Sự xuất hiện của trạm xăng Indemitsu Q8 của người Nhật với hình ảnh ông giám đốc người Nhật đội mưa cúi chào khách hàng đã dậy sóng mạng trong tuần qua. Rồi cộng đồng mạng cũng lại dậy sóng về một video nhân viên trạm xăng Nhật khi không có sếp lại cư xử chẳng khác nhân viên ở trạm xăng bình thường. Vậy Indemitsu Q8 đã xử lý cuộc khủng hoảng truyền thông này như thế nào?
Sự xuất hiện của trạm xăng Indemitsu Q8 của người Nhật với hình ảnh ông giám đốc người Nhật đội mưa cúi chào khách hàng đã dậy sóng mạng trong tuần qua. Người tiêu dùng Việt như bừng tỉnh về một cung cách cư xử lịch thiệp, tôn trọng khách hàng mà từ xưa tới nay họ chưa từng được trải nghiệm. Các trạm xăng Việt bỗng chốc ngỡ ngàng, hụt hẫng. Lo xa về tương lai bị mất khách, một số trạm xăng treo khẩu hiệu “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” như một lời thức tỉnh yếu ớt khơi dậy lòng tự hào dân tộc của khách hàng. Tuy vậy, dòng người đổ về trạm xăng Nhật càng ngày càng đông. Phần nhiều vì hiếu kỳ muốn được trải nghiệm dịch vụ mới, vừa vì niềm tin rằng trạm xăng người Nhật sẽ đầy đủ, uy tín, chất lượng.
Đáng chú ý, báo chí Việt Nam đăng tải một lượng lớn loạt bài về Hiện tượng giám đốc Nhật đội mưa chào khách và mạng xã hội với hình ảnh đối với chúng ta vừa lạ lẫm, vừa thú vị này. Trong khi đó, hàng loạt các bài viết chê trách cách đối xử với khách hàng của các trạm xăng Việt, các sự cố ăn bớt, xăng kém chất lượng, xăng rởm trên thị trường được lan tỏa với tốc độ chóng mặt. Thậm chí công an cũng phải vào cuộc vì tin đồn Hà Nội cấm công chức đổ xăng tại trạm xăng người Nhật.
Tuy nhiên, chỉ sau một tuần khai trương, cư dân mạng lại phát hiện rằng, khi không có quản lý người Nhật, thái độ cư xử của nhân viên trạm xăng Indemitsu Q8 cũng chẳng khác mấy so với trạm xăng của người Việt?
Nổi bật trong phản ứng với điều này là bình luận của những người thích hoài nghi, rằng thực chất hình ảnh trạm xăng người Nhật cũng chỉ là vỏ ngoài. Một người Nhật cúi chào sẽ không thể thay đổi được bản chất của những nhân viên người Việt. Nhưng một lần nữa, người ta lại ngạc nhiên trước cách cư xử hoàn toàn bình tĩnh của người Nhật với khủng hoảng truyền thông này.
Khi được hỏi về thông tin nhiều khách hàng vào mua xăng nhưng nhân viên không cúi đầu chào hỏi khác hẳn so với những ngày đầu khai trương, vị đại diện trạm xăng Indemitsu Q8 cho biết, quy tắc chào hỏi khách luôn được công ty đề cao vì tôn trọng khách hàng và thể hiện sự mến khách.
“Tất cả các nhân viên chúng tôi đều nhắc nhở luôn niềm nở với khách và chào hỏi khách đến mua. Tuy nhiên, có thể có đôi lúc nhân viên bán xăng mệt, lại đông khách đến đổ nên khó tránh khỏi thiếu chào hỏi khách. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ nhắc nhở nhân viên hơn nữa. Đây là hành động tự thân của mỗi nhân viên, cũng không thể ép buộc họ phải luôn làm thế nhưng dần dần họ sẽ quen với cung cách phục vụ của văn hóa Nhật”, vị đại diện này thông tin.
Trong khi ấy, các video đưa hình ảnh không tốt về trạm xăng cũng lần lượt được gỡ bỏ khỏi các trang báo, đồng thời xuất hiện các bình luận có thiện ý đối với hành vi chưa chuẩn của nhân viên như: “Tôi thấy họ phục vụ rất tốt đấy chứ, còn nếu người ta làm việc quá mệt mỏi thì cũng không cần khắt khe đến mức cứ phải khúm núm chào hỏi đâu. Cứ đổ xăng chuẩn là mình thấy yên tâm rồi”.
Phải chăng mỗi sự cố, khó khăn, đều là cơ hội để chúng ta, trong trường hợp này là người Nhật, chứng minh được bản lĩnh của mình trong kinh doanh.
Nguyên Hương
Xem thêm:
Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa được thành lập để tiếp nhận nguồn viện…
Chứng khoán có dấu hiệu hồi phục nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức…
Bắc Kinh đang chuẩn bị trở thành nước nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân uranium…
Vì đại diện và biện hộ cho nhiều người tập Pháp Luân Công, ông Vương…
Ông Medvedev tuyên bố cuộc xung đột giữa Moskva và Kiev có thể nhanh chóng…
Mình bỗng nhận ra rằng không cần phải làm thuyết khách thuyết phục bất cứ…