(ẢNh minh họa: Shutterstock)
Trong hành trình nuôi dạy con, không ít cha mẹ cảm thấy mệt mỏi và khó chịu khi con hay “cãi lại”. Nhưng ít ai nhận ra rằng, đằng sau những lời phản kháng ấy lại ẩn chứa những tín hiệu tích cực về sự phát triển cảm xúc và tư duy độc lập của trẻ. Ngược lại, những đứa trẻ luôn ngoan ngoãn, im lặng và không bao giờ nói trái ý cha mẹ đôi khi lại mang trong mình những tổn thương âm thầm.
Gần đây, khi lướt mạng xã hội, tôi thấy nhiều bà mẹ đã thêm một “vũ khí kỳ diệu” vào nhà của họ, đó chính là một tấm áp phích treo tường với dòng chữ: “Đừng giận con gái/con trai của bạn”.
Khi nhìn thấy nó, mắt tôi lập tức sáng lên và tôi đã đặt mua ngay không chút do dự.
Là một người mẹ có con hay cãi lời, mỗi ngày tôi đều phải không ngừng tự nhắc mình: “Cảnh giác! Kiểm soát cơn giận! Đừng hét lên, đừng buông lời nặng nề, hãy nói chuyện nhẹ nhàng”.
Thành thật mà nói, tôi thực sự cần một tấm biển treo trong nhà để nhắc mình không ngừng: “Mẹ ơi, phải bình tĩnh. Đừng nổi nóng. Hãy từ tốn đáp lại”.
Nhưng khi tôi thực sự treo áp phích đó lên, tôi nhận ra: Phải chăng thứ tôi thiếu không phải là một tấm biển, mà là… một đứa trẻ không hay cãi lại?
Bởi lẽ, nếu một đứa trẻ liên tục cãi lời, thì việc cha mẹ chỉ kìm nén cảm xúc chẳng khác nào giải pháp tạm thời. Nếu muốn giải quyết tận gốc, cần tìm hiểu lý do đằng sau những lời “cãi lại” đó.
Cuốn Every Child Needs to Be Seen có viết: “Sự nổi loạn bị cưỡng chế đàn áp cuối cùng sẽ biến thành những chiếc gai đeo bám đứa trẻ suốt đời”.
Việc cố kiểm soát cảm xúc cá nhân đã khó, nhưng cấm cản trẻ lên tiếng lại càng không phải là cách hay.
Nếu bạn cũng từng ở trong tình huống như tôi, hãy thử nghĩ đến điều này: “Những đứa trẻ biết cãi và những đứa không dám cãi sẽ có cuộc sống hoàn toàn khác nhau sau 20 năm”.
Trong một chương trình thực tế, tôi từng thấy một cảnh khiến bản thân cảm thấy rất đau lòng. Người mẹ ngồi trong phòng quan sát, khoe khoang với khách mời:
“Con trai tôi đã hoàn thành hơn 300 bài tập chỉ trong kỳ nghỉ.”
“Cậu bé không phản kháng sao?”
“Không, nó rất thích làm bài tập.”
Dù người khác tỏ ra nghi ngờ, bà mẹ vẫn tỏ ra tự mãn: “Nếu nó lười biếng hay làm không cẩn thận, tôi sẽ phạt bằng cách bắt làm thêm”.
Nhà tâm lý học người Mỹ B.F. Skinner từng nói: “Thông qua việc trừng phạt và củng cố, cá nhân sẽ học được rằng một số hành vi sẽ dẫn đến hậu quả tiêu cực, từ đó tránh lặp lại những hành vi đó. Điều này sẽ hình thành phản xạ có điều kiện kiểu “tác nghiệp” (hay còn gọi là phản xạ điều kiện vận hành)”.
Hiểu đơn giản, khi trẻ bị phạt mỗi khi phản kháng, chúng sẽ chọn cách giả vờ ngoan ngoãn để tránh bị la mắng.
Nhưng sự phục tùng không đồng nghĩa với sự chấp nhận thật lòng. Khi cảm xúc và nhu cầu bị kìm nén lâu dài, trẻ dễ sinh ra lo âu, trầm cảm.
Sự im lặng không phải là sự phục tùng thật sự. Sự kìm nén có thể dẫn đến chứng mất ngôn ngữ cảm xúc — tức không thể gọi tên hay diễn tả cảm xúc của bản thân.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, doanh nhân Lei Jun đã chia sẻ về cách ông nuôi dạy con gái.
Dù con gái ông thường cãi lời, làm ngược lại những điều ông nói, nhưng theo ông, đây chỉ là một trải nghiệm đặc biệt cần thiết trong quá trình trưởng thành của trẻ.
Ông lựa chọn trở thành bạn đồng hành thay vì người áp đặt. Kết quả là, con gái ông ngày càng tự tin, hạnh phúc và phát triển theo đúng kỳ vọng — nhưng là trên con đường của chính cô bé.
