Tại Hội nghị toàn quốc về “Phát triển thủy điện vừa và nhỏ, năng lượng tái tạo”, ngày 28/7/2017, Bộ Công thương cho biết sẽ tiếp tục “ưu tiên phát triển thủy điện, nhất là các dự án đa mục tiêu. Đưa tổng công suất các nguồn thủy điện từ 17.000 MW hiện nay lên 21.600 MW năm 2020; 24.600 MW năm 2025”. Nhưng có một thực tế là việc phát triển tràn lan các thủy điện nhỏ trong thời gian qua đã trở thành nỗi lo lớn cho cộng đồng.
Theo số liệu tháng 7/2017 của Tổng cục Năng lượng, trong tổng số 824 dự án thủy điện ở Việt Nam thì có tới 714 nằm trong quy hoạch là các dự án thủy điện nhỏ có công suất lắp máy từ 1-30 MW, trong đó đã vận hành khai thác 270 dự án; đang thi công xây dựng 141; đang nghiên cứu để đầu tư xây dựng 250 dự án; còn lại 53 dự án chưa có chủ trương đầu tư.
Các dự án thủy điện nhỏ chiếm 86,6% tổng số các dự án và sản xuất ra 29,2% tổng công suất thủy điện ở Việt Nam. Tuy nhiên dường như các dự án thủy điện nhỏ đang trở thành con dao hai lưỡi đối với nhiều địa phương.
Người ta sử dụng cụm từ mỹ miều “chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên” thay cho việc phá rừng để làm các công trình thủy điện. Theo các chuyên gia sinh quyển, để tạo ra 1 MW điện, phải “đổi” ít nhất 10-30 ha rừng, và để có 1.000 ha hồ chứa nước cũng cần san phẳng, giải phóng từ 1.000 – 2.000 ha đất rừng ở phía thượng nguồn.
Như vậy với 411 dự án thủy điện nhỏ có tổng công suất 4.515,7 MW đã và đang xây dựng, đã có không dưới 135.471 ha rừng bị đốn hạ.
Nhưng không chỉ vậy, các dự án không thống kê được diện tích đất rừng mới nơi mà người dân nhường đất cho thủy điện sẽ di dời tới để sinh sống, như vậy có thể diện tích rừng bị phá thực tế còn lớn hơn nhiều.
Trong quá trình xin đầu tư dự án thủy điện, các nhà đầu tư luôn trình bày phương án trồng bù diện tích rừng bị phá, nhưng báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2012 cho thấy chỉ có 3,7% diện tích rừng đã bị mất được các nhà đầu tư trồng bù. Các chuyên gia cũng cho rằng diện tích trồng bù thực tế còn thấp hơn con số này rất nhiều.
Nhiều người cho rằng, việc khai thác gỗ từ diện tích rừng làm thủy điện là nguồn lợi kếch xù và nhanh nhất mà các nhà đầu tư thủy điện nhỏ hướng đến. Và lợi nhuận từ việc “chuyển đổi” mỗi ha rừng là bao nhiêu, nhà nước có thu được phần nào hay không vẫn là câu hỏi không có người trả lời.
Tuy vậy, hẳn là nguồn lợi từ việc khai thác rừng là rất hấp dẫn nên mặc dù Chính phủ đã có chủ trương thắt chặt các dự án thủy điện nhỏ nhưng nhiều tỉnh vẫn liên tục gửi công văn cho Bộ công thương đề xuất bổ sung một số dự án thủy điện nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ vào quy hoạch thủy điện trên địa bàn.
Tác dụng của thủy điện còn phải kể đến nhiệm vụ quan trọng là cắt, chống lũ cho hạ lưu mùa mưa bão kiêm cung cấp nước phục vụ sản xuất và nhu cầu dân sinh mùa khô.
