Gần đây, Geleximco và liên danh Trung Quốc liên tục xin đầu tư góp vốn vào hàng loạt các dự án nhiệt điện. Điều này khiến nhiều người đặt nghi vấn Geleximco được lợi ích lớn lao gì khi tha thiết xin đầu tư vào nhiệt điện?
Trong khi Chính quyền Bắc Kinh đặt mục tiêu từ đây đến năm 2040 sẽ thay thế dần đi đến chấm dứt hoạt động của các nhà máy nhiệt điện nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, việc đầu tư vào Việt Nam sẽ là một lợi ích lớn cho Trung Quốc khi vừa thanh lý các công nghệ máy móc cũ kỹ vốn không còn nhu cầu sử dụng, lại vừa có được đất đai tại các dự án tham gia đầu tư.
Cần biết rằng Trung Quốc là bậc thầy trong việc biến các đối tác thành “con nợ”, qua đó nắm lấy các hạng mục công trình chiến lược, vắt kiệt tài nguyên của quốc gia đối tác.
Sri Lanka, Nepal, Indonesia, Hy Lạp, Úc và hàng dài cái tên khác nữa đã buộc phải bàn giao lại các cảng biển chiến lược hoặc cho thuê đất dài hạn khi bị sập “bẫy nợ” của Trung Quốc. Không có tiền chi trả, các quốc gia này buộc phải nhượng lại các tài nguyên quan trọng.
Mới đây, Bắc Kinh đã ký được hợp đồng thuê cảng biển Hambantota của Sri Lanka trong 99 năm và mua dần các cảng biển chiến lược ở Piraeus (Hy Lạp), Darwin (Úc) và Djibouti (châu Phi).
Trước đó vào năm 2015, một công ty Trung Quốc đã ký được hợp đồng thuê 99 năm đối với cảng nước sâu Darwin của Úc với giá trị 388 triệu USD (506 đô la Úc).
Tương tự, sau khi cho quốc gia châu Phi Djibouti vay hàng tỷ đô đến mức ngập nợ, Trung Quốc đã thiết lập căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên của nước này trong năm 2017. Bị mắc kẹt trong khủng hoảng nợ, Djibouti không có lựa chọn nào khác ngoài việc cho Trung Quốc thuê đất dài hạn với mức giá 20 triệu USD/năm.
>> Sri Lanka – nạn nhân mới nhất của chiến lược ngoại giao ‘bẫy nợ’ của Trung Quốc
Trung Quốc cũng đã sử dụng “bẫy nợ” đối với Turkmenistan (một quốc gia tại Trung Á) để khai thác khí tự nhiên của nước này thông qua một đường ống dẫn khí mà phần lớn dẫn sang Bắc Kinh. Hay yêu cầu quốc gia Tajikistan chuyển nhượng hàng nghìn km2 lãnh thổ để đổi lại việc được xóa nợ.
Một nạn nhân khác trong chiến lược ngoại giao bằng bẫy nợ của Trung Quốc là Venezuela đã tuyên bố vỡ nợ kỹ thuật vào tháng 11/2017 do giá dầu mỏ sụt giảm, chính quyền Caracas không thể trả được các khoản nợ đến hạn mà trong đó phần lớn được vay từ Bắc Kinh.
Một số quốc gia khác như Argentina, Namibia hay Lào đều bị rơi vào “bẫy nợ” của Trung Quốc, buộc những nước này phải đối mặt với những quyết định ‘đau đớn’ để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ.
Khoản nợ nần của Kenya với Trung Quốc giờ đây cũng đang đe dọa biến cảng Mombasa tấp nập – cửa ngõ vào Đông Phi – thành một Hambantota khác.
Không giống như các khoản cho vay của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (World Bank), các khoản cho vay của Trung Quốc thường kèm theo các điều kiện về quyền tiếp cận thuận lợi tới tài nguyên thiên nhiên quốc gia vay nợ.
Giống như thuốc phiện người Anh từng xuất khẩu sang Trung Quốc, các khoản cho vay dễ dãi của Trung Quốc cũng là chất gây nghiện. Điều này cho phép Trung Quốc sử dụng đòn bẫy nợ để buộc nước đi vay phải hoán đổi nợ thành vốn chủ sở hữu, qua đó mở rộng dấu vết toàn cầu của Trung Quốc bằng cách nắm thóp một số lượng ngày càng tăng các quốc gia mang nặng nợ.
5 nhà máy nhiệt điện gần đây mà liên danh Geleximco – Công ty TNHH Hồng Kông United (HUI) xin đầu tư góp vốn đều có vị trí chiến lược tại các cửa ngõ phía Bắc Trung Bộ của Việt Nam. Nếu như Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 nằm cách Cảng nước sâu Nghi Sơn chỉ chừng 12 km với diện tích là 150 ha, thì Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1, 2 cũng rất gần Cảng Hòn La (Quảng Bình), trong khi Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng 3 nằm cận kề Cảng Hải Phòng chiến lược.
