Khi hành trình khép lại, điều gì còn lại trong tim ta? (Ảnh minh họa: Shutterstock)
Có lẽ không ai trong chúng ta thực sự sẵn sàng để đối diện với khoảnh khắc cuối cùng của một cuộc đời, hay của một tình yêu. Nhưng rồi sẽ đến lúc hành trình khép lại, và trong cõi lặng đó, ta mới bắt đầu nhìn rõ những điều đã từng đi qua trái tim mình. Không phải những điều to lớn hay hào nhoáng mà là những cái nắm tay ấm áp, những ánh mắt chia xa, những lời chưa kịp nói… Chúng ở lại – như dấu lặng cuối cùng của một bản nhạc – giản dị, chân thành và day dứt.
Cuộc sống sẽ thế nào khi chạm đến điểm kết thúc? Là buông tay, lùi một bước trời cao biển rộng? Hay sau tất cả những thăng trầm, mất mát và hy vọng, ta vẫn sẽ lựa chọn đứng dậy và hát vang: “Tôi sẽ không bỏ cuộc”?
Trên hành trình dài đằng đẵng của cuộc đời, có lẽ ai trong chúng ta cũng cất giữ những vết sẹo lặng thầm – những ký ức không nói thành lời, những nỗi buồn chưa nguôi. Thế nhưng, bất luận có bao nhiêu đau buồn, ánh sáng vẫn luôn le lói ở cuối con đường. Khi đã đi qua những thăng trầm trần thế, trải nghiệm đủ niềm vui lẫn nỗi đau và hoàn thành sứ mệnh mà Đấng Tối Cao giao phó, ta sẽ dần thấu hiểu rằng: Nếu biết buông bỏ, học cách chấp nhận và để mọi thứ thuận theo tự nhiên, cuộc sống rồi cũng sẽ nở hoa – như một mùa gặt bội thu, đầy ắp hy vọng và bình yên.
Cha tôi đang bước vào những giây phút cuối cùng của cuộc đời. Do biến chứng nhiễm trùng, cha được chuyển từ phòng cách ly sang phòng chăm sóc đặc biệt. Trước đó, ông từng dặn dò các con: “Đừng đặt nội khí quản, cũng đừng mở khí quản”. Những lời bông đùa ấy giờ đây lại trở thành hiện thực đau lòng.
Khi bệnh viện phát đi thông báo nguy kịch và yêu cầu gia đình đưa ra quyết định: liệu có nên tôn trọng ý nguyện cuối cùng của cha và ký vào giấy từ chối điều trị can thiệp khẩn cấp — đó là một khoảnh khắc giằng xé, như một cuộc giằng co giữa tình thân và sự buông bỏ.
Khoảnh khắc ấy, trong tâm trí tôi chỉ còn lại một hình ảnh: Sự bất lực và xót xa khi phải đối mặt với chia ly, khi phải buông tay một người cha già đang lặng lẽ rời xa thế giới này.
Tôi không thể nào biết được cha đang nghĩ gì. Tôi không rõ, trong cơn đau đớn giày vò này cha còn giữ trong mình chút khát vọng chiến đấu hay đã âm thầm chọn cách buông xuôi? Nhưng có một điều tôi chắc chắn: Cha không muốn người vợ già mắc chứng mất trí nhớ của mình biết về tình trạng bệnh tình hiện tại.
Cha thuộc về một thế hệ đã nếm trải đủ đầy thịnh vượng lẫn mất mát — một lớp người thấm nhuần sự nhẫn nại, lặng lẽ chịu đựng mà không cần lời than vãn. Ông đã quen sống với nỗi cô đơn, quen cả việc gánh lấy đau đớn một mình, chỉ để những người ở lại được yên lòng. Có lẽ, trong tận cùng những giây phút đó ông cũng không mong mình được níu kéo, mà chỉ mong được ra đi trong sự thanh thản – không ràng buộc, không khiến ai thêm đau lòng.
Và tôi, đứng giữa những máy móc lạnh lẽo, giữa ánh đèn trắng đến nhức mắt và mùi thuốc sát trùng, chỉ ước có thể nắm tay cha một lần cuối – không phải chỉ để nói lời chia tay, mà để học từ ông một điều sau cuối: rằng đôi khi, yêu thương không nằm ở việc níu giữ, mà ở sự can đảm để buông tay.
