Thế giới đã ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nợ có tính hệ thống trong bối cảnh đại dịch virus corona. Tuy nhiên, các quốc gia đang phát triển được xếp hạng nghèo nhất thế giới tiếp tục phải đối mặt với các vấn đề nợ trầm trọng. Điều này cũng làm dấy lên lo ngại toàn cầu về việc các chủ nợ như Trung Quốc đang nhân rộng bẫy nợ.
Công nhân xây dựng Trung Quốc trở về nhà sau giờ làm việc tại một trung tâm mua sắm mới có tên The Mall at One Galle Face, một phần của khu phức hợp văn phòng và bán lẻ Shangri-La do Trung Quốc quản lý ở Colombo, Sri Lanka, vào ngày 10/11/2018. (Ảnh: Paula Bronstein/Getty Images)
Việc giải quyết rủi ro đang gia tăng về cuộc khủng hoảng nợ có tính hệ thống tại các quốc gia đang phát triển là một trong những chủ đề chính tại cuộc họp trực tuyến mùa xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới trong tuần này.
Các nhà kinh tế tin rằng việc giải quyết các lỗ hổng nợ ở các quốc gia nghèo là rất quan trọng trong việc ngăn chặn sự phục hồi trái chiều trên khắp thế giới. Do đó, các quan chức IMF và Ngân hàng Thế giới đang kêu gọi mở rộng việc xóa nợ cho các quốc gia dễ bị tổn thương nhất, giúp các quốc gia này giải quyết các thách thức do đại dịch gây ra.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass khẳng định trong một cuộc họp báo vào ngày 7/4: “Các nước nghèo không có cách nào thoát khỏi gánh nặng nợ nần chồng chất này.”
Ông cho biết, các quốc gia này phải đối mặt với sự bất bình đẳng về khả năng tiếp cận các thị trường tín dụng và thâm hụt tài khóa ngày càng gia tăng của họ, vốn đang ngày càng trở thành vấn đề nghiêm trọng.
Ngoài ra, ông Malpass đề cập đến phương thức cho vay gây tranh cãi của Trung Quốc nhưng không nêu cụ thể. Ông nói rằng các hợp đồng nợ không rõ ràng và mối quan hệ bất cân xứng giữa chủ nợ và con nợ làm phức tạp thêm các nỗ lực xóa nợ.
Phát biểu tại hội thảo có tiêu đề “Ngăn chặn bẫy nợ do COVID-19”, Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cho biết nhiều quốc gia bước vào đại dịch với mức nợ tăng cao. Trong thời gian đại dịch hoành hành, sự đình trệ và sụp đổ của các hoạt động kinh tế đã khiến nợ công lên tới 100% nền kinh tế toàn cầu.
Theo bà Georgieva, “56% các quốc gia có mức thu nhập thấp có nguy cơ cao về nợ nần chồng chất hoặc tệ hơn là có thể đã lâm vào cảnh túng quẫn.”
Bà nhận thấy nhiều nước trong số những quốc gia mắc nợ cao này “rơi vào bẫy nợ” bởi vì “họ không thể tạo ra đủ tăng trưởng để giảm mức nợ và những mức nợ đã kìm hãm họ [không phát triển được].”
Bà nói thêm, nếu lãi suất trên toàn cầu tăng cao hơn, tình hình đối với các quốc gia này về gánh nặng nợ “sẽ vô cùng khó khăn”.
Kể từ khi đại dịch bắt đầu, cả Ngân hàng Thế giới và IMF đều thúc giục 20 nền kinh tế giàu có nhất thế giới (G-20), và cả Trung Quốc, cho phép các quốc gia nghèo nhất thế giới tạm ngừng thanh toán nợ đến hạn để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nợ.
Đồng thời, đã có những lời kêu gọi các chủ nợ khu vực tư nhân tham gia vào các nỗ lực xóa nợ này.
Ngày 7/4 bộ trưởng tài chính của các quốc gia G-20 đã đồng ý tăng dự trữ tại IMF thêm 650 tỷ đô la Mỹ và tiếp tục gia hạn cho các quốc gia đang phát triển tạm ngừng thanh toán các món nợ đến hạn để các quốc gia này có thể chuyển các khoản tiền cho việc mua vắc-xin và cho các biện pháp kích thích kinh tế. Việc tạm ngừng thanh toán nợ sẽ kéo dài đến cuối năm 2021.
Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất thế giới, chiếm gần 65% nợ song phương chính thức. Tuy nhiên, phương thức cho vay của Trung Quốc lại đang làm phức tạp thêm những nỗ lực cứu trợ tại các quốc gia đang kiệt quệ về tài chính.
