Người đàn ông Hồng Kông rời phố về quê tự trồng rau, nấu bếp củi
- Minh Minh
- •
Không dùng smartphone để giải trí hàng ngày, gia đình anh Mok Ho-kwong sống ở làng quê, mọi thứ đều dùng 2 bàn tay để làm ra, nhưng lại có cuộc sống mà bất cứ người thành phố nào cũng phải mơ ước.
Anh Mok bắt đầu ăn chay từ năm 2003 vì anh thấy như vậy tốt hơn cho môi trường. Năm 2006 sau khi tốt nghiệp Đại học Hồng Kông, anh chuyển về sống ở làng quê để gần gũi với thiên nhiên hơn. Ngay cạnh ngôi nhà anh ở (tỉnh Yuen Long) có một con suốt, đó cũng chính là nguồn nước sinh hoạt hàng ngày của gia đình. Tất nhiên anh Mok cũng tự trồng rau xanh để ăn. Lối sống có vẻ “khác người” nhưng thực tế anh không hề xa cách với xã hội. Trên thực tế, thông điệp về lối sống xanh của gia đình anh vô cùng ý nghĩa và anh muốn lan truyền tới nhiều người hơn.
Anh Mok Ho-kwong và vợ giặt quần áo bằng tay. Gia đình anh dùng baking soda thay cho bột giặt quần áo, dùng bột hạt trà để làm món ăn và gội đầu, muối chính là kem đánh răng, giấy vệ sinh thì thay thế bằng nước sạch.
“Người đàn ông của thiên nhiên” rất yêu thương cậu con trai 23 tháng tuổi, vậy nên anh chỉ làm việc 4 ngày 1 tuần để được ở bên con nhiều hơn. Từ lúc cậu bé chào đời, gia đình anh Mok Ho-kwong tiêu tốn chưa tới 500 đô la Hong Kong vì họ chủ yếu sử dụng các vật phẩm truyền lại từ người thân và bạn bè.
Anh cho rằng cha mẹ nên đưa con cái đi trải nghiệm và khám phá thiên nhiên nhiều hơn, thay vì mua đồ chơi hay đưa cho con một món đồ công nghệ. Người lớn tuổi thường không muốn con cháu mình chơi với các sản phẩm cũ hoặc tái chế vì họ nghĩ các món đồ đó rất bẩn. Nhưng bậc cha mẹ trẻ này lại có suy nghĩ cởi mở hơn với ý tưởng “nuôi dạy con xanh” vì họ nhận thức rõ hơn về nhu cầu bảo tồn môi trường.
Anh Mok luôn dạy con phải biết bảo vệ và hòa mình vào thiên nhiên trong từng khía cạnh nhỏ trong cuộc sống như quần áo, thực phẩm, lối sống và giao thông. Sinh nhật của các con là thời điểm bùng nổ về nhu cầu mua bán đồ chơi (thường sẽ làm từ các chất liệu không có lợi với môi trường). Một cách để cắt giảm tiêu thụ và lãng phí là các gia đình mang đồ chơi không còn dùng nữa để trao đổi với người khác. Những hoạt động như vậy đang dần trở nên phổ biến khi công chúng có ý thức hơn về môi trường.
Nói vậy không có nghĩa là gia đình anh cách ly với tiện ích hiện đại. Gia đình Mok Ho-kwong vẫn sử dụng điện cho máy tính, tủ lạnh, quạt và đèn (điện từ những tấm pin năng lượng mặt trời lắp trên mái nhà anh). Nhưng anh sẽ mua những loại đồ dùng, thực phẩm thân thiện nhất với môi trường. Ví dụ như đồ ăn được bọc bằng giấy thay vì túi ni lông; mua đồ ở chợ, cửa hàng nhỏ thay vì đến siêu thị.
Nhiều người nói với Mok rằng chỉ có mình anh sống với thiên nhiên như vậy thì quá vô nghĩa. Thậm chí chính cha mẹ ban đầu cũng không ủng hộ anh. Họ cho rằng đó là một sự lãng phí giáo dục khi cho anh ăn học tốt nghiệp đại học rồi cuối cùng lại tự thành lập nên xã hội “xanh” chẳng giống ai. Ba năm sau, họ bắt đầu thay đổi suy nghĩ.
Anh Mok là một thầy giáo dạy về môi trường. Mọi người khuyên anh tìm một công việc tốt hơn, nhưng anh thấy đây là cách hoàn hảo để quay trở lại với xã hội. Mới đầu anh Mok không kiếm được nhiều tiền, vậy nên anh quyết định chuyển sang thành giáo viên dạy kèm cho sinh viên đại học.
Với gia đình anh, hạnh phúc không được đong đếm bằng tiền hay sự lãng phí. Gạch trên nền nhà cũng có đủ loại, đều là đồ do người khác không sử dụng nữa. Vì anh chẳng tiêu gì nên chẳng có gì để lãng phí. Thậm chí anh có thể đi du lịch mà chẳng xả ra một mẩu rác nào. Anh Mok không chỉ đi để thư giãn mà còn để học những điều bổ ích. Gần đây anh đã bay đến Đài Loan để học cách chế tạo bếp lò. Đó là lần đầu tiên anh lên máy bay kể từ khi học đại học.
Anh Mok cảm thấy cần có trách nhiệm với môi trường, ít nhất là với nơi mình sinh sống. Là một người cha theo đuổi “lối sống xanh”, anh không chắc con trai có muốn sống như vậy không, khi lớn lên, anh sẽ để con tự quyết định con đường của mình.
Minh Minh
Xem thêm:
Từ khóa ăn chay bảo vệ môi trường thân thiện môi trường Không gian xanh