Cha đang lặng lẽ ra đi, như cách ông đã sống – âm thầm, nhẫn nại, không để lại gánh nặng cho ai. Trong khoảnh khắc đó tôi chợt hiểu rằng: cuộc đời rồi cũng sẽ đi đến một đoạn kết, và điều còn lại không phải là những năm tháng dài bao nhiêu mà là cách ta rời đi có bình yên không. Có lẽ, ý nghĩa lớn nhất của kiếp người không phải là kéo dài sự sống mà là học cách chấp nhận giới hạn của nó — trong tình yêu, trong đau đớn, và trong cả chia ly.
Sống ở thế gian, con người luôn tất bật mưu sinh. Mỗi sớm mai thức dậy, họ đã phải đối mặt với vô vàn lo toan – từ cơm áo gạo tiền đến những nhu cầu thiết yếu nhất. Họ không ngừng theo đuổi lý tưởng, ấp ủ hoài bão, và mong mỏi được sống trong ánh mắt ngưỡng mộ của người đời. Thế nhưng, tất cả những điều ấy rồi sẽ đi về đâu?
Tô Thức – nhà văn kiệt xuất thời Tống, người từng nếm trải cả vinh quang lẫn đọa đày – đã để lại một lời hồi đáp lặng lẽ mà thâm sâu trong bài thơ cuối cùng của đời mình:
‘Quan triều’
Lư sơn yên vũ Chiết Giang triều,
Vị đáo thiên bàn hận bất tiêu.
Đáo đắc hoàn lai biệt vô sự,
Lư sơn yên vũ chiết giang triều
Dịch nghĩa
Mưa khói ở Lư sơn, sóng ở Chiết Giang,
Khi chưa đến thì lòng bứt rứt khôn nguôi nhiều bề.
Khi đến rồi thì cũng không có gì khác biệt,
Chỉ là mưa khói ở Lư sơn, sóng ở Chiết Giang.
Qua bài thơ, ông gửi gắm những chiêm nghiệm sâu sắc từ cuộc đời mình: dù có bôn ba muôn dặm, vượt qua bao núi sông, thì “núi vẫn là núi, nước vẫn là nước” — cảnh vật vẫn thế, chỉ có lòng người là đổi thay. Dù có đạt đến địa vị cao sang, thì trong cõi đời này điều quan trọng nhất vẫn là giữ cho mình một tâm hồn thanh thản, vượt lên trên dục vọng và ham muốn; sống giản dị bên ngoài mà sâu sắc, tinh tế từ bên trong.
Sương mù mộng ảo của núi Lư Sơn và thủy triều hùng vĩ của sông Tiền Đường ở Chiết Giang đều là những kỳ quan lừng danh, ai chưa một lần được thấy thì coi như sống uổng phí đời người. Nhưng khi cuối cùng đã tận mắt chứng kiến những cảnh đẹp ấy, ta chợt tự hỏi: “Thì đã sao?” Cuộc đời vẫn thế, chẳng vì ngắm được phong cảnh mà đổi thay điều gì. Cảnh vẫn đẹp, nhưng lòng người đã lặng — bởi tất cả, rốt cuộc cũng chỉ là một phần của cõi tạm trần gian.
Để theo đuổi lý tưởng trong lòng, con người thường dốc toàn tâm toàn lực bất chấp mọi gian khó. Họ miệt mài tiến bước, không ngừng phấn đấu để chạm tới điều mình hằng mong ước. Rồi đến một ngày, khi đã vượt qua muôn trùng thử thách và cuối cùng cũng đạt được đích sau bao năm vất vả, họ bất chợt ngoảnh lại—và nhận ra rằng khung cảnh từng thôi thúc mình lên đường, cùng nỗi ám ảnh đã ám ảnh tâm hồn suốt chặng dài năm tháng ấy, hóa ra… cũng chỉ đến thế mà thôi.
Tô Thức – nhà văn kiệt xuất thời Tống – là người am tường thi ca và văn chương, nhưng lại không mấy thành công trên con đường quan lộ. Ông từng nhiều lần bị gièm pha, giáng chức, cuộc đời trải qua biết bao thăng trầm. Về cuối đời, khi đã buông bỏ mọi ham muốn và kỳ vọng, ông mới tìm được sự bình thản trong tâm hồn. Tuy nhiên, sự bình yên ấy không phải tự nhiên mà có, mà là kết tinh từ những thất bại cay đắng trên chốn quan trường. Điều này thể hiện rất rõ trong bài thơ Tây Giang nguyệt khi ông viết: “Việc đời như một giấc mộng dài
Đời người cũng trải hết bi ai”.
