Duyên vợ chồng là một đời một kiếp quan tâm yêu thương lẫn nhau
- Tâm Như
- •
Mỗi cặp vợ chồng già đều đã một đời quan tâm chăm lo cho nhau. Mỗi một cuộc hôn nhân khi đi đến giây phút cuối cùng đều đã gửi gắm một đời cho nhau. Chúng ta cùng nuôi nấng con cái, cùng tiễn đưa cha mẹ, rồi lại cùng nhau già đi và nói lời ly biệt.
“Ông/bà là người mà tôi gửi gắm cuộc đời này, mong ông/bà hãy quý trọng duyên vợ chồng đời này kiếp này. Tôi mà đi trước thì ông/bà phải làm sao?” Đây là câu hỏi mà các cặp vợ chồng đều phải đối mặt.
Trong ký ức hồi nhỏ của tôi, ông nội luôn chê bà nội suốt ngày cằn nhằn, nói chưa được mấy câu ông bà đã bắt đầu cãi nhau rồi, nếu không phải do cơ thể lão hóa rồi không đánh nổi nữa thì chắc lúc nào cũng có thể đánh nhau được.
Duyên vợ chồng một đời một kiếp, khi còn trẻ đầu giường cãi nhau, cuối giường làm hòa. Khi già rồi, may mà còn có ông ở bên bà, cùng bà bước qua những năm tháng tuổi già sức yếu.
Những năm cuối cùng của cuộc đời, bà nội bị đột quỵ rồi phải nằm liệt trên giường. Từ đó trở đi, không còn thấy hai người cãi nhau nữa, ông nội như thể thay đổi, ông bắt đầu chăm lo mọi việc sinh hoạt của bà. Trước khi bà bị đột quỵ, ngay cả cửa bếp ông cũng không muốn đi vào, chứ đừng nói đến nấu cơm, giặt quần áo.
Bà nội còn bị cả bệnh tiểu đường, chủ yếu phải ăn uống thanh đạm, từ đó ông nội cả đời thích ăn mặn cũng đổi cùng bà ăn những món rất nhạt.
Mỗi khi đến lễ Tết, con cháu mừng tuổi ông, ông đều mở ra xem, ai mà biếu ít là ông không vui đâu, đến tối khi mọi người về hết rồi, ông lại lặng lẽ vào phòng của bà, đưa cho bà hết số tiền mừng tuổi.
“Bà xem này, nếu mà tôi đi trước bà thì số tiền này đủ để bà sống qua ngày đấy!”. Tuy bà nội nằm trên giường nhưng thần trí vẫn rất tỉnh táo, nghe thấy ông nội nói thế, bà hạnh phúc lắm, bà biết là ông đang an ủi bà.
Sau này, bà nội bị bệnh nặng không nói chuyện được nữa, mỗi ngày ông nội đều ngồi ở cạnh giường, ông mở chiếc máy radio cũ, chọn kênh kịch mà bà thích nghe nhất, hai người cùng nhau nghe cả ngày yên bình và hòa hợp hơn bao giờ hết.
Nếu nhìn thấy ánh mắt ấy thì mọi người sẽ biết thế nào là ly biệt. Đối với những cặp vợ chồng già, mỗi lần nhìn nhau chăm chú đều có thể là lời vĩnh biệt.
Rồi bà nội qua đời, mọi người chôn cất đưa bà về nơi an nghỉ. Ông nội cũng trở nên trầm lặng, hai người đã bên nhau 50, 60 năm rồi, một người ra đi đã mang theo trái tim của người còn lại, bà đi rồi, bỏ lại một mình ông biết sống ra sao!
Vợ chồng trẻ có thể cãi nhau, có thể chia xa, có thể đường ai nấy đi, còn vợ chồng già chỉ còn có nhau nương tựa trong đời mà thôi.
Như hiện nay, mẹ tôi ở nhà anh trai, giúp anh trông hai cháu. Bố tôi ở nhà chị, giúp chị trông cháu ngoại 4 tuổi. Hai người quanh năm suốt tháng chẳng gặp được nhau, chỉ có thể gọi điện thoại để kể lể chuyện trong nhà.
Tuy không bên nhau nhiều, nhưng từ những lời nói hành động của mẹ thường ngày cũng có thể thấy được biết bao quan tâm lo lắng dành cho bố ở xa.
Tuy trước kia khi hai người còn ở quê đều tỏ ra chẳng ai nhường ai như thể bên nào mà lùi một bước thì trời sẽ sập. Mẹ luôn cứ phàn nàn bố “Ông cai thuốc đi, hút thuốc không tốt cho sức khỏe, bỏ đi!”
Bố tôi không kiên nhẫn nói: “Không bỏ, hút đến chết thì thôi, như vậy sẽ chẳng còn ai ngày ngày nghe bà càm ràm nữa”.
Khi ấy mẹ bật khóc nói: “Không được, tôi không cho phép ông nói bậy! Ông nói bậy cái gì vậy hả!”. Từ đó về sau không còn thấy bố tôi hút thuốc nữa.
Vậy mới nói, hôn nhân là gì? Những ai chưa từng bước vào hôn nhân sẽ rất khó để thật sự hiểu được mối liên hệ không máu mủ mà lại liên quan mật thiết với nhau. Duyên vợ chồng chính là một đời một kiếp quan tâm yêu thương lẫn nhau!
Tâm Như (Sưu tầm và biên dịch)
Xem thêm:
Từ khóa Tình cảm vợ chồng Vợ chồng Đạo vợ chồng duyên phận vợ chồng đạo nghĩa vợ chồng