Nghĩa địa voi ma-mút 50.000 năm tuổi ở vùng Yunyugen, phía bắc Yakutia, Siberia là một kho báu về thế giới sinh vật cổ đại với nhiều hài cốt của voi ma-mút, tê giác len (hay còn gọi là tê giác lông mượt), bò rừng bison khổng lồ và nai sừng tấm trong Thế Pleistocene hay còn gọi là Thế Canh Tân (từ khoảng 2.588.000 ±5.000 năm tới 11.550 năm trước) được bảo tồn trong điều kiện hoàn hảo tại lớp băng vĩnh cửu.
Đây được xem là địa điểm an nghỉ của các loài động vật đã tuyệt chủng từ thời tiền sử. Nhưng những hài cốt vô giá này hiện đang bị các băng đảng tội phạm săn lùng để bán trên thị trường tiêu thụ ngà voi bất hợp pháp.
Địa điểm độc nhất vô nhị này nằm ở phần phía trên Vòng Cực Bắc (Polar Circle) của sông Yana và được phát hiện vào đầu thế kỷ 20 bởi nhà thám hiểm Bắc Cực – ông Baron Eduard von Toll. Ở đây, người ta đã tìm thấy một số hộp sọ động vật được bảo quản tốt đến mức lớp da vẫn còn nguyên vẹn và phần gạc sừng vẫn giữ được lớp nhung.
Sergey Leshchinsky – một nhà nghiên cứu cổ sinh vật học nói rằng: “Trên lục địa Á-Âu, điều kiện bảo quản tại nơi này là tốt nhất. Hầu hết các hộp sọ được bảo quản hoàn hảo và lưu giữ toàn vẹn các đường gân cùng phần mô sụn.” Nhưng cũng chính điều này lại mang đến tai ương bởi nó thu hút hàng tá các lữ đoàn săn xương mang theo máy bơm cỡ lớn lũ lượt đổ về mỗi mùa hè.
>> 5 động vật có vú khổng lồ từng tồn tại thời tiền sử
Những kẻ trộm cắp phá hoại ấy sử dụng vòi rồng phun nước công nghiệp áp suất cao (loại thường được dùng bởi lính cứu hỏa) để đào bới xương và hài cốt. Loại súng nước này có thể phá vỡ lớp băng vĩnh cửu và cũng phá hủy luôn các di tích.
Giáo sư Leshchinsky của trường Đại học Bang Tomsk tại Siberia cùng với các cộng sự của ông đến từ thành phố St Petersburg và Yakutia hiện đang tiến hành nghiên cứu tại nghĩa địa voi ma mút Yunyugen. Họ phải làm việc bên cạnh hàng chục nhóm thợ săn xương phi pháp.
Sức hút của ngà voi ma mút không hề thua kém sừng tê giác và là loại vật phẩm được săn lùng ở cả Nga và các quốc gia khác, mỗi chiếc ngà được bán với giá từ 500.000 rúp đến 5.000.000 rúp (khoảng 7.500 – 75.000 USD). Giá cả sẽ phụ thuộc vào trọng lượng và chất lượng bảo quản.
Chính nhu cầu tiêu thụ ngà và xương voi ma mút trên chợ đen đã tạo ra một cơn sốt săn lùng hài cốt voi ở vùng Yakutia. Những kẻ ôm mộng trở thành triệu phú đã lũ lượt kéo đến khu vực Yunyugen khiến cho các nhà khoa học trong quá trình tìm kiếm di thể sinh vật cổ đại thường xuyên phải tranh giành hài cốt với những thợ săn xương phi pháp.
Năm 2012, khu vực xung quanh sông Yunyugen đều được rừng bao phủ. Nhưng hiện giờ, trong phạm vi 2km mỗi bên bờ sông, xuất hiện vô số những hang sâu vô tận do những thợ săn xương phá hoại sử dụng súng phun nước áp suất cao tạo nên.
Giáo sư Leshchinsky cho biết: “Thợ săn đã sử dụng vòi chữa cháy để hút nước từ sông Yunyugen, bắn vào tường băng của những ngọn đồi băng vĩnh cửu. Việc xối nước để bới xương diễn ra trong suốt mùa hè, từ năm này qua năm khác. Việc khai thác xương cũng đòi hỏi các khoản đầu tư khổng lồ từ những thợ săn vì mỗi súng phun nước ngốn đến 300 lít dầu diesel/ngày. Sau khi rửa trôi lớp băng vĩnh cửu, thợ săn xương chỉ chọn nhặt những thứ chúng thấy đáng đồng tiền bát gạo như ngà voi ma mút hay sừng tê giác nguyên vẹn.”
Có hàng trăm bộ xương hoàn chỉnh được tìm thấy nhưng những thợ săn chỉ lấy phần đáng giá vì chi phí vận chuyển cả bộ xương quá đắt đỏ.
Mỗi mùa hè trôi qua lại có thêm hàng ngàn hài cốt các sinh vật thời tiền sử bị phá hoại tại Yunyugen, và vấn nạn này vẫn đang tiếp diễn do không được Chính phủ quan tâm bảo vệ.
>> ‘Cung điện mùa hè’ 1300 năm tuổi giữa vùng Siberia lạnh giá: Quá nhiều bí ẩn
Nhóm các nhà khoa học thám hiểm nghĩa địa voi ma mút tại Yunyugen quyết định rằng: đã đến lúc kêu gọi cộng đồng khoa học thế giới giải cứu địa điểm này.
Các nhà nghiên cứu sổ sinh vật học đề nghị: “Chúng ta phải tuyên bố Yunyugen là một khu vực địa chất, một di tích được Nhà nước bảo vệ để bảo tồn các di thể sinh vật cổ đại và phục vụ cho mục đích nghiên cứu. Địa điểm độc nhất vô nhị lưu giữ di thể của quần thể voi ma mút này phải thuộc về toàn thể nhân loại.”
Hiện các nhà khoa học từ Đại học Bang Tomsk, Đại học Y khoa Tây Bắc từ Thành phố St Petersburg và Đại học Liên bang Đông Bắc ở Yakutia đang lên kế hoạch thỉnh cầu Chính phủ Yakutia, còn được gọi là Cộng hòa Sakha – khu vực lớn nhất ở Liên bang Nga – đứng lên bảo vệ di tích nghĩa địa voi ma mút.
Lá đơn thỉnh cầu sẽ bao gồm chữ ký của các nhà địa chất và nhà nghiên cứu cổ sinh học hàng đầu trên thế giới.
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…