Theo Tổng cục Thống kê, từ năm 1998 đến 2016, Việt Nam có gần 24.005 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 341 tỷ USD, tổng số vốn thực hiện gần 154,5 tỷ USD (45,3%).
Kể từ khi Luật Đầu tư Nước ngoài được ban hành năm 1987, khu vực kinh tế FDI giữ vai trò là một trong những động lực quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam. Theo thống kê:
Năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là 175,9 tỷ USD, trong đó, các doanh nghiệp trong nước chỉ xuất khẩu 50,04 tỷ USD – chiếm tỷ trọng 28,4%; các doanh nghiệp FDI xuất khẩu 123,55 tỷ USD (không kể dầu thô) – chiếm tỷ trọng 70,22%.
Trong 30 năm thu hút FDI, các tập đoàn lớn: Honda, Intel, Samsung, Yamaha, Panasonic, LG, Canon, Formosa,… từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ… đóng góp lớn cho nền kinh tế Việt Nam nhưng cũng cho thấy mức độ phụ thuộc của nền kinh tế.
Năm 2016, khi Samsung phải thu hồi sản phẩm Galaxy Note 7 (vì nguy cơ cháy nổ) khiến giá trị xuất khẩu tháng 9/2016 của Việt Nam tụt giảm. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 9/2016 của Việt Nam mang lại giá trị hơn 29,9 tỷ USD (giảm 5,2% so với tháng 8/2016 – tương ứng giảm 1,65 tỷ USD); trong đó giá trị xuất khẩu: 15,42 tỷ USD (giảm 4,2% – tương ứng giảm 677 triệu USD so với tháng 8/2016).
FDI không chỉ mang lại nguồn vốn cho đầu tư phát triển kinh tế mà còn mang đến cho nước chủ nhà nhiều lợi ích về chuyển giao công nghệ, các kỹ năng quản lý và tổ chức doanh nghiệp, khả năng tiếp cận với thị trường nước ngoài, tăng cường năng lực sản xuất của khu vực kinh tế trong nước thông qua kết nối chuỗi doanh nghiệp cung ứng, phụ trợ, tạo thêm nhiều việc làm với mức thu nhập cao hơn,…
Kể từ khi bắt đầu thực hiện thu hút FDI, một trong những kỳ vọng hàng đầu của Việt Nam đối với khu vực kinh tế này là mức độ chuyển giao công nghệ và sức lan tỏa đối với khu vực trong nước.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mục tiêu thu hút công nghệ (công nghệ cao và công nghệ nguồn) cũng như chuyển giao công nghệ chưa đạt được như kỳ vọng. Theo thống kê, có khoảng 80% dự án FDI vào Việt Nam sử dụng công nghệ trung bình của thế giới, 14% ở mức thấp và lạc hậu, chỉ 5 – 6% sử dụng công nghệ cao (trong khi mục tiêu là 35-40%).
Trong giai đoạn 2006-2015, trong số gần 14.000 dự án FDI, mới có khoảng 600 hợp đồng chuyển giao công nghệ (chiếm tỷ lệ hơn 4%).
Theo Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, mặc dù thứ hạng của Việt Nam được cải thiện tương đối từ vị trí 64/122 quốc gia năm 2006-2007 lên vị trí 55/137 quốc gia năm 2017-2018, tuy nhiên, chỉ số về chuyển giao công nghệ và FDI của Việt Nam đã tụt sâu chỉ trong vòng 4 năm – từ vị trí 31 năm 2010-2011 xuống vị trí 103 năm 2013-2014 và nâng dần lên vị trí 89/137 quốc gia năm 2017-2018.
Trong khi đó, chỉ số về chuyển giao công nghệ và FDI của các quốc gia trong khu vực có xu hướng tăng dần, năm 2017-2018, Indonesia giữ vị trí 44/137; Thái Lan: 40, Campuchia: 54, Philippines: 63, Lào: 88.
