Một số thói quen tiết kiệm tiền có vẻ hợp lý sau này có thể âm thầm làm cạn kiệt ví tiền của mọi người. (Shutterstock)
Một số thói quen tiết kiệm tiền tưởng chừng như khôn ngoan nhưng hóa ra lại âm thầm làm rỗng túi. Từ mua sắm số lượng lớn đến các sản phẩm chăm sóc da hàng hiệu, mọi người rất dễ bị cám dỗ bởi những sản phẩm tưởng chừng như tiết kiệm chi phí hoặc nổi tiếng, dẫn đến chi tiêu quá mức.
Sau đây là những ‘cái bẫy tiết kiệm’ gây ngạc nhiên nhất theo các chuyên gia tài chính do Gobankingrate tổng hợp. Các chuyên gia cũng đang tìm cách điều chỉnh thói quen sống để đạt được tiết kiệm bền vững.
Việc mua hàng số lượng lớn thoạt nhìn có vẻ hợp lý, vì bạn có thể mua được nhiều hơn với số tiền ít hơn. Tuy nhiên, Caleb Wood-Dagget, người sáng lập kiêm cố vấn tài chính tại Commonwealth Strategy Advisors (California), chỉ ra rằng nhiều người đang lãng phí tiền vào hình thức này mà không hề nhận ra.
Ông nói: “Mua số lượng lớn một sản phẩm với giá chiết khấu có vẻ hấp dẫn, nhưng nếu một nửa trong số đó hết hạn sử dụng hoặc không dùng đến, thì thực chất bạn chẳng tiết kiệm được gì cả”.
“Cuối cùng, bạn chỉ đang từ từ lãng phí tiền bạc, chứ không phải tiêu một lần rồi thôi”.
Melanie Musson từ trang web InsuranceProviders.com bổ sung rằng, bạn không nên cho rằng một sản phẩm rẻ hơn chỉ vì nó được đóng gói lớn.
Cô Musson nói: “Bạn cần xem xét giá trên từng đơn vị và so sánh với giá của các gói nhỏ”.
Các thương hiệu cao cấp thường hứa hẹn sử dụng thành phần chất lượng cao hoặc tính năng tiên tiến, nhưng đôi khi những sản phẩm thay thế với giá cả phải chăng cũng mang lại hiệu quả tương tự.
Musson cho biết:
“Không có công thức chăm sóc da thần kỳ nào cả, các loại mỹ phẩm thường chứa nhiều thành phần giống nhau. Nếu bạn so sánh một lọ kem dưỡng da giá 100 đô với một lọ giá 10 đô mà thành phần giống nhau, thì chắc chắn hiệu quả cũng tương đương. Chọn loại rẻ hơn sẽ giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều”.
Bay với các hãng hàng không giá rẻ có vẻ là một lựa chọn hợp lý, nhưng khi tính cả các khoản phí ẩn, bạn có thể không tiết kiệm được gì.
Giáo sư Michele Frank từ Trường Kinh doanh Đại học Miami nói:
“Mặc dù các hãng hàng không giá rẻ có giá vé thấp hơn, nhưng họ có thể tính phí chọn chỗ ngồi, bữa ăn, hành lý xách tay, thậm chí cả phí in thẻ lên máy bay”.
Những khoản phí này khi cộng lại có thể khiến bạn mất đi mức giá ưu đãi mà bạn tưởng rằng mình nhận được. Frank cũng cho biết thêm rằng các hãng hàng không giá rẻ thường có ít máy bay và tuyến bay hạn chế, thường chỉ bay vào những ngày nhất định trong tuần. Điều này có nghĩa là nếu chuyến bay bị hủy, bạn có thể phải chờ vài ngày mới có chuyến khác – và nếu phải ở khách sạn thêm vài đêm thì chi phí chuyến đi có thể tăng thêm vài trăm đô. Do đó, cần tính toán kỹ tất cả những chi phí này.
Các khoản vay lãi suất cao có thể âm thầm làm tăng chi phí. Một cái bẫy phổ biến là không thể thanh toán toàn bộ dư nợ mỗi tháng, khiến số tiền lãi vượt xa bất kỳ lợi ích nào bạn có thể nhận được.
Chuyên gia tiêu dùng và tiết kiệm Andrea Woroch nói: “Nếu bạn đang định mua một món hàng lớn mà không đủ tiền mặt, hãy cân nhắc tìm các chương trình trả góp 0% lãi suất từ các cửa hàng lớn, hoặc tìm một thẻ tín dụng mới cung cấp ưu đãi 0% lãi suất kèm hoàn tiền để hỗ trợ trả nợ. Nhưng hãy đảm bảo bạn có thể trả hết nợ trước khi chương trình khuyến mãi lãi suất 0% kết thúc”.
Các sản phẩm không có thương hiệu (nhãn hàng riêng của siêu thị) như thực phẩm, thuốc và đồ gia dụng thường có chất lượng tương đương với các thương hiệu nổi tiếng, nhưng giá lại rẻ hơn nhiều.
Andrea Woroch cho biết: “Ví dụ, nếu bạn kiên trì sử dụng thuốc không thương hiệu, bạn có thể tiết kiệm được 30% chi phí thuốc không kê đơn. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) yêu cầu các loại thuốc không thương hiệu – bao gồm cả thuốc không kê đơn – phải có hiệu quả và độ an toàn tương đương với thuốc có thương hiệu, nhưng giá thành thì rẻ hơn rất nhiều”.
Gói dữ liệu không giới hạn có thể mang lại cảm giác yên tâm, nhưng nếu bạn chỉ dùng chưa đến 15GB mỗi tháng thì có thể bạn đang chi trả quá mức.
Theo báo cáo của Mint Mobile, 76% người Mỹ sử dụng gói dữ liệu không giới hạn, nhưng trong số đó có đến 63% mỗi tháng không dùng hết 15GB.
Một nghiên cứu của WhistleOut phát hiện rằng, trung bình mỗi hộ gia đình Mỹ lãng phí khoảng 1.500 đô la mỗi năm vì sử dụng gói dữ liệu không phù hợp.
Woroch giải thích: “Điều này có thể là do ngày càng có nhiều doanh nghiệp và cửa hàng bán lẻ cung cấp Wi-Fi miễn phí. Giờ đây, người tiêu dùng thường xuyên dùng Wi-Fi tại nhà, nơi làm việc và cả khi đang di chuyển”.
“Bạn nên kiểm tra mức sử dụng dữ liệu thực tế của mình và xem nhà cung cấp dịch vụ hiện tại có gói nào phù hợp hơn không — điều đó sẽ giúp bạn không phải lãng phí tiền vào hóa đơn hàng tháng nữa”.
Lý Ngọc theo Epoch Times
Hôm thứ Hai (14/7), phán quyết của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã mở…
Ông Trump cho biết, ông thường xuyên nói chuyện với nhà lãnh đạo Điện Kremlin…
TP. Hà Nội đang nghiên cứu hỗ trợ thu đổi khoảng 450.000 xe máy xăng…
Nếu bạn đã từng kết thúc một ngày dài với cảm giác như đôi vai…
Từ ngày 18/12/2025, Hà Nội dự kiến sử dụng hệ thống camera AI để điều…
Sáng 15/7, người dân ở Quảng Ngãi và Đà Nẵng ghi lại vệt sáng lạ…