đô thị và giao thông bao quanh; hệ thống kiến trúc, cảnh quan, và view nhìn của toàn đô thị; lợi ích xã hội và môi trường.

Trong 3 phương án, mặc dù Dinh tỉnh trưởng được xem xét bảo tồn nguyên vẹn bằng cách giữ nguyên hay di dời nguyên khối, nhưng các tác giả lại không đánh giá đúng giá trị của di sản, không xem việc giữ lại và kết nối với công trình Dinh tỉnh trưởng là một nhiệm vụ hàng đầu. Thay vào đó, họ lại tập trung lên giá trị bản thân của công trình mới. Đồi Dinh và Dinh tỉnh trưởng có một vị trí đắt địa; nền tảng lịch sự; câu chuyện ý nghĩa về mặt di sản kiến trúc và quy hoạch của Đà Lạt; mảnh ghép kí ức của cư dân thành phố nhưng các phương án lại không phản ánh tất cả những điều này.

Trở lại ví dụ của Nhà hát Opera Sydney, nó là tài sản, biểu tượng của người dân/thành phố Sydney và là tự hào của cả nước Úc. Sự tồn tại của công trình này là trường tồn và cũng không thể phủ nhận giá trị thực và to lớn lên kinh tế và du lịch của thành phố này và nước Úc. Vậy, câu hỏi đặt ra là nếu một trong ba phương án được chọn, thì giá trị vô hạn cho Đà Lạt và hậu thế là gì khi chúng là sự hào nhoáng cá nhân và ly khai khỏi giá trị bản địa?

Điều chúng ta tìm kiếm là gì? Cái chung vô hạn hay cái riêng hữu hạn?

Với thông tin ít ỏi của cuộc thi và hồ sơ thiết kế của 3 phương án thì đồi Dinh sẽ được quy hoạch thành một công trình khách sạn 10 tầng kết hợp thương mại, dịch vụ cao cấp. Lãnh đạo thành phố định hướng đây sẽ là công trình điểm nhấn cho thành phố Đà Lạt. Tạm thời gác lại việc bảo tồn, nhưng khi biết đến điều này tôi có hai cảm giác: ngạc nhiên và hoài nghi.

Một là sự ngạc nhiên vì thành phố Đà Lạt lại lấy một công trình phức hợp thương mại, dịch vụ, và nghỉ dưỡng là điểm nhấn đặc biệt của thành phố. Đây là sẽ một công trình công cộng nhưng lại mang giá trị tư nhân thay vì lợi ích cộng đồng. Và nó không phải là một nơi cho sự tập trung và khởi phát của hoạt động xã hội, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, thư giãn hay du lịch cho toàn bộ dân cư. Công trình khách sạn thì được ấn định vai trò là điểm nhấn của thành phố  nhưng thực tế có thành điểm nhấn hay không và giá trị đích thực của nó vào trong đô thị và con người Đà Lạt là một nghi vấn. Hay nó chỉ đơn thuần là lợi ích kinh tế cho chủ đầu tư, thành phố, và vị trí đắc địa chỉ còn là giá trị hồi lại cho những vị khách lưu trú ở đây? Tôi thiết nghĩ chính quyền thành phố cần định nghĩa lại loại hình công trình nào mới xứng đáng là điểm nhấn của một đô thị (công trình tôn giáo hoặc văn hóa hoặc nghệ thuật), đối tượng của nó là ai, mức độ tiếp cận công trình là như thế nào. Công trình khách sạn này với phương án và thiết kế hiện giờ có đủ tầm?

Hai là sự hoài nghi về chức năng thương mại và dịch vụ cao cấp được cấy vào tổ hợp này. Câu hỏi được đặt ra là: Dịch vụ và thương mại cao cấp là gì? Thế nào gọi là cao cấp? Chúng có cần thiết với Đà Lạt? Nếu cần thiết thì có cần ở vị trí này hay có thể di chuyển nó sang một ví trị khác mà không ảnh hưởng đến giá trị cố hữu của đồi Dinh và Dinh tỉnh trưởng đã đang khổ sở vì bị xâu xé.

