Sân bay quốc tế Narita là sân bay chính ở Tokyo và cũng là sân bay có lưu lượng hành khách lớn thứ hai trong cả nước Nhật Bản. Ông Takao Shito đã luôn sống bên trong sân bay này suốt hàng chục năm qua, ông làm ruộng, trồng rau để kiếm sống và kiên quyết không dọn đi.
Sân bay Narita ở thành phố Narita thuộc tỉnh Chiba được xây dựng vào những năm 1970. Trước khi sân bay này được xây dựng, người dân địa phương và các tổ chức xã hội đã phản đối cũng như nhiều lần xảy ra xung đột với cảnh sát.
Sau nhiều lần trì hoãn tiến độ xây dựng, chính phủ đã phải áp dụng các biện pháp cứng rắn, cuối cùng sân bay quốc tế Narita đã được chính thức khai trương vào năm 1978, nhưng vẫn có một số gia đình kiên quyết sống ở đó, bao gồm cả ông Takao Shito. Ông là một trong những nông dân cuối cùng ở lại sân bay Narita, ông đã sống với cha ở đây hơn 50 năm.
Ông Takao Shito là nhóm nông dân cuối cùng ở lại sân bay quốc tế Narita. (Ảnh: KAZUHIRO NOGI/AFP via Getty Images)
Ba thế hệ của gia đình ông Takao Shito đều trồng trọt trên mảnh đất còn đang sở hữu này trong suốt hơn 100 năm qua. Hiện tại mảnh đất này được bao quanh bởi sân bay, đường băng của sân bay cũng phải chạy vòng qua. Dù mỗi ngày phải chịu đựng tiếng ồn của máy bay và việc ra vào rất bất tiện, nhưng ông Takao Shito vẫn tiếp tục sống ở đây.
Ông Takao Shito vốn kinh doanh cửa hàng ăn ở nơi khác. Vào năm 48 tuổi, ông quay về nhà trồng trọt sau khi cha ông mất, ông đã thề sẽ kế thừa ý di sản của cha ông để lại là mảnh đất này và bảo vệ nó. Hiện nay nông trại của ông áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ để trồng khoảng 10 loại rau củ như cà rốt, hành tây, tỏi, hành baro… và bán trực tiếp cho khách hàng.
Ông Takao Shito áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ để trồng khoảng 10 loại rau củ. (Ảnh: KAZUHIRO NOGI/AFP via Getty Images)
Ông Takao Shito hiện đã ngoài 70 tuổi, ông chia sẻ với đài BBC rằng trước khi sân bay được xây dựng, cuộc sống của những người nông dân rất nghèo khổ, vì vậy rất nhiều người đã nhận khoản tiền bồi thường khổng lồ của chính phủ để dọn đi nơi khác. Làng của ông vốn dĩ có 28 hộ gia đình, còn làng bên cạnh thì có 66 hộ, nhưng hiện nay chỉ còn lại 5 hộ trong phạm vi bên trong sân bay và ông là hộ duy nhất của làng còn ở lại đây.
Ông Takao Shiho là hộ duy nhất của làng còn ở lại đây. (Ảnh: KAZUHIRO NOGI/AFP via Getty Images)
Ông Takao Shito cho hay chính phủ đã đề nghị trả số tiền bồi thường là 180 triệu Yên (khoảng 1,7 triệu đô la) để ông dọn đi, con số này tương đương với số tiền mà ông kiếm được từ việc làm nông trong 150 năm. Tuy nhiên ông nói: “Tôi không quan tâm tới tiền bạc. Tôi muốn tiếp tục trồng trọt và chưa từng cân nhắc đến việc chuyển đi.”
Ông cho hay: “Đất trồng của tôi rất màu mỡ vì chúng tôi đã trồng trọt ở đây 100 năm rồi. Sẽ không có điều gì khác có thể mang đến niềm vui cho tôi bằng việc trồng trọt, thu hoạch và phân phối những loại rau củ có chất lượng tốt để khiến các khách hàng hài lòng.”
Minh Ngọc (Theo Epoch Times)
Xem thêm:
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…