Thái độ công việc của bạn là gì? Là để nuôi sống gia đình? Hay để tự lập bản thân? Hay là để đóng góp cho xã hội? Mọi người đều có cách nghĩ khác nhau. Thái độ, quan điểm và định hướng giá trị của một người đối với công việc chính là quan điểm làm việc của người đó.
Một chuyên gia đã đặt câu hỏi trên mạng xã hội rằng: “Nếu công việc là một con người, bạn nghĩ nó sẽ là gì của bạn?” Kết quả là nhận được rất nhiều câu trả lời: “Công việc là một cuộc hôn nhân sắp đặt – bạn không yêu anh ấy, nhưng bạn phải có trách nhiệm với anh ấy”. “Công việc là một điều đau lòng, tôi tận tâm như vậy, năm nay tôi bị cho nghỉ việc”. “Công việc là mẹ bắt bạn phải làm điều này và kia”. “Công việc là một đứa trẻ, và tôi không thể từ bỏ và cũng không thể không liên quan gì đến nó”…
Hãy lắng nghe tâm sự của ông Amy Cuddy, nhà tâm lý học tại Đại học Yale, Hoa Kỳ. Ông đã nói gì về điều này? Ông đã chia khái niệm về công việc thành 3 loại:
Thứ nhất là coi công việc là “công việc” (Job); thứ hai là coi công việc là “sự nghiệp” (Career); thứ ba là coi công việc là “sứ mệnh” của mình (Calling).
Ba quan điểm về công việc trên đây phản ánh những cách nhìn cuộc sống khác nhau của mọi người. Sự nắm bắt tổng thể của một người về kế hoạch tổng thể, phương hướng và các giá trị của cuộc đời người đó chính là tầm nhìn cuộc sống của họ. Từ đó có thể thấy rằng cách nhìn của một người về công việc chính là tầm nhìn cuộc sống của người đó.
Một người bạn biên tập đã từng tự hào nói: Bây giờ tôi đã biết được một tuyệt chiêu. Khi biên tập bất kỳ bài viết nào, tôi chỉ dùng 3 tổ hợp phím Ctrl+V (dán), Ctrl+A (chọn tất cả), Ctrl+X (cắt) và không cần thêm bất cứ thao tác nào nữa.
Các bài báo được biên tập theo cách này liệu có thể tốt không? Vài năm sau, người này ra ngoài tìm việc nhưng không tìm được bất kỳ công việc nào.
Trong cuộc sống có bao nhiêu người cũng làm việc giống như vậy, cuối cùng không đạt được gì cả?
Một người lười biếng trong công việc thì chẳng qua chỉ là đang lừa dối bản thân và sẽ không bao giờ đặt tâm vào công việc. Lâu dần, những tháng ngày lầm lũi đó sẽ dần trở thành vực thẳm giam hãm chính bản thân mình.
Ví dụ, A học thiết kế đồ họa, khi mới ra trường, A làm nhân viên thiết kế đồ họa cho một công ty thương mại điện tử. Vì là công ty mới thành lập nên yêu cầu của lãnh đạo không quá khắt khe, chỉ cần không có vấn đề gì lớn thì các dự thảo về cơ bản đã được thông qua. Điều này đã cho A một cơ hội để “lười biếng” trong công việc.
A lợi dụng tất cả các loại sơ hở. Nếu muốn vẽ một tấm áp phích sự kiện, A sẽ tìm qua nhiều trang web thiết kế khác nhau, sao chép và sửa đổi bất cứ khi nào có thể, mà không cần nghiên cứu kỹ lưỡng.
Nếu A muốn thiết kế sơ đồ cho một sản phẩm, A không cần quan tâm đến phông chữ hay cách phối hợp các yếu tố, chỉ cần tìm một phông nền, dán hình sản phẩm lên và sửa một chút là xong.
Sau đó, công ty này đã đóng cửa vì dịch bệnh, và A phải tìm một công việc khác.
A đã đến phỏng vấn tại một nhà máy lớn. Bên nhân sự đã đưa cho A một câu hỏi phỏng vấn, yêu cầu A sử dụng một số phần mềm thiết kế để vẽ một bức tranh, nhưng A rất rụt rè, vì trước nay A chỉ biết dùng một phần mềm photoshop duy nhất để làm việc.
A không thể vượt qua cuộc phỏng vấn tại một công ty tốt, vì vậy chỉ có thể tìm những công ty nhỏ với yêu cầu thiết kế thấp.
Cuối cùng, những người như vậy chỉ có thể loanh quanh trong một phạm vi nhỏ bé, không thể phát triển được.
Lần nọ, tại một công ty hàng không, trước khi một chiếc máy bay cất cánh, người trưởng ban thấy rằng thiếu bản báo cáo thời tiết hạ cánh cho chuyến bay này. Vì vậy, trưởng ban đã yêu cầu B, vốn là phó ban ở đó, thực hiện báo cáo, vì nếu không có báo cáo này, máy bay không thể cất cánh đúng giờ.
