Hình ảnh những bãi biển trống trải trên toàn cầu gần đây có vẻ xa lạ đối với chúng ta, nhưng với những con rùa biển đang trong mùa làm tổ, thì quan cảnh này chưa bao giờ đẹp hơn.
Các quan chức khu bảo tồn được giao nhiệm vụ quản lý những địa điểm làm tổ đã báo cáo về sự gia tăng số lượng rùa cái quay trở lại các bãi biển để đẻ trứng. Tuy nhiên tùy thuộc vào người mà bạn hỏi, lý giải cho việc này sẽ khác nhau, có thể là do sự vắng vẻ của khách du lịch hoặc đây chỉ hoàn toàn là sự trùng hợp.
Tại bang Odisha, miền đông Ấn Độ, dọc theo các bãi biển Rushikulya và Gahirmatha, lần đầu tiên sau 7 năm, gần 475.000 con rùa biển Olive Ridley lại làm tổ ngay ban ngày, giữa bãi biển mênh mông. Vì các quan chức vốn vẫn có chính sách hạn chế áp lực du lịch trong mùa làm tổ, nên họ không cho rằng việc phong tỏa do đợt dịch lần này là nguyên nhân dẫn đến số lượng gia tăng.
“Nếu những con rùa thực sự phản ứng với việc phong tỏa lần này, thì đáng lẽ chúng phải làm tổ ở Gahirmatha trong suốt thời gian bãi biển bị cấm xâm nhập vĩnh viễn do sự đóng quân của các cơ sở quốc phòng tại đây”, nhà nghiên cứu Bivash Pandav của Viện động vật hoang dã Ấn Độ đã phát biểu với tờ Mongabay-India, “Điều này hoàn toàn vô lý và được thêm thắt quá nhiều bởi trí tưởng tượng của một số người. Rùa biển phản ứng chặt chẽ với những biến số môi trường nhất định như điều kiện thủy triều, hướng gió, chu kỳ mặt trăng và làm tổ với số lượng tương ứng.”
Rùa biển Olive Ridley làm tổ để đẻ trứng tại Bãi biển Ixtapilla tại bang Michoacan, Mexico, vào tháng 7 năm 2018. (Ảnh: ENRIQUE CASTRO / AFP / Getty Images)
Tuy nhiên vẫn có những ý kiến khác cho rằng việc thiếu vắng con người có tác động tích cực đến quyết định lên bờ của rùa biển. Tại Nam Florida, nơi mùa làm tổ chỉ mới bắt đầu, các quan chức cho biết những bãi biển ít đông đúc hơn có thể sẽ cung cấp một số điều kiện tốt nhất cho rùa biển lên bờ trong một thời gian dài.
Justin Perrault, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Loggerhead Marinelife đã phát biểu với tờ Sun Sentinel: “Những gì chúng tôi phát hiện được là sự vắng mặt của con người dẫn đến việc rùa làm tổ thành công, và ngược lại nếu con người có mặt nhiều hơn lũ rùa sẽ quay đầu và đi xuống nước”. Điều này đặc biệt đúng trong những giờ cuối tuần, Perrault cho biết thêm, khi các bãi biển thường chật cứng người và điều kiện không thuận lợi cho rùa biển lên bờ.
Có một điều mà tất cả mọi người có thể cùng đồng ý: Sự hiện diện của COVID-19 đã cho phép các nhà bảo tồn tập trung ít hơn vào việc quản lý du khách và nhiều hơn vào sự an toàn của rùa biển.
“Chúng tôi không cho phép mọi người đến quá gần các nơi làm tổ”, Amlan Nayak, cán bộ lâm nghiệp huyện Odisha đã nói với tờ Mongabay-India. “Nhưng lợi ích của việc phong tỏa là chúng tôi có thể điều hướng lực lượng lao động của mình nhiều hơn sang việc dọn dẹp các mảnh vỡ trên bãi biển và quan sát các hoạt động làm tổ. Khi khách du lịch đến, một phần nhân lực của chúng tôi phải được phân bổ để điều tiết và quản lý họ.”
Đỗ Hoàng dịch (theo MNN)
Xem thêm:
Bộ Quốc phòng Đài Loan vào hôm thứ Hai (25/11) thông báo rằng họ đã…
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cao Bằng cho biết vừa ghi nhận một…
Công an TP. Hải Phòng kiểm tra vũ trường New MDM, phát hiện 26 người…
TP.HCM quyết định dừng dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng theo hình thức…
Trong 22 trường hợp viêm phổi nặng được xét nghiệm, sàng lọc tại tỉnh Bình…
Cầu Tứ Liên có chiều dài khoảng 11,5km, tổng mức đầu tư được tạm tính…