Một Hoa kiều sau 10 năm di cư tới Canada đã đăng một bài viết, tạo nên một cuộc thảo luận sôi nổi giữa cư dân mạng người Hoa ở nước ngoài, mọi người đều nói về những chuyện gặp phải ở Trung Quốc sau một thời gian dài sống ở nước ngoài trở về, cũng có người chia sẻ những kinh nghiệm của họ.
Theo lời giới thiệu của tác giả bài viết, gia đình họ đình họ từ Vancouver tới Nhật để du lịch, trùng hợp một đứa cháu bên ngoại kết hôn, liền thuận tiện trở về Thượng Hải vài ngày. Đứa con một tuổi rưỡi sinh tại Canada của cô ấy lần đầu tiên trở về Trung Quốc.
Cô ấy viết:
Trước đây tôi có rất nhiều người bạn đã đưa con cái về nước, sau đó than phiền rằng không khí, nguồn nước, thực phẩm trong nước khiến những đứa trẻ từ nhỏ sống ở nước ngoài bị ho, sốt, nôn mửa, tiêu chảy.
Họ đều khuyên rằng, con cái còn quá nhỏ, không nên đưa về nước chịu khổ. Ngay đến cả bác sĩ riêng của gia đình tôi cũng không tán thành chuyện này.
Trong khoảng thời gian bác sĩ của gia đình chúng tôi học tiến sĩ đã tham gia một cuộc điều tra nghiên cứu việc sử dụng thuốc cho trẻ nhỏ ở châu Á, và cô ấy vẫn không tin tưởng các loại thuốc được dùng cho trẻ em tại Trung Quốc.
Sau khi chúng tôi quyết định sẽ về Trung Quốc, cô ấy đã liệt kê chi tiết những loại thuốc cần dùng, còn dặn dò nếu bé con bị bệnh thì cố gắng đừng sử dụng thuốc ở trong nước, nếu như có bất kỳ vấn đề nào không rõ có thể liên lạc với cô ấy.
Thành thật mà nói, tôi và chồng cảm thấy làm như vậy hơi phiền phức, nếu không khí và nguồn nước ở Trung Quốc có thể khiến trẻ con sinh bệnh, bị bệnh rồi uống thuốc lại có vấn đề, vậy trẻ con trong nước phải sống như thế nào?
Câu hỏi này ngay lập tức đã nhận được nhiều sự quan tâm từ bạn bè trong nước: Trong nhà có trẻ nhỏ, sử dụng máy lọc khí là thích hợp. Cả ngày khói bụi mù mịt phải đóng cửa sổ, ở suốt trong nhà mà ít ra đường. Nếu bị ho, sốt? Vậy chỉ cần dùng máy xông mũi họng dung khí Atomizer, không cần đi bệnh viện cũng có thể điều trị.
Máy lọc nước cũng là một lựa chọn hợp lý. Nếu uống nước trực tiếp nhất định phải chọn nước đóng chai tinh khiết, nếu vẫn đang uống sữa, vậy nên mua loại dành riêng cho trẻ sơ sinh.
Như vậy, chúng ta như “hoa trong nhà kính” chưa từng trải qua “sóng gió”. Vì vậy, trước khi đi, chúng tôi đã đặt thêm một máy lọc khí tại nhà ở Thượng Hải, mua 2 thùng nước dành riêng cho trẻ sơ sinh, mang về 1 thùng đồ ăn và thuốc cho bé.
Tôi nghĩ, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy, lần này đưa con về Thượng Hải chắc là ổn thỏa rồi.
Tuy nhiên tất cả những sự việc xảy ra sau đó đã chứng minh chúng tôi đã suy nghĩ quá đơn giản. Mấy ngày ngắn ngủi ở Thượng Hải là quãng thời gian mệt mỏi nhất trong 3 tuần đi du lịch của chúng tôi.
2 tuần ở Nhật trôi qua thực sự rất vui vẻ, thoải mái, chủ yếu là nhờ các cơ sở vật chất tiện nghi ở mọi nơi công cộng, đưa em bé đi tới đâu cũng rất thuận tiện, không hổ là quốc gia được mệnh danh “thân thiện với trẻ em”.
