"Dạy dỗ bằng giọng điệu nhẹ nhàng" giúp nuôi dưỡng những đứa trẻ tự tin. (Ảnh minh họa: Shutterstock)
Dạy con bằng giọng điệu nhẹ nhàng giúp nuôi dưỡng những đứa trẻ tự tin. Đó là món quà quý giá nhất mà cha mẹ có thể dành cho con.
Ngày nay, nhiều bậc cha mẹ phải chịu áp lực lớn từ công việc và cuộc sống, nên khi nuôi dạy con họ dễ dàng mất kiểm soát cảm xúc, quát mắng trẻ một cách dữ dội. Chẳng hạn khi gặp vấn đề trong công việc, chịu áp lực từ cấp trên hoặc khi con có kết quả học tập không tốt, họ có thể trút giận lên con cái.
Tuy nhiên, quát mắng không giúp cải thiện sự giao tiếp giữa cha mẹ và con cái, cũng không có tác dụng giải quyết vấn đề. Ngược lại, nó còn ảnh hưởng đến trí tuệ và cảm xúc của trẻ. Các nhà khoa học và chuyên gia tâm lý sau khi nghiên cứu đã phát hiện rằng những đứa trẻ lớn lên trong môi trường thường xuyên bị quát mắng có nguy cơ phát triển tính cách méo mó, chỉ số IQ trung bình thấp hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Hơn nữa, nếu phải chịu đựng tiếng quát tháo trong thời gian dài, tinh thần của trẻ cũng trở nên bất ổn.
Các bậc cha mẹ thường vô thức quát mắng con cái vì khi tâm trạng không tốt họ khó có thể đặt mình vào vị trí của trẻ để thấu hiểu. Họ cảm thấy mình có quyền kiểm soát con cái, lo cho con từ cái ăn đến chỗ ở, nên khi tức giận và muốn trút bỏ áp lực thì việc quát mắng con dường như trở thành một hành động dễ dàng hơn.
Khi trẻ mắc lỗi, nhiều bậc cha mẹ không tìm cách giải quyết vấn đề một cách hợp lý nhưng lại mong muốn con hành động theo ý mình. Vì vậy, đối với họ, quát mắng thường trở thành phương pháp nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Có người từng nói vui rằng: Bạo lực gia đình chỉ có hai dạng – một lần duy nhất hoặc vô số lần. Quát mắng trẻ cũng vậy, hoặc chỉ xảy ra một lần, hoặc sẽ lặp đi lặp lại mãi mãi. Một khi cha mẹ đã hình thành thói quen quát tháo thì rất khó để thay đổi hành vi này.
Khi cha mẹ quát mắng con, trẻ sẽ bị thiếu hụt nghiêm trọng cảm giác an toàn. Trong khi đó, cảm giác an toàn chính là yếu tố cốt lõi giúp trẻ xây dựng sự tự tin và phát triển một tính cách lạc quan. Nếu cha mẹ không thể mang lại sự an tâm cho con, mối quan hệ giữa hai bên sẽ dần thay đổi: ban đầu, trẻ có thể cố gắng làm hài lòng cha mẹ, nhưng khi lớn lên chúng có xu hướng phản kháng một cách mạnh mẽ.
Nếu cha mẹ không thể kiểm soát việc quát mắng con nhưng luôn cảm thấy hối hận sau đó, vậy làm sao để thay đổi tình trạng này?
Trước tiên, cha mẹ cần hiểu rằng quát mắng gây tổn thương sâu sắc đến con trẻ. Chỉ khi nhận thức rõ điều này, họ mới có thể thay đổi thái độ và tìm cách giải quyết vấn đề hiệu quả hơn.
Trước khi đưa ra lời phê bình, cha mẹ cần bình tĩnh và ổn định cảm xúc, tránh để những vấn đề khác trong cuộc sống ảnh hưởng đến tâm trạng khiến con trở thành nơi trút giận.
Khi cảm thấy tức giận đến mức khó kiềm chế, cha mẹ có thể thử hoãn lại đến ngày hôm sau để giải quyết vấn đề. Điều này có một lợi ích lớn: sau một giấc ngủ chúng ta thường nhận ra rằng thực ra vấn đề không nghiêm trọng như ta nghĩ ban đầu.
“Giáo dục bằng giọng điệu nhẹ nhàng” là phương pháp trái ngược hoàn toàn với quát mắng.
Nhiều bậc cha mẹ thường bất lực khi thấy con không nghe lời. Dù là cố gắng thuyết phục bằng lời nói liên tục hay quát tháo ra lệnh, trẻ vẫn có thể phớt lờ hoặc không để tâm.
Trong trường hợp này, nếu cha mẹ quát mắng khi trẻ phạm sai lầm thì không chỉ không mang lại hiệu quả mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển tính cách và sức khỏe tinh thần của trẻ. Đây chính là lúc chúng ta nên cân nhắc chuyển sang phương pháp giáo dục bằng giọng điệu nhẹ nhàng để đạt được kết quả tốt hơn.
