Chúng ta là kết quả của phép cộng tổng những thói quen. Khi những thói quen xấu chiếm ưu thế, chúng sẽ cản trở nghiêm trọng con đường đến với thành công của chúng ta. Cái khó là ở chỗ lũ thói hư tật xấu thật vô cùng “xảo quyệt”, chúng ngấm ngầm từ từ chiếm hữu bạn lúc nào không hay, và bạn còn không thể nhận thức được những tác hại mà chúng gây ra.
“Những sợi xích của thói quen nhẹ đến mức không cảm thấy được, cho đến khi chúng nặng tới mức không thể phá vỡ được” – tỷ phú đầu tư Warren Buffett.
Để phá bỏ những thói quen xấu cần bản thân bạn phải tự nỗ lực rất nhiều. Nhưng nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những nỗ lực ấy là hoàn toàn xứng đáng, vì sự tự chủ có mối liên hệ mật thiết với thành công.
Các nhà tâm lý học Angela Duckworth và Martin Seligman của trường Đại học Pennsylvania đã tiến hành một nghiên cứu với các sinh viên mới nhập trường. Họ đã đo lường chỉ số IQ và mức độ tự chủ của các sinh viên này. Bốn năm sau, họ đối chiếu điểm trung bình (GPA – Grade Point Average: chỉ số đánh giá năng lực học tập của học sinh sinh viên của Hoa Kỳ) của các sinh viên kia và phát hiện ra rằng sự tự chủ quan trọng hơn nhiều chỉ số IQ với những ai đạt được điểm GPA cao.
Sự tự chủ, hay có khả năng kiểm soát bản thân luôn là điều cần thiết để phát triển những thói quen tốt (và chấm dứt những thói quen xấu), cũng là nền tảng cho một đạo đức nghề nghiệp vững vàng và năng suất lao động cao. Tự chủ giống như cơ bắp vậy – bạn cần phải luyện tập hàng ngày để nó săn chắc. Hãy rèn luyện “cơ bắp” tự chủ của mình bằng cách loại bỏ những thói quen xấu, dưới đây là 10 thói quen xấu mà nhiều người hay mắc phải:
Hầu hết chúng ta không nhận ra được những tác hại nghiêm trọng của việc này tới giấc ngủ và năng suất lao động của mình. Ánh sáng xanh có bước sóng ngắn có ảnh hưởng quan trọng tới tâm trạng, mức năng lượng, và chất lượng giấc ngủ của chúng ta. Mỗi buổi sáng, ánh sáng mặt trời ngập tràn những tia sáng xanh này.
Khi mắt chúng ta tiếp xúc trực tiếp với nó, ánh sáng xanh sẽ gây ức chế sự sản xuất hoóc-môn gây buồn ngủ melatonin và khiến chúng ta cảm thấy tỉnh táo hơn. Vào buổi chiều, những tia nắng mặt trời không còn ánh sáng xanh, cho phép cơ thể người sản xuất ra melatonin và bắt đầu gây buồn ngủ. Đến tối, bộ não người không mong chờ được gặp mặt những tia sáng kia thêm chút nào và trở nên hết sức nhạy cảm với nó.
Hầu hết những thiết bị chúng ta sử dụng vào cuối ngày như máy tính xách tay, máy tính bảng và điện thoại di động phát ra ánh sáng xanh bước sóng ngắn với cường độ mạnh và hướng thẳng tới mặt của chúng ta. Sự tiếp xúc này làm suy yếu khả năng sản xuất melatonin và gây trở ngại đến khả năng đi vào giấc ngủ cũng như chất lượng giấc ngủ.
Chúng ta gần như đều đã trải nghiệm được một giấc ngủ đêm chập chờn có tác hại ghê gớm đến thế nào với sức khỏe, sự tỉnh táo, sáng tạo… của chúng ta vào ngày hôm sau. Điều tốt nhất bạn có thể làm là bỏ thói quen xấu này, tránh sử dụng các thiết bị này sau bữa tối (xem ti vi thì không hề gì nếu mọi người ngồi cách nó đủ xa).
