Có một gia tộc danh gia vọng tộc đã vượt qua được lời nguyền “giàu không quá 3 đời” để kéo dài sự hưng thịnh đến 15 đời, câu chuyện và quan niệm của họ lại một lần nữa chứng minh tầm quan trọng của giáo dục và văn hóa.
Tục ngữ có câu: “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”.
Chúng ta thường thấy sự thịnh vượng và suy thoái của một dòng họ thường là đời trước tự tay lập nghiệp, trải qua gian khổ xây dựng cơ ngơi; thế hệ sau vất vả giữ gìn cơ nghiệp; thế hệ sau nữa thì “miệng ăn núi lở”, gia cảnh sa sút.
Nhưng có một gia tộc đã thoát được “lời nguyền” này, cho đến hiện nay đây là gia tộc 15 đời giàu có duy nhất tại Trung Quốc.
Đó chính là gia tộc họ Bối ở Tô Châu, trong đó một thành viên của gia tộc này chính là chủ nhân giải Pritzker kiến trúc năm 1983 – ông Bối Duật Minh (Ieoh Ming Pei), một kiến trúc sư nổi tiếng của thuộc trường phái hiện đại.
Ngày 26/4/2017, là sinh nhật 100 tuổi của ông Bối Duật Minh, trong cuộc đời của mình, ông đã có được toàn bộ những vinh dự mà một người kiến trúc sư có thể có.
Nhưng có rất ít người biết, đằng sau ông là một danh gia vọng tộc được truyền thừa 15 đời.
Vào giữa triều Minh, ông Bối Lan Đường quê gốc ở Chiết Giang đã đến định cư tại Tô Châu với nghề y và bán thuốc làm kế sinh nhai, từ đây ông trở thành ông tổ của gia tộc họ Bối ở Tô Châu. Đến thời Càn Long nhà Thanh, nhờ kinh doanh thuốc đông y mà nhà họ Bối trở thành một trong 4 phú hào tại Tô Châu thời bấy giờ.
Đến thời cận đại, gia tộc họ Bối có hai chi chính hưng vượng nhất là Bối Tai An và Bối Nhuận Sinh. Bối Tai An và con cháu được gọi là “gia đình tài chính”, còn Bối Nhuận Sinh được coi là “vua phẩm màu”. Thành tựu của hai chi này rất nổi bật, Bối Nhuận Sinh đã để lại một công trình Sư Tử Lâm hoàn chỉnh ở Tô Châu.
Sư Tử Lâm là một trong những đại diện của kiến trúc nhà riêng của người Hán thời xưa, cũng là một trong 4 khu vườn nổi tiếng ở Tô Châu. Hiện nay khu vườn này là di sản văn hóa thế giới, là văn vật được bảo vệ trọng điểm của Trung Quốc, đồng thời cũng là khu du lịch đạt cấp 4A của Trung Quốc.
Bối Tai An cũng là người đồng sáng lập Ngân hàng Thượng Hải, ông còn hỗ trợ sáng lập công ty du lịch đầu tiên của Trung Quốc theo mô hình mới – Công ty Du lịch Trung Quốc.
5 người con và 4 người cháu của Bối Tai An cũng làm việc trong ngành tài chính, trong đó người có tiếng tăm nhất là người con thứ 3 của Bối Tai An, cũng chính là cha của Bối Duật Minh – ông Bối Tổ Di.
Bối Tổ Di từng làm Phó giám đốc Ngân hàng Trung Quốc và Giám đốc Ngân hàng Trung ương. Năm 1984, Bối Tổ Di đến Mỹ, làm Trưởng đoàn đại biểu kỹ thuật Trung Quốc trú tại Washington.
Năm 1962, Bối Tổ Di làm Chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại Thượng Hải Hồng Kông, đến năm 1973 thì nghỉ hưu.
Nhà họ Bối có thể huy hoàng như thế này, chủ yếu là dựa vào truyền thống của gia tộc.
Bối Duật Minh đứng trước Kim tự tháp Louvre do ông thiết kế
Trên thế giới, gia tộc phú hào có rất nhiều, phần lớn là chỉ những hộ gia đình giàu có nhanh chóng, nhưng điều khó có được chính là giàu nhưng không kiêu ngạo, thích làm việc thiện, đó mới được coi là danh gia vọng tộc chân chính.
Bối Nhuận Sinh cho rằng, “để lại di sản cho con cháu, không bằng để đức lại cho con cháu, để lại tài sản riêng cho con cháu, không bằng để lại di sản chung cho chúng”, ông đã lấy lượng lớn tài sản nhằm tu sửa lại Sư Tử Lâm và để lại người đời sau sử dụng.
Ngoài ra, trong vườn này, ông còn xây dựng một từ đường họ Bối, ông còn quyên góp tiền xây dựng nơi để phụng dưỡng, cứu tế người trong họ.
Bối Nhuận Sinh và Bối Tai An còn quyên góp tiền để xây dựng nhà mẫu giáo kiểu mới đầu tiên của Trung Quốc ở Tô Châu, hai người họ đã có cống hiến vô cùng to lớn cho sự nghiệp công ích và từ thiện ở Tô Châu.
