Khi cỗ máy kéo tăng trưởng kinh tế (bất động sản) của Trung Quốc bị đình trệ, chính quyền đã khẩn trương chuyển sang hỗ trợ ngành sản xuất trong nỗ lực tìm kiếm sự thay thế để vực dậy vận mệnh kinh tế. Nhưng điều này đã gây ra tình trạng dư thừa năng lực sản xuất khiến thế giới phản ứng.
Vì nhu cầu trong nước kém, các công ty Trung Quốc đang tìm kiếm người mua ở nước ngoài do lượng hàng hóa dư thừa mà họ không thể bán được ở nội địa. Đối với các nền kinh tế đang phát triển, việc gia tăng bán phá giá các sản phẩm Trung Quốc là một trở ngại cho hy vọng phát triển nền kinh tế địa phương dựa trên việc thành lập các ngành sản xuất của riêng mình.
Theo Wall Street Journal, ngành công nghiệp hóa chất của Brazil đổ lỗi sản lượng thấp kỷ lục là do nhập khẩu từ Trung Quốc tăng. Năm ngoái, các nhà máy hóa chất nước này chỉ hoạt động với 64% công suất, mức thấp nhất kể từ khi Abiquim – hiệp hội công nghiệp hóa chất Brazil – bắt đầu theo dõi dữ liệu 17 năm trước. Giám đốc kinh tế Abiquim, bà Fátima Coviello Ferreira, cho biết cần phải áp dụng thuế quan tạm thời đối với hàng hóa Trung Quốc để tránh việc đóng cửa nhà máy ở Brazil và tình trạng thất nghiệp hàng loạt.
Mỹ và Liên minh châu Âu tuyên bố sẽ tăng rào cản thương mại đối với xe điện và thiết bị năng lượng tái tạo sản xuất tại Trung Quốc.
Châu Âu đã tiến hành một loạt cuộc điều tra thương mại đối với phương tiện sử dụng năng lượng mới của Trung Quốc. Theo đó, Nhà Trắng tuyên bố mở cuộc điều tra về rủi ro an ninh quốc gia của ô tô Trung Quốc. Tổng thống Joe Biden nói rằng Trung Quốc muốn “đóng vai trò chủ đạo đối với tương lai của thị trường ô tô, bao gồm cả thông qua các hành vi không công bằng”. Các chính sách của Bắc Kinh có thể cho phép ô tô “tràn ngập thị trường của chúng tôi và gây rủi ro cho an ninh quốc gia của chúng tôi. Tôi sẽ không để điều đó xảy ra trong nhiệm kỳ giám sát của mình”.
Các nền kinh tế mới nổi như Brazil, Ấn Độ, Mexico và Indonesia cũng đã gia nhập hàng ngũ tẩy chay hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc và nhắm vào thép, gốm sứ và hóa chất nhập khẩu từ Trung Quốc. Những sản phẩm này được cho là đang được bán phá giá vào thị trường các nước này với giá thấp.
Cụ thể, Ấn Độ đã mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với các mặt hàng do Trung Quốc sản xuất như các loại bu lông và ốc vít, gương kính không khung, bình giữ nhiệt chân không hoặc các loại hộp đựng bằng thép không gỉ khác, các bộ phận và linh kiện công nghiệp, v.v.
Các quan chức Indonesia đã mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với sợi fiber tổng hợp nhập khẩu từ Trung Quốc vào năm ngoái; Indonesia cũng quyết định tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với đồ gốm sứ Trung Quốc vào năm ngoái.
Bộ Kinh tế Argentina đã công bố thông cáo vào tháng Chín năm ngoái, theo đó đưa ra phán quyết cuối cùng về chống bán phá giá đối với máy sưởi có nguồn gốc từ Trung Quốc, đồng thời quyết định áp thuế chống bán phá giá 43,47% đối với các sản phẩm liên quan. Argentina cũng đang tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với thang máy do Trung Quốc sản xuất.
Anh đang tiến hành điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với máy xúc và xe đạp điện do Trung Quốc sản xuất. JCB, nhà sản xuất máy xúc, máy kéo và các máy móc xây dựng khác của Anh, cho biết nhu cầu về máy xúc ở Trung Quốc đang giảm dần trong bối cảnh bất động sản sụt giảm kéo dài, đã khiến các nhà sản xuất Trung Quốc phải giảm giá ở các thị trường nước ngoài có lợi nhuận cao. JCB cho biết họ buộc phải giảm giá đến mức thua lỗ từ việc bán máy xúc, hơn nữa thị phần của họ vẫn đang sụt giảm. Điều này đã thúc đẩy cuộc điều tra chống bán phá giá của Anh đối với các công ty Trung Quốc.
Cơn lũ xuất khẩu của Trung Quốc đã nhấn chìm các đối thủ cạnh tranh nước ngoài trong một số ngành. Nhà sản xuất thép lớn nhất Chile, Compañía de Aceros del Pacífico (CAP), cho biết vào tháng Ba họ sẽ ngừng hoạt động tại nhà máy thép Huachipato. Các giám đốc điều hành của công ty trước đây cho biết nhà máy thép không còn có thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu của Trung Quốc, vốn rẻ hơn 40% so với thép Chile.
