Nếu không được phẫu thuật kịp thời, cậu bé Aslan có thể phải đối mặt với nguy cơ tử vong. Cộng đồng mạng đã chung tay quyên góp số tiền khổng lồ 280.000 USD và khiến Đại sứ quán Mỹ ở Pakistan chú ý đến trường hợp của cậu bé.
Cậu bé Aslan Tirmizi (4 tuổi, sống ở Pakistan) bị mắc hội chứng heterotaxy, một tình trạng bệnh bẩm sinh hiếm gặp gây ảnh hưởng đến sự sắp xếp và hình thành nhiều cơ quan nội tạng. Bệnh nhân mắc hội chứng heterotaxy thường bị khó thở và khó tiêu hóa thức ăn. Căn bệnh này làm suy yếu khả năng vận động và gây tổn hại đến hệ thống miễn dịch của cậu bé. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong. Nếu muốn sống sót, bé Aslan cần được phẫu thuật tim ở Bệnh viện Nhi đồng Boston (Massachusetts, Mỹ) càng sớm càng tốt.
Điều đáng buồn là gia đình cậu bé không thể tự lo liệu được khoản chi phí phẫu thuật lên tới 280.000 USD. Cô Namrah Jalil – mẹ của bé Aslan đã đăng thông tin quyên góp lên mạng với hy vọng thế giới sẽ giúp đỡ con trai mình.
Số tiền quyên góp nhanh chóng tăng lên, mọi người trên khắp thế giới đều cầu nguyện cho cậu bé 4 tuổi sớm khỏi bệnh. Khi đã góp đủ 280.000 USD, bé Aslan được lên lịch điều trị vào ngày 1/9 ở Boston.
Nhưng ngay sau đó, một trở ngại lớn hơn xuất hiện: Gia đình cô Jalil không được cấp thị thực để nhập cảnh vào Mỹ. Thị thực Hoa Kỳ đối với điều trị y tế thuộc loại B-2 hoặc thị thực du khách không nhập cư yêu cầu phải có thư xác nhận của bác sĩ và đương đơn phải chứng minh tài chính để đảm bảo việc trang trải chi phí y tế. Thời gian xét duyệt thông thường đối với thị thực của người Pakistan có thể mất đến 350 ngày. Tuy nhiên, trong trường hợp khẩn cấp, người nộp đơn vẫn có quyền yêu cầu xử lý nhanh đơn.
Khi đại dịch bùng phát, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Pakistan đã giảm số lượng thị thực không nhập cư mà họ cấp cho người Pakistan. Tháng 5/2019 chỉ có 53 thị thực được cấp, tháng 6 có 33 thị thực. Đến tháng 5/2021 cũng chỉ có 13 thị thực, tháng 6 có 4 thị thực. Trang web của đại sứ quán cũng thông báo rằng lãnh sự quán nhận được ít cuộc hẹn xin thị thực hơn trước rất nhiều.
Lần đầu tiên xin thị thực, cậu bé Aslan bị từ chối vì việc chuyển tiền đến Bệnh viện Nhi đồng Boston vẫn chưa được hoàn tất. Sau khi bệnh viện nhận được khoản thanh toán vào ngày 29/7, cô Jalil đã nộp đơn xin lại thị thực khẩn cấp nhưng tiếp tục bị từ chối.
Cô Jalil không biết tại sao gia đình mình liên tục bị từ chối. Cô đã đăng lên mạng xã hội để hỏi, đồng thời nộp lại đơn yêu cầu cấp giấy phép cho trường hợp điều trị y tế khẩn cấp. Cô kiên trì kêu gọi trên Twitter và các nền tảng khác với hy vọng những dòng chữ của mình đến được với đại sứ quán.
Cô Jalil cho biết: “Chúng tôi nhận được thư trả lời tự động nói rằng trường hợp của chúng tôi đang được xử lý hành chính và chúng tôi phải đợi trong 180 ngày. Chúng tôi phát hoảng vì Aslan đang ốm lắm rồi”.
Sự kêu gọi của Jalil cuối cùng cũng có kết quả, tổng giám đốc bộ ngoại giao Pakistan đã liên hệ với gia đình cô và nói rằng sẽ chú ý đến trường hợp của bé Aslan tại Đại sứ quán Hoa Kỳ.
Tuy vậy gia đình cô Jalil vẫn “đứng ngồi không yên” vì cuộc hẹn xin thị thực thường mất vài tháng để hoàn tất. Họ sợ rằng bé Aslan không còn nhiều thời gian, chuyến đi đến bệnh viện Boston sẽ bị hủy bỏ.
Vào ngày 23/8, đại sứ quán đã liên lạc với Jalil, yêu cầu cô cung cấp thêm tài liệu để xác minh các chi tiết về trường hợp của bé Aslan. Ngày hôm sau, họ nhận được thông báo thị thực đã được thông qua. Cô Jalil nói: “Tôi hạnh phúc và choáng ngợp đến mức tôi đã quên thực hiện nghi lễ rửa tội trước khi cầu nguyện để cảm ơn Chúa. Tôi không thể ngừng mỉm cười khi cầu nguyện, tôi còn quên mất những lời cầu nguyện của mình”.
Gia đình bé Aslan mang theo biết bao hy vọng khi đến Mỹ. Không chỉ người thân mà cả thế giới đều đang cầu nguyện cho ca phẫu thuật sẽ thành công tốt đẹp và cậu bé 4 tuổi có thể khỏe mạnh trở về quê nhà.
Minh Minh (Theo Vice)
Xem thêm:
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…