Các nhà khoa học và tâm lý học đã nghiên cứu về cách giọng điệu ảnh hưởng đến việc truyền đạt thông điệp. Họ phát hiện rằng, khi xử lý cùng một vấn đề, cách nói chuyện với giọng điệu khác nhau sẽ mang lại kết quả khác nhau. Vì vậy, khi dạy dỗ con cái, việc sử dụng giọng điệu nhẹ nhàng sẽ giúp trẻ tiếp thu tốt hơn.
Lý do là:
– Giọng điệu nhẹ nhàng giúp duy trì lý trí và ổn định cảm xúc: Khi cha mẹ nói chuyện với giọng điệu ôn hòa, họ sẽ giữ được sự bình tĩnh, đồng thời giúp giảm bớt sự phản kháng từ trẻ, tạo điều kiện để giao tiếp hiệu quả hơn.
– Giọng điệu nhẹ nhàng khiến trẻ tập trung và tránh căng thẳng leo thang: Khi cha mẹ phê bình con bằng giọng điệu nhẹ nhàng, trẻ sẽ có xu hướng lắng nghe nhiều hơn thay vì phản ứng bằng cách cãi lại. Trong cuộc sống, chúng ta thường thấy khi cha mẹ quát mắng con lớn tiếng và trẻ cũng sẽ hét lên để phản kháng. Kết quả là cả hai bên đều mất bình tĩnh, cha mẹ càng thêm tức giận còn trẻ thì không chịu phục.
Cha mẹ là những người thầy có ảnh hưởng lâu dài nhất trong cuộc đời con. Vì vậy, cách cha mẹ nói chuyện có tác động rất lớn đến tính cách của trẻ. Khi tức giận, nếu cha mẹ mất bình tĩnh và quát mắng, điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và tính cách của con. Ngược lại, sử dụng giọng điệu nhẹ nhàng có thể giúp trẻ cảm thấy an toàn và học được cách kiểm soát cảm xúc.
Nói với giọng nhẹ nhàng không chỉ giúp cha mẹ kiểm soát cảm xúc mà còn làm giảm sự phản kháng của trẻ. Khi đó, trẻ sẽ tập trung lắng nghe hơn. Dù đang bị nhắc nhở, trẻ vẫn cảm nhận được sự tôn trọng từ cha mẹ từ đó dễ tiếp thu hơn.
Đối với nhiều cha mẹ, việc không phê bình con là điều rất khó. Vì vậy, trước khi nói cha mẹ nên suy nghĩ và chọn từ ngữ phù hợp để đạt hiệu quả tốt nhất.
Ví dụ: “Bố/mẹ yêu con, nhưng hành động này của con bố/mẹ không thể chấp nhận được”.
Ban đầu, trẻ có thể chưa quen với cách nói này, nhưng theo thời gian, trẻ sẽ hiểu được cảm xúc của cha mẹ và tiếp nhận lời dạy một cách tích cực hơn.
Ví dụ, khi dẫn con đi siêu thị, cha mẹ nên nói rõ ràng: “Con không được bày bừa hàng hóa, nếu không sẽ có hậu quả như thế nào”. Sau khi nói, cần giữ vững lập trường từ đầu đến cuối, không cần phải lớn tiếng quát mắng hay đe dọa.
Khi phê bình con, cha mẹ nên tập trung vào vấn đề cụ thể thay vì trút giận hoặc dùng lời nói làm tổn thương con. Mọi đứa trẻ đều mong muốn được tôn trọng. Sự tôn trọng và tin tưởng từ cha mẹ sẽ giúp trẻ xây dựng sự tự tin và trở thành động lực quan trọng trong cuộc sống.
Ai cũng mong con cái trưởng thành và thành công, nhưng việc quát mắng hay đánh phạt không phải là phương pháp giáo dục tốt nhất. Dù có thể mang lại hiệu quả nhất thời, nhưng nó không có lợi về lâu dài. Vì vậy, hãy thử thay đổi cách giao tiếp với con ngay từ hôm nay bằng phương pháp “giáo dục bằng giọng điệu nhẹ nhàng”—cha mẹ sẽ sớm nhận thấy sự khác biệt tích cực!
Lãnh đạo phe cánh hữu Tập hợp Quốc gia Marine Le Pen thề sẽ đấu…
Hôm 1/4, SoftBank Group thông báo sẽ đầu tư tới 40 tỷ USD vào công…
Trung Quốc tuyên bố bắt đầu tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung…
Ông Donald Trump tuyên bố rằng ông “không nói đùa” khi đề cập đến khả…
Các bệnh viện ung thư ở Bắc Kinh, Thượng Hải và nhiều nơi khác ở…
"Số phận của các thiên thần nổi loạn" là một kiệt tác hội họa mô…