Những phẩm chất tốt đẹp này, chính là nguyên nhân mà gia tộc họ Bối được giàu có đến mười mấy đời.
Bối Tai An từng thi đỗ tú tài, năm 20 tuổi đã trở thành Cống sinh của Phủ học Tô Châu. Về sau, do cha qua đời, nên ông đành phải gánh vác trách nhiệm của gia đình, trông coi sản nghiệp to lớn của cha để lại.
Bối Tai An rất coi trọng giáo dục con cái, Bối Tổ Di tốt nghiệp Đại học công nghệ Đường Sơn, còn Bối Tổ Di lại đưa con Bối Duật Minh đến Mỹ học tập.
Bối Duật Minh học về kiến trúc ở Viện Công nghệ Massachusetts và sau đó là Đại học Harvard, 4 người con của ông, trong đó có 3 người giống cha cũng tốt nghiệp Đại học Harvard và làm việc trong ngành kiến trúc, còn con gái học ngành luật tại Đại học Columbia, cũng là người rất xuất sắc.
Bối Tổ Di và phu nhân Tưởng Sĩ Vân
Khác với quan niệm hôn nhân coi trọng “có xe, có nhà” hiện nay, gia tộc họ Bối lựa chọn văn hóa kết hôn với con cái của những nhà dòng dõi thế gia, bởi như thế sẽ có lợi cho việc nuôi dưỡng giáo dục thế hệ sau ưu tú hơn.
Mẹ của Bối Duật Minh là con gái của nhà họ Trang – Tế tửu Quốc Tử Giám cuối cùng thời nhà Thanh, giỏi thổi sáo, thành tâm hướng Phật, đáng tiếc năm 1930 bà qua đời vì ung thư. Sau đó, cha của Bối Duật Minh lấy “Giang Nam danh viện” Tưởng Sĩ Vân làm vợ.
Từ nhỏ Tưởng Sĩ Vân đã là người con gái đoan trang, thông minh hiếu học, năm 10 tuổi được người nhà đưa đến Thượng Hải học, 12 tuổi theo cha đến Bắc Kinh học tiếng Anh trong trường do người Anh mở.
Năm 16 tuổi, Tưởng Sĩ Vân theo cha mẹ đến châu Âu, và du học ở Pari 1 năm, nhờ đã biết tiếng Anh nên bà dễ dàng học thông thạo cả tiếng Pháp.
Còn Bối Duật Minh cũng kết hôn với con tiểu thư khuê các Lục Thư Hoa. Cha của Lục Thư Hoa là kỹ sư tốt nghiệp Viện Đại học Massachusetts, sau khi tốt nghiệp trung học ở Thượng Hải, Lục Thư Hoa đến Mỹ học tiếp, cũng từ đó bà đã gặp được Bối Duật Minh.
Gia tộc họ Bối ở Tô Châu nhờ có Bối Duật Minh mà danh vọng của cả gia tộc đã đạt được tầm cao mới.
Bào tàng nghệ thuật quốc gia Mỹ, Thư viện Kennedy, Tòa nhà Trung ương Hồng Kông, Kim tự tháp Louvre ở Pháp và Bảo tàng Tô Châu đều là những tác phẩm kinh điển của kiến trúc sư Bối Duật Minh.
Rất nhiều người cho rằng, một người Trung Quốc nhỏ bé có thể trở thành kiến trúc sư hàng đầu thế giới, không thể tách rời với văn hóa gia tộc hiển hách của ông. Ví dụ như Bối Thọ Đồng (em của ông của Bối Duật Minh) chính là sinh viên đầu tiên của Trung Quốc đến phương Tây học về kiến trúc, và còn thiết kế rất nhiều tác phẩm giá trị.
Nhà cổ của nhà họ Bối chính là Sư Tử Lâm ở Tô Châu, đó từng là nơi vui chơi thuở nhỏ của Bối Duật Minh cùng người trong tộc, nơi đó có lịch sử văn hóa rất sâu đậm, và nó đã góp phần giúp ông trở thành một thiên tài thiết kế.
Bối Duật Minh chia sẻ “Ý tưởng sáng tạo là sự kết tinh giữa bàn tay con người và tự nhiên, đây là điều tôi học được từ Sư Tử Lâm ở Tô Châu”.
Bối Duật Minh nói về quan niệm kiến trúc của mình như sau: “Quan trọng nhất là làm thế nào giải quyết được sự hài hòa giữa vật thể kiến trúc và môi trường tự nhiên, sau đó là sự dung hợp giữa hiện đại và truyền thống. Dù kiến trúc này là hiện đại, nhưng tôi có trách nhiệm tôn trọng truyền thống đã có hàng ngàn năm phát triển. Trên thực tế, hai điều này cũng có liên quan với nhau.”
Bên cạnh đó, là thế hệ sau của gia đình dòng dõi thương nghiệp, Bối Duật Minh luôn muốn hiểu được câu nói của người cha Bối Tổ Di: “sự tinh túy của kiến trúc ưu tú không chỉ ở kiến trúc có tư tưởng vĩ đại, mà mà phải để nó cùng các yếu tố tài chính, kinh tế liên hệ với nhau một cách hữu hiệu.”
Thanh Thảo
Xem thêm:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…