Ngày Tết không chỉ là dịp ‘cả năm có một’ để mọi người đoàn tụ với gia đình, bạn bè, mà còn là dịp thưởng thức những món ăn truyền thống nhằm cầu chúc cho một năm mới an khang, thịnh vượng.
Dưới đây là các món ăn truyền thống trong ngày Tết của các nước châu Á:
Kimchi là món ăn luôn có mặt trong mâm cơm Hàn Quốc dù là ngày tết hay ngày thường. Ngoài ra canh bánh gạo là món bắt buộc phải có trong ngày đầu năm.
Món ăn này gồm bánh (Tteok) làm từ bột gạo dùng với (guk) nước xương bò hầm, thịt bò, hành hoa. Bánh gạo được dùng để nấu canh là loại bánh gạo dạng thỏi (garaetteok) được thái vát chéo.
Bánh gạo được làm thành dạng thỏi dài mang ý nghĩa cầu mong trường thọ, còn màu trắng tượng trưng cho sự thanh khiết, với ý nghĩa giúp thanh lọc cơ thể và tâm hồn con người.
Người Hàn Quốc quây quần cùng gia đình ăn canh bánh gạo Tteokguk vào buổi sáng ngày mùng 1 với ý nghĩa đánh một dấu mốc sang tuổi mới tràn ngập hạnh phúc và ấm áp.
Gỏi cá Yusheng là món ăn mang đậm phong cách của Trung Hoa vùng Triều Châu nhưng nhưng lại là món ăn đặc trưng trong dịp lễ Tết của Singapore. Gỏi cá Yusheng gồm có: cá hồi sống thái lát thật mỏng (có thể thay thế cá hồi bằng cá thu), các loại rau củ thái sợi như đu đủ,khoai môn, bưởi, gừng, lạc rang, vừng, bột chiên nước sốt từ quả mận. Khi món dọn ra sẽ được xới tung tất cả lên càng cao càng tốt nhưng không được làm rơi ra ngoài và hô “lohei” có nghĩa là “trộn đều” hay “thịnh vượng” rồi trộn tiếp với sốt trước khi thưởng thức.
Trong ngày Tết, món ăn không thể thiếu của người Philippines là bánh Tikoy. Bánh được làm từ gạo nếp trộn mỡ lợn, đường, nước, nhúng vào trứng gà rồi chiên. Món ăn này mang ý nghĩa gắn bó tình cảm gia đình. Tất cả thành viên trong nhà cùng ngồi ăn bánh trong ngày mùng 1 để cầu mong cả năm gia đình luôn đầm ấm, đoàn kết, hạnh phúc.
Lễ mừng năm mới ở Ấn Độ cũng phụ thuộc vào các truyền thống diễn ra ở từng vùng khác nhau.
Ví dụ, vào ngày này, cư dân miền Bắc trang trí bằng các loại hoa màu sắc khác nhau, phổ biến nhất là các màu hồng, đỏ, tím hoặc trắng. Trong khi đó, ở miền Nam, lễ mừng năm mới nhất định phải có một mâm quả. Buổi sáng, trẻ em nhắm mắt lại chờ người lớn dẫn đến mâm quả để chúng có thể thưởng thức hương vị của món ăn truyền thống này. Tuy nhiên, điểm chung đặc biệt chính là mâm cỗ mừng năm mới trong các gia đình Ấn Độ không thể thiếu món ăn truyền thống là beriane (cơm trộn thịt).
“Osechi ryori” là bữa ăn mà hầu hết người Nhật Bản dùng vào đầu năm mới. Ý nghĩa gốc của món Osechi ryori chính là bữa ăn này giúp cho những người nội trợ (và gia đình họ) sống sót qua những ngày đầu tiên của năm mới, khi những cửa hàng trên khắp Nhật Bản đều đã đóng cửa. Các thực phẩm để làm món Osechi có thể được chuẩn bị sẵn và để ở nơi thoáng mát trong vòng vài ngày mà không bị hư hỏng. Thông thường nhất, mọi thứ thường được đựng thành từng lớp trong các hộp sơn mài và có nhiều ngăn.
Sủi cảo được làm với vỏ bằng bột mì, nhân sủi cảo là thịt hoặc rau trộn lẫn với nhau. Hình dáng của sủi cảo tượng trưng cho sự may mắn. Sủi cảo hình bán nguyệt, viền bánh phải được viền cho đều gọi là “viền phúc”. Còn kéo hai đầu của hình bán nguyệt nối liền với nhau giống như một nén bạc để cầu mong cho cuộc sống tiền bạc dư dả, sung túc.
Ngoài ra, sủi cảo còn được người ta in hình bông lúa mì trên vỏ bánh với mong ước một năm trồng trọt bội thu. Chính vì vậy, sủi cảo trước kia là món ăn truyền thống trong ngày Tết của người Trung Quốc và đến nay nó đã trở thành món ăn quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày.
Món ăn truyền thống trong ngày Tết ở Lào là món “lạp”. Theo ngôn ngữ của nước này, lạp có nghĩa lộc. Theo nhiều chuyên gia văn hóa Lào thì lạp được xem như là “linh hồn” của người Lào trong năm mới. Người ta có thể tặng nhau món lạp thay lời chúc may mắn đầu năm. Gia đình nào nhận được nhiều món này thì hy vọng năm mới sẽ có nhiều tài lộc. Lạp ở đây thường được làm bằng thịt gà hay thịt bò tươi, sau đó đem trộn với gia vị. Người Lào thường ăn lạp với xôi nóng.
Bánh chưng là một loại bánh truyền thống của dân tộc Việt nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời. Đây là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của người Việt Nam.
Theo truyền thuyết Lang Liêu, bánh chưng hình vuông tượng trưng cho đất. Do đó, bánh chưng được bày biện trong mâm cỗ 3 ngày Tết để tỏ lòng biết ơn đến trời đất. Cũng theo truyền thuyết này, bánh chưng chính là tấm lòng Lang Liêu dâng lên vua cha nên bánh chưng còn thể hiện sự hiếu thảo của con cái dành cho cha mẹ. Cứ đến 27-28 Tết, cả gia đình sẽ gói bánh chưng và quay quần bên bếp lửa đặt nồi bánh. Sau một năm vất vả, cả nhà cùng ngồi trông nồi bánh chưng, tâm sự trải lòng, đây thực sự là giây phút ấm lòng nhất trong những ngày cuối năm.
Còn bánh dày hình tròn tượng trưng cho mặt trời. Dân tộc Việt Nam ta là văn hóa lúa nước, làm ăn sinh sống đều được mẹ thiên nhiên che chở rất nhiều. Chính vì vậy bánh chưng bánh dày đã xuất hiện ở mâm cỗ thờ từ rất lâu, thể hiện sự biết ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu đem lại cuộc sống ấm no cho con người.
Minh Minh
Xem thêm:
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…