Vì sao trẻ em Mỹ có nghị lực sống mạnh mẽ hơn trẻ em Trung Quốc?
- Thanh Trúc
- •
Tác giả của bài viết này là một người Trung Quốc. Anh hẹn gặp người bạn cũ vừa từ Mỹ về, sau khi đến nhà hàng ăn uống xong, đến lúc tính tiền thì hai người vì việc thanh toán mà lại xảy ra tranh cãi. Sau đó, người bạn này đã kể một câu chuyện khiến anh hiểu ra rằng thì ra việc giáo dục trong bữa cơm gia đình của các bậc cha mẹ ở Mỹ lại chính là bí quyết giúp con trẻ sinh tồn.
Sau đây là lời kể của tác giả:
Tết năm nay điều may mắn nhất mà tôi có được đó là gặp một người bạn từ Mỹ về, dùng bữa với gia đình anh ấy khiến tôi cảm thấy rất vui.
Tôi mời gia đình anh Hoàng ra nhà hàng dùng bữa, nhiều năm không gặp, chúng tôi trò chuyện rất vui vẻ, thế nhưng mà khi đến lúc thanh toán thì lại xảy ra tranh cãi.
Là người mời, theo lý mà nói thì tôi trả tiền, nhưng anh Hoàng lại cứ nhất định phải chia đều với tôi, cuối cùng tôi không cãi lại nổi đành phải thỏa hiệp theo lời khuyên của người phục vụ.
Trên đường về, anh ấy hỏi tôi: “Vừa rồi tôi giành chia đôi, có phải đã khiến anh cảm thấy mất mặt rồi không?”
Tôi nói: “Đúng thế, nhưng tôi cũng hiểu được, dù sao thì đây cũng là văn hóa Mỹ.”
Anh Hoàng cười nói: “Thật ra thì đây không chỉ là văn hóa Mỹ, mà còn là gia phong của gia đình chúng tôi, bất kể là người lớn hay trẻ nhỏ đều phải tự mình trả tiền.”
Tôi nói: “Nghiêm khắc với con thế cơ à?”
Anh Hoàng: “Chẳng lẽ nghiêm khắc thì không phải là yêu thương sao? Tôi kể cho anh nghe một câu chuyện nhé.”
Trong một buổi trại hè trung học ở Mỹ, có một đứa trẻ người Mỹ và một đứa trẻ người Trung Quốc vì quá thích thú với những viên đá mà vô tình bị lạc lại phía sau, và cũng vì không nhìn rõ được đường nên hai em bị trượt xuống khu vực có đầy đá và sỏi ở dưới núi nên bị thương ở chân.
Trời ngày càng tối, trong tình trạng không có tín hiệu, không có thức ăn và cứu trợ, các em buộc phải dựa vào nhau để nghĩ cách sinh tồn vì có thể sẽ bị chết vì lạnh bất cứ lúc nào.
Bạn nhỏ người Mỹ nói với bạn nhỏ Trung Quốc: “Chúng ta chỉ còn biết dựa vào chính mình thôi.”
Đứa trẻ Trung Quốc nói: “Nhưng mà chúng ta làm được gì đây?”
Đứa trẻ Mỹ: “Leo trở về”.
Đứa trẻ Trung Quốc: “Xa như thế, làm sao chúng ta leo trở về được chứ? Hơn nữa, mình cũng không nhớ đường”, rồi bối rối bật khóc.
Đứa trẻ Mỹ: “Mình nhớ đường, đợi mình về gọi người đến cứu bạn”.
Lúc này đứa trẻ Trung Quốc không khóc nữa.
Đứa trẻ Mỹ đã dùng sức của hai cánh tay để kéo hòn đá trên chân ra. Lúc này, cậu đã cạn kiệt sức lực, nhưng sau khi lấy hơi, cậu cố gắng chống tay đỡ cơ thể và men theo phần mỏm đá từ từ leo lên. Do chân không còn sức để nhấc lên được nữa, cậu chỉ có thể lê qua lê lại trên phần đá sắc, để lại một mảng máu đỏ tươi ở nơi cậu leo lên….
Ngay khi cậu sắp nắm được tảng đá trên cùng thì tảng đá dưới chân đột nhiên lở ra. Cậu lăn xuống theo đống đá và sỏi lại rơi lên người cậu.