Tuy vậy, những năm qua, các công trình thủy điện nhỏ đã được ví như những “thủy quái” đe dọa cuộc sống người dân ở khắp các địa phương. Tương ứng với số lượng dày đặc các công trình thủy điện tại các con sông, có một lượng lớn các hệ sinh thái bao gồm thảm thực vật và động vật xung quanh các thủy điện và phía hạ lưu bị hủy diệt hoàn toàn.
Không chỉ là động vật, ngay cả con người cũng không còn chỗ dung thân. Các khu dân cư ở gần khu vực hạ lưu bấy lâu vẫn sống yên ổn với núi rừng, sông suối thì nay phải dọn đi nơi khác nhường chỗ cho các công trình thủy điện.
Nhưng hậu quả không chỉ dừng lại ở đó, những đợt xả lũ của nhà máy thủy điện luôn là nỗi ám ảnh của người dân hạ lưu. Do thiết kế và thi công không đảm bảo kỹ thuật, nhiều công trình thủy điện nhỏ rất mong manh trước những cơn mưa lớn tại đầu nguồn. Nhiều công trình không có khả năng ngăn chặn và điều tiết lũ, thậm chí những đợt xả lũ bất ngờ của các thủy điện nhỏ đã gây nên các đợt lũ lớn làm hư hại nhà cửa, cây trồng và cướp đi cả tính mạng con người.
>> Thủy điện Hố Hô: Không có chức năng điều tiết lũ ‘nên cứ nước đầy là xả’
Cả chục vụ tệ hại liên tiếp diễn ra chỉ trong chưa đầy một thập kỷ khiến người dân phải gọi thủy điện nhỏ là “thủy quái”, giới truyền thông đặt cho chúng biệt danh “quả bom nước”.
“Hàng ngày, những ‘quả bom nước’ vẫn tiếp tục đe dọa cuộc sống của hàng triệu người phía hạ lưu”
Tại Hội nghị toàn quốc về “Phát triển thủy điện vừa và nhỏ, năng lượng tái tạo”, ngày 28/7/2017, Vụ Năng lượng Tái tạo – Tổng cục Năng lượng, cho biết sẽ tiếp tục “ưu tiên phát triển thủy điện, nhất là các dự án đa mục tiêu. Đưa tổng công suất các nguồn thủy điện từ 17.000 MW hiện nay lên 21.600 MW năm 2020, 24.600 MW năm 2025”.
Như vậy, rừng sẽ tiếp tục bị phá để làm thủy điện, môi sinh tiếp tục bị hủy hoại, cuộc sống người dân ở những khu vực triển khai dự án sẽ tiếp tục long đong để đổi lại cho thứ gọi là phát triển kinh tế. Liệu ai có thể chắc chắn rằng hiệu quả về phát triển kinh tế của những thủy điện mới có thể bù đắp được những thiệt hại về môi sinh và con người?
Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, nguyên Phó Tổng Thư ký Ủy hội sông Mekông, người nhiều năm gắn bó với thủy điện đã phải thốt lên rằng:
“Cách phát triển thủy điện ào ạt, tàn phá rừng và găm dày đặc trên các con sông như hiện nay là “tận diệt” tài nguyên. Chỉ nghĩ đến lợi ích của một bộ phận là không công bằng, không để gì cho con cháu cả”
Cho dù đã có quá nhiều bài học đắt giá từ thủy điện mang lại, nhưng liệu ai có thể đảm bảo rằng những công trình thủy điện mới sẽ không là những con “thủy quái” và những “quả bom nước” mới sẽ không tiếp tục “dội” xuống người dân các địa phương? Hiện chúng ta vẫn tiếp tục chơi con dao hai lưỡi khi tiếp tục phát triển thủy điện…
Thiện Tâm
Xem thêm:
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…
Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.
Phát biểu của bà Zakharova vào thứ Năm (21/11) mô tả Estonia và các quốc…
Xinh đẹp là một loại phúc báo, nhưng nhan sắc là yếu tố bên ngoài…