Thời “học mà chơi” của trẻ em Mỹ dường như đã hết khi các phụ huynh xứ cờ hoa ngày càng bị ảnh hưởng bởi phong cách giáo dục nặng thành tích và kỳ vọng của nhiều quốc gia châu Á.
Các bậc cha mẹ Mỹ ngày nay cũng quay cuồng trong việc chọn lớp học ngoại khóa, chọn trường khi chuyển cấp và muốn con vào các trường đại học danh giá để được “nở mày nở mặt” bằng tất cả khả năng tài chính và các nguồn lực khác có thể. Xu hướng này xuất hiện tại Mỹ vào thập niên 1990 và ngày càng ăn sâu vào xã hội Mỹ, theo Business Insiders.
Trẻ em Mỹ ngày nay sở hữu một thời gian biểu có thể so sánh với ngày làm việc của một CEO. Ngay từ khi mẫu giáo, trẻ đã bắt đầu học bơi lội, các môn thể thao, chơi bóng và học violin, piano, khiêu vũ, phát triển kỹ năng giao tiếp, năng lực lãnh đạo…
Theo số liệu từ Trung tâm Pew vào năm 2015, trong số các gia đình Bắc Mỹ có thu nhập hàng năm hơn 75.000 USD (tầng lớp trung lưu), 84% trẻ em đã tham gia tập luyện thể thao, 64% trẻ em là tình nguyện viên và 62% trẻ em đã học nhạc, khiêu vũ hoặc các lớp nghệ thuật khác; Ngay cả trong các gia đình có thu nhập hàng năm dưới 30.000 USD (nhà nghèo), 59% trẻ em đã tham gia tình nguyện, 37% trẻ em đã tham gia các hoạt động thể thao và 41% đã tham gia các lớp học nghệ thuật.
Và tất nhiên, để có thể làm được điều này, một khoản kinh phí khổng lồ đã được các bậc phụ huynh Mỹ sử dụng.
Báo cáo từ Sabino Cohenridge – một nhà xã hội học tại Đại học New York cho thấy chi phí trung bình để nuôi dạy một đứa trẻ đến 18 tuổi hiện nay lên tới 230.000 USD. Theo phân tích của Town & Country, chi phí chăm sóc trẻ trung bình của các gia đình giàu có ở New York lên tới 1,7 triệu USD.
Đầu tư số tiền lớn, đặt rất nhiều kỳ vọng nhưng hiện chưa có một báo cáo nào chứng minh hiệu quả và lợi ích của xu hướng nuôi con kiểu “gà nòi” như trên. Trong khi, không ít các hệ lụy đã được chỉ ra.
Đầu tiên, quyền tự do của trẻ em đã bị giảm sút đáng kể. Các bậc phụ huynh Mỹ ngày nay muốn giám sát chặt chẽ cuộc sống của con, nhằm đảm bảo con cái không vấp sai lầm. Điều này khác hoàn toàn quá khứ khi trẻ được khuyến khích sống độc lập, tự chủ. Năm 1969, 41% trẻ em Mỹ đến trường bằng xe đạp hoặc đi bộ, nhưng con số này giảm xuống còn khoảng 18% vào năm 2014.
Thứ hai, áp lực quá mức với việc học dẫn đến sự gia tăng trầm cảm ở thanh thiếu niên. Con số đáng báo động với 60% ở độ tuổi từ 14-17, ở độ tuổi từ 12-13 là 47% từ năm 2009-2017. Trong khoảng thời gian từ năm 2007-2017, tỷ lệ tự tử trong giới trẻ ở Mỹ đã tăng 56%, hiện là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai ở những người trẻ tuổi Mỹ. Một cuộc khảo sát của Hiệp hội Y tế Đại học Mỹ cho thấy hơn 21% sinh viên đại học được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lo âu vào năm 2017.
Linh Sơn
Xem thêm:
Xinh đẹp là một loại phúc báo, nhưng nhan sắc là yếu tố bên ngoài…
Nhà Hậu Trần giằng co cản bước quân Minh nam tiến sau khi Trương Phụ…
Ba vị đồ đệ trong Tây Du Ký có pháp danh lần lượt là Tôn…
Các sợi lông lỏng lẻo trên bề mặt vải có thể dễ dàng được loại…
Tổng thống đắc cử Donald Trump trong quá trình tranh cử đã nhiều lần chỉ…
Ông Matt Gaetz hôm thứ Năm (21/11) đã tuyên bố rằng ông sẽ rút lui…