Đứa trẻ Mỹ nằm ngửa trên tảng đá, miệng thì thở gấp để lấy hơi, cậu thật sự quá tuyệt vọng. Bởi vì cậu đã hết sức rồi. Trời thì tối, cậu thì đói, sự sợ hãi và kiệt sức như muốn nuốt chửng cậu. Cậu ngẩng mặt lên bầu trời cao rồi khóc lớn.
Lúc này đứa trẻ Trung Quốc nghe thấy tiếng khóc của cậu.
– “Cậu sao rồi?”
– “Mình lại ngã xuống rồi.”
– “Vậy… chúng ta sẽ chết ở đây ư?”
Lúc này đứa trẻ Mỹ ngừng khóc.
– “Tuyệt đối sẽ không! Mình phải leo lên một lần nữa! Cậu cố chịu một chút nữa nhé.”
Đứa trẻ Mỹ lau khô nước mắt rồi một lần nữa dùng sức của hai cánh tay để phủi sỏi trên người. Mỗi lần bước lên, cậu đều quan sát xem liệu có tảng đá nào sẽ bị lở ra không.
Sau quá trình nỗ lực, cuối cùng đứa trẻ người Mỹ đã leo lên được phía trên. Nhưng từ chỗ này còn cách một khoảng nữa mới đến đường chính, nếu muốn đi xuống thì chỉ có thể dùng sức ở chân, nhưng mà chân của cậu bé đã đầy thương tích rồi, không còn sức nữa, phải làm sao đây? Cậu bé đành nhắm mắt, ôm lấy đầu rồi lăn xuống dưới mặt đất.
Đúng lúc này, một chiếc xe trên đường đã nhìn thấy và dừng lại trước cậu bé. Chú tài xế xuống xe hỏi thăm tình hình của cậu và giúp cậu liên lạc với giáo viên. Lúc đó giáo viên đang quay lại tìm cậu bé đã lập tức lái xe đến. Đội cắm trại chia làm 2 nhóm, một nhóm đưa cậu đến bệnh viện gần nhất, nhóm còn lại thì lên núi tìm bạn nhỏ người Trung Quốc.
Đứa trẻ người Mỹ đã trở thành anh hùng, còn đứa trẻ Trung Quốc thì đã sắp nguy kịch trong lúc đợi mọi người quay lại tìm mình.
Anh Hoàng kể đến đây, tôi có thể nhìn thấy nước mắt của con anh ấy thông qua kính chiếu hậu, cậu bé ngậm ngùi nói: “Thật ra đứa trẻ Trung Quốc đó chính là cháu.”
Anh Hoàng xoa đầu con trai và nói: “Trưởng thành là tốt rồi.”
Anh Hoàng quay sang tôi: “Anh có biết vì sao cậu bé người Mỹ dù còn nhỏ mà lại có sức sống mãnh liệt như thế không?”
Tôi đáp: “Bởi vì cậu bé dũng cảm.”
Anh Hoàng: “Ngoài dũng cảm, còn có một điều nữa, tôi cảm thấy đó là [những đứa trẻ Mỹ] từ khi còn nhỏ trong các bữa cơm gia đình đều được bố mẹ dạy cho đạo lý ‘Bất cứ việc gì cũng phải tự mình trả giá’. Bởi vì bố mẹ, thầy cô, bạn bè có thể giúp mình một lúc, không thể giúp mình cả đời, họ không thể có mặt bên cạnh mình bất cứ lúc nào, bản thân phải có ý thức rằng bất cứ việc gì đều phải dựa vào chính mình.”
Tôi nghĩ rằng điều mà anh Hoàng phân tích rất hay, chính nhờ sự độc lập này mà cậu bé người Mỹ mới biết rằng: khi ở một mình mà gặp nguy hiểm đến tính mạng thì sợ hãi là vô dụng, chỉ có thể tận dụng tất cả mọi công cụ có thể sử dụng được xung quanh để nỗ lực cứu lấy mình.
“Bất cứ việc gì cũng đều phải tự mình trả giá” nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng vô hình chung đã tạo nên phẩm chất kiên cường và tính độc lập của trẻ, đây chính là ‘bí quyết sinh tồn’ mà trẻ em Mỹ học được từ những bài học trong bữa cơm gia đình.
Theo Secret China
Thanh Trúc
Xem thêm:
Từ khóa Giáo dục Trung Quốc nghị lực sống Giáo dục Mỹ Trẻ em Mỹ