Nói tới những thiết bị công cộng này, lúc đầu tôi hoàn toàn tin tưởng vào Thượng Hải. Bởi vì gia đình tôi có rất nhiều người làm trong lĩnh vực xây dựng, thường xuyên nói về những công trình công cộng được xây dựng ở Thượng Hải trong những năm gần đây, đều nói là dựa trên tiêu chuẩn quốc tế, dường như không có bất cứ bất tiện nào, có không gian riêng dành cho mẹ và bé, người già có thể dễ dàng tiếp nhận nhiều kênh thông tin, chỉ cần nước ngoài có, Thượng Hải nhất định sẽ có.
Nhưng khi máy bay vừa hạ cánh, còn chưa “nếm thử” cảm giác “khói bụi mù mịt”, thì chính nơi được gọi là sân bay lớn nhất Trung Quốc – Phố Đông ở Thượng Hải đã cho chúng tôi thấy bản thân “ngây thơ” như thế nào.
Chúng tôi ngồi chuyến bay từ Nhật Bản tới Thượng Hải, phải ngồi xe trung chuyển tới sân ga. Sau khi xuống xe, từ tầng trệt phải đi lên văn phòng xuất nhập cảnh quốc tế ở lầu 3.
Hầu hết hành khách đều đi thang cuốn lên lầu 3, chúng tôi vì phải đẩy xe em bé nên dự định sẽ sử dụng thang máy để lên lầu. Cùng đi với chúng tôi có một gia đình người Nhật cũng đẩy xe nôi và một gia đình người Trung Quốc đẩy xe lăn của người già.
Tháng máy duy nhất nằm ở lối ra vào phía trước thang cuốn, nhưng chúng tôi thấy nó đang tắt và không thể sử dụng.
Chồng tôi quay lại hỏi nhân viên đứng bên phía thang cuốn, có thể mở thang máy cho mọi người sử dụng hay không, không ngờ nhân viên đó không kiên nhẫn phất tay trả lời: “Mở thang máy cần có mật khẩu, mật khẩu chỉ có cấp trên mới có, chúng tôi không biết”.
Sử dụng thang máy còn cần mật khẩu mà chỉ lãnh đạo mới biết?!
Chồng tôi vốn là người hiền hòa, vẫn điềm đạm hỏi: “Anh xem chúng tôi ở đây có người già, có trẻ nhỏ, không thể sử dụng thang cuốn được, anh có thể gọi điện cho cấp trên, hỏi mật khẩu mở thang máy không? Không thì, chúng tôi làm sao lên lầu đây?”
Người nhân viên đó lại cười nói: “Làm thế nào lên lầu? Các vị tự nghĩ cách đi. Anh nhìn xem người khác không phải cũng tự lên lầu sao?”
Lúc này chúng tôi phát hiện, gia đình người Trung Quốc đã đỡ ông già xuống xe lăn, người phụ nữ đỡ ông già đi lên thang cuốn, người đàn ông vác chiếc xe lăn đi theo phía sau.
Cặp vợ chồng người Nhật với gương mặt đầy khó hiểu đang lắp bắp dùng tiếng Anh trao đổi với chúng tôi về tình hình hiện tại, cuối cùng một nhân viên bên cạnh mới biết được có khả năng chúng tôi là người nước ngoài, không có cách nào giải thích rõ ràng, mới cầm bộ đàm xin chỉ thị từ cấp trên: “Có hai người nước ngoài có con nhỏ, nói là thang máy không mở không lên lầu được”, sau đó nói chúng tôi đợi một chút, lập tức sẽ có người tới giải quyết.
Điều khiến chúng tôi cảm thấy dở khóc dở cười chính là, đợi tới không phải là mật khẩu mở thang máy mà lại là 8 người đàn ông khỏe mạnh. Họ chia 4 người một nhóm, đưa 2 đứa trẻ, cả người lẫn xe vững vàng đi lên lầu 3.
Chúng tôi và cặp vợ chồng người Nhật chỉ biết im lặng nhìn cảnh này, lại nghĩ về người đàn ông già yếu gần 90 tuổi phải đi thang cuốn lúc nãy, chỉ có thể dùng từ “hoang đường” để miêu tả tâm trạng của tôi trong hoàn cảnh này.
Dùng sức người để bù đắp cho sự thiếu hụt về cơ sở vật chất. Một trạm tàu điện ngầm ở Vũ Hán bởi vì không có thang máy, 2 nhân viên đã phải hợp sức đẩy chiếc nôi em bé.
