Chúng ta có thể đã từng nghe nói tới nhiều câu chuyện của các cá nhân, do phải suy nghĩ nhiều mà ốm o gầy mòn. Vậy khi suy nghĩ, bộ não người tiêu thụ bao nhiêu calo?
Năm 1984, Giải vô địch Cờ vua Thế giới bị hoãn đột ngột do ban tổ chức lo ngại sức khỏe của Anatoly Karpov, kỳ thủ người Nga đang tham gia giải đấu. Trong vòng 5 tháng tính đến thời điểm ấy, trải qua hàng chục trận đấu, Karpov đã sụt đi 10 kg và trở nên hốc hác.
Trên thực tế, anh không phải là người duy nhất chịu tác động nghiêm trọng về thể chất của bộ môn cờ vua. Mặc dù không có đối thủ cờ vua nào từng bị giảm cân sâu như vậy từ đó đến nay, những kiện tướng cờ vua có thể đốt cháy chừng 6.000 calo/ngày dù chỉ ngồi một chỗ trên ghế, ESPN đưa tin.
Liệu có phải bộ não đã tiêu thụ năng lượng khổng lồ như vậy? Và điều đó có nghĩa là tập trung suy nghĩ cao độ cũng có thể giảm cân? Để trả lời cho câu hỏi đó, trước tiên chúng ta cần hiểu bộ não thường tiêu tốn hết bao nhiêu năng lượng khi không chơi cờ vua.
Khi cơ thể nghỉ ngơi, chỉ tham gia những hoạt động cơ bản như hô hấp, tiêu hóa và giữ ấm, não sử dụng một năng lượng đáng kinh ngạc từ 20% đến 25% của cơ thể (dù chỉ chiếm 2% trọng lượng), chủ yếu ở dạng glucose. Mức này tương đương 350 – 450 calo/ngày. Khi còn nhỏ, não còn có thể “ngốn” tới 60% năng lượng của cơ thể. GS. Doug Boyer ở Đại học Duke (Mỹ), cho biết: “Ở độ tuổi trung bình từ 5 đến 6 tuổi, não có thể sử dụng tới 60% năng lượng của cơ thể.” Điều này khiến cho não trở thành cơ quan tiêu tốn nhiều năng lượng nhất trong cơ thể người.
Hầu hết năng lượng được tiêu thụ là để cho các tế bào thần kinh trong não giao tiếp với nhau, thông qua các tín hiệu hóa học truyền qua những cấu trúc tế bào được gọi là khớp thần kinh, cử nhân Arianna Harrington của ĐH Duke cho hay. “Rất nhiều năng lượng là dành cho kích thích các xi-náp thần kinh, liên quan đến sự vận chuyển rất nhiều ion qua các màng – đây được xem là một trong những quá trình tốn năng lượng nhất trong não.”
Ngoài ra, bộ não không bao giờ thực sự nghỉ ngơi: khi chúng ta ngủ, nó vẫn cần nhiên liệu để tiếp tục phát ra các tín hiệu giữa tế bào để duy trì các chức năng của cơ thể. Hơn nữa, còn có những nhóm tế bào chuyên vận chuyển chất nuôi dưỡng tới các tế bào thần kinh, phục vụ bộ não. Những tế bào này cũng cần glucose của cơ thể để tồn tại và tiếp tục thực hiện công việc của mình.
Nhu cầu dinh dưỡng khổng lồ dành cho việc xây dựng bộ não cũng giúp giải thích tại sao trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ, khi chúng ta 5 hoặc 6 tuổi, bộ não cần gần gấp ba lần năng lượng so với bộ não của chúng ta lúc trưởng thành.
>> Nghiên cứu hàng ngàn trải nghiệm cận tử: Tinh thần con người độc lập với bộ não
Não là bộ phận tiêu tốn rất nhiều năng lượng, vậy có phải là chúng ta càng bắt cơ quan này hoạt động nhiều thì cơ thể sẽ đốt cháy càng nhiều calo (và giúp giảm cân)?
Về mặt kỹ thuật, câu trả lời là “có” đối với các nhiệm vụ khó khăn liên quan đến nhận thức. Đó có thể là những việc mà “bộ não không thể giải quyết dễ dàng bằng cách sử dụng những thói quen đã học trước đó hoặc các nhiệm vụ thay đổi điều kiện liên tục”, theo ông Claude Messier, giáo sư tâm lý học và khoa học thần kinh tại Đại học Ottawa (Canada). Những hoạt động như vậy có thể bao gồm việc học chơi một loại nhạc cụ hoặc nghĩ ra những nước đi sáng tạo trong một ván cờ khó.
