Vào ngày 1/7, cũng là ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã có 55 vạn người Hồng Kông xuống đường biểu tình yêu cầu chính phủ hủy bỏ dự luật dẫn độ, lập kỷ lục biểu tình ngày 1/7 có số người tham gia đông nhất. Còn một nhóm thanh niên khác thì lựa chọn kháng nghị trước Hội đồng Lập pháp.
Tối ngày hôm đó, khi cảnh sát canh gác tại Hội đồng lập pháp bất ngờ “rút lui”, một nhóm người biểu tình đã nhanh chóng chiếm lĩnh Hội đồng Lập pháp. Khi ở bên trong tòa nhà, nhóm người này đã xé bỏ chân dung của các lãnh đạo Hội đồng Lập pháp và phun sơn lên tường của phòng họp chính các khẩu hiệu như “Rút lại dự luật”, “Nói Không với luật dẫn độ” và “Người dân đã bị chính quyền buộc phải nổi dậy”.
Đến sáng sớm, khi cảnh sát bắt đầu phong tỏa hiện trường thì nhóm người biểu tình đã tự động rời khỏi đó. Tuy nhiên, ngay sau đó chính phủ Hồng Kông và truyền thông Đại lục đã đồng loạt đưa tin đây là hành vi “bạo động”, chụp mũ vào nhóm thanh niên muốn giữ lấy nền tự do dân chủ của Hồng Kông.
Phóng viên Hồng Kông Ching Kris đã chứng kiến toàn bộ sự việc xảy ra ở Hội đồng Lập pháp, và đã đăng tải một bài viết dài trên trang Facebook nhằm tiết lộ sự thật về cuộc chiếm lĩnh Hội đồng Lập pháp và vạch trần việc chính phủ Hồng Kông là chính quyền ức hiếp trẻ nhỏ.
Đồng thời, cộng đồng mạng còn chia sẻ rộng rãi một bức thư “gửi đến bố mẹ” của một thanh niên tham gia vào việc chiếm lĩnh Hội đồng Lập pháp. Trong thư có viết: “Chúng con không phải là côn đồ, chúng con là nhóm người được thế hệ trước dạy dỗ một cách cẩn thận, là những người được sự yêu thương của cha mẹ nuôi nấng thành.”
“Ngày hôm nay, chúng con chiếm lĩnh Hội đồng Lập pháp cũng chỉ vì một lý do duy nhất, đó là yêu cầu chính phủ đáp lại lời thỉnh cầu của người dân.”
Toàn bộ nội dung bức thư như sau:
“Gửi đến bố mẹ,
Thưa bố, thưa mẹ, con thật lòng xin lỗi vì đã để bố mẹ phải lo lắng. Theo như hình ảnh trên tin tức phát sóng trực tiếp, con tin là bố mẹ nhất định sẽ cảm thấy rất thất vọng đối với giới trẻ Hồng Kông và nghĩ rằng vì sao các thanh thiếu niên lại trở thành côn đồ như vậy. Xin hãy để con giải thích với bố mẹ.
Vì sao chúng con phải chiếm lĩnh Hội đồng Lập pháp? Từ ngày 9 tháng 6, các cuộc biểu tình ở Hồng Kông diễn ra liên tiếp, không ít người đã phải khóc, tan nát cõi lòng. Từ đầu tới cuối, các cuộc biểu tình của chúng con chỉ vì một lý do duy nhất: hủy bỏ luật pháp tà ác.
1 triệu rồi 2 triệu người biểu tình, ngồi yên lặng ở trước Hội đồng Lập pháp, tuần hành trên tuyến đường chính ở Kim Chung, bao vây trụ sở cảnh sát và cả cơ quan chính phủ một cách hòa bình, bất cứ một phương thức ôn hòa nào chúng con cũng đã thử cả rồi. Thế nhưng, bất cứ phương thức hòa bình nào cũng không nhận được câu trả lời của chính phủ mà chỉ càng kéo dài thời gian và chịu sự tấn công bằng vũ lực của họ. Không còn cách nào khác, chính phủ ép chúng con sử dụng cách kháng cự quyết liệt hơn.
Ngày hôm nay, chúng con chiếm lĩnh Hội đồng Lập pháp cũng chỉ vì một lý do duy nhất, đó là yêu cầu chính phủ đáp lại lời thỉnh cầu của người dân.
Nghe được các phương tiện truyền thông dùng từ ‘côn đồ’ để gọi chúng con, con chỉ mong bố mẹ hiểu được rằng chúng con không phải là côn đồ. Côn đồ sẽ không trả tiền mua hàng khi cửa hàng không có người; côn đồ sẽ không đưa khẩu trang, mũ bảo hiểm cho phóng viên vì quan tâm đến sự an toàn của họ; côn đồ càng không bảo vệ văn vật lịch sử bên trong Hội đồng Lập pháp.
