Cách trường mẫu giáo ở Mỹ dạy “trẻ bướng bỉnh” khiến người Hoa thán phục

Một nhà giáo dục mẫu giáo gốc Hoa đã đăng tải một bài viết về cách người Mỹ dạy “trẻ bướng bỉnh” thu hút sự chú ý của rất nhiều người.

Tác giả viết:

Khi vừa đến Mỹ để học về giáo dục mầm non, tôi quyết tâm trở thành một giáo viên mầm non hòa ái dễ gần mà ai cũng yêu quý.

Lúc đi thực tập, tôi luôn nở nụ cười trên môi, dùng thái độ hòa nhã để đối xử với tất cả các em nhỏ. Khi trò chuyện cùng các bé, tôi cũng ngồi thụp xuống, cố gắng hết sức để cùng tầm nhìn với các bé. Ngoài ra, tôi còn nắm bắt mọi cơ hội để cùng trẻ chơi đùa để trở nên thân thiết hơn.

Không ngờ chẳng những các bé không nghe lời tôi, mà còn dần trở nên “khó bảo”, hoàn toàn xem nhẹ những yêu cầu mà tôi đặt ra.

Không lâu sau, giáo viên chủ nhiệm gọi tôi đến nói chuyện và chia sẻ rằng tôi không được dễ dãi với các bé như vậy, có rất nhiều “quy tắc” mà tôi chưa chấp hành tốt, khi cần nghiêm khắc mà vẫn mỉm cười khiến trẻ không có cảm giác bị giới hạn, như vậy sẽ không tốt cho việc dạy trẻ.

Nghe xong, tôi bàng hoàng, chẳng phải giáo viên Mỹ quan niệm “tự do bình đẳng” ư? Dần dần tôi mới nhận ra là sự “tự do bình đẳng” mà người Mỹ nói đến được xây dựng dựa trên quy tắc rõ ràng, công bằng, chính đáng và hợp lý, mà gốc rễ của các quy tắc đã bắt đầu từ giai đoạn mầm non rồi.

Các giáo viên Mỹ có rất nhiều quy tắc và rất chi tiết, hoàn toàn khác xa với những gì mà tôi nghĩ. Trong 2 năm ở Mỹ, tôi đã thay đổi 4 nơi thực tập, dù là trường mẫu giáo hay tiểu học, khi khai giảng, các giáo viên chủ nhiệm của tôi đều sẽ nghiêm túc giảng về các “quy tắc” trong lớp học.

Lớn thì là những quy tắc về hành vi thường thấy như không được đánh bạn, mắng bạn, làm hỏng đồ vật, nhỏ thì là cách rửa tay, cách ngồi khi tập hợp nhóm (ý chỉ khi một nhóm các bé ngồi thành vòng tròn cùng tham gia hoạt động nào đó), lễ phép trên bàn ăn, cách sắp xếp các món đồ chơi v.v…

(Ảnh: Shutterstock)

Xem trọng mức độ của các quy tắc

Vài tuần hoặc 1-2 tháng khi mới khai giảng, giáo viên sẽ dành nhiều thời gian để giảng giải cho học sinh, làm mẫu các quy tắc, thậm chí hủy bỏ hoặc dời những hoạt động trên lớp đã sắp xếp từ trước để họp lớp, cho các bé thảo luận và suy ngẫm về một số hành vi không tốt.

Khi tôi thực tập dạy lớp 2 trường công lập ở Mỹ, trong vài tuần đầu, giáo viên chủ nhiệm hoàn toàn không dạy “môn chính”, nhưng lại dành rất nhiều thời gian để “lập quy tắc”. Ví dụ như cả lớp tập cách đi trên cầu thang, tập cho đến khi không còn bạn nào nhìn qua nhìn lại hoặc phát ra âm thanh kỳ lạ nữa. Giáo viên ra khẩu hiệu, mỗi em phải dừng mọi việc đang làm, yên tĩnh chăm chú nhìn giáo viên. Khi học sinh đứng dậy khỏi chỗ ngồi thì phải tập cách kê lại ghế một cách nhẹ nhàng.