Rất có thể những khu đất rộng rãi của dự án bên cạnh các vị trí chiến lược mới là mục đích nhắm đến thật sự của phía đối tác Trung Quốc. Chính vì vậy mà Geleximco đã không tiếc lời “vỗ về” thay cho đối tác liên danh rằng họ không cần Chính phủ bảo lãnh cho các khoản vay từ Trung Quốc, hay sẽ rót tiền ngay lập tức nếu đề xuất đầu tư được Chính phủ thông qua.
>> Trung Quốc “bắt nạt” các công ty dầu khí trên Biển Đông như thế nào?
Với một liên danh không tiếc tiền và được sự yểm trợ đắc lực từ 4 Ngân hàng quốc doanh Trung Quốc do Ngân hàng Phát triển Nhà nước Trung Quốc đứng đầu, hiệu quả của dự án nhiệt điện không còn là vấn đề gì đó quá lớn và đáng quan tâm bằng việc Trung Quốc có thể tiếp cận được đất đai, các cảng biển cũng như đẩy được công nghệ lạc hậu và đưa người Trung Quốc sang làm việc tại các dự án.
Nếu các cảng biển nội địa cũng rơi vào tay Trung Quốc theo cái cách mà Sri Lanka, Hy Lạp hay nhiều nước ở trên mắc phải, cộng với các hoạt động xây lắp trái phép ngoài khơi thuộc vùng tranh chấp chủ quyền với Việt Nam đang được Bắc Kinh đẩy mạnh, khi đó, nguy cơ các tuyến hàng hải huyết mạch của quốc gia rơi vào tầm kiểm soát của Trung Quốc là điều không thể không dè chừng.
Geleximco, với vai trò là đối tác liên danh trong các thương vụ cũng có thể được xem như là người “đưa đường dẫn lối” cho công ty Trung Quốc để có được những lợi ích không hề nhỏ từ phía đối tác mà lại chẳng nhọc công tốn sức là bao.
Đây không phải là lần đầu tiên Geleximco đề xuất tham gia các dự án lớn của Việt Nam cùng đối tác Trung Quốc. Công ty này có một lịch sử giao hảo rất tốt với “người láng giềng”. Geleximco cho biết tập đoàn có mối quan hệ tốt với các quỹ đầu tư lớn như Tập đoàn Quản lý tài sản Hoa Dung Trung Quốc (Hoa Dung), Công ty TNHH CP Đầu tư Dân sinh (Trung Quốc), Tập đoàn Năng lượng mới KAIDI Dương Quang (KAIDI), Công ty TNHH Hồng Kông United Investors Holding (HUI), Tập đoàn đầu tư IDG Hồng Kông…
Một trong những dự án gây nhiều sự chú ý – Sân bay Long Thành – cũng được ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Geleximco liên tục hai lần kiến nghị lên Thủ tướng xin được tham gia đầu tư dự án với đối tác KAIDI Trung Quốc.
Trước đó vào tháng 10/2016, liên danh Geleximco – HUI (KAIDI là cổ đông chính) cũng đề nghị Bộ GTVT cho phép tham gia đầu tư vào nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn như: dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Thanh Hóa – Hà Tĩnh và TP.HCM đến Khánh Hòa; dự án đường bộ cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái và dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam.
Tháng 3/2017, Geleximco cùng Viện Thiết kế và Quy hoạch thành phố Hàng Châu (Trung Quốc) còn tham gia nghiên cứu và lập quy hoạch cho đô thị hai bên sông Hồng, dự án có tổng diện tích 1.500 ha đang chờ UBND TP. Hà Nội phê duyệt.
Có một thực tế rằng Geleximco không phải là doanh nghiệp Việt duy nhất đang hợp tác chặt chẽ với các công ty Trung Quốc, một Tập đoàn công nghệ có tiếng của Việt Nam cũng dựa vào việc đặt hàng lắp ráp đến 99,99% từ Trung Quốc rồi sau đó gắn nhãn là điện thoại thương hiệu Việt để bán ra thị trường, hay như trường hợp của Khaisilk nhập khăn lụa Trung Quốc và gắn mác Made in Vietnam lừa dối khách hàng trong hàng mấy chục năm qua…
Điều này phơi bày một thực tế là có một số không ít các doanh nghiệp Việt đang phụ thuộc hoàn toàn vào phía các đối tác Trung Quốc. Và chừng nào tư duy của thế hệ doanh nhân Việt còn chưa thay đổi, lấy ngắn nuôi dài, thấy món lợi nhỏ trước mắt khi làm ăn với công ty Trung Quốc mà quên ý đồ thâm sâu của bên đối tác, chừng đó nền kinh tế Việt Nam sẽ còn phụ thuộc nhiều vào nước bạn, trong quá trình đó, có một số đã vô tình “rước giặc vào nhà” một cách không tự biết?!
Tường Văn
Xem thêm:
Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…