Cảng Jakarta ngày 14/8/2019 tại Jakarta, Indonesia. (Ảnh: Shutterstock)
Thỏa thuận thương mại với Indonesia được Tổng thống Donald Trump công bố hôm thứ Ba (15/7) được cho là sẽ giúp Hoa Kỳ tiếp cận nguồn tài nguyên đồng khổng lồ của quốc gia Đông Nam Á này, cùng nhiều lợi ích khác.
Đồng có nhu cầu cao bởi vì tầm quan trọng của nó trong lĩnh vực sản xuất xe điện và các dự án năng lượng carbon thấp, bao gồm các tấm pin mặt trời và tuabin gió.
Hôm thứ Ba (15/7), phát biểu với các phóng viên, Tổng thống Trump cho biết: “Chúng tôi có quyền tiếp cận toàn diện với mọi thứ ở Indonesia. Như các bạn đã biết, Indonesia rất mạnh về đồng, nhưng chúng tôi có quyền tiếp cận toàn diện với mọi thứ. Chúng tôi sẽ không phải trả bất kỳ khoản thuế quan nào”.
Tổng thống Trump tiết lộ, “thỏa thuận tuyệt vời” của ông với “vị tổng thống rất được kính trọng” của Indonesia, Prabowo Subianto, cũng bao gồm cả việc Indonesia cam kết sẽ mua “15 tỷ đô la năng lượng của Hoa Kỳ, 4,5 tỷ đôla nông sản Mỹ, và 50 máy bay Boeing”.
Vị tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ lưu ý, theo thỏa thuận này, hàng xuất khẩu của Indonesia sang Hoa Kỳ sẽ phải chịu mức thuế quan 19%, trong khi hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Indonesia sẽ không phải chịu thuế quan nào hoặc bất kỳ rào cản phi thuế quan nào. Nếu Jakarta không đạt được thỏa thuận với Washington, mức thuế quan đối với hàng hóa của Indonesia vào Hoa Kỳ sẽ tăng lên mức 32% vào ngày 1/8.
Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto nhận xét, thỏa thuận của ông với Tổng thống Trump đã mở ra một “kỷ nguyên mới cùng có lợi” giữa Hoa Kỳ và Indonesia. Nhà lãnh đạo xứ sở vạn đảo lưu ý, nhiều chi tiết của thỏa thuận có vẻ không cân xứng nhưng phù hợp với lợi ích quốc gia của Indonesia, bao gồm cả cam kết mua máy bay Boeing của Hoa Kỳ.
Tổng thống Subianto giải thích: “Tôi tin rằng không có vấn đề nào cả bởi vì chúng tôi cần máy bay, và họ [Hoa Kỳ] muốn bán. Máy bay Boeing cũng khá tốt”.
Ông tiếp tục: “Tôi quyết tâm làm cho [hãng hàng không] Garuda Indonesia lớn hơn nữa, và vì vậy, chúng tôi cần máy bay mới cho mục tiêu đó”. Garuda Indonesia là hãng hàng không quốc gia của xứ sở vạn đảo. Gần đây, hãng hàng không này đã vay 405 triệu đô la từ Danantara, một trong những quỹ đầu tư quốc gia của Indonesia, để mở rộng hoạt động.
Tổng thống Prabowo nhấn mạnh: “Garuda là hãng hàng không quốc gia tự hào của chúng tôi. Nó đã ra đời trong cuộc chiến giành độc lập của chúng tôi. Đó là lý do tại sao Garuda phải là biểu tượng của đất nước chúng tôi”.
Kim ngạch thương mại giữa Indonesia với Hoa Kỳ đạt khoảng 40 tỷ đô la vào năm ngoái. Các mặt hàng nhập khẩu hàng đầu của Mỹ từ Indonesia bao gồm dầu cọ, thiết bị điện tử, giày dép, lốp xe, sản phẩm cao su, và tôm đông lạnh.
Indonesia là nhà sản xuất đồng hàng đầu thế giới, với nhiều dư địa để phát triển, đặc biệt nếu Indonesia phát triển thêm năng lực luyện kim và tinh luyện. Hiện tại, nước này khai thác hơn một triệu tấn đồng mỗi năm, nhưng chỉ tinh luyện khoảng 350.000 tấn.
Theo dự báo của S&P Global, nhu cầu về đồng sẽ tăng gần gấp đôi trong 10 năm tới, nhưng nguồn cung đang tụt hậu rất xa so với nhu cầu. Hoa Kỳ có trữ lượng đồng nội địa hơn gấp đôi trữ lượng đồng đã được thăm dò của Indonesia, nhưng việc mở các mỏ mới ở nước Mỹ lại cực kỳ khó khăn do các rào cản pháp lý. Các công ty khai thác có thể mất hàng thập kỷ nhằm có được giấy phép cần thiết để khai thác đồng.
Hôm thứ Ba (15/7), Tổng thống Trump chỉ ra rằng ngoài đồng, Indonesia còn có “một số loại đất và nhiều loại vật liệu khác rất quý giá”. Một trong những vật liệu đó là niken, một loại vật liệu cũng hữu ích cho ngành xe điện.
Indonesia sở hữu trữ lượng niken được cho là lớn nhất thế giới. Các mỏ trữ lượng niken này nằm ở những vị trí tương đối dễ khai thác. Không giống như đồng, Indonesia đã chạy đua để xây dựng năng lực chế biến để có thể tự tinh luyện niken thay vì xuất khẩu quặng thô, vốn ít lợi nhuận hơn. Dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Joko Widodo, Indonesia đã chấp nhận khoản đầu tư hàng tỷ đô la từ Trung Quốc để phát triển công nghệ “hạ nguồn” nhằm tinh luyện quặng thô của mình thành các sản phẩm niken cao cấp.
Do đó, năng lực sản xuất niken của Indonesia đã tăng gần 400% trong thập kỷ qua, nhưng cái giá phải trả cũng không nhỏ.
Năng lực tinh luyện niken mà Trung Quốc giúp Indonesia phát triển chủ yếu dựa vào than đá, do đó đã thải ra một lượng lớn khí thải độc hại ra môi trường. Môi trường của một lượng lớn đất đai ở Indonesia đã bị tàn phá bởi ngành công nghiệp niken, khiến người dân vô cùng lo lắng khi phát hiện uống nước bị ô nhiễm. Những người chỉ trích của phong trào “chuyển đổi xanh” chỉ ra các vùng đất hoang khai thác niken của Indonesia là một ví dụ khác cho thấy xe điện gây ra nhiều thiệt hại cho môi trường hơn là ngăn ngừa thiệt hại.
Ngoài ra, Indonesia sản xuất quá nhiều niken khiến cho giá niken trên toàn cầu lao dốc, buộc nhiều nhà sản xuất khác phải đóng cửa. Thậm chí một số công ty khai thác niken của Indonesia cũng không trụ nổi trước tình trạng giá giảm mạnh mà họ gây ra.
Do Indonesia có mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc, khiến các nhà hoạch định chính sách càng thêm lo lắng về sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất khoáng sản quan trọng. Những lo ngại đó đã trở thành chủ đề nóng trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống của ông Prabowo khi các đối thủ của ông cáo buộc ông và Tổng thống Joko Widodo khi đó đã để cho Trung Quốc khai thác tài nguyên khoáng sản của Indonesia.
Hồi tháng 4/2022, chính phủ Indonesia đã cấm xuất khẩu quặng niken thô, một ví dụ điển hình về việc một quốc gia sử dụng rào cản phi thuế quan để bảo vệ ngành công nghiệp trong nước. Các quan chức Indonesia cho rằng lệnh cấm này đã giúp lợi nhuận từ niken của họ tăng gấp 20 lần. Chính quyền Trump đã viện dẫn lệnh cấm xuất khẩu niken thô này của Indonesia như một ví dụ về các rào cản thương mại phi thuế quan mà các mức thuế quan của Tổng thống Trump muốn xóa bỏ.
Liên minh châu Âu (EU) đã đệ đơn kiện Indonesia lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vì vi phạm các thỏa thuận thương mại khi ban hành lệnh cấm xuất khẩu niken thô. Chính phủ Indonesia đã bày tỏ sự bất bình trước vụ kiện của EU, cáo buộc EU vi phạm quyền chủ quyền của Indonesia trong việc khai thác các nguồn tài nguyên của mình. Hoa Kỳ ủng hộ vụ kiện của EU và còn chỉ trích ngành công nghiệp niken của Indonesia vì sử dụng lao động cưỡng bức.
Mặc dù hôm thứ Ba (15/7), cả Tổng thống Trump và Tổng thống Prabowo đều không đề cập đến ngành công nghiệp niken, nhưng các nguồn tin ngoại giao Indonesia tiết lộ vào tuần trước rằng lệnh cấm xuất khẩu niken thô sang Hoa Kỳ có thể được dỡ bỏ và đó là một phần trong thỏa thuận thương mại giữa hai nước.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã đưa ra phán quyết sơ bộ, quyết định áp…
Philippines có xu hướng gắn kết chặt chẽ an ninh quốc gia với an ninh…
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết bão Wipha có…
Hội đồng Tiền lương Quốc gia thống nhất đề xuất tăng lương tối thiểu vùng…
Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đang xúc tiến Dự án xây…
Sau gần 10 năm chờ đợi, vào thứ Ba (ngày 15/7), hãng sản xuất xe…