Cũng chính giáo viên chủ nhiệm nói với tôi rằng quy tắc là để đảm bảo sự tự do. Ví dụ như mỗi cá nhân đều tuân thủ quy tắc nói chuyện, nghiêm túc lắng nghe, lần lượt phát biểu, không ngắt lời, không chen ngang thì mới có một môi trường an toàn để mọi người được nói, nhờ đó mà sẽ tạo ra một lớp học sôi nổi thật sự cũng như rèn luyện tinh thần dân chủ.

(Ảnh: Shutterstock)

Dạy bằng thực tiễn tốt hơn lời nói

Đối với một số quy tắc ứng xử nhỏ, các giáo viên Mỹ sẽ tự thực hiện, giảng cho học sinh từng điều một đến nơi đến chốn. Điều này vô cùng quan trọng đối với các bé nhỏ, dù có nghe nhiều, nhớ nhiều cũng không bằng hành động thực tế.

Ví dụ như có một giáo viên từng dùng thời gian ngồi thành vòng tròn để dạy cho các bé cách dùng đồ gọt bút chì cũng như gọt bút chì đến đâu thì được. Một giáo viên khác thì liên tục thực hiện cách xin thức ăn thêm một cách lịch sự khi ăn cùng học sinh: “Thưa…, vui lòng chuyển rau trộn cho tôi được không?”, “Xin cảm ơn!”, đồng thời cũng dạy cho học sinh các phết mứt lên bánh mì sao cho đều, cách dùng nĩa để ăn trứng chiên, thậm chí còn diễn cảnh bị nghẹn do vừa ăn vừa nói chuyện.

Cùng lúc với việc lập ra các quy tắc, giáo viên Mỹ cũng hết sức chú trọng đến việc để trẻ hiểu mục đích và lý lẽ của các quy tắc, chứ không nhồi vào đầu trẻ, ép trẻ phải chấp hành.

Đồ chơi chơi xong phải sắp xếp là vì giữ cho lớp học gọn gàng, như vậy mới có đủ không gian để thực hiện các hoạt động khác; sữa bị đổ ra nền nhà phải nhanh chóng lau sạch, nếu không người khác giẫm phải sẽ bị ngã; trong lúc tự học phải yên lặng vì tiếng nói chuyện có thể sẽ làm phiền các bạn khác; khi hắt hơi phải che mũi lại bằng tay, nếu không sẽ lây cho người khác…

Đối với các bé lớn hơn thì các giáo viên sẽ hướng dẫn các em thảo luận về các chủ đề như “lớp chúng ta cần quy tắc gì” cũng như “vì sao phải cần những quy tắc này”. Ví dụ như một giáo viên lớp lá đầu tiên sẽ cho các bạn nghĩ ra một “quy tắc lớp học”, vẽ ra bằng bút rồi chia sẻ suy nghĩ của mình với cả lớp, mọi người sẽ tập trung thảo luận, thông qua chọn lọc để cùng hoàn thành quy tắc của lớp.

Cách làm này giúp trẻ không chỉ hiểu được “tính hợp lý” của các quy tắc, mà còn vì các quy tắc là do tự các em đề ra, nên các em sẽ tự giác chấp hành hơn.

(Ảnh: Shutterstock)

Vi phạm quy tắc thì phải chịu hậu quả

“Hậu quả” không phải là “hình phạt”, mà là kết quả tất yếu hoặc hành vi bù đắp khi làm sai.  Đến giờ ăn cơm mà không ăn thì hậu quả chính là quá giờ rồi không được ăn cơm nữa, phải chịu đói; vứt đồ chơi lung tung không tìm thấy, hậu quả là không có gì để chơi; trong lúc cả lớp tập hợp thành vòng tròn để thảo luận mà tùy tiện ngắt lời, nói chuyện riêng, hậu quả chính là phải ra khỏi vòng; làm hỏng sách thì hậu quả là phải dán lại bằng băng keo.

Khi yêu cầu trẻ chịu trách nhiệm, giáo viên Mỹ ít khi lớn tiếng, càng không đánh mắng, thường sẽ nói với giọng ôn hòa, nhưng thái độ thì vô cùng kiên quyết, sẽ không vì trẻ quấy khóc mà nương nhẹ với trẻ, cũng sẽ không bỏ qua với lý do “trẻ quá nhỏ, chưa hiểu chuyện”.

