Bí quyết hưng thịnh suốt 800 năm của một gia tộc
- An Hòa
- •
Tục ngữ nói: “Phú bất quá tam” (Giàu không quá ba đời), nhưng gia tộc Phạm Trọng Yêm lại hưng thịnh suốt 800 năm, gia phong cũng không bị suy. Vậy bí quyết là gì?
“Lo trước điều lo của thiên hạ, vui sau niềm vui của thiên hạ”, đây là câu danh ngôn của vị tướng triều Tống tên là Phạm Trọng Yêm, đó cũng là phương châm của rất nhiều những trí thức từ xưa đến nay.
Phạm Trọng Yêm triều Tống, người huyện Ngô, Giang Tô. Năm ông lên 2 tuổi thì cha mất, bởi vì gia cảnh bần cùng, mẹ ông không có sức mưu sinh nuôi con nên đã mang theo ông mà tái giá. Lớn lên, ông từ biệt mẹ, lên chùa sống nhờ và học tập. Cũng bởi thiện duyên này mà Phạm Trọng Yêm từ nhỏ đã được nghe Phật Pháp, thủ giữ tịnh giới, khắc khổ học tập, cố gắng tinh tấn.
Sau này ông làm quan, vô cùng tin theo Phật Pháp, thường hay làm việc thiện tạo phúc cho dân chúng. Bất luận là đến đâu làm quan, Phạm Trọng Yêm đều nhất định tu sửa chùa miếu, cung kính đối với tăng nhân, khuyên bảo dân chúng địa phương thờ phụng tín ngưỡng.
Chí hướng và nguyện vọng cao xa
Ngay từ nhỏ, Phạm Trọng Yêm đã có ý chí vô cùng lớn lao. Một lần khi còn nhỏ, Phạm Trọng Yêm đi xem bói, ông đi đến một địa phương và gặp một vị thầy tướng số, ông cất lời hỏi một cách đĩnh đạc: “Ngài xem giúp tôi một quẻ, tôi có thể làm Tể tướng hay không?”
Vị thầy tướng cả đời chưa từng gặp qua một người nào hỏi mình về khả năng làm Tể tướng một cách dứt khoát như vậy, nên hoảng hốt giật mình. Ông nhìn Phạm Trọng Yêm và nói: “Cậu còn nhỏ tuổi, sao có khẩu khí lớn như vậy?”
Phạm Trọng Yêm hơi có chút ngượng ngùng rồi nói với vị thầy tướng: “Nếu không được như vậy, ngài xem một chút xem tôi có thể làm được thầy thuốc không?”
Vị thầy tướng có chút tò mò, không hiểu vì sao một cậu bé nhỏ tuổi như vậy mà có chí hướng và nguyện vọng lớn như thế, liền hỏi: “Vì sao cậu lại lựa chọn hai loại chí hướng và nguyện vọng này?”
Phạm Trọng Yêm từ tốn trả lời: “Bởi vì chỉ có làm Tể tướng lương thiện và Thầy thuốc lương thiện mới có thể cứu được người!”
Vị thầy tướng nghe xong, trong lòng vô cùng cảm động, ông thầm nghĩ: “Một đứa trẻ nhỏ tuổi như vậy mà mỗi một niệm đều là nghĩ cách muốn cứu người. Thật cảm động!”
Vừa nghĩ vậy, ông liền nói với Phạm Trọng Yêm: “Cậu đã có một tấm lòng như vậy và cái tâm của một vị Tể tướng chân chính, cho nên sau này, cậu nhất định sẽ làm Tể tướng!”
Nghèo hèn không thể biến đổi, phú quý không thể phóng túng
Thời thiếu niên, Phạm Trọng Yêm ở trong chùa học tập, gia cảnh vô cùng nghèo túng. Nói đến tình cảnh bần hàn của ông, quả thực nhiều người không thể tưởng tượng nổi. Mỗi ngày ông chỉ nấu một nồi cháo loãng pha một chút muối, sau đó đợi cháo nguội lạnh, ông lại lấy dao chia cháo thành ba phần, mỗi bữa chỉ ăn một phần với dưa muối.
Suốt một thời gian dài 3 năm, ông đã sống bần hàn như vậy. Nhưng chính ở trong tình cảnh bần cùng như thế mà đã xảy ra một chuyện: Vào buổi tối một ngày, Phạm Trọng Yêm đang ngồi đọc sách dưới ánh trăng nhưng vẫn chưa được ăn gì. Một vị trưởng lão trong chùa nhìn thấy tình cảnh ấy, trong lòng cảm thấy vô cùng thương Phạm Trọng Yêm. Vị trưởng lão liền “len lén” đặt một chiếc bánh lên bàn đá rồi lặng lẽ bỏ đi.