Hãy nhớ rằng, Đà Lạt được hoạch định vào thời Pháp từ những ngày đầu tiên là một thành phố nghỉ dưỡng được cấu thành một cách hài hòa và cân bằng bởi rừng thông, hồ, và các công trình mái dốc thanh lịch, thân thiện với môi trường. Đà Lạt là điểm đến hàng đầu Đông Dương và Đông Nam Á. Tôi không nói các công trình dịch vụ phục vụ du lịch là không cần thiết nhưng nếu Đà Lạt không còn là chính nó thì liệu nó còn thu hút du khách. Nếu mua sắm, dịch vụ cao cấp, thì Đà Lạt thực sự không cần điều đó vì Đà Nẵng, Sài Gòn, Hà Nội hay Cần Thơ sẽ là điểm đến lý tưởng hơn. Cần phải có một quy hoạch tổng thể về mô hình kinh tế cân bằng và từng bước với nhu cầu phát triển đô thị, thu nhập người dân, quy mô du lịch, sức chịu đựng và phục hồi của đô thị, môi trường đô thị, các giá trị lịch sử, di sản kiến trúc/đô thị/văn hóa/nghệ thuật, cảnh quan thiên nhiên, và hệ sinh thái.

Tôi từng có cuộc trò chuyện với nhiều kiến trúc sư và bạn bè là người nước ngoài. Họ đồng tình rằng nếu Sài Gòn được định hướng là Thượng Hải hay Singapore thứ hai thì là sự đáng tiếc, đánh mất bản thân, và có thể Sài Gòn sẽ không còn là một điểm đến hấp dẫn nếu như chúng ta muốn Sài Gòn biến thành phiên bản của một cái khác nhưng lại không bằng và đầy lỗi. Đối chiếu lên Đà Lạt sẽ thấy sự tương đương. Vì vậy, người dân chờ đợi vào sự định hướng, thực thi đúng đắn và bền vững của lãnh đạo thành phố cho mô hình phát triển Đà Lạt theo Quy hoạch 704 (tôn trọng di sản và thiên nhiên).

Cả 3 phương án đều không đem đến giá trị đích thực và bền vững cho Đà Lạt

Nếu để nhận xét về 3 phương án thiết kế, thì là:

Phương án 1 (EAIV)

Phương án 1 đưa Dinh tỉnh trưởng lên cao, các tòa nhà khách sạn, vườn thực vật, nhà hội nghị, trung tâm sự kiện, thương mại, nhà hàng… dưới chân đồi.

Thoạt nhìn, clip mô tả ý tưởng phương án này thực sự thu hút vì suy nghĩ của 3 tác giả đặt vào đây khi quan tâm đến bảo tồn Dinh tỉnh trưởng và tái tạo lại thiên nhiên ở đây. Tuy nhiên, khi triển khai lại lộ rõ sự hoài nghi. Tôi không hiểu về ý nghĩa và vai trò thực sự của công trình Dinh tinh trưởng sau khi đặt lên đỉnh của tòa nhà khách sạn, cao hơn vị trí cũ 28m. Công trình di sản này sẽ tương quan như thế nào với công trình khách sạn bên dưới và cả thành phố? Sự kết nối về không gian của nó với thiên nhiên không còn khi nó đứng trơ trọi trên một thửa đất nhỏ ở ngay đỉnh, khiến nó nhìn từ xa như một cái mũ trang trí khá khôi hài. Chưa kể vấn đề kỹ thuật xây dựng: công trình sẽ được đem đi đâu và sau đó đặt lên khi khối khách sạn bên dưới xây xong?

Đồi Dinh và thiên nhiên hiện hữu bị xóa sổ. Một hệ thiên nhiên mới được thay vào tựa như quả đồi nhân tạo nhưng chỉ là 1 phần của quả đồi đó. Phương án khá ngộ nghĩnh khi một bên là đồi xanh nhân tạo với từng lớp cây bụi như ruộng bậc thang, một bên là được chặt hẳn xuống một cách hụt hẫng. Sự đối thoại giữa con người và thiên nhiên không cao, chỉ ở lối đi bộ lên Dinh tỉnh trưởng được thiết kế hai cánh tòa nhà là con người được gần với thiên nhiên. Còn lại là hệ thống cây bụi được trồng trên những kệ theo đường đồng mức, không được tiếp cận. Một kiến trúc hay quy hoạch tốt là phải đem đến hành trình cảm xúc cho con người thông qua sự nâng cấp và thay đổi các giác quan nhưng với phương án này không có điều đó. Ngoài ra, sự duy trì hệ thực vật cũng mang đến sự hoài nghi.