Cùng với đó, kỳ vọng về hiệu ứng lan tỏa của FDI trong nền kinh tế cũng không đạt được như kỳ vọng khi Việt Nam không có chính sách phát triển và xây dựng hệ thống doanh nghiệp hỗ trợ, cung ứng hiệu quả.
Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017-2018 cho thấy mức độ về cập nhật công nghệ mới nhất của Việt Nam chỉ xếp hạng 112/137 quốc gia; Chỉ số về số lượng các nhà cung ứng địa phương xếp thứ 105; Chỉ số về chất lượng của các nhà cung ứng địa phương xếp thứ 116; Chỉ số tham gia vào chuỗi giá trị: 106; Chất lượng của các viện nghiên cứu khoa học: xếp thứ 90.
Theo Báo cáo Đầu tư Thế giới năm 2017 của Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hiệp quốc (UNCTAD), đóng góp của các công ty đa quốc gia về công nghệ thông tin trong chuỗi sản xuất quốc tế tăng lên nhanh chóng. Từ năm 2010 đến năm 2015, số lượng các công ty công nghệ trong bảng xếp hạng Top 100 công ty đa quốc gia của UNCTAD đã tăng hơn gấp đôi. Tài sản của các công ty này tăng tới 65%, thu nhập và lực lượng lao động tăng khoảng 30% trong vòng 5 năm.
Việt Nam đã đón nhiều Tập đoàn đa quốc gia công nghệ, kỹ thuật số hàng đầu thế giới như: Intel, Samsung, Yamaha, Panasonic, LG, Canon,… tuy nhiên, công đoạn sản xuất tại Việt Nam chỉ là công đoạn cuối (tức là chỉ lắp ráp, không đòi hỏi lao động chất lượng cao và công nghệ tiên tiến). Do đó, sự tham gia của Việt Nam vào chuỗi giá trị điện tử toàn cầu vẫn ở mức thấp.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy định về môi trường của Việt Nam áp dụng chuẩn của các nước phát triển, song việc thẩm định chỉ mang tính hình thức, tập trung nhiều vào khâu tiền kiểm, dẫn đến nhiều dự án khi thực hiện đã vi phạm nghiêm trọng quy định về môi trường.
Tháng 4/2016, thảm họa ô nhiễm môi trường biển miền Trung bắt nguồn từ Formosa Hà Tĩnh (Khu công nghiệp Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh) đã gây ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế – xã hội Việt Nam, đặt biệt là đối với người dân tại bốn tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế.
Sự cố đã làm gần 200 tấn cá chết được ghi nhận dọc theo 200 km bờ biển miền Trung; tổng cộng 263.000 lao động bị ảnh hưởng (trong đó 100.000 lao động bị ảnh hưởng trực tiếp); tàu thuyền nằm bờ suốt 8 tháng; GDP cả nước tăng dưới 6% sau 9 tháng. Lãnh đạo Formosa Hà Tĩnh đã xin lỗi và bồi thường 500 triệu USD.
Tuy nhiên, những mất mát về văn hóa, xã hội, môi trường khó có thể định giá bởi theo các chuyên gia, biển cần đến hàng trăm năm mới có thể phục hồi hoàn toàn, cuộc sống của ngư dân bốn tỉnh bị khốn đốn khi hàng ngàn người trong độ tuổi lao động phải tìm việc làm thay thế hoặc buộc phải di cư để mưu sinh,…
Năm 2008, Công ty Vedan Việt Nam bị phát hiện hành vi xả nước thải không qua xử lý ra sông Thị Vải (Đồng Nai). Theo kết luận của Viện Môi trường và Tài nguyên, Vedan đóng góp 89% ô nhiễm ở phạm vi ô nhiễm nặng trên khoảng 10 km dòng chính sông Thị Vải, các loại nước thải đều vượt từ 10 lần tiêu chuẩn cho phép đối với nhà máy sản xuất tinh bột biến tính, bột ngọt và lysine,… làm gần 2.700 ha nuôi trồng thủy sản bị ô nhiễm.
Cuối năm 2008, Bộ TN&MT đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với Vedan tổng số tiền phạt 267,5 triệu đồng và phí bảo vệ môi trường hơn 127 tỷ đồng.
Công ty Tung Kuang (tại Hải Dương) xả thải ra sông Ghẽ, Mei Sheng Textiles Việt Nam xả thải sản phẩm nhuộm trực tiếp vào hồ Đá Đen – nguồn cấp nước sinh hoạt cho khoảng 1 triệu người dân trong tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Dệt nhuộm Pangrim Neotex (Phú Thọ), Huynhdai – Vinashin xả thải ra vịnh Vân Phong… – những vụ vi phạm về môi trường nghiêm trọng không chỉ cho thấy thái độ, sự quan tâm của nhà đầu tư trong vấn đề xử lý xả thải mà còn cho thấy vai trò và năng lực yếu kém của nước chủ nhà Việt Nam trong việc quy định và giám sát các tiêu chuẩn về môi trường.
Theo báo cáo Năng lực Cạnh tranh Đầu tư toàn cầu 2017-2018 của Ngân hàng Thế giới, các lợi thế về mức thuế hay giá nhân công thấp không còn là mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư. Thay vào đó, tình hình an ninh, chính trị ổn định và hệ thống luật pháp, cơ chế bền vững là các yếu tố then chốt ảnh hưởng đến quyết định của các nhà đầu tư khi tiếp cận với các quốc gia đang phát triển.
Tiếp đó, hiệu quả của các chính sách và hành động của Chính phủ của quốc gia nhận đầu tư đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo khu vực kinh tế FDI có thể tạo thêm nhiều việc làm và nâng cao năng lực cạnh tranh về kinh tế của nước chủ nhà.
Theo Chỉ số Tự do kinh tế (Index of Economic Freedom) được công bố thường niên bởi Tạp chí The Wall Street Journal và Quỹ Di sản (The Heritage Foundation), từ năm 1995 đến 2017, Việt Nam phần lớn được xếp hạng thuộc nhóm các nước có nền kinh tế bị kiềm chế (dưới 49,9 điểm). Mặc dù từ năm 2006, mức độ tự do kinh tế của Việt Nam đã được cải thiện nhưng vẫn nằm trong nhóm nước Hầu như không có tự do kinh tế, xếp hạng dưới Lào và Campuchia trong khu vực Đông Nam Á.
Chỉ số thuận lợi kinh doanh (Ease of Doing Business Index – EBDI) công bố bởi Ngân hàng Thế giới cho thấy mức độ thuận lợi trong môi trường kinh doanh của các quốc gia. Năm 2017, Việt Nam xếp hạng khá hơn so với một số nước trong khu vực Đông Nam Á nhưng vẫn thuộc nhóm có môi trường kinh doanh thuận lợi trung bình: xếp hạng 90/189 nước năm 2016 và cải thiện 8 bậc – xếp hạng 82/190 nước năm 2017.
Theo Ngân hàng Thế giới, việc thiếu minh bạch và khả năng giải quyết các lĩnh vực thuộc khu vực công; việc thay đổi đột ngột các quy định luật pháp hiện hành, các cơ chế, quy định gây ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp; việc chậm trễ trong quy trình cấp giấy phép,… là những rủi ro về chính trị phổ biến nhất đối với các nhà đầu tư và là những yếu tố hàng đầu cản trở hấp dẫn nguồn FDI.
Tại Việt Nam, tham nhũng là một trong những rào cản lớn trong thu hút FDI. Theo Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng (CPI) được công bố bởi Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Việt Nam luôn nằm trong Top 60 quốc gia có mức độ tham nhũng lớn nhất. Năm 2017, thứ hạng đánh giá mức độ tham nhũng của Việt Nam tụt 22 bậc so với năm 2016, đứng thứ 133/176 nước.
