Rừng Việt Nam đang bị tàn phá như thế nào qua hình ảnh vệ tinh
Những hình ảnh từ vệ tinh qua phần mềm Google Earth cho thấy rừng Việt Nam bị tàn phá nghiêm trọng. Nhiều mảng rừng mất trắng, đặc biệt tại khu vực Tây Nguyên.
- Chuyên đề: Việt Nam đánh mất cơ hội ‘dân số vàng’ có một không hai như thế nào?
- Xem phần 2, phần 4, phần 5, phần 6
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tính đến ngày 31/12/2015, diện tích rừng để tính độ che phủ toàn quốc là hơn 13,520 triệu ha, độ che phủ đạt 40,84%. Nếu so với số liệu được Bộ NN&PTNT công bố năm 2009 khoảng 13,2 triệu ha với độ che phủ 39,1% thì diện tích rừng hiện nay đã tăng hơn 300.000 ha.
Tuy nhiên, Bộ TN-MT cho biết diện tích rừng nguyên sinh giảm trầm trọng, hiện chỉ còn rất ít, chủ yếu còn ở những khu rừng phòng hộ, khu bảo tồn. Phần lớn rừng tự nhiên hiện nay chỉ còn lại là rừng nghèo.
Nói cách khác, mặc dù diện tích rừng tăng nhưng chất lượng suy giảm. Trong tổng diện tích rừng hiện có là gần 14,062 triệu ha, rừng tự nhiên có hơn 10,175 triệu ha, rừng trồng là hơn 3,886 triệu ha.
Theo thông tin từ Tổng cục Lâm nghiệp vào tháng 12/2015, từ năm 1975 đến cuối năm 2013, Tây Nguyên mất khoảng 32,8% diện tích rừng tự nhiên, giảm từ 3,8 triệu ha xuống còn 2,5 triệu ha. Tốc độ mất rừng tự nhiên lên tới 33.600ha/năm và tốc độ này ngày càng tăng.
Độ che phủ giảm mạnh và giảm liên tục, từ 67% (năm 1976) xuống còn 61% (năm 1990), 54,7% (năm 2000) và chỉ còn 49,7% vào năm 2012.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy biến động lớn về rừng tại 5 tỉnh Tây Nguyên, bao gồm Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng:
“Điều đáng lo ngại là chất lượng rừng tự nhiên tiếp tục giảm. Tuy độ che phủ rừng có xu hướng tăng nhưng chủ yếu là rừng trồng với mức đa dạng sinh học thấp, trong khi rừng tự nhiên với mức đa dạng sinh học cao nhưng tỷ lệ bảo tồn còn rất thấp. Trong giai đoạn 1990 – 2013, diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng đều tăng lên, tuy nhiên tốc độ tăng hàng năm của diện tích rừng trồng cao hơn khoảng 6 lần tốc độ phục hồi của rừng tự nhiên.” – Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015 (Bộ TN-MT, 2015).
Cũng theo Bộ TN-MT, tính tới năm 2015, hệ thống khu bảo tồn trên cạn có 166 khu rừng đặc dụng. Diện tích xấp xỉ 2,2 triệu ha, chiếm 7% diện tích tự nhiên cả nước. Trong đó, 31 vườn quốc gia có tổng diện tích khoảng 10.500,8km2 (620,10km2 là mặt biển, chiếm khoảng 2,98% diện tích lãnh thổ đất liền), 64 khu dự trữ thiên nhiên, 16 khu bảo tồn loài, 55 khu bảo vệ cảnh quan.
Tuy nhiên, nhiều khu bảo tồn thiên nhiên đang bị xâm hại. Điển hình là bán đảo Sơn Trà (TP. Đà Nẵng). Hình ảnh vệ tinh cho thấy khu vực phía tây trên bán đảo đang bị tàn phá.
Công bố tại hội thảo diễn ra vào ngày 28/4, KTS Hoàng Sừ cho biết bản phê duyệt quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn giai đoạn 2008-2020 của UBND TP Đà Nẵng chỉ ghi có một loại rừng duy nhất là rừng đặc dụng với diện tích 2.591,1 ha. Quyết định này đã cắt bỏ rừng Sơn Trà từ 4.439ha giảm mất hơn 1.840 ha (chiếm gần 41% tổng diện tích khu bảo tồn).
Trước đó, năm 1977, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định lập 10 khu rừng cấm của Việt Nam, trong đó có bán đảo Sơn Trà với diện tích khoảng 4.000 ha. Năm 1992, Bộ Lâm nghiệp Quyết định số 447/LN – KL, đổi tên “rừng cấm” thành Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà với tổng diện tích 4.439 ha do nơi đây mang ý nghĩa đặc biệt về quân sự và môi trường.
Ngoài ra, cần chú ý tới hiện trạng của rừng ngập mặn. Với bờ biển dài hơn 3.000 km, rừng ngập mặn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ bờ biển, ngăn chặn gió bão, hạn chế xói lở, xâm mặn, mở rộng diện tích đất liền và điều hòa khí hậu. Đây là nơi cư trú và làm tổ của nhiều loài chim, động vật ở nước, thú quý hiếm… Rừng ngập mặn bị phá sẽ làm cho các hệ sinh thái lân cận như rong lá hẹ, cỏ biển bị tiêu diệt theo.
Mất rừng ngập mặn đồng nghĩa với mất mát cả về hệ sinh thái động thực vật – đặc biệt các loài thủy sinh không còn bãi đẻ và nơi cư ngụ – và khả năng điều hòa môi trường, mở rộng và giữ lãnh thổ.
Theo báo cáo của Bộ TN-MT năm 2015, trong hơn năm thập kỷ qua, Việt Nam đã mất 67% diện tích rừng ngập mặn so với năm 1943. Trong 22 năm từ 1990 – 2012, tỷ lệ mất rừng ngập mặn cao gấp 1,7 lần giai đoạn 47 năm trước, từ 1943 – 1990.
Tính đến năm 2012, 56% tổng diện tích rừng ngập mặn trên toàn quốc là rừng mới trồng, tuy nhiên, chất lượng rừng kém cả về kích cỡ, chiều cao cây và đa dạng thành phần loài.
Lê Trai
Xem thêm:
Từ khóa rừng Việt Nam tàn phá rừng rừng Tây Nguyên Ô nhiễm môi trường biến đổi khí hậu