Nhiều người phải làm việc tại nhà trong đại dịch COVID-19 khiến sức tiêu thụ cà phê hoà tan tăng vọt tại Nhật Bản, trong khi mức tiêu thụ các loại thức uống đắt tiền khác sụt giảm. Theo Nikkei, điều này đã làm tăng nhu cầu đối với cà phê hạt robusta, loại được sử dụng chủ yếu để làm cà phê hoà tan. Xu hướng trên khiến Việt Nam trở thành nhà cung cấp cà phê hạt hàng đầu cho Nhật khi là nhà sản xuất robusta lớn nhất thế giới, còn Brazil rơi xuống hàng thứ hai.
Giá cà phê robusta ở London đã cao vọt tới gần 18 tháng, trong khi giá của Arabica hầu như đi xuống. Giá kỳ hạn giao trong tháng Chín của robusta ở London đang giao dịch quanh mức 1.480 đôla mỗi tấn thô, tăng 9% kể từ đầu năm sau khi chạm tới mức 1.554 đôla vào đầu tháng Chín. Tại New York, giá giao dịch kỳ hạn Arabica bán lại ở quanh mức 1,20 đôla mỗi cân Anh, giảm 5% so với cùng kỳ.
Đại dịch đã thay đổi cơ bản việc tiêu thụ cà phê sử dụng tại nhà. Giá của cả hai loại cà phê đều tăng vào đầu mùa hè khi sự lây lan virus corona chủng mới chậm lại, sau đó chúng đã phân hoá.
Hồi đầu tháng Tư khi Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, các cửa hàng cà phê, quán ăn trên khắp đất nước bị đóng cửa. Chuỗi cà phê Starbuck gồm 1.100 cửa hàng trên toàn quốc cũng ngừng kinh doanh. Việc đóng cửa này là một đòn nặng đánh vào nhu cầu đối với cà phê hạt Arabica.
Giữa hai loại cafe, Arabica được nhiều người đánh giá là vượt trội hơn vì hương, vị và chất lượng tổng thể. Nó được sử dụng trong hầu hết các quán cà phê và nhà hàng.
Masaomi Arakawa, người đứng đầu bộ phận kinh doanh cà phê tại S.Ishimitsu&Co., một cơ sở phân phối ở Kobe cho biết “Ngay cả sau khi tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ, lượng khách hàng [tại các quán café và nhà hàng] chưa hoàn toàn trở lại như trước, khiến nhu cầu đối với arabica vẫn tiếp tục giảm.”
Trái lại, nhu cầu đối với robusta, một loại rẻ hơn, có vị đắng hơn được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm cà phê hoà tan lại tăng mạnh khi lệnh phong toả do COVID-19 buộc mọi người ở nhà. Theo Ajinomoto AGF – một doanh nghiệp chế biến thực phẩm, nhu cầu đối với cà phê hoà tan đã tăng vọt. Công ty cho biết việc bán các sản phẩm cà phê hoà tan của quý từ tháng Tư tới tháng Sáu tăng khoảng 10% so với một năm trước.
Những thay đổi trong phong cách tiêu dùng cũng ảnh hưởng đến việc nhập khẩu cà phê hạt chưa rang xay của Nhật Bản. Theo số liệu thương mại, Việt Nam là nhà cung cấp hàng đầu cà phê hạt chưa rang xay trong 7 tháng đầu năm cho Nhật Bản với tổng số khoảng 68,392 tấn cà phê hạt chưa rang xay được nhập khẩu, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, nhập khẩu từ Brazil chủ yếu là cà phê hạt arabica, giảm 40% cùng giai đoạn này xuống 63.850 tấn. Như vậy, đây là lần đầu tiên nhập khẩu cà phê từ Việt Nam vượt Brazil – đất nước từ lâu vốn là nhà cung cấp số 1.
Cà phê hạt robusta ít bị phá hoại bởi sâu bệnh và dịch bệnh hơn loại arabica. Ngoài khả năng chống chịu cao hơn cây arabica, cây robusta có thể được trồng tại những vùng đất thấp hơn. Các yếu tố này đã đẩy thị phần sản xuất robusta toàn cầu tăng lên trong những năm gần đây. Bốn thập kỷ trước, thị phần của sản phẩm robusta toàn cầu đã tăng gấp đôi từ 20% lên 40%, trong khi Arabica giảm từ 80% xuống 60%, theo Wataru và Co.’sOzawa.
Tuy vậy, nhiều nhà quan sát thị trường dự báo rằng chẳng bao lâu nữa giá của robusta có thể tuột dốc bởi sản lượng dư thừa.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng cà phê thế giới vụ mùa 2020-2021 dự báo tăng 5,5% so với năm trước lên tới 176.085 triệu túi (một túi là 60kg). Trái lại, sức tiêu thụ dự tính tổng số 166.284 triệu túi, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Nếu dự báo là chính xác, sản lượng sẽ vượt mức tiêu thụ năm thứ ba liên tiếp.
Ngân Hà (theo Nikkei)
Xem thêm:
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…