Thường xuyên kìm nén suy nghĩ như vậy có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm lý về lâu dài. (Ảnh minh họa: Shutterstock)
Bạn từng im lặng trong một cuộc thảo luận chỉ vì sợ bị đánh giá? Nhiều người trong chúng ta chọn cách không lên tiếng, dù quan điểm cá nhân không đồng tình với đám đông. Tuy nhiên, việc thường xuyên kìm nén suy nghĩ không chỉ ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp mà còn tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm lý. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, việc tự phản ánh về suy nghĩ có thể giúp con người nhận ra lý do đằng sau hành vi của mình và từ đó điều chỉnh cách ứng xử một cách tích cực, chân thực hơn trong các tình huống xã hội.
Giả sử bạn đang ở trong một căng tin đông đúc của trường đại học, nơi mọi người bàn tán sôi nổi về việc thêm món ăn thuần chay vào thực đơn. Nếu bạn không đồng tình, bạn có dám lên tiếng không?
Nghiên cứu này phản ánh một vấn đề rất nổi cộm trong xã hội: những người có ý kiến khác số đông thường chọn cách im lặng khi tham gia thảo luận nhóm. Sự im lặng này không chỉ cản trở việc trò chuyện cởi mở, mà còn khiến họ hành xử không đúng với những gì mình thật sự tin tưởng. Các chuyên gia sức khỏe tâm lý cảnh báo rằng việc thường xuyên kìm nén suy nghĩ như vậy có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm lý về lâu dài.
Một nghiên cứu gần đây được công bố trên Tạp chí Tâm lý học Môi trường, đã khảo sát khoảng 250 sinh viên về quan điểm của họ đối với chính sách tăng cường lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc thực vật trong khuôn viên trường. Sau đó, mỗi sinh viên được ghép đôi để tham gia một cuộc trò chuyện nhằm khảo sát xem họ có sẵn sàng chia sẻ quan điểm thật sự của mình hay không.
Kết quả cho thấy những sinh viên thuộc nhóm thiểu số — tức là không ủng hộ việc tăng cường thực phẩm có nguồn gốc thực vật — thường không bày tỏ quan điểm một cách cởi mở. Họ có xu hướng giữ im lặng, đặc biệt khi trò chuyện với người có quan điểm thuộc số đông. Ngay cả khi được ghép với người có cùng niềm tin họ vẫn dè dặt mặc dù mức độ im lặng nhẹ hơn.
Nhiều sinh viên cũng áp dụng các chiến thuật né tránh như tỏ ra không quan tâm hoặc đổi sang chủ đề khác. Hệ quả là, những người có quan điểm thiểu số đưa ra ít lập luận độc lập và đa dạng hơn so với những người thuộc nhóm đa số.
Việc chọn im lặng không chỉ làm nghèo nàn cuộc thảo luận mà còn có thể khiến người ta hành động trái với niềm tin thật sự của mình — chỉ đơn giản để hòa nhập hoặc tránh mâu thuẫn.
Phó giáo sư Nicole Sintov, chuyên gia về hành vi và ra quyết định tại Đại học Bang Ohio, đồng thời là đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết việc lựa chọn im lặng có thể kéo theo nhiều hệ quả đáng lo ngại.
“Điều này tạo ra một ảo giác trong công chúng rằng quan điểm thiểu số không tồn tại hoặc không đáng để quan tâm”, bà Sintov giải thích. “Nó trở thành một vòng luẩn quẩn: khi suy nghĩ thực sự không được lên tiếng, thì nhận thức chung lại càng nghiêng hẳn về phía đa số, tưởng rằng họ đang nắm giữ chân lý tuyệt đối”.
Bà cũng cảnh báo rằng sự im lặng của nhóm thiểu số trở nên nguy hiểm khi họ bắt đầu giả vờ đồng thuận với quan điểm của nhóm đa số. Điều này chỉ tạo ra “bằng chứng giả” để củng cố thêm ưu thế của nhóm đông hơn.
Bà nhấn mạnh rằng nghiên cứu này là lời nhắc nhở quan trọng: mỗi người cần phân biệt rõ niềm tin cá nhân và can đảm thể hiện nó, ngay cả khi điều đó đi ngược lại với đám đông.
Đồng thời, bà kêu gọi những người thuộc nhóm đa số cũng cần có thái độ lắng nghe thực sự: “Chúng ta phải cởi mở với các quan điểm khác biệt — kể cả khi chúng khiến ta khó chịu”.