Khi tôi thực tập tại lớp mầm của một trường mẫu giáo khác, các bé trong lớp chỉ mới tròn 3 tuổi, có một bé trai rất hoạt bát và nghịch ngợm. Trong một lần ăn cơm, có lẽ do cảm thấy chơi rất vui nên đột nhiên bé ném chiếc bánh có hình động vật trong hộp cơm xuống đất khiến cho cả lớp bật cười, bản thân bé cũng không nghĩ là mình làm sai mà còn cười rất vui.

Tôi nghĩ là cô chủ nhiệm sẽ bước đến nghiêm khắc dạy dỗ bé, không ngờ sau khi các bé cười xong, cô ấy chỉ nhẹ nhàng nói: “Sau khi ăn xong con hãy đi lấy chổi quét sạch. Các bạn khác khi đi ngang qua phải chú ý”. Đến khi ăn xong thì thấy bánh ở dưới đất có phần còn nguyên, rất dễ nhặt lên được, còn có phần thì đã bị giẫm thành bột. Cô giáo đã chuẩn bị sẵn chổi và đồ hốt rác dành cho em bé và dạy cho cậu bé cách quét nhà.

Ban đầu cậu bé muốn trốn, nhưng cô giáo nói rằng nếu không quét xong thì không được tham gia hoạt động tiếp theo. Thế là với sự giúp đỡ của cô giáo, cậu bé vừa quỳ dưới đất quét chầm chậm, vừa lén nhìn các bạn khác đang chơi đồ chơi. Việc này có xảy ra thêm 3-4 lần nữa, cô giáo này không hề mắng hay quát cậu bé, nhưng cũng chưa từng bỏ qua, lần nào cũng yêu cầu bé quét cho xong rồi mới được đi chơi. Dần dần, cậu bé không còn tùy tiện vứt đồ xuống đất nữa.

(Ảnh: Shutterstock)

Yêu thương cần lý trí, bao dung cần giới hạn

Những việc nhỏ nhặt nêu trên đây khiến tôi nghĩ đến rất nhiều bậc phụ huynh và ông bà ở Trung Quốc.

Khi trẻ làm sai, đầu tiên là ông bà sẽ nhận lỗi và giành chịu trách nhiệm thay cho cháu; còn có rất nhiều bố mẹ trẻ sợ dạy dỗ phiền phức nên cứ thế mở một mắt nhắm một mắt, bỏ qua cho trẻ cũng như tránh phiền cho chính mình.

Việc này có thể nhất thời tránh được mâu thuẫn, trên thực tế thì đã tước đi cơ hội học hỏi của con trẻ. Về lâu dài thì cũng chỉ làm tăng thêm phiền phức cho việc dạy con sau này của bố mẹ.

Giáo dục gia đình là nền tảng của giáo dục, còn giáo dục trong giai đoạn mầm non có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời trẻ. Vì vậy, việc giáo dục trong gia đình đối với trẻ trước độ tuổi đến trường lại càng trở nên quan trọng. Các bậc cha mẹ hãy đưa ra giới hạn hành vi rõ ràng đối với trẻ nhằm giúp các bé nhận thức đúng sai, cần bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt trong đời.

Minh Ngọc (Theo Secretchina.com)

Xem thêm:

Minh Ngọc

Published by
Minh Ngọc

Recent Posts

Một huyện của tỉnh Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại

Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…

17 giây ago

Hiện tượng hiếm: Nước biển dâng cao tràn vào nội thành tại nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…

9 phút ago

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM bị khởi tố

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…

18 phút ago

Vụ án UFO lớn nhất Trung Quốc: 3 lần mất tích bí ẩn

Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…

28 phút ago

Ông Kim Jong Un cáo buộc Hoa Kỳ gây căng thẳng, cảnh báo về chiến tranh hạt nhân

Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…

34 phút ago

Thượng nghị sĩ Mike Rounds giới thiệu dự luật xóa bỏ Bộ Giáo dục Hoa Kỳ

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…

1 giờ ago