Đại diện Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết Temu chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam. Bộ Công thương xác nhận sẽ nghiên cứu, đề nghị giải pháp kiểm soát phù hợp.
Chia sẻ tại cuộc họp báo chiều ngày 23/10, đại diện Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số cho biết tới nay, phía Temu chưa đăng ký với cơ quan quản lý Việt Nam. Theo quy định, các sàn bán lẻ online xuyên biên giới có tên miền Việt Nam, ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt, hoặc có trên 100.000 lượt giao dịch một năm từ Việt Nam phải đăng ký hoạt động.
Gần đây, Temu dồn dập tiếp cận tới người dùng Việt Nam trong nhiều chiến dịch quảng cáo, tiếp thị quy mô, chính sách giảm giá ưu đãi lớn, miễn phí vận chuyển. Từ cuối tháng 9, người dùng đã có thể vào các kho ứng dụng trên điện thoại để tải app và mua hàng, thanh toán trên nền tảng này với phiên bản tiếng Việt.
Cũng tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân dẫn Nghị định 85 ban hành năm 2021 khẳng định, các sàn giao dịch thương mại điện tử bắt buộc phải đăng ký khi hoạt động tại Việt Nam. Nhắc tới Temu, ông Tân cho biết “cũng giật mình khi thấy giá của họ rẻ”. Tuy nhiên, ông nói “phải điều tra, nghiên cứu cụ thể để có giải pháp kiểm soát phù hợp”. Hiện Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số được giao rà soát đánh giá tác động về hoạt động của Temu tới thị trường trong nước. Về nguyên tắc, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ Công Thương sẽ quản lý chặt về chống gian lận, hàng giả, hàng nhái.
Temu là phiên bản quốc tế của trang thương mại điện tử Pinduoduo, thuộc tập đoàn PDD Holdings (Trung Quốc). Sử dụng chiến lược giá rẻ, Temu đã thâm nhập vào nhiều quốc gia trên thế giới trong một thời gian ngắn.
Temu hiện bán hàng trực tiếp đến 82 quốc gia, vùng lãnh thổ. Doanh thu của sàn tăng theo cấp số nhân. Chỉ trong nửa đầu năm nay, tổng giá trị giao dịch trên sàn này đạt 20 tỷ USD, vượt năm 2023 (18 tỷ USD).
Những sản phẩm có giá bán rẻ đến mức khó hiểu từ các nền tảng bán lẻ trực tuyến của Trung Quốc đang làm đau đầu giới quản lý Nhà nước và doanh nghiệp các nước. Để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước, nhiều quốc gia đã ban hành các lệnh cấm hoặc thực thi các bước kiểm soát siết chặt ứng dụng này.
Đầu tháng 10, Chính phủ Indonesia đã chính thức từ chối cấp phép cho Temu hoạt động, đồng thời tìm cách gỡ bỏ ứng dụng này khỏi các cửa hàng trực tuyến mỗi khi nó xuất hiện.
Ngày 11/10, Ủy ban châu Âu (EC) đã gửi yêu cầu cung cấp thông tin (RFI) đến Temu, đề nghị nền tảng này cung cấp thông tin chi tiết và các tài liệu nội bộ liên quan đến các biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng bán hàng hóa bất hợp pháp tràn lan trên sàn thương mại điện tử.
Trước đó, vào đầu tháng 6, nền tảng này cũng nhận được thông báo sẽ phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt hơn theo Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) của Liên minh châu Âu (EU), áp dụng cho các công ty có hơn 45 triệu người dùng thường xuyên.
Giữa tháng 9, Mỹ công bố các biện pháp mới nhằm giảm phạm vi áp dụng miễn thuế cho các mặt hàng giá trị thấp. Đồng thời, nước này cũng phê duyệt mức thuế tăng thêm cho hàng tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Đến nay, vẫn chưa ai có thể giải thích được mô hình kinh doanh của các nền tảng bán hàng trực tuyến như Temu, giá bán sản phẩm tới tay khách hàng quá thấp, tới mức thậm chí chưa bằng chi phí bao bì và vận chuyển.
Nguyên Hương (t/h)
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…