Sanam Hafeez, nhà tâm lý học thần kinh tại Thành phố New York và giám đốc Comprehend the Mind chia sẻ với The Epoch Times rằng việc tự im lặng có ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tâm thần.
Những người thường xuyên che giấu suy nghĩ thật sự của mình để hòa nhập thường phải đối mặt với căng thẳng, lo lắng và cảm giác cô lập. Họ dần tách biệt khỏi bản thân thật sự của mình.
Hậu quả của việc này có thể nghiêm trọng và kéo dài. Hafeez giải thích: “Việc tự im lặng lâu dài sẽ dần làm giảm lòng tự trọng, dẫn đến trầm cảm và xung đột nội tâm, làm xói mòn bản sắc cá nhân. Khi con người hành động trái với nguyên tắc của chính mình, điều đó sẽ làm suy yếu khả năng phục hồi tâm lý, khiến họ gặp khó khăn trong việc duy trì các mối quan hệ và thể hiện bản thân trong mọi tình huống của cuộc sống”.
Cảm xúc bị kìm nén có thể dần bộc lộ ra ngoài dưới dạng các triệu chứng tâm lý. Việc kìm nén cảm xúc thường xuyên khiến cơ thể luôn trong trạng thái căng thẳng, dẫn đến các vấn đề như đau đầu, đau lưng, đau cổ, các vấn đề cơ xương khớp cùng với các rối loạn tiêu hóa như đau dạ dày.
Bà Hafeez cho biết những người gặp khó khăn trong việc chia sẻ quan điểm có thể cải thiện khả năng thể hiện bản thân bằng cách nuôi dưỡng nhận thức về chính mình và củng cố niềm tin cá nhân. Bà khuyến nghị một cách để xây dựng sự thoải mái khi bày tỏ ý kiến là thực hành trong không gian an toàn, chẳng hạn như trò chuyện với bạn bè hoặc người thân đáng tin cậy.
Bà đặc biệt khuyên mọi người nên tổ chức các cuộc thảo luận theo cách khuyến khích sự cởi mở, sử dụng các câu bắt đầu bằng “Tôi” để chia sẻ quan điểm cá nhân mà không tạo ra xung đột.
Ngoài ra, bà Hafeez cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lắng nghe tích cực. “Khi mọi người phát triển khả năng lắng nghe tích cực, họ sẽ tạo ra không gian để người khác suy nghĩ trước khi phản hồi, từ đó thúc đẩy những cuộc đối thoại hiệu quả hơn. Sự hỗ trợ từ cộng đồng và những người cố vấn có cùng chí hướng sẽ mang lại sự xác nhận và đoàn kết, giúp việc chia sẻ quan điểm trong các nhóm lớn trở nên dễ dàng hơn”.
Bà Hafeez kết luận rằng thông qua việc thực hành dần dần những kỹ thuật này, mọi người có thể vượt qua nỗi sợ hãi và phát triển khả năng thể hiện bản thân chân thực trong các tình huống xã hội khác nhau.
Trong một xã hội nơi tiếng nói của số đông thường lấn át quan điểm cá nhân, việc dám thể hiện suy nghĩ thật trở thành một hành trình đòi hỏi sự can đảm và hiểu rõ bản thân. Tự phản ánh không chỉ giúp ta nhận diện điều mình tin tưởng, mà còn là bước đầu để sống chân thật hơn với chính mình. Khi mỗi người học cách lắng nghe nội tâm và tôn trọng cảm xúc cá nhân, chúng ta không chỉ góp phần xây dựng những cuộc đối thoại cởi mở hơn, mà còn nuôi dưỡng một cộng đồng đa chiều, nơi khác biệt được lắng nghe và thấu hiểu.
Trúc Nhi biên dịch
Theo The Epochtimes
Xem thêm:
Việt Nam giảm từ 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh xuống còn 34, trong…
Hoa Kỳ gửi công hàm tuyên bố rút khỏi cuộc trao đổi thúc đẩy áp…
Sự hiếu kỳ không chỉ là một đặc điểm bẩm sinh, mà là một công…
Giới quan sát cho rằng quyền lực của ông Tập đã bị giảm, nội bộ…
Chiến tranh thương mại Mỹ Trung gần như chặn đứng nguồn hàng từ Trung Quốc,…
Ít nhất 26 người Mỹ bị bắt làm con tin ở nước ngoài đã được…