6 cảnh báo xấu cho nền kinh tế Trung Quốc
- Trọng Đức
- •
Nền kinh tế quy mô 13 nghìn tỷ đô của Trung Quốc đang đối mặt với suy thoái và một loạt các dấu hiệu của nó đến từ xuất khẩu, sản xuất công nghiệp, việc làm cho tới tiêu dùng giải trí.
Thứ Sáu tuần trước (17/10) Trung Quốc công bố số liệu về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho tháng 9. Trong khi có những nhà kinh tế hoài nghi chính quyền độc đảng ở Bắc Kinh thổi phồng con số của nền kinh tế trong hàng chục năm qua vì mục đích chính trị, lần này chính Bắc Kinh thừa nhận các tác động tiêu cực của thương chiến đã khiến GDP Trung Quốc chỉ tăng 6%, thấp hơn mức dự đoán của các chuyên gia nước ngoài là 6,1% và thấp hơn hẳn mục tiêu của lãnh đạo Trung Quốc đặt ra là 6,5%.
Các nhà kinh tế cho rằng việc Trung Quốc giảm đà tăng trưởng xuống đến mức thấp nhất trong gần 30 năm qua là do hậu quả của cuộc chiến thương mại với Mỹ và nhu cầu trong nước suy yếu. Dấu hiệu này càng nguy hiểm hơn khi mà chính quyền trung ương đã rất nỗ lực để kích thích kinh tế bằng việc giảm giá đồng tiền, giảm thuế, phí tương đương 282 tỷ USD cũng như ồ ạt bơm thêm tiền vào nền kinh tế. Bắc Kinh cũng buộc phải gạt bỏ công cuộc giải quyết nợ xấu để đổi lấy tăng trưởng. Reuters cho hay giới lãnh đạo ngân hàng của Bắc Kinh đã quyết định xóa bỏ tới 1,4 nghìn tỷ Nhân Dân Tệ (gần 200 tỷ USD) nợ xấu phát sinh trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay.
Mặc dù đánh đổi lạm phát và rủi ro cho hệ thống tín dụng để kích thích tăng trưởng, các nhà kinh tế nhận định rằng tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong thời gian tới sẽ còn xuống dưới 6%. Dưới đây là 6 cảnh báo xấu cho nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới.
Việc làm trong ngành sản xuất
Trong khi Bắc Kinh công bố tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc đã rơi xuống 3,61% vào tháng 7 năm nay, con số này bị hoài nghi bởi các nhà phân tích nước ngoài. Có các dấu hiệu về nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm sút cũng như thương chiến với Mỹ gia tăng đã khiến nhà máy ở đây sa thải hàng loạt nhân công.
Chỉ số Mua hàng Nhà Quản lý (PMI) – một dấu hiệu cho thấy sức khỏe của ngành sản xuất công nghiệp đã liên tục suy giảm từ năm ngoái. Chỉ số này rơi xuống dưới 47 điểm lần đầu tiên vào tháng 8 kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. PMI dưới 50 điểm cũng chỉ ra rằng các nhà máy đang tuyển ít nhân công hơn.
Xuất khẩu máy móc
Số lượng xuất khẩu máy móc điện từ Trung Quốc đã suy giảm từ cuối năm 2018. Điều này tương phản với kết quả báo cáo tăng trưởng 2 con số trong hầu hết năm đó.
Tới năm 2019, xuất khẩu của Trung Quốc đã liên tục suy giảm, phản ánh tác động của thuế nhập khẩu của Mỹ lên các nhà sản xuất Trung Quốc. Sự suy giảm trong tháng 9 là lớn nhất trong gần 10 tháng qua. Việc Bắc Kinh cố tình giảm giá đồng Nhân Dân Tệ so với USD đã không thể ngăn chặn đà suy giảm của xuất khẩu. NDT đã giảm tới 12% so với đồng USD kể từ khi thương chiến nổ ra.
Hàng hóa đường sắt
Con số thống thê về hàng hóa chuyên chở bằng đường sắt trên quãng đường hơn 100.000 km đường ray của Trung Quốc luôn suy giảm theo tháng kể từ cuối năm 2017, phản ánh nhu cầu nội địa giảm sút.
So sánh với tốc độ tăng trưởng hai con số của chỉ số này trong thời gian trước đó, tăng trưởng hàng hóa đường sắt đã gần như giảm xuống một con số hoặc rơi vào tăng trưởng âm, bất chấp Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc đã cắt giảm, hay thậm chí miễn phí cước vận chuyển để kích thích nền kinh tế.
Được biệt, chỉ số Hàng hóa Đường sắt là một thước đo tăng trưởng kinh tế mà Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ưa sử dụng khi ông ta làm Bí thư Đảng Cộng sản Tỉnh Liêu Ninh những năm 2000.
Sản xuất điện
Ngành sản xuất điện của Trung Quốc với quy mô lớn nhất thế giới cũng là một chỉ dấu quan trọng cho hoạt động của lĩnh vực công nghiệp ở nước này.
Tăng trưởng sản xuất điện của Trung Quốc đã giảm mạnh kể từ nửa sau năm 2018, rơi xuống mức thấp nhất trong 3 năm.
Ngành công nghiệp Trung Quốc chiếm ⅓ GDP, đang phải chịu áp lực nặng nề từ chiến tranh thương mại với Mỹ với việc nhiều chuỗi cung ứng công nghiệp chuyển ra nước ngoài để lách thuế.
Doanh số bán ô tô
Doanh số bán xe hơi tại Trung Quốc năm 2018 đã giảm lần đầu tiên trong vòng gần 3 thập kỷ. Hồi tháng 9, doanh số bán ô tô, vốn chiếm 1/10 tổng giá trị toàn ngành bán lẻ của Trung Quốc, đã giảm liên tiếp 15 tháng, xóa tan hy vọng rằng thị trường xe hơi lớn nhất thế giới có thể sớm phục hồi. Doanh số ô tô được xem là thước đo tình hình tài chính của giới trung lưu Trung Quốc trở lên.
Ngoài ô tô, người tiêu dùng Trung Quốc cũng chi ít tiền hơn cho hầu như tất cả các sản phẩm từ điện thoại di động đến nội thất do tăng trưởng thu nhập giảm xuống và nợ tăng cao hơn.
Chi tiêu tiêu dùng chiếm tới hơn 60% nền kinh tế Trung Quốc.
Doanh thu phòng vé
Tăng trưởng doanh thu phòng vé năm 2018 của Trung Quốc đã chậm lại so với năm 2018, cụ thể là chỉ 9%, tương đương 8,6 tỷ USD. Tỷ lệ này giảm mạnh so với con số tăng trưởng gần 13,5% năm 2017.
Thị trường phim lớn thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ vào năm nay lại tiếp tục suy giảm tăng trưởng do người tiêu dùng phải thắt chặt hầu bao hơn. Doanh thu phòng vé tháng 9 của Trung Quốc giảm xuống đến mức thấp nhất kể từ tháng 9/2018, theo tính toán của Reuters dựa trên số liệu chính thức của Mạng lưới Thông tin Dữ Liệu Phim Trung Quốc.
Trọng Đức (theo Fox News)
Xem thêm:
Từ khóa Trung Quốc chiến tranh thương mại Mỹ Trung Dòng sự kiện kinh tế Trung quốc