Trì hoãn không chỉ là một thói quen, mà còn là “kẻ trộm” âm thầm lấy đi cơ hội và thời gian quý giá trong cuộc sống. Từ những việc nhỏ bị lãng quên đến những kế hoạch lớn dở dang, trì hoãn nuôi dưỡng sự lười biếng và dần hủy hoại ý chí của con người.
Trì hoãn là hành động dời lại hoặc hoãn một nhiệm vụ nào đó, và hầu hết chúng ta đều quen thuộc với nó. Thói quen này thường xuất hiện khi chúng ta đối mặt với những công việc tẻ nhạt, khó chịu hoặc đầy thử thách.
Có thể bạn thấy mình trì hoãn những công việc nhàm chán hoặc bài tập cho đến phút cuối cùng. Hoặc bạn trì hoãn việc nhà, để chúng tích tụ dần cho đến khi không thể không dọn dẹp. Đống quần áo chưa được gấp là một ví dụ quen thuộc. Đôi khi, trì hoãn cũng có thể liên quan đến những vấn đề nghiêm trọng hơn, như tránh đưa ra các quyết định quan trọng, hy vọng rằng chúng sẽ tự giải quyết.
Khi chúng ta trì hoãn, thực tế chúng ta đang cho phép mình tránh đối mặt với những điều khiến chúng ta lo lắng hoặc khó chịu. Trì hoãn không phải là sự lười biếng — đó là một cơ chế đối phó để tránh sự bất an hoặc lo lắng liên quan đến một số nhiệm vụ cụ thể. Mặc dù nó có thể cung cấp một lối thoát tạm thời, nhưng các nhiệm vụ bị trì hoãn không biến mất. Chúng vẫn tồn tại và thường xuyên gây lo âu cho đến khi bạn phải đối mặt với chúng.
– Tránh đối mặt với nhiệm vụ: Chu kỳ bắt đầu khi bạn né tránh một nhiệm vụ có vẻ khó khăn hoặc quá sức.
– Cảm giác thoải mái tạm thời: Ban đầu, việc tránh nhiệm vụ mang lại cho bạn cảm giác nhẹ nhõm và thoải mái vì bạn tạm thời không phải đối mặt với nó.
– Căng thẳng và lo lắng tăng dần: Khi thời hạn đến gần hoặc công việc chồng chất dần, căng thẳng và lo lắng bắt đầu gia tăng.
– Chạm mức khủng hoảng: Cuối cùng, khi sự lo lắng hoặc tính cấp bách của thời hạn buộc bạn phải hành động, bạn thường rơi vào tình trạng làm việc vội vã, đưa ra quyết định kém, hoặc cảm thấy căng thẳng, choáng ngợp, và lo âu hơn.
– Hối hận và tự trách: Do làm vội vã, kết quả có thể không đạt tiêu chuẩn của bạn hoặc của người khác, dẫn đến cảm giác hối tiếc và tự nhủ sẽ không bao giờ trì hoãn nữa. Tuy nhiên, nếu không có chiến lược để phá vỡ chu kỳ này, bạn sẽ dễ dàng quay lại thói quen cũ mỗi khi nhiệm vụ khó khăn tiếp theo xuất hiện. Đây chính là vòng lặp của chu kỳ trì hoãn.
Trương Hành thời Đông Hán từng viết trong Ứng Nhàn: “Cuộc sống cần sự siêng năng, nếu không tìm kiếm thì sẽ chẳng có gì để thu hoạch. Nếu mùa xuân không gieo trồng, mùa thu chắc chắn sẽ không thu hoạch; nếu thời trẻ không chăm chỉ, lúc về già sẽ không có chỗ nương tựa”.
Sự siêng năng của một người không chỉ mang lại của cải, mà còn tạo nên sự tự tin, năng lực và quyền tự quyết về tương lai của chính mình.
Nếu lười biếng là một loại thuốc độc ngấm dần, làm tê liệt ý chí con người, thì trì hoãn chính là người anh em của lười biếng – kẻ đánh cắp thời gian.
Hôm nay chờ ngày mai, ngày mai lại chờ ngày mai nữa, ngày mai còn vô vàn. Đời người cứ mãi chờ đợi ngày mai, mọi việc rồi sẽ bị bỏ dở.
Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, Mạnh Đạt đã phải trả giá đắt cho thói quen trì hoãn của mình. Ban đầu, ông cùng Pháp Chính đến đất Thục nương tựa Lưu Chương, sau đó quy phục Lưu Bị và được giao nhiệm vụ cùng Lưu Phong bình định Thượng Dung. Năm 219, khi Quan Vũ bao vây Phàn Thành và Tương Dương, Mạnh Đạt chần chừ, do dự và cuối cùng không xuất binh cứu viện. Sau khi Quan Vũ thất bại và qua đời, Mạnh Đạt lo sợ bị truy cứu trách nhiệm và do mâu thuẫn với Lưu Phong nên đã dẫn quân đầu hàng Tào Ngụy.
Dù tính tình thất thường, Mạnh Đạt lại được Ngụy Văn Đế Tào Phi yêu mến, điều này khiến nhiều người trong triều đình ghen ghét. Sau khi Tào Phi qua đời, Mạnh Đạt bị Thừa tướng Thục Hán Gia Cát Lượng thuyết phục và nảy sinh ý định phản Ngụy để về Thục. Khi biết được kế hoạch phản bội này, Tư Mã Ý của nước Ngụy lập tức quyết định kéo quân đánh dẹp. Nhận được tin tức, Gia Cát Lượng khẩn cấp gửi thư cho Mạnh Đạt, khuyên ông nhanh chóng củng cố thành trì và chuẩn bị phòng thủ từ sớm.
Tuy nhiên, Mạnh Đạt cho rằng Gia Cát Lượng quá thận trọng. Ông nghĩ rằng Tư Mã Ý hiện ở thành Uyển, cách Lạc Dương 800 dặm và cách Tân Thành – nơi ông đang đóng quân – khoảng 1.200 dặm. Ngay cả khi Tư Mã Ý biết ý định tạo phản của ông, thì cũng phải mất một tháng để báo lên Ngụy chủ và tập hợp quân.
Vì vậy, ông ung dung hành động, thực hiện công tác phòng thủ một cách chậm chạp và thiếu quyết đoán, lúc làm, lúc nghỉ.
Binh pháp có câu: “Đánh vào chỗ sơ hở, tấn công bất ngờ”. Sau khi biết Mạnh Đạt tạo phản, Tư Mã Ý không báo cáo với Ngụy chủ mà lập tức ra quân. Ông hành quân gấp rút, ngày đêm không nghỉ, chỉ mất 8 ngày để đến trước thành và trong vòng 16 ngày, ông đã nhanh chóng hạ được thành trì mà Mạnh Đạt vẫn chưa kịp củng cố. Mạnh Đạt vì vậy mà mất mạng.
Nguyên nhân dẫn đến kết cục thảm hại của Mạnh Đạt là do ông xử lý mọi việc thiếu quyết đoán, chậm chạp và hay trì hoãn.
Trì hoãn không chỉ có hại cho bản thân bạn mà còn ảnh hưởng đến người khác. Đối với sinh viên, việc trễ hạn nộp bài tập hoặc học muộn để thi có thể dẫn đến kết quả học tập kém và thi trượt. Khi thi trượt, bạn sẽ phải học lại hoặc thi lại. Điều này có thể làm tăng thêm danh sách các nhiệm vụ cần hoàn thành. Không chỉ lãng phí thời gian mà còn lãng phí tiền bạc.
Đối với nhân viên, sự trì hoãn có thể dẫn đến trễ hạn hoặc làm việc cẩu thả. Trì hoãn không mang lại lợi ích, mà ngược lại, gây ra căng thẳng và áp lực không cần thiết.
Trên thực tế, công việc kém chất lượng có thể khiến công ty mất lợi nhuận hoặc mất các hợp đồng quan trọng. Điều này chắc chắn sẽ đe dọa sự nghiệp của bạn. Làm mọi việc vào phút chót dễ gây căng thẳng. Trì hoãn tạo ra căng thẳng vì bạn phải gấp rút hoàn thành công việc vào phút cuối. Căng thẳng ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ, ghi nhớ, xử lý thông tin mới, và giảm khả năng sáng tạo. Khi căng thẳng và lo âu tấn công, bạn sẽ cảm thấy kiệt sức về tinh thần, dễ mất tập trung và dễ mắc sai lầm nghiêm trọng.
