Nối tiếp Barbados, Estonia và Dubai, quần đảo Cayman phía Tây vùng biển Caribe cũng công bố kế hoạch thu hút những người làm việc tại nhà chuyển đến một nơi thú vị hơn và có lẽ cũng an toàn hơn để làm việc trong “mùa Covid”.
Quần đảo Cayman từ lâu đã được biết đến như một thiên đường thuế. Theo Bách khoa toàn thư Britannica, nơi đây là “một trong những trung tâm tài chính lớn nhất thế giới”, nhờ luật ngân hàng tự do nói chung đảm bảo các giao dịch bí mật và không có thuế trực thu. Hầu hết tất cả các ngân hàng lớn trên thế giới đều được đăng ký tại Caymans.
Và nếu bạn kiếm được gần gấp 3 lần mức thu nhập của một công dân Mỹ điển hình, bạn cũng có thể tìm thấy một nơi trú ẩn qua mùa dịch COVID-19 ở đó.
Chương trình của Cayman khá giống với các quốc gia khác, nhưng có một điểm khác biệt lớn: để đăng ký, người lao động phải chứng minh sự độc lập về tài chính và hơn thế nữa.
Theo trang web của Sở Du lịch quần đảo Cayman, nếu muốn tham gia chương trình này, một cá nhân cần phải kiếm được ít nhất 100.000 USD (~2,32 tỷ VNĐ) một năm. Các cặp vợ chồng phải kiếm tổng số tiền tối thiểu là 150.000 USD (~3,48 tỷ VNĐ), còn gia đình có một (hoặc nhiều con) phải kiếm được ít nhất 180.000 USD (~4,17 tỷ VNĐ).
Để giúp bạn hình dung rõ hơn về những con số này, chúng ta hãy so sánh với một số cuộc khảo sát. Theo khảo sát cộng đồng người Mỹ năm 2019 của Cục điều tra dân số, thu nhập trung bình của một người Mỹ là 36.519 USD (~846,5 triệu VNĐ). Theo Tổng điều tra năm 2019, thu nhập trung bình của một hộ gia đình Mỹ là 68.703 USD (~1,59 tỷ VNĐ).
Kết quả khảo sát cho thấy một công dân Mỹ điển hình và gia đình Mỹ điển hình đều không đủ điều kiện đăng ký chương trình này. Họ cần phải tăng hơn gấp đôi mức thu nhập trung bình của quốc gia. Đại dịch COVID-19 đã làm sâu sắc thêm tình trạng bất bình đẳng kinh tế, hoặc ít nhất, cho chúng ta thấy hiện tượng này một cách rõ nét hơn.
Tờ CBS News báo cáo rằng trong 3 tháng đầu tiên của đại dịch, hơn 29 triệu người phải nhận trợ cấp thất nghiệp, còn tài sản ròng của hơn 600 tỷ phú ở Mỹ đã tăng khoảng 20%. Khi đại dịch nổ ra đợt đầu tiên, những người giàu có đã rời khỏi các khu đô thị để chuyển đến các điểm nghỉ dưỡng xa xôi. Một số người còn mua thêm tủ đông để dự trữ hàng tạp hóa.
Các chương trình thị thực làm việc từ xa và trào lưu du mục kỹ thuật số (digital nomad) với yêu cầu về mức thu nhập tối thiểu chỉ làm nổi bật thêm sự rạn nứt đó, dường như chúng đang làm phong phú thêm những trải nghiệm khác nhau cho người giàu trong đại dịch toàn cầu này.
Dịch vụ làm việc từ xa của quần đảo Cayman không phải là chương trình duy nhất yêu cầu thu nhập tối thiểu với du khách, nhưng mức tối thiểu của nó là cao nhất cho đến nay. Chương trình làm việc ảo kéo dài một năm của Dubai yêu cầu khách hàng phải kiếm được ít nhất 60.000 USD (~1,39 tỷ VNĐ) một năm. Chương trình cấp thẻ cư trú du mục điện tử (Nomad Digital Residence) của đất nước Antigua và Barbuda mong muốn người nộp đơn kiếm được tối thiểu 50.000 USD (~1,16 tỷ VNĐ) một năm. Đối với Thị thực du mục điện tử của Estonia, người lao động cần chứng minh thu mức nhập tối thiểu là 49.560 USD (~1,15 tỷ VNĐ) một năm.
Rõ ràng một người Mỹ điển hình không đủ điều kiện cho bất kỳ chương trình nào trong số này.
Bộ trưởng bộ Du lịch và Giao thông quần đảo Cayman, Moses Kirkconnell cho biết bạn không thể mong chờ mức chi phí sinh hoạt rẻ ở đây và con số tối thiểu mà quần đảo này đưa ra được dựa trên thu nhập trung bình của 500.000 du khách ghé thăm vào năm 2019. Thực tế, 100.000 USD là mức thấp hơn những gì du khách của họ kiếm được. Ông Kirkconnell giải thích rằng bất cứ thứ gì cập bến ốc ảo này, từ thực phẩm đến ô tô hay đồ đạc đều bị đánh thuế từ 15% đến 20% (nên chi phí cho các bữa ăn tại nhà hàng và cửa hàng tạp hóa phải cũng tăng lên). Nói về những người có thu nhập dưới 100.000 USD, ông cho biết: “Chúng tôi tin rằng bạn sẽ gặp khó khăn nếu thực sự muốn sống ở đây”.
Tuy nhiên ông Kirkconnell cũng tiết lộ thêm, thu nhập trung bình của một gia đình trên đảo là 62.407 USD (~ 1,45 tỷ VNĐ). Theo tờ Cayman Resident, một hướng dẫn viên địa phương hay một cặp vợ chồng không con có thể thoải mái sống bằng một nửa số tiền yêu cầu đối với du khách, với chi phí ước tính vào khoảng 64.800 USD (~ 1,50 tỷ VNĐ) một năm.
Kirkconnell tin rằng việc thông báo rõ con số nào có thể mang đến cuộc sống thoải mái nhất sẽ giúp mọi người đưa ra quyết định sáng suốt hơn khi muốn so sánh giữa các chương trình làm việc từ xa. Cũng theo ông Kirkconnell, quần đảo Cayman có lợi thế hơn so với các chương trình khác nhờ cơ sở hạ tầng tốt và gần như không có COVID-19.
Báo cáo của CDC cho biết, nguy cơ COVID-19 tại quần đảo Cayman hiện đang ở mức thấp. Theo Trung tâm Tài nguyên Coronavirus của Johns Hopkins, quần đảo Cayman đã có 239 trường hợp nhiễm COVID-19, 1 trường hợp tử vong. Theo trang web của Chính phủ quần đảo Cayman, tính đến ngày 28/10, họ có 20 trường hợp dương tính đang có mặt trên đảo. Đeo khẩu trang và giãn cách xã hội không còn là yêu cầu bắt buộc.
Quần đảo Cayman bắt đầu mở cửa trở lại theo từng giai đoạn vào ngày 1/10. Những người được phê duyệt trong chương trình Global Citizen Concierge được phép lưu trú trong tối đa 24 tháng.
Tất cả các du khách khi đến đảo đều phải kiểm tra COVID-19, cách ly rồi kiểm tra lại sau 14 ngày. Trong 2 tuần đó, họ được lựa chọn nơi kiểm dịch là cơ sở do chính phủ điều hành, cơ sở tư nhân hoặc cách ly tại nhà, nhưng phải đeo thiết bị có công nghệ giám sát.
Theo Insider
Minh Minh
Xem thêm:
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…