Một thập kỷ đã trôi qua, dấu vết về thảm họa động đất, sóng thần Tōhoku và rò rỉ hạt nhân tại Nhật Bản đã phần nào phai nhạt, cơ sở hạ tầng đã được phục hồi, nhưng nỗi đau và sự mất mát vẫn hằn sâu trong tâm trí những người còn ở lại.
Trên khoảnh đất trơ trọi cách không xa bờ biển Miyagi, đông bắc Nhật Bản, ông Noriyuki Suzuki đứng lặng nhìn ngôi trường tiểu học Okawa, nơi cách đây 10 năm, con gái ông, Mai Suzuki và gần 100 giáo viên, học sinh khác đã bị cơn sóng thần cuốn đi.
“Mai hơi nhỏ so với tuổi của mình, nhưng rất thích chơi bóng rổ, luôn nở nụ cười trên môi và rất tốt với em gái mình”. Lần nào nhắc đến con gái, ông cũng nghẹn ngào nước mắt.
Nhớ lại ngày kinh hoàng đó, khi thành phố Ishinomaki bị rung chuyển bởi một trận động đất mạnh 8,9 độ Richter vào chiều ngày 11/03/2011, lúc đó ông Suzuki đang ở tại công ty. Sau khi giúp đỡ các đồng nghiệp của mình, ông tìm đường về nhà và tin rằng trường học của con gái ông, nằm trên ngọn đồi cách bờ biển 4 km, không gặp nguy hiểm.
Nhưng tin đồn bắt đầu lan truyền rằng sóng thần đã tiến sâu vào đất liền hơn bất kỳ ai có thể tưởng tượng được và toàn bộ khu phố đã bị biến thành một vùng đất hoang tàn lầy lội; và điều đó mới chỉ là một phần những gì đã thực sự xảy ra ở Okawa.
Trường tiểu học Okawa sau thảm họa. (Ảnh: Flickr)
Sau khi đợt dư chấn thứ nhất giảm bớt, các giáo viên đã chọn dẫn 108 học sinh của trường đến khoảng sân ngoài trời thay vì lên một ngọn đồi gần đó, nơi mà các em gần như chắc chắn đã được an toàn trước sóng biển.
Những đứa trẻ nán lại bên ngoài trường hơn 40 phút trước khi giáo viên của chúng cuối cùng nhận thức được rằng một cơn sóng thần đang đến gần. Nhưng nỗ lực di tản đã quá muộn, vào lúc 3 giờ 20 phút chiều, tất cả đã chìm trong làn nước. Một thập kỷ trôi qua, thi thể của 4 đứa trẻ vẫn chưa được tìm thấy .
Ông Suzuki đến trường bằng thuyền 2 ngày sau đó và khóc nghẹn khi thấy cô con gái bé nhỏ của mình bất động nằm đó. Ông đã cầu xin được phép đưa Mai về nhà để gia đình gặp cháu lần cuối, nhưng cảnh sát cho biết thi thể sẽ phải được đưa đến một nhà xác tạm.
“Tôi không thể chịu nổi khi nghĩ đến việc đặt con ở đó… trời quá lạnh. Tôi cởi áo khoác ngoài và đắp lên người cho con bé. Khi gia đình tôi nhìn thấy tôi về nhà với chiếc kính của Mai trên tay, họ biết chuyện gì đã xảy ra”.
Vào năm 2016, chính quyền thành phố đã quyết định bảo tồn ngôi trường Okawa và trong những tuần tới nó sẽ “mở cửa trở lại” như một đài tưởng niệm, với một khu vực nơi du khách có thể nhớ về quá khứ và bày tỏ lòng thành kính.
Ông Suzuki hiện đứng đầu một nhóm “những người kể chuyện” ở Okawa, nói: “Có những phụ huynh muốn ngôi trường được phá bỏ để chôn vùi ký ức đau thương đó. Nhưng tôi lại ủng hộ việc giữ nguyên hiện trạng ngôi trường. Nó gửi đến một bài học sâu sắc cho các thế hệ tương lai. Đã 10 năm dài và đau khổ, nhưng tình cảm của chúng tôi không hề thay đổi. Mai vẫn là người con gái chúng tôi yêu quý. Tên của con bé được nghe thấy mọi lúc trong nhà của chúng tôi. Tưởng rằng cách trở nhưng có lẽ con bé vẫn luôn ở bên cạnh chúng tôi ”.
***
Trong một căn gác nhỏ ở Fukushima, mắt cô Naori nhòe lệ khi nhắc về người cha – một “cảm tử quân” 59 tuổi đã tình nguyện ở lại cùng gần 200 người khác xử lý sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Những gì còn lại trước lúc lâm trung của ông chỉ là những lời động viên vợ con bằng một e-mail vội vàng: “Em và con hãy tiếp tục sống khỏe nhé, anh sẽ phải vắng nhà một lát. Mọi người ở nhà máy đang chiến đấu”.
“Tôi phải nuốt nước mắt vào trong khi nghe tin bố tôi, dù sẽ nghỉ hưu sau 6 tháng nữa, đã tình nguyện ở lại nhà máy. Ở nhà bố có vẻ như không phải là người làm được việc lớn, nhưng vào ngày đó tôi đã thật sự tự hào về bố. Mẹ tôi chưa bao giờ khóc nấc lên như vậy. Bố đã đi đến nhà máy hạt nhân, hy sinh bản thân để bảo vệ tôi và các bạn!”
***
Cách Ishinomaki 163 km về phía Bắc, trên một ngọn đồi thuộc thị trấn Otsuchi, tỉnh Iwate, ông Itaru Sasaki đã quyết định xây một bốt điện thoại đặc biệt. Bên trong bốt, có một chiếc điện thoại quay số cổ màu đen chẳng kết nối đến đâu và một cuốn sổ ghi những lời nhắn nhủ… Ông Sasaki thường đến đây và gọi điện cho người em đã mất và nhờ gió chuyển nhớ thương tới nơi cần tới.
“Tai họa ập tới một cách bất ngờ, tất cả những người ra đi có lẽ cũng không kịp nói điều gì với những người ở lại. Và rất có thể giống trường hợp của tôi, các gia đình nạn nhân vẫn còn những lời cuối chưa kịp nói với người thân của mình. Chính vì thế mà nỗi đau và sự mất mát đối với những người ở lại càng khó để chấp nhận. Tôi hy vọng chiếc bốt điện thoại này sẽ giúp mọi người trải lòng”, ông Sasaki chia sẻ.
Cách đó không xa, ông Ogaku vẫn ngày ngày nhìn xa xăm về phía biển, vào cái ngày đen tối ấy – vợ, cha mẹ và 2 người thân khác của ông đã vĩnh viễn ra đi. Trở về quê hương sau ngày đó và ở lại nơi đã gắn bó với ông trong suốt 50 năm qua, để hương khói cho những người thân của mình. Với ông, dù cho hàng ngàn người còn mất tích, hàng chục ngàn người phải tha hương, những nỗi đau sẽ còn khắc khoải nhưng sức sống sẽ trở lại, quê hương vẫn còn đó, và quê hương mãi mãi là quê hương.
Hoài Anh
Xem thêm:
Sau khi hé lộ một số chi tiết và hình ảnh vụ Nga đáp trả…
Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…