Phải mất đến 15 phút liên tục chúng ta mới có thể hoàn toàn tập trung vào một công việc. Một khi bắt đầu tập trung, bạn sẽ rơi vào một trạng thái hưng phấn với năng suất làm việc cao, có tên gọi là trạng thái “FLOW” (dòng chảy). Nghiên cứu chỉ ra rằng ở trong trạng thái “FLOW” sẽ khiến người ta làm việc hiệu quả gấp 5 lần so với bình thường.
Khi tạm ngưng công việc vì nóng lòng muốn kiểm tra tin tức, Facebook, kết quả thể thao, hay cái gì đó có liên quan đến bản thân, thì điều đó đã “vô tình” kéo bạn khỏi trạng thái FLOW này. Điều này có nghĩa là bạn phải mất thêm một lần 15 phút tập trung liên tục nữa để vào lại được trạng thái FLOW. Nếu cứ làm việc rồi lướt web qua lại như thế với số lần đủ lớn, thì bạn sẽ lãng phí hết ngày của mình mà chẳng được trải nghiệm cảm giác “FLOW” một chút nào, hay nói cách khác, hiệu quả công việc rất thấp..
Chẳng có chuyện gì khiến người ta mất hứng hơn một tin nhắn phá bĩnh cuộc trò chuyện, hay thậm chí chỉ là một cái liếc mắt vào điện thoại. Khi bạn đang tham gia vào một cuộc đối thoại, hãy tập trung toàn bộ tinh thần vào nó. Bạn sẽ phát hiện ra rằng các cuộc nói chuyện sẽ thú vị và hiệu quả hơn nhiều khi bạn hòa mình vào cuộc hội thoại.
Thông báo đến với tần suất lớn là kẻ thù của năng suất lao động. Các nghiên cứu cho thấy rằng kiểm tra điện thoại và thư điện tử bất cứ khi nào chúng phát tín hiệu thông báo sẽ khiến cho năng suất lao động của chúng ta giảm đi đáng kể. Tưởng chừng như việc được thông báo mỗi khi có tin nhắn hay thư điện tử đến sẽ khiến bạn làm việc hiệu quả hơn, nhưng thực tế thì ngược lại.
Thay vì sẽ kiểm tra điện thoại hay máy tính ngay mỗi khi có thông báo đến, hãy gom tất cả thư điện tử/tin nhắn của bạn vào một chỗ và kiểm tra chúng vào những thời điểm định trước (ví như trả lời thư điện tử vào một khung giờ nhất định). Đây mới là cách làm việc được chứng minh là hiệu quả.
Một nghiên cứu thực hiện tại trường Đại học California ở Berkeley chỉ ra rằng thứ gì càng khó nói không, thì thứ đó lại càng có thể khiến chúng căng thẳng, mỏi mệt, và thậm chí là suy kiệt tinh lực, tất cả những điều này hủy hoại sự tự chủ của chúng ta. Học cách nói “không” thực ra là một thử thách về tự chủ quan trọng đối với rất nhiều người.
“KHÔNG” là một từ đầy sức mạnh mà bạn không nên e sợ khi sử dụng. Khi đến lúc để nói “không”, những người tinh tế sẽ tránh nói những câu như “Tôi không nghĩ là mình có thể” hay “Tôi không chắc”. Nói “không” với một cam kết mới đồng nghĩa với tôn trọng những cam kết hiện tại của bạn và cho bạn cơ hội để hoàn thành xuất sắc chúng. Hãy nhắc nhở bản thân rằng nói “không” là một hành động tự chủ giúp ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực của việc hứa hẹn quá nhiều, từ đó khiến bạn càng ngày càng tự chủ hơn trong tương lai.
Lúc nào cũng có những người hay làm chúng ta “phát điên”. Mỗi lần bạn thấy mình đang sắp sôi máu vì một đồng nghiệp hay một người nào đó, thì hãy chuyển hướng suy nghĩ đến việc biết ơn một ai đó trong cuộc đời bạn. Có rất nhiều người ở ngoài kia xứng đáng nhận được sự quan tâm của bạn, và thật phí công khi nghĩ về những người chẳng quan trọng trong khi có nhiều người khác còn quan trọng với bạn hơn.
