Theo các cuộc khảo sát gần đây, 44% các cặp vợ chồng tin rằng cãi nhau hơn một lần một tuần sẽ giúp họ giữ mối quan hệ lành mạnh và bền chặt trong một thời gian dài. Thực ra, những cặp đôi hay tranh cãi vẫn luôn gắn bó với nhau vì họ biết tình yêu giữa họ là thật lòng và chân thành.
Vậy những cuộc tranh cãi có ích cho mối quan hệ của bạn như thế nào?
Liên tục tránh né xung đột không phải là cách tốt nhất để bạn xây dựng một mối quan hệ lâu dài. Ngược lại, khi bạn dám nói rõ ra suy nghĩ sâu kín của mình chứng tỏ bạn đã sẵn sàng đưa tình yêu lên một tầm cao khác. Người trưởng thành không quát mắng vào mặt nhau, cũng không tấn công lẫn nhau một cách thô bạo. Thay vào đó họ luôn cố gắng cải thiện mối quan hệ dù phải thông qua một cuộc tranh cãi (lành mạnh).
Hành động nhắm mắt làm ngơ trước những thói quen xấu của đối phương chứng tỏ bạn đang muốn buông xuôi. Nhưng thay vào đó, sẵn sàng chịu đựng sự căng thẳng của việc tranh cãi để đạt được kết quả tốt hơn trong tương lai – là dấu hiệu cho thấy tình yêu đích thực của bạn.
Nói cách khác, còn tranh luận nghĩa là các bạn còn gắn bó với nhau. Tuy nhiên, bạn có thường xuyên cãi nhau với cha mẹ, anh chị mình không? Bạn cũng nên đối xử với nửa kia của mình như người thân thực sự vậy. Tranh cãi rồi làm hòa, bạn sẽ thực sự thấu hiểu nửa kia của mình hơn. Lên tiếng đủ để đôi bên cùng xử lý xích mích chứ không phải là cãi nhau mỗi ngày.
Để tạo sự tin tưởng trong mối quan hệ của mình, bạn không nên giữ im lặng. Bạn cần phải tiếp cận nửa kia của mình với tinh thần cởi mở, chịu trách nhiệm về hành động của mình và lắng nghe nhau một cách cẩn thận.
Tranh luận là một trong những hình thức giao tiếp trung thực nhất. Nó giúp các bạn phát triển cảm giác thân mật, tin cậy và kết nối. Cãi nhau một cách lành mạnh, thấu hiểu lẫn nhau sẽ giúp các bạn giao tiếp hiệu quả hơn.
Các nhà tâm lý học tin rằng có 7 điểm mấu chốt quan trọng giúp tạo ra một mối quan hệ lành mạnh và hạnh phúc, tranh cãi là một trong số đó. Trên thực tế, nếu một cặp vợ chồng không bao giờ tranh cãi, đây có thể là dấu hiệu cho thấy giữa họ đang có điều gì đó bất ổn.
Tranh luận giúp các cặp vợ chồng tự nhìn lại bản thân và thảo luận về những điều thực sự quan trọng đối với họ. Tuy nhiên, bạn hãy luôn ghi nhớ, lập luận của bạn phải có tình có lý chứ không mang tính xúc phạm người khác.
Không quan trọng ai là kẻ thắng người thua trong cuộc tranh cãi của các bạn. Điều quan trọng nhất là bạn hiểu được nhiều điều sâu kín trong lòng của người kia thay vì chỉ biết đến bản thân mình. Những xung đột nhỏ giúp cả hai bạn bộc lộ bản chất thật và chỉ cho đối phương cách giải quyết. Nếu biết cùng nhau vượt qua mọi thử thách, các bạn sẽ học được cách thỏa hiệp và củng cố mối quan hệ trong thời gian dài.
Để hòa hợp với nửa kia, bạn sẽ phải thay đổi nhiều nguyên tắc sống của mình. Nếu người ta không có cách cư xử tương tự, bạn có thể cảm thấy bực bội. Khi bạn không giữ vững lập trường khi nói đến những việc quan trọng, đối phương sẽ nghĩ họ muốn gì được nấy. Như vậy, sự oán giận của bạn sẽ càng tăng cao. Đó là con đường dẫn đến một mối quan hệ không lành mạnh. Cách tốt nhất để đối phó với vấn đề này là để cho cảm xúc tiêu cực bộc lộ và cho đối phương thấy rằng cả hai đều bình đẳng với nhu cầu của chính mình.
Theo một số nghiên cứu, sai lầm lớn nhất mà các cặp đôi mắc phải là né tránh. Các bạn biết rõ có gì đó không ổn nhưng cứ giữ im lặng. Khi đôi bên không thế giao tiếp hiệu quả, kết cục sẽ là chia tay. Nhiều người cho rằng thảo luận về các vấn đề nhạy cảm sẽ không giúp ích gì cho mối quan hệ, điều đó không đúng. Cãi nhau cho phép bạn tập trung vào vấn đề của mình và giải quyết triệt để trước khi chúng trở nên nghiêm trọng. Đó là lý do tại sao những cặp đôi hay cãi vã lại ở bên nhau lâu dài.
Sự bất đồng trở thành đòn bẩy giúp tình yêu của họ thân thiết hơn. Nếu muốn quan hệ của mình bền chặt và phát triển, bạn cần bộc lộ cảm xúc ra ngoài thay vì kìm nén chúng. Nhưng đừng quên kết thúc mọi cuộc tranh cãi theo hướng tích cực.
Dù đã bên nhau nhiều năm, chắc chắn giữa các bạn vẫn có những điểm không thể dung hòa. Đó không phải là chuyện xấu – những xung đột mang tính xây dựng khiến mối quan hệ trở nên thú vị hơn. Hãy tưởng tượng tình yêu của bạn sẽ nhàm chán như thế nào nếu cả hai luôn đồng ý về mọi thứ. Vì vậy, đừng hoảng sợ khi hai người chuẩn bị phải cãi nhau. Thay vào đó, hãy sử dụng cuộc tranh cãi như công cụ giúp cải thiện mối quan hệ của các bạn.
Minh Minh (theo Bright Side)
Xem thêm:
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…
Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.