“Khi bạn luyện tập để học một cái gì mới, não sẽ thích nghi để gia tăng sự vận chuyển năng lượng ở vùng [não] được kích hoạt bởi sự luyện tập,” ông Messier cho biết. Theo thời gian, khi chúng ta trở nên thành thạo hơn trong việc thực hiện một nhiệm vụ cụ thể, bộ não không còn phải làm việc vất vả để hoàn thành nó, và sẽ cần ít năng lượng hơn.
Tuy nhiên, trong những giai đoạn đầu học tập để thực hiện một nhiệm vụ đòi hỏi phải tập trung tinh thần, liệu chúng ta có thể ăn một bữa nhẹ chứa đường để tăng dự trữ năng lượng?
Nếu bạn chỉ đơn giản cảm thấy muốn ăn đồ ngọt để tìm cảm hứng, thì xin mời. Nhưng nếu bạn cho rằng việc vận động trí não sẽ đốt cháy lượng đường đó thì thật không may, câu trả lời lại là không.
Bởi vì trong bối cảnh việc sử dụng năng lượng khổng lồ của bộ não vốn được dành cho vô số nhiệm vụ, năng lượng cần thiết cho suy nghĩ căng thẳng lại thực sự tương đối nhỏ. “Hầu hết những gì đang diễn ra, những gì làm cạn kiệt năng lượng của bộ não, là những gì chúng ta có thể gọi là ‘dưới mui xe’”, Messier giải thích. “Chúng ta không nhận thức được hầu hết các hoạt động diễn ra trong não. Và rất nhiều hoạt động đó không liên quan đến các hoạt động có ý thức như học hát hoặc chơi guitar”, ông cho hay.
>> Panpsychism – Trường phái triết học mới: Vạn vật đều có ý thức
Nói cách khác, phần đòi hỏi nhiều năng lượng nhất trong công việc của bộ não không phải là học một nhiệm vụ mới hoặc làm một điều gì đó khó khăn. Trên thực tế, “khi chúng ta học những điều mới hoặc học cách thực hiện các hoạt động mới, năng lượng dành cho hoạt động ‘mới’ đó là khá nhỏ so với phần còn lại của mức tiêu thụ năng lượng chung của não bộ,” Messier nói thêm.
Như cô Harrington đã giải thích, “bộ não có thể chuyển máu và năng lượng đến các khu vực cụ thể đang hoạt động tại thời điểm đó. Nhưng khả năng cung cấp năng lượng tổng thể trong não được xem là không đổi.” Vì vậy, mặc dù có thể có những đột biến đáng kể trong việc sử dụng năng lượng tại các vùng cục bộ trong não khi chúng ta thực hiện các nhiệm vụ nhận thức khó khăn, khi xem xét đến tổng thể năng lượng của toàn bộ não nói chung, các hoạt động này không làm thay đổi đáng kể.
Nhưng nếu đó là sự thật thì tại sao Karpov lại trở nên gầy còm nhanh đến như thế khi thi đấu giải cờ vua? Nguyên nhân chủ yếu là do căng thẳng và giảm lượng thức ăn tiêu thụ, chứ không phải là kiệt sức về tinh thần.
Những người chơi cờ ưu tú phải chịu áp lực cao, từ đó gây ra căng thẳng, có thể dẫn đến nhịp tim tăng cao, thở dốc và đổ mồ hôi. Kết hợp lại, những hiệu ứng này đốt cháy calo theo thời gian. Ngoài ra, những người chơi xuất sắc đôi khi phải ngồi nhiều nhất là 8 giờ cho một trận đấu, điều này có thể làm cho giờ giấc ăn uống của họ trở nên không điều độ. Mất năng lượng cũng là điều mà các nghệ sĩ sân khấu và nhạc sĩ có thể gặp phải, vì họ thường xuyên bị rơi vào tình trạng căng thẳng cao độ và gián đoạn lịch trình ăn uống.
>> 8 bí quyết loại bỏ căng thẳng hữu hiệu của các nhà tâm lý học
“Việc duy trì cơ thể hoạt động trong thời gian dài đòi hỏi rất nhiều năng lượng,” ông Mess Messier giải thích. “Nếu bạn không thể ăn thường xuyên hoặc giảm lượng thức ăn so với bình thường – thì bạn có thể bị sụt cân.”
Tóm lại, việc suy nghĩ, dù có căng thẳng đến đâu, cũng không đủ để khiến cho chúng ta gầy.
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…