Theo WSJ đưa tin, ông Hector Medina, lãnh đạo công đoàn tại nhà máy ở Talcahuano, cách thủ đô Santiago của Chile 300 dặm về phía nam, cho biết: “Các công ty Trung Quốc đang bán phá giá. Họ đang bóp méo thị trường”.
Một ủy ban chính phủ ở Chile đã khuyến nghị áp thuế 15% đối với thép nhập khẩu từ Trung Quốc. CAP kêu gọi Ủy ban đề xuất mức thuế 25%.
Theo số liệu thống kê của Global Trade Alert, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Thụy Sĩ hỗ trợ thương mại mở, kể từ đầu năm ngoái, các chính phủ trên thế giới đã công bố hơn 70 biện pháp liên quan đến nhập khẩu nhắm vào riêng Trung Quốc. Nếu tính tất cả các biện pháp can thiệp lấy ĐCSTQ làm mục tiêu, thì tổng số biện pháp can thiệp vào năm 2023 và 2024 là vượt quá 300. Những biện pháp này bao gồm điều tra chống bán phá giá, thuế nhập khẩu và hạn ngạch.
Những trở lực ngày càng tăng này cho thấy một cú sốc Trung Quốc mới đang làm trầm trọng thêm căng thẳng trong hệ thống thương mại toàn cầu. Các nước phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, đang tìm cách giảm bớt rủi ro từ Trung Quốc, tức là giảm sự phụ thuộc vào các sản phẩm của Trung Quốc.
Xu hướng mở rộng hàng hóa giá rẻ ra nước ngoài của Trung Quốc gợi lại “cú sốc Trung Quốc” mà Mỹ và nền kinh tế toàn cầu đã trải qua vào cuối những năm 1990 và đầu thế kỷ 21. Vào thời điểm đó, làn sóng hàng hóa giá rẻ sản xuất tại Trung Quốc tràn vào đã dẫn đến mất việc làm trong ngành sản xuất tại địa phương. Ông David Autor (Khoa Kinh tế MIT, đồng giám đốc Chương trình Nghiên cứu Lao động NBER và Sáng kiến Định hình Tương lai Công việc của MIT) và các nhà kinh tế khác ước tính rằng hơn 2 triệu việc làm ở Mỹ đã bị mất từ năm 1999 đến năm 2011 do hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, người đang thăm Trung Quốc, đã cảnh báo ĐCSTQ tại Quảng Châu hôm thứ Sáu tuần trước rằng việc bán phá giá hàng hóa giá rẻ sẽ không có tác dụng.
Bà Yellen nói: “Trung Quốc quá lớn để có thể tăng trưởng nhanh chóng thông qua xuất khẩu”. Tại Quảng Châu, bà nhiều lần cảnh báo Bắc Kinh không tung ra hàng hóa giá rẻ để thúc đẩy nền kinh tế.
Bà nói: “Nếu chính sách của (Đảng Cộng sản Trung Quốc) chỉ tập trung vào việc tạo ra nguồn cung hơn là tạo ra nhu cầu thì sẽ tạo ra hiệu ứng lan ra toàn cầu”.
Bà cũng cho biết ngày càng có nhiều lo ngại về tác động của tình trạng dư thừa năng lực sản xuất của Trung Quốc đối với nền kinh tế toàn cầu, khiến vấn đề này trở thành trọng tâm chính của cuộc họp kinh tế kéo dài 4 ngày với các quan chức Trung Quốc.
Bà nói: “Dư thừa công năng lực sản xuất không phải là một vấn đề mới, nhưng nó ngày càng trầm trọng hơn và chúng ta đang thấy những rủi ro mới xuất hiện ở các lĩnh vực mới”.
Bà Yellen và các quan chức khác trong chính quyền Biden ngày càng lo ngại về tình trạng dư thừa năng lực sản xuất của xe điện, tấm pin mặt trời, chất bán dẫn và các hàng hóa khác của Trung Quốc tràn ngập thị trường toàn cầu. Bà nói điều này không tốt cho Trung Quốc và gây tổn hại cho các nhà sản xuất ở các nước khác.
Một bài báo trước đó của Bloomberg cho rằng việc Chính phủ ĐCSTQ chuyển sang các giải pháp hỗ trợ sản xuất có thể gây ra một cuộc chiến thương mại mới.
Một báo cáo trên Business Insider cho biết, ông Neil Shearing, nhà kinh tế trưởng tại Capital Economics, tin rằng dù cựu Tổng thống Trump hay Tổng thống đương nhiệm Biden thắng cử trong cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11, các chính sách kinh tế hiện tại của ĐCSTQ có thể gây ra một cuộc chiến thương mại.
Trung Quốc đã phản ứng lại đối với những phản ứng dữ dội trên toàn cầu bằng cách tố cáo chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng.
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…