Cụ thể, hôm 5/1 vừa qua, Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) thông báo trạm quan sát núi lửa Hawaii đã thu được hình ảnh cho thấy dòng dung nham trào ra từ hố Halemaumau trên đỉnh núi lửa Kilauea.
Trước đó, USGC đã nâng mức cảnh báo đối với Kilauea sau khi phát hiện dòng dung nham di chuyển dưới bề mặt núi lửa, báo hiệu đợt phun trào có thể xảy ra.
Kilauea nằm bên trong công viên quốc gia núi lửa Hawaii, cách xa các khu dân cư. Đây là một trong những ngọn núi lửa đang hoạt động mạnh nhất thế giới. Lần phun trào gần nhất của Kilauea bắt đầu tháng 9/2021 và kéo dài 16 tháng.
Tháng 11/2022, núi lửa Kilauea và Mauna Loa gần đó phun trào cùng nhau trong khoảng 2 tuần và dừng lại gần như cùng lúc. Đây cũng là lần đầu tiên núi lửa Mauna Loa phun trào sau 38 năm.
Ken Hon, chuyên gia phụ trách trạm quan sát núi lửa Hawaii, đánh giá vụ phun trào hồi cuối tháng 11/2022 của 2 ngọn núi lửa “tuyệt đẹp và được nhiều người chứng kiến, nó không phá hủy hạ tầng lớn nào và quan trọng nhất là không ảnh hưởng tới cuộc sống của bất cứ ai”.
Dung nham từ núi lửa Mauna Loa không gây ra mối đe dọa cho bất cứ khu dân cư nào, nhưng cách cao tốc chính nối phía đông và phía tây đảo Hawaii khoảng 2,7 km. Trong khi đó, đợt phun trào của núi lửa Kilaunea năm 2018 phá hủy hơn 700 ngôi nhà.
Chưa rõ mối liên hệ khi núi lửa Kilauea và Mauna Loa dừng phun trào gần như cùng lúc. Các chuyên gia đã lên kế hoạch xem xét dữ liệu nhằm nghiên cứu mối quan hệ giữa 2 ngọn núi lửa nêu trên.
Phan Anh