Thật khó có thể tưởng tượng nổi, rác thải có ở khắp nơi trên Trái Đất, từ đỉnh Everest cao nhất thế giới cho tới đáy đại dương. Một nghiên cứu mới đây đã phát hiện ra 414 triệu mảnh rác, tương đương với khoảng 260 tấn rác thải trên các bãi biển của một quần đảo xa xôi ở Ấn Độ Dương – quần đảo Cocos (Keeling).
Đây là nhóm đảo san hô duy nhất ở phía đông Ấn Độ Dương, tương đối biệt lập và không có người sống cho tới tận đầu thế kỷ 19. Người ta đã tìm thấy 977.000 đôi giày và 373.000 bàn chải đánh răng bị vứt bừa bãi ở đây, bên cạnh đó chủ yếu là chai lọ, dao kéo, túi và ống hút v.v…
Hòn đảo này có lượng người dân bản địa khá ít (chỉ khoảng 529 người sinh sống), nhưng lượt khách du lịch ghé thăm không ngừng và tác động của dòng biển đã đưa các mẩu rác lênh đênh trên Ấn Độ Dương đến trú ngụ trên đảo.
Nghiên cứu được thực hiện bởi Jennifer Lavers, một nhà sinh vật học biển từ Đại học Tasmania của Úc. Cô cho biết: “Có một điều khá hay ho là càng đi chúng tôi lại càng tìm thấy nhiều rác thải”.
Rác thải lấn chiếm 27 hòn đảo, trải dài 2.750 km từ thành phố Perth – nơi đây thu hút khách du lịch bằng lời quảng bá “thiên đường hoang sơ cuối cùng” của Úc.
Theo nghiên cứu, trong số các loại rác có thể nhận dạng, 25% là nhựa dùng một lần (ống hút, túi ni lông và bàn chải đánh răng), 60% số rác thải là mảnh vụn siêu nhỏ, nằm rải rác trên quần đảo Cocos Keeling. Không chỉ dừng lại ở đó, số lượng mảnh vỡ chôn sâu tới 10cm bên dưới bãi biển lớn gấp 26 lần số lượng có thể nhìn thấy. Cô Lavers cho biết những đánh giá về rác thải tìm được mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm.
Tất cả các đại dương trên thế giới đều đang bị ô nhiễm nặng nề do phải chứa đựng quá nhiều rác thải nhựa. Hàng năm, ước tính có khoảng 8 triệu đến 12 triệu tấn nhựa được đưa vào đại dương, trong khi đã có sẵn 150 triệu tấn rác trong môi trường biển, theo Ocean Conservancy.
Nhựa chỉ mới xuất hiện từ những năm 1950, nên không có cách nào để biết chính xác nó sẽ tồn tại bao lâu trong đại dương. Nếu không có cách xử lý, nhựa có thể tồn tại trong nước qua nhiều thập kỷ, thế kỷ, thậm chí lâu hơn.
“Nhu cầu quá lớn và không ngừng của chúng ta đối với nhựa, cùng với chính sách quản lý chất thải không hiệu quả đã dẫn đến vô số tác động tiêu cực đối với môi trường biển, nước ngọt và trên cạn, trong đó phải kể đến việc sinh vật biển bị mắc kẹt và ăn phải rác thải nhựa”, nghiên cứu cho biết.
Theo một nghiên cứu năm 2014, các đại dương chứa khoảng 5,25 nghìn tỷ mảnh nhựa, lớn hơn cả số lượng sao có trong giải ngân hà. Trong chiến dịch dọn dẹp bờ biển quốc tế năm 2017, nhóm môi trường phi lợi nhuận đã báo cáo rằng số chai nhựa họ nhặt được đủ để lấp đầy bể bơi tiêu chuẩn, còn ống hút thì đủ để đạt chiều cao hơn 10.000 cây cọ.
Giải pháp khả thi nhất là hạn chế sản xuất nhựa, đặc biệt là đồ nhựa dùng 1 lần, kết hợp với quản lý chặt chẽ việc vứt rác xuống đại dương, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân. Nếu không có những biện pháp sửa chữa từ gốc, thì việc thu gom rác thải về sau sẽ không thể mang lại hiệu quả gì lớn.
Nếu không có những thay đổi nhanh chóng và có ý nghĩa, rác thải trên bãi biển sẽ làm mất đi sự đa dạng sinh học và hủy hoại môi trường sống của nhiều loài sinh vật. Cuối cùng con người sẽ phải gánh chịu hậu quả do chính mình gây ra trong thời gian dài.
Minh Minh
Xem thêm:
Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh - Giám đốc kiêm Chủ tịch Công ty Xuyên…
Các cuộc biểu tình chống NATO và ủng hộ Palestine đã nhanh chóng bùng phát…
35 trẻ mẫu giáo và tiểu học hiện phải quay về điểm trường cũ đã…
Iran đã hiện thực cam kết mở rộng chương trình hạt nhân nhằm đáp trả…
Mưa lớn khiến một số nơi ở hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định bị…
Y học cổ truyền Trung Hoa thường nói rằng “nuôi thận là nuôi dưỡng sự…