Phòng Thương mại Đức tại Trung Quốc hôm thứ Ba (12/11) vừa phát hành báo cáo thường niên mới nhất trong đó cho thấy gần 1/4 công ty của Đức dự định di dời khỏi Trung Quốc tới các quốc gia khác ở Châu Á để giảm chi phí sản xuất.
Theo DW, nghiên cứu của Phòng Thương mại Đức chỉ ra rằng gần 1/4 các công ty Đức đang hoạt động tại Trung Quốc dự định di dời tất cả hoặc một phần cơ sở sản xuất kinh doanh của họ ra khỏi đất nước đông dân nhất thế giới.
Báo cáo nêu trên khảo sát 526 công ty thành viên tại Trung Quốc cho thấy rằng 23% trong số này hoặc là đã quyết định rút sản xuất khỏi Trung Quốc hoặc đang xem xét thực hiện việc đó. Một phần ba trong số đó dự định sẽ rời khỏi Trung Quốc hoàn toàn.
Trong khi, phần còn lại nói rằng họ sẽ chuyển một phần doanh nghiệp và cơ sở sản xuất của họ sang nước khác, chủ yếu là tới các nước Châu Á có chi phí sản xuất rẻ.
Chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh tại Trung Quốc hiện đang tăng lên khi nước này tìm cách tái cân bằng nền kinh tế của họ từ mô hình định hướng xuất khẩu và đầu tư sang mô hình tăng trưởng được thúc đẩy bởi dịch vụ và chi tiêu tiêu dùng.
Theo báo cáo khảo sát, trong số 104 công ty Đức đã quyết định di dời hoặc đang xem xét làm việc đó, 71% viện dẫn lý do bị đội chi phí sản xuất, đặc biệt là chi phí nhân công.
Báo cáo của Phòng Thương mại Đức cũng cho biết những công ty tham gia khảo sát nói rằng họ thấy triển vọng kinh doanh “ảm đạm” và nhấn mạnh cảm giác bi quan của họ là do nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại vì ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại tiếp diễn giữa Bắc Kinh và Washington.
Thương chiến Mỹ – Trung ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới 83% doanh nghiệp được Phòng Thương mại Đức khảo sát.
“Kỳ vọng kinh doanh đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm,” báo cáo của Phòng Thương mại Đức cảnh báo. Khảo sát cho thấy chỉ 1/4 công ty Đức tại Trung Quốc hy vọng họ sẽ hoàn thành hoặc vượt mục tiêu kinh doanh năm nay.
Các công ty Đức nói rằng những thách thức chính mà họ gặp phải tại Trung Quốc là liên quan tới các rào cản tiếp cận thị trường, sự không chắc chắn về pháp lý và các yêu cầu chuyển giao công nghệ. Hơn 1/3 số công ty Đức tham gia khảo sát nói rằng những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm “bình đẳng môi trường kinh doanh” cho các công ty nước ngoài là “không đủ”.
Xuân Thành
Xem thêm:
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…