Mỹ và Trung Quốc bùng nổ cuộc chiến thuế quan, ngày 9/4/2025, ảnh chụp video cho thấy nhà máy ngoại thương Trung Quốc ngừng hoạt động sản xuất, hàng hóa không kịp xuất kho chất đống, tâm lý hoảng loạn đang lan sang cả các nhà máy sản xuất cho thị trường nội địa. (Ảnh cắt từ video)
Cuộc chiến thuế quan Mỹ – Trung vào tháng Tư diễn ra vô cùng căng thẳng, gây thiệt hại nặng nề cho các doanh nghiệp ngoại thương Trung Quốc. Ngày 12/5, Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận sơ bộ, “tạm ngừng áp thuế trong 90 ngày”, khiến giới kinh doanh ngoại thương ở Trung Quốc Đại Lục vui mừng. Một số nhà máy đã triệu tập lại công nhân trước đó cho nghỉ, tận dụng gấp rút 90 ngày này để đẩy nhanh sản xuất.
Ngày 12/5, hai bên Mỹ – Trung công bố tuyên bố chung, đồng ý giảm mạnh mức thuế quan áp lên nhau. Mỹ sẽ tạm thời giảm thuế suất áp lên hàng hóa Trung Quốc từ 145% xuống 30%, Trung Quốc cũng sẽ giảm thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ từ 125% xuống còn 10%. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Bessent cho biết trong cuộc họp báo rằng hai bên đã đạt được đồng thuận về “việc tạm ngừng áp thuế trong 90 ngày”.
Chỉ một giờ sau khi kết quả đàm phán thương mại được công bố, nhiều người làm trong ngành ngoại thương Trung Quốc đã reo hò trong các nhóm trò chuyện: “Sáng còn đang kiểm tra khả năng chịu đựng, chiều đã đảo ngược tình thế.” Hơn một tháng qua, không ít nhà máy ngoại thương Trung Quốc đã cho công nhân nghỉ sớm và bước vào trạng thái chờ đợi, nay cuối cùng cũng thấy tia hy vọng.
Theo báo cáo của trang Hu Xiu, tại một nhà máy xuất khẩu đồ gỗ ở Đông Quản (tỉnh Quảng Đông), sau khi nhận được tin tức này, ông chủ Lưu Minh đã ngay lập tức triệu tập lại các công nhân đã được cho nghỉ từ tuần trước. Trước đó, đơn hàng sụt giảm nghiêm trọng, giờ phải tận dụng gấp 90 ngày này để chạy sản xuất. Nhà máy đã khẩn cấp triển khai chế độ sản xuất 3 ca liên tục trong 24 giờ.
Sự xoay chuyển trong cuộc chiến thuế quan Mỹ – Trung khiến những người bán hàng xuyên biên giới như Vương Lâm thở phào nhẹ nhõm. Anh cùng các đồng nghiệp nhanh chóng đạt được đồng thuận: tranh thủ “kỳ nghỉ thuế quan” 90 ngày này để tăng tốc gửi hàng sang Mỹ, tích trữ hàng tại kho địa phương. “Đây là cuộc chạy đua với thời gian”. Vương nói, “Ai tích trữ được nhiều hàng tại Mỹ trong 90 ngày tới, nếu Mỹ lại tăng thuế thì người đó sẽ có ưu thế hơn”.
Khi mức thuế của Mỹ với Trung Quốc tăng lên tới 145%, một chuyên gia trong ngành từng tiết lộ: “Các công ty ngoại thương truyền thống có hoạt động tại Mỹ, 90% đơn hàng đều ngưng trệ, bất kể là doanh nghiệp lớn hay nhỏ.”
Nhớ lại những ngày tháng từ tháng Tư đến nay, nhiều chủ doanh nghiệp ngoại thương vẫn còn sợ hãi. Ông Lý Thanh, chủ một công ty thương mại ở Thâm Quyến, nói rằng: “Hơn một tháng qua, chúng tôi đã mất gần 10 container hàng.”
Không chỉ ông Lý Thanh, nhiều ông chủ xuất khẩu khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Ông Trịnh Vĩnh Lâm, chủ một công ty xuất khẩu quần áo ở Quảng Châu, cho biết kể từ khi Mỹ tăng thuế nhẹ, hàng của nhiều khách hàng Mỹ đã bị kẹt lại trong kho, số lượng đặt hàng từng đơn cũng giảm một nửa so với trước. Nếu lại tăng thuế nữa thì công ty ông có thể sẽ không trụ nổi.
Ngày 1/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh hành chính áp thuế 10% lên hàng hóa Trung Quốc; ngày 3/3, lấy lý do “vấn đề fentanyl”, tăng thuế lên 20%; ngày 2/4, Mỹ triển khai chính sách thuế đối ứng, tổng mức thuế với Trung Quốc lên đến 54%; ngày 8/4, thuế đối ứng tăng từ 34% lên 84%, đưa tổng mức thuế lên 104%; trong hai ngày 9-10/4, Nhà Trắng tuyên bố tăng thuế lên 145% – mức cao kỷ lục. Ngoài việc tăng thuế lên 145%, Mỹ còn hủy bỏ chính sách miễn thuế cho hàng hóa nhỏ dưới 800 USD. Ngày 2/5, chính sách miễn trừ này chính thức bị hủy bỏ, các bưu kiện loại này bị áp thuế 120%.
Tuy nhiên, theo tin mới nhất, trang web Nhà Trắng công bố bản sửa đổi sắc lệnh hành chính của Tổng thống Trump: từ 0:01 ngày 14/5 theo giờ miền Đông nước Mỹ, các bưu kiện nhỏ nhập cảnh hoặc rút từ kho để tiêu dùng tại Mỹ sẽ được giảm thuế suất áp theo giá trị từ 120% xuống 54%, nhưng mức thuế quan cụ thể 100 USD cho mỗi bưu phẩm nhỏ sẽ được duy trì.
Việc giảm thuế lần này không nghi ngờ gì là một tin cực kỳ tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu, tuy nhiên giới quan sát vẫn nghi ngờ: Liệu sự hòa hoãn này có thể kéo dài bao lâu? Liệu “kỳ nghỉ thuế quan” 90 ngày có thể trở thành tín hiệu cho một sự ổn định lâu dài?
Ngay sau khi tin tức giảm thuế được công bố, các công ty vận chuyển hàng hóa Trung Quốc lập tức chuẩn bị khởi động việc gửi hàng. Remond Li – người chuyên nhập khẩu đồ nội thất từ Trung Quốc vào Mỹ – nói với tờ Epoch Times hôm 12/5: “Họ đã bắt đầu lo lắng, rầm rộ chuẩn bị gửi hàng.”
Bà Lưu, chủ cửa hàng đồ chơi tại trung tâm thương mại SkyView ở Flushing, New York, nói với phóng viên Epoch Times rằng thông tin giảm thuế là một tin vui đối với bà. Nhờ đó, bà đã khôi phục việc đặt hàng từ phía Trung Quốc, và mức thuế 30% hiện tại là điều bà có thể chấp nhận được.
“Đang chuẩn bị hàng để gửi bằng máy bay cất cánh vào ngày mai.” Bà cho biết mình đã chuẩn bị sẵn hàng hóa. “Hôm qua bên phía Trung Quốc đã tính toán xong cho tôi. Công ty chuyển phát nhanh vẫn chưa nhận được thông báo chính thức về việc điều chỉnh thuế, nhưng phía đối tác đã báo mức tối thiểu cho tôi, tuy vậy tôi vẫn phải trả hơn 100 USD, chưa tới 200 USD.”
Lần này bà Lưu đặt hai thùng hàng nhỏ, cấp thiết. Khi báo giá vận chuyển quốc tế, phía đối tác đã bao gồm mức thuế tối thiểu để bà thanh toán trước: “Họ ghi một giá trị ước tính thấp nhất,” và khi làm thủ tục hải quan, có thể điều chỉnh theo tình hình thực tế.
Bà cho biết cách làm này đảm bảo rằng cửa hàng có thể bổ sung hàng kịp thời. “Hàng không gấp thì tôi vận chuyển bằng đường biển”. Bà nói vận chuyển đường biển mất khoảng hơn 20 ngày, nhưng với 90 ngày tạm ngừng thuế quan này thì hoàn toàn đủ để đáp ứng nhu cầu của cửa hàng.
Về ảnh hưởng tổng thể, bà cho rằng những cửa hàng quy mô nhỏ như của mình hoàn toàn có thể chịu đựng được: “Chỉ là kiếm ít hơn hơn 100 USD thôi, thật ra với tôi mà nói, công ty nhỏ như thế này thì ảnh hưởng không lớn.”
Bà cũng chia sẻ suy nghĩ của mình về chiến lược giảm thuế lần này của ông Trump: “Ông ấy không để người ta chiếm lợi nữa, anh thu thuế tôi thì tôi cũng thu thuế anh, giờ chúng ta cân bằng rồi. Ông ấy chỉ muốn đưa thế giới trở lại đúng quỹ đạo. Tôi nghĩ ông ấy nghĩ như vậy, vì ông ấy vốn giỏi kinh doanh mà.”
Bà Liễu, người thường xuyên mua sắm qua Taobao Trung Quốc, khi trả lời phỏng vấn của tờ Epoch Times cho biết, ngay sau khi nghe tin vào ngày 12/5, bà lập tức liên hệ với công ty chuyển hàng bên Trung Quốc để hỏi chi tiết về thuế quan.
Bà cho rằng trong bối cảnh hiện nay với mức thuế 30%, việc mua một số sản phẩm từ Trung Quốc “mà ở Mỹ không thể mua được, và thực sự là hàng tốt” vẫn rất đáng giá. Ngoài ra, bà cũng cho rằng “gộp 7–8 món lại vận chuyển một lần thì sẽ kinh tế hơn.”
Bà cho rằng hiện tại nếu cần gửi hàng từ Trung Quốc thì không nhất thiết phải dùng đường hàng không, vì chính sách thuế quan có hiệu lực trong vòng 90 ngày, mà chi phí vận chuyển đường biển chỉ bằng một nửa so với hàng không. Bà nói: “Điều tôi muốn biết bây giờ là hải quan Mỹ sẽ tính thuế như thế nào, vì quần áo tôi mua có giá niêm yết rất cao, nhưng giá mua thực tế lại rất thấp.”
Vì vậy, bà cũng dự định tìm hiểu thêm về các công ty chuyển hàng khác ở Trung Quốc, bởi xác suất bị hải quan kiểm tra là khá thấp. Bà cho biết đã để lại lời nhắn hỏi phía đối tác về cách tính thuế: “Có thể sẽ có cách tiết kiệm được một phần thuế quan.”
VKSND TP. Hà Nội đề nghị mức án từ án treo đến 18 năm tù…
Lạm phát tại Mỹ bất ngờ hạ nhiệt trong tháng 4, chỉ tăng 2,3% so…
Giữa cơn mưa lớn, chiếc xe cứu thương chở nam bệnh nhân đang trong tình…
Việt Nam tăng cường kiểm soát hàng giả nhập khẩu tại biên giới, khuyến cáo…
Tổng thống Trump sẽ cử hai đặc sứ cao cấp là ông Steve Witkoff và…
Chỉ cần một bông hoa nhỏ, bạn có thể khơi dậy cảm hứng làm mới…