Phương án 2 (HTT Group)

Phương án 2 xây tòa nhà khách sạn 6 sao, trung tâm hội nghị quốc tế… cao 10 tầng hình chữ U bọc lấy tòa nhà Dinh tỉnh trưởng. (Hình ảnh: baolamdong.vn)

Đây là phương án mà cá nhân tôi cho là không thích nhất vì nó quá bề thế, lạ lẫm, không sáng tạo. Kiến trúc của nó làm tôi nhớ đến Brookfield Place được thiết kế bởi KTS Cesar Pelli hay những Botanic Garden bên Anh với mái cong, vòm, dome bằng kính, khung sắt của thời kì Cách mạng công nghiệp.

Cá tính của toàn quần thể kiến trúc được bày ra bởi HTT Group không rõ ràng, không đương đại, cũng không bản địa. Khối Dinh bị dời sang một bên và được bao vây bởi các khối công trình mới làm mất đi tính vị thế được xây dựng bởi sự bao quát, chiếm hữu thiên nhiên và đối thoại với nó. Trong khi, cái khối mới làm cho cả tổ hợp trở nên chật chội bao lấy một sân trong được thiết kế theo lối cổ điển Pháp.

Phương án 3 (SDesign Vietnam)

Phương án 3 xây tòa nhà khách sạn, trung tâm hội nghị cánh cung ở mặt tiền Dinh tỉnh trưởng. (Hình ảnh: baolamdong.vn)

Tôi cho là phương án khá hơn vì có thể thực tế hơn. Điểm mạnh của dự án này là thấy được sự tìm tòi ngôn ngữ địa phương của nhóm thiết kế, giữ nguyên khối Dinh, cây xanh hiện hữu được quan tâm giữ lại khá nhiều. Tuy nhiên, sự kết nối và vai trò kiến trúc, đô thị của khối Dinh không được định nghĩa rõ ràng và có vị thế xứng đáng. Cả công trình cũng không xem xét đến tổng thể đô thị xung quanh.

Với những suy nghĩ trên cho hiện tại và tương lai của Đà Lạt hay cụ thể cho đồi Dinh + Dinh tỉnh trưởng, tôi tự hỏi: Tại sao chúng ta lại quá gấp gáp, thiếu thận trọng và cân nhắc khi mà quy hoạch tổng thể khu trung tâm Hòa Bình chưa thuyết phục thì lại đi thẳng đến phương án thiết kế chi tiết cho khu đồi Dinh? Việc xây dựng công trình hay hiện thực hóa quy hoạch này có thực sự có ý nghĩa với Đà Lạt không khi mà các vấn đề khác thực sự nghiêm trọng ở đây đáng được quan tâm hơn như môi trường bị hủy hoại, ô nhiễm, lũ lụt, nông nghiệp không bền vững, phá rừng, di sản bị ngược đãi và mất dần? Có phải chúng ta đang lầm đường lạc lối trên chính mảnh đất quê hương của mình? Nếu để nói về ba phương án này, chúng đều không xứng tầm cho một khu vực thế này.

Một quyết định cực đoan dẫn đến hai thái cực: sự tàn lụi cùng cực hay sự thành công rực rỡ. Nhưng một quyết định mà nội tại của chính nó bị lung lay thì sự thất bại là ngay trước mắt. Chúng ta không làm được người hùng thì cũng xin đừng làm tội nhân bởi những quyết định sai lầm ở hiện tại.

Đặng Thanh Hưng

(Kiến trúc sư, Giảng viên của trường ĐH Kiến trúc TP.HCM. Hiện đang là nghiên cứu sinh kiến trúc tại School of Art, Design, & Architecture, ĐH Huddersfield, Anh)

Đăng theo Facebook Dang Thanh Hung với sự đồng ý của tác giả. Tựa chính và phụ của bài do TTVN đặt. Vui lòng đọc bài gốc tại đây.

Xem thêm:
Đặng Thanh Hưng

Published by
Đặng Thanh Hưng

Recent Posts

Nga bắn tên lửa tầm trung, không phải ICBM — Tổng thống Putin

Trong một bài phát biểu quan trọng được phát sóng truyền hình hôm Thứ Năm,…

17 phút ago

Một ứng viên xin rút công nhận chức danh phó giáo sư năm 2024

HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…

6 giờ ago

Ông Vương Đình Huệ bị kỷ luật cảnh cáo

Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…

7 giờ ago

Ông Musk và ông Ramaswamy viết bài xã luận trên WSJ vạch ra tầm nhìn về DOGE

Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…

7 giờ ago

Kiev: Nga dùng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tấn công Ukraine

Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…

8 giờ ago

Việt Nam và Malaysia nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện

Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…

10 giờ ago