Một nghiên mới do AidData, một phòng thí nghiệm nghiên cứu tại Đại học William và Mary chủ trì, cho thấy các hợp đồng cho vay của Trung Quốc với các quốc gia mới nổi “có các điều khoản bí mật bất thường, các yêu cầu về tài sản thế chấp, và các hạn chế đàm phán lại nợ”.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích các điều khoản pháp lý của 100 hợp đồng cho vay của Trung Quốc với 24 quốc gia đang phát triển, trong đó nhiều quốc gia đã tham gia vào sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.
AidData đã tiến hành một cuộc nghiên cứu chuyên sâu trong thời gian 36 tháng và phát hiện rằng các hợp đồng cho vay của Trung Quốc chứa các điều khoản bảo mật bất thường ngăn chặn các quốc gia đi vay tiết lộ các điều khoản của hợp đồng hoặc đôi khi thậm chí là cả sự tồn tại của các khoản vay.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện rằng các hợp đồng này chứa các điều khoản xếp các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc là các chủ nợ cấp cao phải được ưu tiên thanh toán các khoản cho vay trước. Các thỏa thuận về tài sản thế chấp không chính thức đã đặt các chủ nợ Trung Quốc lên hàng đầu trong danh sách trả nợ của các quốc gia đi vay.
Ngoài ra, các bên cho vay của Trung Quốc có quyền tự do hủy bỏ các khoản cho vay hoặc yêu cầu đẩy nhanh việc trả nợ nếu họ không đồng ý với các chính sách của bên vay.
Theo ông Malpass, các phương thức cho vay bất thường này khiến việc tái cơ cấu nợ ở các nước mới nổi rất khó khăn.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã dẫn dụ nhiều nước rơi vào bẫy nợ thông qua sáng kiến BRI – một trong những chương trình phát triển tham vọng và gây tranh cãi nhất thế giới. Kể từ khi ra mắt vào 2013, BRI đã rót hàng tỷ đô la vào các dự án cơ sở hạ tầng khắp châu Phi, châu Mỹ Latinh, Đông Âu, và châu Á.
Washington đã nhiều lần chỉ trích Bắc Kinh lợi dụng đại dịch để mở rộng thêm ảnh hưởng địa chính trị của mình thông qua các hoạt động cho vay săn mồi. Hầu hết các dự án BRI được tài trợ đều thông qua các tổ chức cho vay do nhà nước Trung Quốc kiểm soát với sự thiếu minh bạch, khiến các quốc gia đi vay bị kiệt quệ bởi gánh nặng nợ to lớn. Bắc Kinh cũng bị chỉ trích vì thực hiện “ngoại giao bẫy nợ” để nắm giữ quyền kiểm soát các tài sản chiến lược ở các nước mới nổi.
Trung Quốc là một bên ký vào sáng kiến đình chỉ trả nợ đã được các quốc gia G-20 đồng ý vào năm ngoái. Sáng kiến này cho phép các quốc gia nghèo nhất được đình chỉ trả nợ theo yêu cầu. Tuy nhiên, Trung Quốc kém hợp tác hơn so với các thành viên G-20 khác.
Các quan chức chính quyền Trump đã chỉ trích Bắc Kinh cố ý trì hoãn việc thực hiện sáng kiến đã ký bằng cách đưa ra các điều kiện về xóa nợ và tái cấu trúc nợ.
Các nhà kinh tế tin rằng các lỗ hổng nợ ở các nước nghèo sẽ là lực cản đối với sự phục hồi toàn cầu.
Theo dự báo mới nhất của IMF, tăng trưởng toàn cầu sẽ là 6% trong năm nay và 4,4% trong năm 2022. Mức tăng trưởng mạnh hơn trong báo cáo triển vọng kinh tế tháng 1 là do sự hỗ trợ tài chính bổ sung tại một số nước phát triển và việc triển khai tiêm vắc-xin thúc đẩy sự phục hồi kinh tế.
Tuy nhiên, IMF cảnh báo rằng các nền kinh tế mới nổi sẽ tụt hậu so với các quốc gia phát triển, điều này có thể làm trầm trọng thêm khoảng cách ngày càng tăng giữa các nước giàu và nghèo. Theo IMF, khả năng tiếp cận vắc-xin không đồng đều cũng sẽ là lực cản đối với việc phục hồi của các nước nghèo. Và điều này càng nhấn mạnh hơn nữa sự cấp bách của việc cung cấp xóa nợ cho các nước nghèo này.
Gia Huy (Theo The Epoch Times)
Xem thêm:
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…