Côn đồ sẽ chỉ hô hào khẩu hiệu cảnh cáo, nhưng thực tế thì lại phỉ nhổ những ai bất đồng ý kiến hoặc tấn công bằng cách mạng văn hóa; làm ra những hành vi quá đáng với những người phụ nữ tay không tấc sắt; thậm chí là còn tấn công người đi đường và phóng viên. Chúng con không phải là côn đồ, chúng con là nhóm người được thế hệ trước dạy dỗ một cách cẩn thận, là những người được sự yêu thương của cha mẹ nuôi nấng thành.
Có lẽ bố mẹ nhìn thấy Hội đồng Lập pháp bị phá hoại thì trong lòng nghĩ nghĩ rằng việc phá hoại tài sản công là hành vi hung bạo. Tuy nhiên, làm sao mà một tòa nhà vô tri vô giác lại có thể so sánh với cuộc sống bị mất đi chứ.
Có 3 bạn trẻ xem Hồng Kông là nhà đã dùng cái chết để khuyên ngăn chính phủ và người dân, điều gì đã khiến họ phải từ bỏ sinh mạng tuổi trẻ quý giá của mình mà bước đến đường cùng như vậy. Mỗi lần nghe những tin tức như thế, trái tim của chúng con như tan nát, vô số đêm chúng con bị bao quanh bởi tiếng khóc, sự ra đi của họ chỉ vì tình yêu dành cho Hồng Kông mà thôi.
Không có bất cứ tòa nhà nào quý bằng sinh mạng của con người, bố mẹ cảm thán vì những tòa nhà bị phá hoại, mà lại không cảm thấy đau đớn vì những bạn trẻ đã ra đi sao? Họ chỉ là 3 người yêu Hồng Kông sâu sắc mà thôi.
Chúng con sẽ không yêu cầu bố mẹ phải đứng ra, chúng con chỉ có một nguyện vọng rất nhỏ nhoi đó là bố mẹ hãy thử hiểu các con của mình, đừng trách móc những việc làm xuất phát từ tình yêu thương của chúng con. Chỉ có sự ủng hộ của bố mẹ mới có thể khiến chúng con có thêm sức mạnh để đấu tranh vì tương lai của Hồng Kông và nền dân chủ tự do. Con xin cảm ơn bố mẹ!
Một đứa trẻ yêu Hồng Kông và xem Hồng Kông là nhà của mình.”
Quốc tế cho rằng người Hồng Kông đấu tranh bằng phương pháp hòa bình, nhưng đổi lại chỉ là chiến thuật kéo dài thời gian, thậm chí là dùng cách nổ súng để chống lại những người trẻ không có vũ trang, điều này buộc họ phải sử dụng phương pháp đấu tranh quyết liệt hơn.
Sau khi sự việc tấn công Hội đồng Lập pháp kết thúc, vào lúc 4 giờ sáng ngày 2/7, chính phủ Hồng Kông đã mở một cuộc họp báo tuyên bố vụ tấn công này là “hành vi bạo lực phạm pháp” và cho hay sẽ “truy cứu đến cùng”. Chính quyền Hồng Kông thân Trung Quốc thừa cơ yêu cầu quân đội Trung Cộng đang đóng tại Hồng Kông áp dụng giới nghiêm, quân đội cũng bắt đầu diễn tập quân sự khiến tình hình ở Hồng Kông căng thẳng leo thang.
Hiện nay, vụ việc tấn công Hội đồng Lập pháp đã làm dấy lên nhiều lo ngại từ dư luận, ngoại giới nghi ngờ phía cảnh sát cố ý sử dụng kế “vườn không nhà trống” với mục đích tạo ra cái cớ cho hành động trấn áp của chính phủ Hồng Kông.
Chính phủ Hoa Kỳ, châu Âu và Anh lần lượt lên tiếng kêu gọi Trung Quốc không được sử dụng bạo lực. Chính phủ Anh cảnh cáo Trung Cộng rằng đừng lấy sự việc nêu trên làm cái cớ để trấn áp.
Vào ngày 1/7, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết: “Chúng tôi biết rằng một nhóm người biểu tình đã xông vào Hội đồng Lập pháp Hồng Kông để phản đối dự luật dẫn độ”.
“Chúng tôi kêu gọi các bên tránh sử dụng bạo lực. Sự thịnh vượng của Hồng Kông dựa trên luật pháp và sự tôn trọng các quyền tự do cơ bản, bao gồm tự do ngôn luận và tự do biểu tình ôn hòa”.
Cùng ngày, tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát biểu về sự kiện này rằng: “Điều mà họ theo đuổi chính là nền dân chủ. Tôi cho rằng đa số mọi người đều muốn dân chủ. Thật không may là có một số chính phủ lại không muốn điều này.”
Ông còn cho hay: “Hy vọng rằng sự việc này sẽ được giải quyết. Tôi đã gặp Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc, chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện vô cùng tốt về một số điều. Chúng tôi đã thảo luận một cách ngắn gọn về Hồng Kông. Nhưng điều này thật sự khiến tôi rất buồn. Tôi ít khi thấy những cuộc kháng nghị như thế này, tôi rất buồn khi thấy tình cảnh này.”
Thanh Trúc
Xem thêm:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…