Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa trò chuyện với nhau trong buổi họp báo tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng vào ngày 21 tháng 5 năm 2025 tại Washington, DC. (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)
Chính phủ Nam Phi đã đề nghị Hoa Kỳ gia hạn thời hạn áp thuế sắp tới, trong bối cảnh hai quốc gia vẫn đang tiếp tục được đàm phán thương mại. Quan hệ giữa Pretoria và Washington đã trở nên căng thẳng kể từ khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nhậm chức vào tháng Một.
Bộ Thương mại, Công nghiệp và Cạnh tranh Nam Phi (DTIC) đã công bố yêu cầu này vào ngày thứ Ba (1/7), trước thời hạn ngày 9 tháng 7 — thời điểm mức thuế 31% đối với hàng hóa xuất cảng của Nam Phi vào thị trường Hoa Kỳ sẽ chính thức có hiệu lực.
Mức thuế quan 31% là một phần trong chính sách “thuế quan đối ứng” toàn cầu do ông Trump công bố hồi đầu tháng Tư, nhằm đối phó với điều mà ông gọi là các quốc gia ngoại bang lợi dụng sự cởi mở của thị trường Hoa Kỳ và “bóc lột” người dân Hoa Kỳ. Việc thi hành mức thuế này đã được tạm hoãn 90 ngày để cho phép các quốc gia có thời gian thương thảo.
Trước đó, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã lên án các mức thuế trên là “thuế quan trừng phạt”. Ông cho rằng chúng “trở thành rào cản cho mậu dịch và sự thịnh vượng chung”.
Trong bản tuyên bố hôm thứ Ba (1/7), DTIC cho hay các viên chức của họ đã có buổi hội kiến với bà Connie Hamilton — Phó Đại diện Thương mại Hoa Kỳ phụ trách châu Phi — và một lần nữa kêu gọi gia hạn thời hạn 90 ngày, nhằm giúp Pretoria cùng các chính phủ Phi châu khác chuẩn bị những đề nghị phù hợp với khuôn khổ thương mại mới.
Theo bộ này, Tổng thống Ramaphosa đã lần đầu trình bày đề án thương mại mới tại cuộc hội kiến với Tổng thống Donald Trump ở Nhà Trắng vào tháng Năm. Trong chuyến viếng thăm này, ông Trump đã đối chất với ông Ramaphosa về cáo buộc “diệt chủng” nhằm vào các nông dân da trắng — một cáo buộc khiến ông Trump ra lệnh đình chỉ toàn bộ mọi khoản viện trợ liên bang dành cho Nam Phi và trục xuất đại sứ Nam Phi tại Washington với lý do chính trị gia này có lập trường “chống Mỹ”.
Pretoria kỳ vọng đạt được một thỏa thuận miễn thuế cho một số mặt hàng xuất cảng trọng yếu — như xe hơi, phụ tùng cơ khí, thép và nhôm. Đổi lại, quốc gia này đã đề nghị nhập cảng khí thiên nhiên hóa lỏng từ Hoa Kỳ, theo tuyên bố của DTIC.
“Nam Phi cũng đang vận động để trong tình huống xấu nhất mức thuế cao nhất được áp dụng chỉ là 10%”, DTIC cho biết thêm.
Bộ trưởng Thương mại Nam Phi Parks Tau đã kêu gọi các ngành công nghiệp trong nước “hãy thể hiện sự kiên nhẫn có chiến lược và tránh đưa ra những quyết định vội vàng”. Ông Tau cũng nói thêm rằng chính phủ sẽ “tận dụng mọi phương cách để tiếp xúc với chính quyền Hoa Kỳ nhằm tìm ra một giải pháp ôn hoà, bảo vệ quyền lợi của Nam Phi trên thị trường Mỹ”.
Pretoria hiện là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ Đạo luật Tăng trưởng và Cơ hội châu Phi (AGOA) — đạo luật này cấp cho các quốc gia đủ điều kiện ở châu Phi khu vực hạ Sahara quyền tiếp cận miễn thuế vào thị trường Hoa Kỳ. Sau Trung Quốc, Hoa Kỳ là đối tác thương mại song phương lớn thứ hai của Nam Phi. Ngành công nghiệp cam quýt — một trong những lĩnh vực xuất khẩu nông nghiệp chủ lực của quốc gia này — có thể mất đến 35.000 công ăn việc làm nếu các mức thuế quan được thực thi, theo cảnh báo từ các viên chức được Reuters dẫn lời.
Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho biết, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang…
Từ 1/7, Nghị định 181/2025/NĐ-CP quy định hóa đơn từ 5 triệu đồng trở lên…
Vào lúc 4h ngày 1/7, chị Hoàng Thị Thu T trình báo về việc xe…
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng uống cà phê đen có thể làm giảm…
Một người đàn ông ở Hoa Kỳ đã nhìn thấy một con gấu mẹ bơi…
Dự luật chi tiêu của Đảng Cộng hòa loại khoảng 1,4 triệu người nhập cư…