Manulife muốn khách hàng giữ bí mật khi nhận lại tiền, người đồng ý người thì không

Sau nhiều tháng khiếu nại, theo đuổi đến cùng sự việc “Từ tiết kiệm SCB biến thành bảo hiểm Manulife”, đến nay phía Công ty Bảo hiểm Manulife đã đưa ra thông điệp sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền đối với các khách hàng thực sự bị lừa đảo. Đi kèm với đó, công ty này yêu cầu người nhận tiền phải giữ bí mật, người nhanh chóng muốn nhận tiền thì đồng ý, một số thì không đồng tình với cách “bịt miệng” hành vi sai trái như trên của Manulife.

Người dân bức xúc căng băng rôn ở trụ sở Công ty Manulife, tố bị lừa đảo. (Ảnh: Dẫn qua Lê Thu Hường/Facebook)

Theo ghi nhận của truyền thông trong nước, sáng ngày 5/5, rất nhiều khách hàng đã được Công ty Bảo hiểm Manulife cho làm thủ tục hủy hợp đồng và hứa sẽ trả lại 100% tiền đã đóng, nhưng phải ký cam kết giữ bí mật tuyệt đối.

“Sau khi thỏa thuận để tìm giải pháp phù hợp, hai bên mong muốn giải quyết khiếu nại và tranh chấp trên cơ sở không thừa nhận trách nhiệm pháp lý của Manulife Việt Nam”, nội dung trong giấy “thỏa thuận giải quyết khiếu nại” được phía doanh nghiệp in sẵn để khách hàng đọc và ký tên, báo Tuổi Trẻ đưa tin.

Bên cạnh đó, nội dung thỏa thuận còn yêu cầu bên mua bảo hiểm sẽ chấm dứt ngay mọi khiếu nại, khiếu kiện, yêu cầu thanh toán và/hoặc bất kỳ hành động nào chống lại công ty bảo hiểm này và các cấp quản lý, nhân viên của công ty.

Đáng chú ý, khách hàng còn phải cam kết giữ bí mật tuyệt đối về nội dung, điều khoản của “thỏa thuận giải quyết khiếu nại”. Đồng thời không được tiết lộ công khai bất kỳ nội dung nào về thỏa thuận trên cho bên thứ ba (ngoại trừ cho cố vấn pháp lý của bên mua bảo hiểm, hoặc theo yêu cầu của tòa án có thẩm quyền).

“Quá mệt mỏi. Mình khiếu nại bị lừa, giờ được hứa trả tiền nhưng phải im miệng, cứ như trộm tiền của ai. Đây là bài học lớn”, một khách hàng cho biết, cũng theo Tuổi Trẻ.

Phản ánh gia đình đã bị chuyển hơn 320 triệu đồng tiền gửi tiết kiệm vào bảo hiểm nhân thọ Manulife, chị M. cho biết đã nắm được rất nhiều bằng chứng thể hiện phía bán bảo hiểm đã sai sót như: lời thừa nhận của nhân viên tư vấn, hợp đồng do tổng giám đốc từ nhiệm ký tên, bất thường.

“Đã không được bồi thường, không được nhận lãi, còn bắt ký “giấy im lặng”, gia đình tôi không đồng ý cách giải quyết này, đang cân nhắc sẽ đi tới cùng”, chị M. chia sẻ.

Hãng bảo hiểm này giải thích rằng họ đưa ra “những hành động đặc biệt chưa từng có” thời điểm này xuất phát từ sự cảm thông với khách hàng SCB sau khủng hoảng tại ngân hàng xảy ra vào tháng 10 năm ngoái. “Đây là một quyết định không hề dễ dàng, vì thế công ty đã cần nhiều thời gian để cân nhắc”, Manulife nói, báo Vnexpress đưa tin.

Hiện công ty này không công khai con số khách hàng khiếu nại về sản phẩm “Tâm an đầu tư” (bán qua ngân hàng SCB). Các tiêu chí để quyết định hoàn tiền cho người mua bảo hiểm cũng chưa được công bố chi tiết.

Theo Manulife, kết quả giải quyết khiếu nại được xác định dựa trên đánh giá các yếu tố. Ngoài tính đầy đủ, hợp pháp của hồ sơ hợp đồng bảo hiểm, hãng này sẽ cân nhắc nhiều yếu tố khác như kết quả phỏng vấn, đối chất với các tư vấn viên và nhân viên ngân hàng liên quan, các thông tin do khách hàng cung cấp trong đơn khiếu nại, bằng chứng hoặc các yếu tố liên quan để có giải pháp cho từng khách hàng.

Trước đó, nhiều khách hàng khiếu nại với hãng bảo hiểm rằng họ bị nhân viên SCB lừa từ “gửi tiết kiệm” thành mua “bảo hiểm nhân thọ”. Sau nhiều lần làm việc với hãng không thành, những ngày cuối tháng 4, ít nhất một trăm người đã gửi đơn tập thể lên Công an TP.HCM, tố cáo Manulife Việt Nam và ngân hàng SCB.

Công an TP.HCM chưa đưa ra quan điểm về các tố giác này, song cho biết sẽ làm rõ những bất thường nếu có trong giao dịch.

Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán (thành viên Hội Luật gia Việt Nam) nhận định: Ban đầu hợp đồng bảo hiểm là một thỏa thuận dân sự, tuân theo Luật Kinh doanh bảo hiểm và các luật chuyên ngành.

Tuy vậy, nếu trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm, có xuất hiện các hành vi vi phạm pháp luật hình sự liên quan đến lừa dối, chiếm đoạt tài sản, và khách hàng có bằng chứng chứng minh đã bị lừa dối, thì khách hàng có quyền và trách nhiệm phải tố cáo đến cơ quan chức năng.

“Nói một cách dễ hiểu, nếu một người bị cướp tiền, sau đó kẻ cướp cảm thấy áy náy và trả lại tiền, thì việc trả lại tiền chỉ là hành vi nhằm khắc phục thiệt hại, chứ không phải làm hành vi phạm tội kia mất đi”, ông Đán nói.

Như vậy, khách hàng có quyền nhận lại tiền, đồng thời vẫn có quyền tố giác tới công an, khởi kiện ra tòa để được bồi thường tương xứng.

Việc ký vào “giấy im lặng” chỉ là thỏa thuận dân sự. Nếu cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu thì phải cung cấp, lên tiếng. Bên cạnh đó, cũng giống như cuộc giao dịch giữa hai người, người giao tiền nói người nhận phải giấu, giữ bí mật, nhưng nếu người nhận thấy mình bị lừa dối thì vẫn có thể báo công an.

Đức Minh

Đức Minh

Published by
Đức Minh

Recent Posts

Một ứng viên xin rút công nhận chức danh phó giáo sư năm 2024

HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…

39 phút ago

Ông Vương Đình Huệ bị kỷ luật cảnh cáo

Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…

2 giờ ago

Ông Musk và ông Ramaswamy viết bài xã luận trên WSJ vạch ra tầm nhìn về DOGE

Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…

2 giờ ago

Kiev: Nga dùng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tấn công Ukraine

Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…

3 giờ ago

Việt Nam và Malaysia nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện

Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…

4 giờ ago

TP.HCM đề xuất xóa nợ quá hạn, khó thu hồi cho người nghèo

UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…

5 giờ ago