Nhưng thực không tưởng tượng được, so với một chiếc thang máy cần mật khẩu mới có thể sử dụng thì một chiếc hoàn toàn có thể hoạt động bình thường nhưng không bao giờ được sử dụng phải chăng càng khiến mọi người phát điên?! Trong những ngày chúng tôi ở Thượng Hải, thường xuyên gặp phải những chuyện này!
Vì phải đẩy xe nôi em bé, tôi muốn đi thang máy từ tầng 1 lên lầu, cửa vừa mở, đoàn người chen chúc bước vào không còn chỗ, lấy đâu chỗ trống cho chiếc xe nôi?
Tôi cắn răng, học cách làm của anh nhân viên ở sân bay, cùng với chồng cố gắng đưa nôi em bé xuống tầng hầm B2, đi từ tầng thấp nhất có lẽ sẽ không quá đông người. Nhưng không ngờ rằng, cho dù chúng tôi có đẩy xe nhanh hơn nữa cũng không nhanh bằng những đoàn người không quan tâm tới xung quanh, đang tranh giành chen lấn vào thang máy.
Không ai xếp hàng, cũng không ai chú ý tới thứ tự trước sau, càng không có ai ưu tiên cho người già, trẻ nhỏ thậm chí là phụ nữ giống như cách chúng tôi vẫn thấy làm ở bất kỳ nơi công cộng nào khi ở Canada, Mỹ, Nhật Bản.
Nếu cuối cùng không có bạn bè tới giúp đỡ đẩy xe nôi lên từng tầng từng tầng thì chắc đợi tới lúc nhà hàng đóng cửa chúng tôi cũng chưa vào trong được.
Cũng có nhiều người bạn “mắng” chúng tôi, sao lại không linh hoạt như vậy? Sao lại phải đẩy xe nôi? Ôm con trên tay rồi đi thang cuốn không phải thuận tiện hơn nhiều sao?
Thực sự tôi cũng muốn mắng lại, việc làm nguy hiểm như vậy bị nghiêm cấm trong những cuốn sách giáo dục trẻ nhỏ tại Canada, tin tức ở đại lục có đưa về việc người lớn đứng không vững khiến đứa bé trên tay bị rơi xuống, cũng đâu phải là chuyện bịa, có thể các bạn cảm thấy bạn sẽ không bao giờ gặp phải chuyện xui xẻo này, nhưng tôi vẫn thấy lo sợ!
Nói tóm lại, ở Trung Quốc, nếu như ra ngoài, chỉ cần đẩy xe nôi, sẽ cảm thấy vô vàn điều bất tiện. Không thể vào thang máy, không thể ngồi tàu điện ngầm, các loại xe công cộng thì càng không cần nhắc tới, ngay cả việc đi bộ trên đường cũng cần sẵn sàng chuẩn bị phải nhấc xe nôi lên…
Hai ngày sau, chúng tôi quyết định từ bỏ việc đẩy xe nôi ra ngoài, nhưng bé con nhà tôi khi ở Canada mỗi ngày đều được đưa ra ngoài vô cùng hoạt bát nghịch ngợm, bây giờ lại không có nơi giải tỏa, không đẩy xe nôi, ôm không được, cũng không được đi xa, may thay chúng tôi phát hiện một công viên gần đó, có lẽ cũng có một nơi để trẻ nhỏ có thể vui chơi.
Tuy nhiên, bà ngoại lại nói một câu chặn ngang: Mẹ thấy tốt nhất là không nên đi, cũng không có gì thú vị.
Khi đưa con tới công viên, tôi mới hiểu lời mẹ muốn nói: trên cầu tuột thì đầy vết lồi lõm, lan can thì loang lổ các vết gỉ sét, ở giữa còn bị chặn lại, vết cắt rất sắc nét. Ở rìa thành chỗ trèo lên, có một đống phân chó không ai dọn dẹp, rác rưởi khắp nơi.
Thôi được rồi, sân chơi công cộng không có người dọn dẹp, quét dọn là chuyện bình thường, tôi đã tự an ủi mình như vậy, hơn nữa bên ngoài bụi bẩn ô nhiễm để trẻ nhỏ ở lâu cũng không tốt. Có lẽ bỏ tiền ra cho con chơi ở các khu vui chơi chắc là ổn rồi chứ?