Lúc ấy, Phạm Trọng Yêm tĩnh lặng, tập trung đọc sách nên không hề hay biết. Một lát sau, bỗng nhiên ông nghe thấy tiếng kêu “chít chít” thì mới phát hiện ra một con chuột đang ngậm chiếc bánh và liều mạng bỏ chạy, chui vào dưới gốc cây Tử Kinh.
Phạm Trọng Yêm vội vàng đặt cuốn sách xuống, đuổi theo con chuột. Lòng hiếu kỳ nổi lên, ông lấy chiếc xẻng đào hang chuột. Sau khi đào đất lên, ông phát hiện ra dưới đất có một phiến đá. Ông nhấc phiến đá lên, chỉ thấy dưới phiến đá là vàng bạc lấp lánh. Lúc ấy xung quanh ông không có bất kỳ một ai, gia cảnh lại bần hàn như vậy nhưng ông không một chút động tâm mà lập tức chôn vàng bạc lại chỗ cũ. Mãi cho đến sau này khi đã làm quan lớn, thì ông vẫn giấu kín chuyện ấy trong lòng, không từng nói ra với bất kỳ ai.
Mấy chục năm sau, một hôm, ngôi chùa Lễ Tuyền – nơi mà Phạm Trọng Yêm khi xưa ở nhờ đọc sách bị hỏa hoạn lớn thiêu hủy. Các vị trưởng lão trong chùa phái người đến nơi Phạm Trọng Yêm xin giúp đỡ. Phạm Trọng Yêm nhớ lại sự tình năm đó, liền viết một tờ giấy nhờ gửi cho một vị trưởng lão. Trên tờ giấy có viết: Ở bên phía đông của cây Tử Kinh có một hũ vàng, phía tây của cây Tử Kinh có một hũ bạc, hãy lấy một nửa để tu sửa chùa, một nửa tặng cho tăng nhân.
- Xem thêm: Người mẹ giáo dục nên con người Mạnh Tử
Tấm lòng quảng đại, nhận được đại phúc
Một lần, Phạm Trọng Yêm mời thầy phong thủy đến xem phần mộ của mẹ ông. Thầy phong thủy nói rằng phần mộ của mẹ ông là nơi “tuyệt địa” (nơi cùng tận, rất không tốt). Thầy phong thủy còn nói rằng nếu để phần mộ ở đó, gia đình ông sẽ bị tuyệt tự, nên mau chóng chuyển sang chỗ khác.
Phạm Trọng Yêm nghe xong liền nói: “Nếu đã là ‘tuyệt địa’ thì không nên để người khác phải chịu, thà rằng tự mình chịu. Nếu ta đáng phải chịu tuyệt tự thì di chuyển phần mộ liệu có tác dụng gì?” Kết quả, Phạm Trọng Yêm đã không di dời phần mộ của mẹ ông.
Lúc ấy, ở Tô Châu có một mảnh đất nổi tiếng được xưng là phong thủy bảo địa – Nam Viên. Phạm Trọng Yêm bấy giờ đang làm Tể Tướng, lại là người địa phương Tô Châu, vì thế rất nhiều người khuyên ông nên mua mảnh đất Nam Viên làm nơi ở để con cháu đời sau có nhiều người là nhân tài, làm quan lớn.
Phạm Trọng Yêm nói: “Người trong một nhà mà phát đạt, giàu sang thì chỉ là phạm vi quá nhỏ, chi bằng ta đổi thành học đường thì hơn, để cho muôn dân trăm họ Tô Châu từ sau có thể vào đây mà học. Tương lai những thế hệ sau này đều có người tài đức, có danh vọng và vinh hiển, chẳng phải là càng có lợi hơn sao?” Vì thế, ông mua Nam Viên làm thành “Tô Châu thư viện”, bồi dưỡng ra rất nhiều nhân tài. Ngày nay, mảnh đất “bảo địa” này là một ngôi trường Trung Học. Gần một ngàn năm qua, nơi này đã bồi dưỡng ra gần 400 tiến sĩ, hơn 80 trạng nguyên.
Sau khi Phạm Trọng Yêm mất, con trai ông là Phạm Thuần Nhân lại làm Tể Tướng, hơn nữa nhiều đời trong gia tộc ông đều xuất hiện nhân tài. Tục ngữ nói: “Phú bất quá tam” (Giàu không quá ba đời), nhưng gia tộc Phạm Trọng Yêm lại hưng thịnh suốt 800 năm! Bốn người con trai của ông chẳng những làm quan lớn, mà phẩm chất đạo đức cũng vô cùng cao quý. Hơn nữa, họ đều noi gương cha mình, bố thí tiền tài, cứu tế muôn dân, con cháu những đời sau lần lượt làm quan lớn trong triều đình. Người xưa nói rằng, sự hưng thịnh của gia tộc đều là được hưởng phúc từ công đức của Phạm Trọng Yêm.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Đạo đức Trung Hoa Phạm Trọng Yêm Hưng thịnh