Chắc chắc là chúng ta không nên làm điều gì đó mà không toàn tâm toàn ý, đặc biệt là trong các cuộc họp. Nếu một cuộc họp không xứng đáng để bạn tập trung chú ý, thì đáng ra bạn không nên tham dự nó ngay từ giây phút đầu tiên; và nếu cuộc họp này xứng đáng với sự chú ý của bạn, thì bạn cần thu hoạch được tất cả những điều bạn có thể thu hoạch từ nó. Làm nhiều việc trong các cuộc họp có thể làm hại bạn vì điều đó tạo ra ấn tượng rằng bạn tự cho mình là quan trọng hơn những người khác.
Những người hay ngồi lê đôi mách thường cười trên nỗi đau khổ của người khác. Có thể ban đầu bạn cảm thấy vui vẻ khi chọc ngoáy vào những sai lầm cá nhân hay trong công việc của ai đó, nhưng khi thời gian qua đi, việc đó sẽ trở nên nhàm chán, khiến bạn cảm thấy phát ngấy, và làm tổn thương người khác. Có rất nhiều những điều tích cực ở ngoài kia và có rất nhiều điều thú vị có thể học hỏi từ mọi người, vậy nên đừng lãng phí thời gian của bạn vào việc ngồi lê đôi mách về những bất hạnh của người khác. Đây là một thói quen xấu cần bỏ.
“Vĩ nhân luận bàn ý tưởng, thường nhân thảo luận sự kiện, còn tiểu nhân xì xào về con người” – Eleanor Roosevelt.
Hầu hết các nhà văn dành vô số thời gian để sáng tạo nên các nhân vật và viết kịch bản, thậm chí họ còn viết hết trang này sang trang khác những điều mà họ sẽ không bao giờ đưa vào trong cuốn sách. Họ làm vậy bởi họ biết rằng những ý tưởng cần thời gian để phát triển và hoàn thiện.
Chúng ta thường dừng lại vào đúng thời điểm phải bắt đầu vì cho rằng những ý tưởng của mình chưa hoàn hảo và rằng sản phẩm của mình chưa đủ tốt. Nhưng bạn làm sao có thể làm ra cái gì đó vĩ đại nếu không bắt đầu và để cho những ý tưởng của mình có thời gian phát triển?
Tác giả Jodi Picoult đã tóm tắt tầm quan trọng của việc tránh cầu toàn như sau: “Bạn có thể chỉnh sửa những trang viết dở, nhưng bạn không thể chỉnh sửa những tờ giấy trắng”.
Khi cảm xúc thỏa mãn và thoải mái của bạn đến từ việc so sánh bản thân với người khác, thì bạn không còn nắm giữ được hạnh phúc của chính mình nữa. Khi bạn cảm thấy mình đã làm điều gì đó tốt, thì đừng để ý kiến hay thành quả của người khác lấy điều đó đi khỏi bạn.
Nếu bạn không thể kiềm chế bản thân trước những điều người khác nghĩ về bạn, thì hãy đừng so sánh bản thân mình với người khác, lúc đó bạn sẽ luôn có thể coi nhẹ những ý kiến của mọi người. Bằng cách đó, bất kể ai đó nghĩ gì hay làm gì đều không quan trọng, lòng tự tôn của bạn đến từ bên trong. Bất kể là ai nghĩ gì về bạn vào bất kể thời điểm nào, thì một điều chắc chắn là bạn sẽ không bao giờ tốt lên hay xấu đi theo cách họ đang nói về bạn.
Hãy thực hành tự chủ để loại bỏ những thói quen xấu kể trên, bạn có thể vừa làm săn chắc cơ bắp tự chủ của mình, vừa có thể loại bỏ những thói hư tật xấu vốn đủ khả năng để từ từ nuốt chửng sự nghiệp của bạn.
Theo CNBC
Tác giả Travis Bradberry
Quốc Hùng biên dịch
Xem thêm:
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…