Chúng tôi ngồi xe tới một khu thương mại gần nhà nhất, may là có gia đình cũng đang xem khu vui chơi trên cao cho trẻ em, 168 tệ một lần chơi, những mỗi lần chỉ có 1 người lớn, 1 trẻ nhỏ được vào, đó còn là giá ưu đãi thử nghiệm. Nếu 2 người lớn cùng muốn vào vậy phải trả thêm 50 tệ mua một vé đi kèm. Nếu muốn đậu xe thì mất phí 10 đồng 1 giờ, chơi nửa ngày mỗi giờ cũng mất 300 tệ. Nếu ăn cơm ở trong đó, vậy giá thực sự không hề rẻ.
Với mức giá này, trẻ em trong khu vui chơi vẫn rất đông đúc, kèm theo mỗi bé luôn có ít nhất một vị phụ huynh, bạn hoàn toàn có thể tưởng tượng ra khung cảnh đông đúc tới mức nào.
Chồng tôi không ngừng cảm thán dân Thượng Hải thật sự rất giàu, dân ở Vancouver chỉ đi tới khu vui chơi trong nhà vào mùa mưa, 3 tầng tổng cộng hơn 1000 m2, vé cho một bé là 8 tệ, không giới hạn số lượng người nhà đi kèm, không có bất kỳ khoản phụ thu nào khác, còn được miễn phí một ít điểm tâm. Yêu cầu duy nhất là phải mang vớ.
Nhưng dù sao cũng tới rồi, chồng tôi nói “để anh hy sinh” đưa con vào trong chơi, cho tôi 2 tiếng đồng hồ nghỉ ngơi. Ai ngờ chỉ mới có hơn nửa tiếng đồng hồ, liền gọi tôi vào.
Thì ra, con gái đang đứng xếp hàng chơi trò cầu tuột, nhưng liên tiếp có những đứa trẻ lớn hơn một chút nhanh chân chen ngang, con gái vốn nói chuyện còn chưa rõ ràng đã lớn tiếng với một bé trai tầm bốn năm tuổi: “Line up (xếp hàng)!”, liền bị đưa bé đó đẩy ngã, rồi khóc lớn.
Không ngờ rằng, chồng tôi còn chưa nói gì, người bà vẫn luôn trông chừng cậu bé kia liền nói: “Chậm chạp như vậy, lỗi do mình!”
Phải nói là tính khí chồng tôi quá tốt, sau khi đỡ con gái dậy, vẫn điềm đạm nói với người phụ nữ lớn tuổi kia rằng: “Con gái tôi động tác có hơi chậm một chút, nhưng cháu trai nhà bà chen ngang như vậy thực sự là không đúng, lại càng không nên đẩy người khác”.
Bà ta trả lời với thái độ không cảm xúc: “Cũng không chỉ có duy nhất cháu tôi chen ngang, bao nhiêu đứa trẻ khác cũng chen ngang đó thôi, dựa vào đâu để nói mỗi mình cháu tôi! Trẻ con xô đẩy nhau là chuyện bình thường, nó còn nhỏ như vậy đâu có hiểu gì, người lớn như anh sao lại chấp nhặt với một đứa trẻ vậy? Hơn nữa anh có tận mắt nhìn thấy là cháu tôi đẩy con gái anh không?!”
Chồng tôi cuối cùng đã nổi giận, lập tức gọi nhân viên quản lý tới, yêu cầu xem camera giám sát.
Có lẽ bởi vì chồng tôi liên tục dùng tiếng Anh an ủi con gái, khiến cho nhân viên ở đó biết rằng đây là hai người nước ngoài, nên đã chủ động xác nhận với người quản lý là do bé trai kia chen ngang, đẩy con gái tôi ngã, còn gọi một nhân viên y tế tới xem con gái tôi có bị thương ở đâu không.
Khi mọi người đứng dậy chuẩn bị đi tới văn phòng để giải quyết, mới phát hiện ra người bà cùng cậu bé kia đã đi mất, không thấy bóng dáng.
Lúc tôi nhìn thấy con gái, con bé vẫn còn đang lau nước mắt, nghiêm túc nói với tôi: “He did not say sorry to me!” (Cậu ấy còn chưa nói lời xin lỗi với con).
Khoảnh khắc đó, tôi mới nói xin lỗi với con gái!