Theo tâm lý học phát triển, những đứa trẻ có thể lên tiếng và thể hiện ý kiến từ nhỏ sẽ có lòng tự trọng cao hơn khi lớn lên.
Cha mẹ nên cho con cái quyền được nói thật, được bất đồng quan điểm và cảm thấy an toàn khi làm điều đó.
Tôi nhớ đến con gái mình khi còn học mẫu giáo, con hay cắn tay áo và làm ướt tay áo. Tôi chỉ nghĩ đó là thói quen bình thường.
Mãi đến một lần tình cờ, khi tôi và con gái hoán đổi vai trò để tái hiện lại cuộc sống của con ở trường mẫu giáo, tôi mới phát hiện ra rằng:
Con tôi bị một bạn học bắt nạt, nhưng cháu không dám lên tiếng, chỉ có thể cắn tay áo để xả áp lực.
Tôi từng là một người mẹ nghiêm khắc vì bản thân làm giáo viên. Tôi muốn con luôn ngoan, biết điều, vâng lời.
Nhưng tôi đã khiến con trở thành kiểu người mà chính tôi không muốn nhìn thấy.
Rất may, con còn nhỏ. Tôi còn kịp thay đổi:
Tôi bắt đầu chuyển từ “Đừng làm thế” sang “Con có thể thử”;
Từ “Đừng cãi mẹ” sang “Mẹ muốn nghe con nghĩ gì”…
Dần dần, con gái tôi trở nên vui vẻ và tự tin hơn.
Giờ đây, dù đôi lúc bị con “cãi lại”, tôi vẫn thấy hạnh phúc vì biết rằng: Con mình đang sống thật với chính mình.
Hãy tưởng tượng: 20 năm sau, con bạn lớn lên…
– Khi gặp bất công, con dám đứng lên bảo vệ bản thân.
– Khi gặp khó khăn, con không bỏ cuộc.
– Con táo bạo, mạnh mẽ và sống đúng với trái tim mình.
Cha mẹ nào lại không mong mỏi điều đó? Muốn nuôi dưỡng một đứa trẻ như thế, cha mẹ cần:
Đừng la mắng, phủ định hay gắn nhãn cho trẻ.
Mỗi lần bạn mất kiểm soát và gán cho con là “trẻ hư”, đó là một vết nứt trên cửa sổ tâm hồn trẻ.
Thay vào đó, hãy giữ bình tĩnh, chấp nhận cảm xúc của trẻ, và giao tiếp bằng sự tôn trọng.
Đằng sau lời “cãi” của con là nhu cầu bị bỏ quên.
Ví dụ, khi trẻ nói:
– “Tại sao con không được nghỉ?”, nghĩa là: “Mẹ ơi, con mệt rồi”.
– “Con không làm theo đâu”, nghĩa là: “Con mong mẹ lắng nghe ý con”.
Thay vì ra lệnh, hãy giúp trẻ diễn đạt đúng cảm xúc bằng lời lẽ tích cực.
Cá mập không có bong bóng khí, để không bị chìm xuống đáy biển, chúng buộc phải không ngừng bơi. Cũng chính nhờ vậy mà chúng ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn.
Tương tự, những “cuộc cãi vã” nếu được hướng dẫn đúng cách sẽ giúp trẻ:
– Biết suy nghĩ độc lập
– Có chính kiến
– Có đủ dũng cảm để nói lên sự thật
Nhà tâm lý học Vũ Chí Hồng từng nói: “Khi sự hiểu chuyện trở thành việc làm tổn thương chính mình, thì hiểu chuyện lại trở thành một kiểu bất lực sâu sắc”.
Người phải gánh chịu sự bất lực đó chính là trẻ em.
Một câu nói sâu sắc từ DeeSeek: “Tuổi thơ bị cắt mất tiếng nói cuối cùng cũng sẽ bị nhốt trong lồng theo năm tháng, còn những tiếng nói trưởng thành mang theo góc cạnh và bản lĩnh đã sớm bước đi đầy vững chãi giữa thế gian rộng lớn”.
Mức độ cao nhất của tình yêu thương không phải là tạo ra một bản sao hoàn hảo, mà là cho một linh hồn độc lập cơ hội thắp sáng bầu trời riêng của mình.
Trúc Nhi biên dịch
Theo Aboluowang
Cục Quản lý Đất đai (BLM) thuộc Bộ Nội vụ Hoa Kỳ đã chấp thuận…
Số lượng quan tham nhũng ĐCSTQ bị trừng phạt trong nửa đầu năm đã tăng…
Gần đây, lực lượng thực thi pháp luật trong chiến dịch đặc biệt chống lừa…
Kutolowski đã tự mình trải nghiệm không khí khủng bố của cuộc đàn áp Pháp…
Sức khỏe tinh thần của trẻ có thể bị ảnh hưởng bởi trạng thái trầm…
Phần tự sự dưới đây là chuyện đời của Hác Phượng Quân kể về những…