Nếu bạn đang trì hoãn công việc, những mẹo sau đây có thể giúp bạn tăng cường sự tập trung và năng suất làm việc.
Sử dụng các kỹ thuật quản lý thời gian: Nếu bạn gặp khó khăn trong việc tập trung vào công việc, hãy giới hạn thời gian làm việc của bạn bằng cách đặt báo thức trong một khoảng thời gian ngắn và nghỉ ngơi sau đó. Những phương pháp này có thể giúp bạn tập trung vào công việc hơn.
Hãy thử áp dụng quy tắc 2 phút: Đây là chiến lược đơn giản giúp vượt qua sự trì hoãn. Quy tắc này gợi ý rằng nếu nhiệm vụ mất ít hơn hai phút để hoàn thành, bạn nên thực hiện ngay thay vì trì hoãn. Cần rửa bát đĩa hay dọn giường? Hãy làm ngay. Quy tắc này hữu ích cho các nhiệm vụ nhỏ có thể hoàn thành nhanh chóng nhưng thường bị trì hoãn và giúp danh sách của bạn không bị chồng chất.
Rèn luyện tính tự giác: Kỷ luật bản thân không phải là ép buộc làm những việc bạn không muốn. Thay vào đó, hãy thử rèn luyện kỷ luật bằng cách đặt ra mục tiêu thực sự muốn đạt được và thực hiện chúng nhất quán. Theo thời gian, việc thực hành này có thể giúp rèn luyện trí óc của bạn và giảm xu hướng trì hoãn.
Giảm thiểu sự xao lãng: Xác định những yếu tố gây mất tập trung và tìm cách loại bỏ hoặc giảm thiểu chúng. Chẳng hạn, bạn có thể tắt thông báo trên điện thoại hoặc tạo không gian làm việc chuyên nghiệp.
Chia nhỏ các nhiệm vụ phức tạp thành các bước dễ quản lý: Giải quyết từng bước nhỏ sẽ giúp bạn giảm bớt sự choáng ngợp.
Tự thưởng cho mình những chiến thắng nhỏ: Ăn mừng thành tích của bạn, dù là nhỏ nhất. Phần thưởng có thể thúc đẩy bạn tiếp tục và giảm sự trì hoãn.
Suy ngẫm và điều chỉnh: Đánh giá những chiến lược hiệu quả và điều chỉnh khi cần thiết. Vượt qua sự trì hoãn là một hành trình và việc tiếp tục điều chỉnh cách tiếp cận của bạn trong quá trình thực hiện là điều bình thường.
Điều thực sự có thể hủy hoại một con người không phải là làm chưa đủ tốt, mà chính là chần chừ, dậm chân tại chỗ. Trì hoãn dễ dàng làm hao mòn ý chí, nuôi dưỡng thói lười biếng và khiến kế hoạch ban đầu trở nên vô nghĩa. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ mà không trì hoãn, chuẩn bị sẵn sàng cho những việc lớn. Khi đó, tâm thế của bạn sẽ vững vàng và mọi thứ sẽ tiến triển có trật tự.
Trong cuộc sống, trạng thái tốt nhất là hoàn thành công việc trong ngày và suy nghĩ trước cho ngày mai.
Lượng lớn thực phẩm, như kẹo dẻo hương trái cây, viên sủi nghi giả mạo…
Bộ Ngoại giao ĐCSTQ đáp rằng: “Trung Quốc là một trong những nước an toàn…
'Gã khổng lồ' thương mại điện tử Amazon của Mỹ vừa khai trương cửa hàng…
Ông Nguyễn Kim Hoàn - cựu Trưởng Phòng Quản lý cảng biển, dịch vụ hậu…
Việc xuất bản cuốn sách "Cửu Bình" (9 bài bình luận) đã thức tỉnh tinh…
Lãnh đạo tối cao Kim Jong Un đã chỉ đạo một cuộc thử nghiệm máy…