Cảnh thu hiu hắt, lá rụng xào xạc trong bài thơ không chỉ gợi lên nỗi buồn mùa thu, mà còn gợi cảm giác thời gian lặng lẽ trôi qua, tuổi trẻ tàn phai, và con người đang dần bước về phía hoàng hôn cuộc đời.
Phong cảnh núi non, sông nước từ lâu đã trở thành biểu tượng cho hành trình tu dưỡng tâm hồn. Vì sao lại như vậy? Trong cuốn cổ thư ‘Ngũ đăng hội nguyên’, có đoạn chép rằng quá trình nhập Thiền được chia thành ba cảnh giới. Ở giai đoạn đầu khi chưa bước vào con đường Thiền, con người nhìn núi chỉ thấy núi, nhìn sông chỉ thấy sông. Khi đã bước sâu vào quá trình tu hành, thế giới quan thay đổi: núi không còn là núi, sông không còn là sông. Nhưng đến khi tâm đã tĩnh, trí đã sáng, nhìn lại vạn vật, con người lại thấy núi vẫn là núi, sông vẫn là sông — nhưng là trong một tầng nghĩa khác, sâu xa và tĩnh lặng hơn.
Bài thơ ‘Quan triều’ của Tô Thức chính là hình ảnh tượng trưng cho quá trình ấy — một hành trình tự tu dưỡng, chỉ khi đã đi qua đủ đầy thăng trầm của đời người ta mới có thể thực sự thấu hiểu.
Hãy sống trọn vẹn với hiện tại, hãy trân trọng những điều đang hiện hữu trước mắt. Cảnh đẹp nhất đôi khi không ở nơi xa xôi nào cả, mà chính là những gì bạn đang có. Đừng mãi đuổi theo những điều viển vông bởi đó chỉ là ảo ảnh. Đây mới chính là điều đáng giá nhất trong cuộc sống.
Hãy thử suy ngẫm: khi tâm trí bị vướng mắc bởi những phù hoa nơi thế gian, ta thường theo đuổi những điều do người khác vẽ vời — tưởng chừng rực rỡ, lấp lánh, nhưng thực chất lại trống rỗng và xa rời thực tại. Chỉ khi đã nếm trải đủ mọi thăng trầm, đi qua muôn vàn biến cố, con người mới có thể đạt đến một sự tỉnh ngộ sâu sắc. Lúc ấy, ngoảnh nhìn lại ta mới thấm thía rằng bao nhiêu năm theo đuổi danh lợi cũng chỉ như áng mây bay ngang trời — đẹp đấy, nhưng rồi cũng tan biến.
Ngược lại, chính cuộc sống giản dị, thuận theo tự nhiên — sáng dậy khi mặt trời lên, nghỉ ngơi khi trời tắt nắng — mới là điều đem lại sự an nhiên đích thực cho tâm hồn. Không phải những điều xa xôi, mà chính sự bình thường đúng lúc mới là điều phi thường nhất.
Nhìn lại hành trình dài của cuộc đời, nửa thế kỷ đã lặng lẽ trôi qua. Tôi đã gặp biết bao người, trải qua biết bao cuộc hội ngộ rồi chia ly, bao niềm vui xen lẫn những nỗi buồn. Lòng hiếu khách, sự nhiệt tình thuở ban đầu dần phai nhạt, nhường chỗ cho những bận lòng, những sở thích vụn vặt. Đến cuối cùng, ngay cả một cái vẫy tay từ biệt cũng trở nên xa xỉ.
Tình cảm giữa người với người cũng như những con sóng trên biển: bị sóng sau xô sóng trước, chao đảo không ngừng rồi tan biến trong thoáng chốc. Mỗi lần nhớ lại, trong tôi chỉ còn đọng lại một tiếng thở dài cùng nỗi buồn lặng lẽ.
Trúc Nhi biên dịch
Theo The Epochtimes
Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CPB) vừa thông báo danh mục các…
Quan chức ĐCSTQ thừa nhận rằng Bắc Kinh đứng sau một loạt các cuộc tấn…
Một số chuyên gia tin rằng nền kinh tế Hoa Kỳ và Trung Quốc đang…
Hồi năm 2024, vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra tại công trình thủy điện…
Giáo dục con cái là một dạng trí tuệ – và cũng là phép thử…
Các công ty Châu Âu đang khẩn trương sắp xếp lại chuỗi cung ứng để…