Xin lỗi, con gái. Mẹ vốn muốn nói với con rằng, không phải tất cả mọi người đều như vậy. Nhưng nhìn xung quanh người lớn trẻ nhỏ đều là những kẻ tranh giành không biết tới lễ độ, mẹ lại càng không muốn lừa dối con.
Một người bạn ở Toronto của tôi nói, con trai 5 tuổi của cô ấy vì đỡ một bé gái bị té ngã ở trung tâm mua sắm Bắc Kinh mà bị người nhà của cô bé đó không phân đúng sai cho một bạt tai.
Một người bạn khác của tôi ở Montreal còn kể, đứa con 4 tuổi của anh ấy lúc trên đường ở Quảng Châu, bị một người lạ lừa nói rằng “Mẹ con bị ngã ở phía kia, chúng ta mau qua xem” để bế đi, may mắn là anh ấy tới kịp.
Còn một người bạn ở Vancouver của tôi thì cho biết, đứa con 11 tuổi của cô ấy đã không muốn cùng bố mẹ về Bắc Kinh, nó nói rằng nhà vệ sinh ở đó vừa bẩn vừa hôi, lại đầy mùi khói thuốc; rất nhiều đứa trẻ ở đó đều không có lễ phép chứ nói gì tới chấp hành quy tắc, rất khó ở chung.
Thẳng thắn mà nói, đối với chúng tôi – những người thuộc thế hệ đầu đi di dân còn sợ những điều kể trên hơn cả việc ô nhiễm không khí, nguồn nước.
Tôi luôn lo sợ có một ngày con gái sẽ hỏi: Mẹ, rốt cuộc phải làm thế nào mới đúng? Tại sao ở đất nước của mẹ, những người rõ ràng đã làm sai lại dễ dàng được chấp nhận, không phải chịu phạt, trong khi những người làm đúng lại bị ức hiếp, ủy khuất?
Những vấn đề này đã ám ảnh tôi trong rất nhiều năm về trước khi tôi vẫn còn là phóng viên.
Giống như cậu bé chen ngang hàng, đẩy người khác, không nói lời xin lỗi liền bỏ chạy không phải sinh ra vốn đã có tính cách như vậy, có thể là do hoàn cảnh, do gia đình hoặc do xã hội dạy nó rằng phải làm như vậy mới không chịu “thiệt thòi”.
Những người Trung Quốc biết hành xử đúng mực rất ít, những hành vi vượt ngoài ranh giới cho phép thường sẽ khiến người khác khó chịu.
Mặc dù sống ở nước ngoài, mỗi ngày đều nghe tin tức xã hội về tình trạng “trẻ nhỏ hung hăng, cha mẹ hung hăng, người già hung hăng”, hoặc một số tin tức đáng sợ như “từ nhỏ được yêu chiều, lớn lên thì giết bạn bè, người thân, thậm chí giết cả những đứa trẻ không quen biết”, người làm cha mẹ như chúng tôi cảm thấy đáng mừng khi may mắn không gặp phải những kẻ khủng khiếp như vậy, đồng thời cũng rất lo lắng, lỡ như một ngày nào đó về nước, những đứa con vốn ngốc nghếch khi ở Canada, lại càng không có khả năng tự bảo vệ bản thân, làm thế nào để chúng tránh khỏi những thương tổn, đả kích không có cách nào để giải thích đây?
Chồng tôi là một người rất nhiều năm không tới Thượng Hải đã không ngần ngại khen ngợi tổng thể kiến trúc ở nơi đây còn phát triển và thuận tiện hơn khá nhiều thành phố ở Canada, tuy nhiên đáng tiếc rằng một thành phố với cơ sở vật chất tốt như vậy lại không thể nuôi dưỡng ra nhiều con người có nhân cách tốt đẹp.
Yến Nhi (Theo SecretChina.com)
Xem thêm:
Mỹ sẽ xem xét việc điều chỉnh chiến lược răn đe hạt nhân của nước…
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham cho biết Ukraine có khoáng sản đất hiếm trị giá…
Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa được thành lập để tiếp nhận nguồn viện…
Chứng khoán có dấu hiệu hồi phục nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức…
Bắc Kinh đang chuẩn bị trở thành nước nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân uranium…
Vì đại diện và biện hộ cho nhiều người tập Pháp Luân Công, ông Vương…