Theo AFP, một đề nghị đang được lan truyền rộng rãi trên mạng từ hôm thứ Hai kêu gọi toàn bộ người dân Hồng Kông đồng loạt rút tiền khỏi Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China) vào ngày 13/7 sắp tới. 

bieu-tinh-Hong-Kong-7-7
Người biểu tình diễu hàng trên đường phố Hồng Kông hôm 7/7/2019. (Ảnh: Pang Dawei/The Epoch Times)

Người dân Hồng Kông tiếp tục kêu gọi tuần hành vào 2 dịp cuối tuần sắp tới vào các ngày 13, 14/7 và 21/7 tại các khu Sheung Shui, Shatin, và Tseung Kwan O.

Ngày 9/7, bà Carrie Lam đã gặp gỡ các phương tiện truyền thông và thông báo chấm dứt dự thảo sửa đổi pháp lệnh về tội phạm đào tẩu trong nỗ lực cố gắng xoa dịu sự phẫn nộ của người dân.

Tuy nhiên, các cuộc biểu tình dự kiến sẽ vẫn được diễn ra vì vẫn còn các đề xuất khác của người biểu tình chưa được đáp ứng, bao gồm yêu cầu bà Carrie Lam từ chức, thả những người biểu tình bị bắt, hay chính phủ phải mở cuộc điều tra độc lập về những hành vi quá phận của cảnh sát. 

Những người biểu tình cũng đề nghị nhà chức trách ngừng mô tả những người biểu tình là “những kẻ bạo loạn” – một định nghĩa dễ dẫn đến việc phải vào tù.

Trước đó, một cuộc biểu tình lớn đã diễn ra vào hôm 07/07/2019, 5 người đã bị bắt giữ sau khi cảnh sát tấn công vào những nhóm nhỏ người biểu tình không chịu giải tán.

Thông cáo của cảnh sát cho rằng các cuộc biểu tình là “bất hợp pháp”, và những người bị bắt đã “tấn công một sĩ quan cảnh sát và cản trở một sĩ quan cảnh sát trong việc thực thi nhiệm vụ.”

Tuy nhiên phe phản kháng tố cáo rằng những người biểu tình ở Mongkok đang trở về nhà thì cảnh sát chống bạo động xuất hiện, dựng lên một rừng khiên chặn ngang đường đi.

Nhà hoạt động dân chủ Joshua Wong viết trong một tweet kèm theo hình ảnh của ít nhất hai người biểu tình với vết thương chảy máu đầu: “Lại thêm một ví dụ về việc cảnh sát dùng vũ lực quá trớn.”

Theo tính toán của AFP, có ít nhất 72 người biểu tình đã bị bắt, số người bị khởi tố thì vẫn chưa rõ.

Đến sáng thứ Hai, những người biểu tình đã lên kế hoạch phản đối mạnh mẽ hơn trên các ứng dụng nhắn tin và diễn đàn trò chuyện.

Bank of china clean img sma
Trụ sở toà Ngân hàng Trung Quốc tại Hồng Kông (Ảnh: Wikipedia)

Trong đó, một đề xuất đang được lan truyền rộng rãi là kế hoạch gây khó khăn tài chính cho Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China), nhằm tăng áp lực lên các lãnh đạo thân Bắc Kinh. Theo đó, kế hoạch kêu gọi người Hồng Kông đồng loạt rút tiền khỏi ngân hàng này vào ngày 13/7.

Ngân hàng Trung Quốc là ngân hàng lâu đời nhất của Trung Quốc đại lục, cũng là 1 trong 5 ngân hàng thương mại nhà nước lớn nhất tại Trung Quốc. Tại Hồng Kông, ngân hàng này toạ lạc tại một trong những toà nhà cao nhất Hồng Kông trong khu vực quận trung tâm. 

Sáng ngày 8/7 khi thị trường chứng khoán mở cửa, cổ phiếu của ngân hàng này đã bị sụt giá 1%.

Ngoài ra, một mục tiêu khác là đài truyền hình TVB, vốn bị coi là thân chính phủ. Các đề nghị nhắm vào TVB bao gồm tuần hành đến đài truyền hình, hoặc tẩy chay các sản phẩm quảng cáo trên đài này.

Các cuộc biểu tình ở Hồng Kông đã chuyển từ việc kêu gọi chấm dứt Luật dẫn độ đào phạm sang một phong trào rộng lớn hơn để kêu gọi cải cách dân chủ và chấm dứt những dự luật gây ảnh hưởng đến tự do của người dân Hồng Kông.

Bảo Minh (t/h)

Xem thêm: