Đại diện Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết Temu chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam. Bộ Công thương xác nhận sẽ nghiên cứu, đề nghị giải pháp kiểm soát phù hợp. 

 

Screen Shot 2024 10 24 at 12.44.41 PM
Temu đang bán hàng trực tiếp tới 82 quốc gia trên toàn thế giới. Nguồn ảnh minh họa Style Republik.

Temu cung cấp dịch vụ tại Việt Nam nhưng chưa qua đăng ký

Chia sẻ tại cuộc họp báo chiều ngày 23/10, đại diện Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số cho biết tới nay, phía Temu chưa đăng ký với cơ quan quản lý Việt Nam. Theo quy định, các sàn bán lẻ online xuyên biên giới có tên miền Việt Nam, ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt, hoặc có trên 100.000 lượt giao dịch một năm từ Việt Nam phải đăng ký hoạt động.

Gần đây, Temu dồn dập tiếp cận tới người dùng Việt Nam trong nhiều chiến dịch quảng cáo, tiếp thị quy mô, chính sách giảm giá ưu đãi lớn, miễn phí vận chuyển. Từ cuối tháng 9, người dùng đã có thể vào các kho ứng dụng trên điện thoại để tải app và mua hàng, thanh toán trên nền tảng này với phiên bản tiếng Việt.

Cũng tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân dẫn Nghị định 85 ban hành năm 2021 khẳng định, các sàn giao dịch thương mại điện tử bắt buộc phải đăng ký khi hoạt động tại Việt Nam. Nhắc tới Temu, ông Tân cho biết “cũng giật mình khi thấy giá của họ rẻ”. Tuy nhiên, ông nói “phải điều tra, nghiên cứu cụ thể để có giải pháp kiểm soát phù hợp”. Hiện Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số được giao rà soát đánh giá tác động về hoạt động của Temu tới thị trường trong nước. Về nguyên tắc, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ Công Thương sẽ quản lý chặt về chống gian lận, hàng giả, hàng nhái.

Nhiều quốc gia hành động đối phó sự xâm lấn của ứng dụng bán hàng siêu rẻ Trung Quốc 

Temu là phiên bản quốc tế của trang thương mại điện tử Pinduoduo, thuộc tập đoàn PDD Holdings (Trung Quốc). Sử dụng chiến lược giá rẻ, Temu đã thâm nhập vào nhiều quốc gia trên thế giới trong một thời gian ngắn.

Temu hiện bán hàng trực tiếp đến 82 quốc gia, vùng lãnh thổ. Doanh thu của sàn tăng theo cấp số nhân. Chỉ trong nửa đầu năm nay, tổng giá trị giao dịch trên sàn này đạt 20 tỷ USD, vượt năm 2023 (18 tỷ USD).

Những sản phẩm có giá bán rẻ đến mức khó hiểu từ các nền tảng bán lẻ trực tuyến của Trung Quốc đang làm đau đầu giới quản lý Nhà nước và doanh nghiệp các nước. Để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước, nhiều quốc gia đã ban hành các lệnh cấm hoặc thực thi các bước kiểm soát siết chặt ứng dụng này.

Đầu tháng 10, Chính phủ Indonesia đã chính thức từ chối cấp phép cho Temu hoạt động, đồng thời tìm cách gỡ bỏ ứng dụng này khỏi các cửa hàng trực tuyến mỗi khi nó xuất hiện.

Ngày 11/10, Ủy ban châu Âu (EC) đã gửi yêu cầu cung cấp thông tin (RFI) đến Temu, đề nghị nền tảng này cung cấp thông tin chi tiết và các tài liệu nội bộ liên quan đến các biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng bán hàng hóa bất hợp pháp tràn lan trên sàn thương mại điện tử.

Trước đó, vào đầu tháng 6, nền tảng này cũng nhận được thông báo sẽ phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt hơn theo Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) của Liên minh châu Âu (EU), áp dụng cho các công ty có hơn 45 triệu người dùng thường xuyên.

Giữa tháng 9, Mỹ công bố các biện pháp mới nhằm giảm phạm vi áp dụng miễn thuế cho các mặt hàng giá trị thấp. Đồng thời, nước này cũng phê duyệt mức thuế tăng thêm cho hàng tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Đến nay, vẫn chưa ai có thể giải thích được mô hình kinh doanh của các nền tảng bán hàng trực tuyến như Temu, giá bán sản phẩm tới tay khách hàng quá thấp, tới mức thậm chí chưa bằng chi phí bao bì và vận chuyển.

Dư luận báo chí các nước cũng đề xuất sớm tạo lập một cơ chế, kết nối cơ quan thực thi pháp luật, đại diện doanh nghiệp và hiệp hội người tiêu dùng, để có thể nhanh chóng tìm hiểu bản chất và tìm giải pháp đối phó với các nền tảng bán hàng giá rẻ từ Trung Quốc. Trong đó, bảo vệ người tiêu dùng chỉ là một yếu tố, vấn đề cốt lõi là cạnh tranh không lành mạnh gây ra hậu quả nghiêm trọng cho doanh nghiệp, kéo theo phá sản và thất nghiệp. Những món hàng nhập khẩu siêu rẻ chỉ bằng ly cà phê cần phải chịu thuế và tuân thủ tiêu chuẩn như mọi sản phẩm khác, thì mới bảo vệ được sản xuất và thương mại trong nước.

Nguyên Hương (t/h)