Hai tiếng sau, trưởng ban đến hỏi thăm tiến độ thực hiện của B, nhưng B nói rằng không liên lạc được với Cục Khí tượng, cũng không liên lạc được với điều phối viên ở sân bay, nên B chỉ có thể ngồi chờ tin mà thôi.
Thế là, trưởng ban đã phải tự mình hỏi thăm nhiều lần mới có thể liên lạc với nhân viên sân bay và cất cánh suôn sẻ sau khi nhận được bản tin thời tiết.
Đối với B mà nói thì xem như bản thân đã hoàn thành nhiệm vụ của mình rồi, phần còn lại nằm ngoài phạm vi công việc của B, vì vậy B không cần quản. Người như B trong cuộc sống nhiều vô số, giống như con rối, một khi giật dây thì động, không giật dây thì sẽ không làm gì cả.
Họ chỉ quan tâm đến phần công việc của họ, họ chỉ nghĩ đến việc họ kiếm được bao nhiêu tiền và họ làm việc chăm chỉ như thế nào để hoàn thành nhiệm vụ của mình; và họ tìm đủ mọi lý do để bào chữa cho những chuyện nằm ngoài bổn phận của mình.
Cuốn sách “Con đường dẫn đến sự giàu có” nói: Những người làm việc cho chính họ thực sự bán mình hai lần trong cùng một khoảng thời gian, một lần cho ông chủ để đổi lấy tiền lương; một lần cho chính họ để đạt được sự phát triển.
Một nhân viên gia nhập một tập đoàn lớn từ khi mới thành lập. Một lần trong cuộc họp, người quản lý đã yêu cầu anh giữ biên bản cuộc họp.
Sáng sớm hôm sau, một biên bản cuộc họp gọn gàng và đẹp đẽ được đặt trên bàn của quản lý. Anh nhân viên này đã biến tất cả ngôn ngữ nói thành ngôn ngữ viết với các điểm chính và tóm tắt. Sau vài giờ họp, nội dung được trình bày rõ ràng trên 3-5 tờ giấy. Kể từ đó, anh được giao nhiệm vụ ghi tất cả các biên bản cuộc họp của công ty.
Con người giống như một con dao, bạn muốn sắc bén như lưỡi dao, tất cả là do bạn khổ luyện đến đâu, có thể bỏ thời gian mài giũa bản thân nhiều lần hay không. Đối với những người làm việc cho chính mình, mọi công việc, mọi nhiệm vụ sẽ được coi là một cơ hội để mài giũa bản thân.
Một phóng viên trẻ và đầy triển vọng đã vinh dự được phỏng vấn doanh nhân Konosuke Matsushita.
Để có được cơ hội phỏng vấn không dễ dàng này, chàng trai trẻ đã dày công tìm tài liệu, lập dàn ý và chuẩn bị đầy đủ. Vì vậy, anh đã có cuộc trò chuyện rất vui vẻ với ông Konosuke Matsushita.
Sau cuộc phỏng vấn, Matsushita thân thiết hỏi chàng trai trẻ: “Mức lương hàng tháng hiện tại của cậu là bao nhiêu?” Chàng thanh niên ngượng ngùng trả lời rằng lương rất ít, chỉ vài trăm nghìn yên một tháng.
Matsushita cười nói, tiền lương của cậu còn hơn thế nhiều, giống như cậu gửi tiền vào ngân hàng vậy, tiền gửi vào ngân hàng sẽ sinh lãi, tài năng của cậu cũng sẽ sinh lời trong ngân hàng xã hội, trong tương lai cậu có thể nhận được lãi suất còn cao hơn.
Thực ra, những nỗ lực của chúng ta trong công việc đều là vốn liếng tích lũy để mở ra một cuộc đời rộng lớn. Không ai có thể nhận được mức lương cao mà không cần nỗ lực.
Một người muốn từ dưới chân núi leo lên đỉnh núi, không có đường tắt, chỉ có thể trau dồi bản lĩnh cùng năng lực, từng bước một đi lên.
Thư Hòa, Vision Times
Phát biểu của bà Zakharova vào thứ Năm (21/11) mô tả Estonia và các quốc…
Xinh đẹp là một loại phúc báo, nhưng nhan sắc là yếu tố bên ngoài…
Nhà Hậu Trần giằng co cản bước quân Minh nam tiến sau khi Trương Phụ…
Ba vị đồ đệ trong Tây Du Ký có pháp danh lần lượt là Tôn…
Các sợi lông lỏng lẻo trên bề mặt vải có thể dễ dàng được loại…
Tổng thống đắc cử Donald Trump trong quá trình tranh cử đã nhiều lần chỉ…