Trong môi trường nền kinh tế nhức nhối với tình trạng tham nhũng, Chính phủ Việt Nam cũng đang phải đối diện với bài toán đảm bảo cho đầu tư, trả nợ và tích lũy.
Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam đứng Top 3 trong khu vực về thu ngân sách/GDP (20%), chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc. Ngân hàng Thế giới cho hay tỷ lệ huy động thuế, phí của Việt Nam hiện nay ở mức bình quân khoảng 20%, cao hơn so với Thái Lan 16,1%; Philippines 13,5%; Indonesia 12,4% và Malaysia 14,3%.
Trong hội nghị tổng kết ngành tài chính được tổ chức ngày 6/1/2017, nhấn mạnh tới tỷ lệ nợ công tăng nhanh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc tới cảnh báo của các chuyên gia: “nếu không chấm dứt tình trạng này, sự sụp đổ nền tài khóa quốc gia không thể tránh khỏi”.
Thống kê trong 5 năm qua, cứ mỗi năm, nợ công của Việt Nam lại phình to thêm 300.000 tỷ đồng. Năm 2017, nợ công của Việt Nam có thể lên đến 3,1 triệu tỷ đồng (136,5 tỷ USD) (bằng 62,6% GDP) và dự kiến có thể ở mức 63,9% GDP vào cuối năm 2018. Bình quân mỗi người Việt đang “gánh” 33 triệu đồng tiền nợ công.
Dự kiến trong năm 2017, hơn 260.000 tỷ đồng (gần 12 tỷ USD) được dùng để chi trả nợ trong và ngoài nước. Tính bình quân, mỗi ngày ngân sách chi 770 tỷ đồng trả nợ cả gốc lẫn lãi.
Những năm 2011-2015, tỷ lệ thâm hụt ngân sách ở Việt Nam luôn ở mức rất cao – trên dưới 5,5% GDP và có xu hướng không ổn định. Theo kinh nghiệm quốc tế, trong điều kiện bình thường, thâm hụt ngân sách ở mức 3% GDP được coi là đáng lo ngại, mức 5,5% GDP là báo động.
Năm 2017, ước bội chi cả năm là 174.300 tỷ đồng (bằng 3,42% GDP kế hoạch và ước bằng 3,5%GDP thực hiện). Theo Bộ Tài chính, đây là lần đầu tiên trong 10 năm qua ngân sách không lạm chi, nằm trong ngưỡng Quốc hội cho phép.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến bội chi NSNN giảm mạnh so với các năm trước là do theo cách tính của Luật Ngân sách Nhà nước mới có hiệu lực từ năm tài khóa 2017: không tính chi trả nợ gốc vào bội chi NSNN.
Thực tế, theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), chi đầu tư công chỉ chiếm tỷ trọng tương đối khiêm tốn so với chi thường xuyên và trả lãi, nợ gốc trong tổng chi NSNN; trong khi đó nền kinh tế có xu hướng phụ thuộc ngày càng nhiều vào khu vực FDI. Điều này cho thấy Việt Nam có ít khả năng cải thiện năng suất toàn xã hội trong trung hạn và đa phần thành quả kinh tế phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Nhật Linh
Xem thêm:
Xinh đẹp là một loại phúc báo, nhưng nhan sắc là yếu tố bên ngoài…
Nhà Hậu Trần giằng co cản bước quân Minh nam tiến sau khi Trương Phụ…
Ba vị đồ đệ trong Tây Du Ký có pháp danh lần lượt là Tôn…
Các sợi lông lỏng lẻo trên bề mặt vải có thể dễ dàng được loại…
Tổng thống đắc cử Donald Trump trong quá trình tranh cử đã nhiều lần chỉ…
Ông Matt Gaetz hôm thứ Năm (21/11) đã tuyên bố rằng ông sẽ rút lui…