Năm 2017 là một năm đầy thách thức và bất định với nền kinh tế Việt Nam. Sự kiện ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ đã tác động mạnh mẽ đến thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán toàn cầu.
Đồng USD lên giá so với 6 đồng tiền chủ lực cũng gây áp lực tăng tỷ giá lên đồng tiền Việt Nam. Dẫu chưa có một phát biểu nào của ông Trump liên quan đến trực diện quan hệ thương mại Việt – Mỹ nhưng những chiến lược kinh tế đối với nước Trung Quốc láng giềng và chính sách bảo hộ thị trường Mỹ cũng khiến các chuyên gia kinh tế Việt Nam nhận thấy nhiều thách thức phía trước.
Tuyên bố của ông Trump về việc sẽ thông báo Mỹ rút khỏi Hiệp định TPP ngay từ ngày đầu tiên nhậm chức đã phá vỡ ảo vọng của nhiều doanh nghiệp Việt Nam về cơ hội đẩy mạnh phát triển kinh tế nhờ vào mở rộng giao thương Việt – Mỹ trong thời gian tới. Tuy nhiên, một cánh cửa đóng lại, cánh cửa khác sẽ mở ra, vấn đề nằm ở nội lực của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Trong diễn đàn BizTalk tổ chức ngày 12/12 tại Thanh Hóa, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ mặc dù ông Donald Trump đang hướng tới việc nước Mỹ rút khỏi nhiều cam kết hiện tại, cũng như khởi đầu cho trào lưu bảo hộ, bảo vệ thị trường nội địa…, song TS. Lê Đăng Doanh cũng cho rằng kinh tế Mỹ – Việt vẫn có xu hướng bổ sung cho nhau, ít cạnh tranh trực tiếp. Một mặt khẳng định Việt Nam cần có các đối sách nhằm cố gắng đa dạng hoá thị trường, mặt khác, TS. Lê Đăng Doanh cũng thừa nhận, việc tìm được thị trường nào đó thay thế được Mỹ là “rất khó”.
Thực vậy, sau khi Việt Nam Hoa Kỳ ký kết Hiệp định thương mại song phương năm 2001, quan hệ thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Số liệu năm 2015 cho thấy tổng kim ngạch thương mại hai nước là 40,7 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 33 tỷ USD sang Hoa Kỳ, chiếm 21% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, trong khi nhập khẩu trở lại là 7,7 tỷ USD, chiếm tương ứng 5%.
Đáng chú ý là các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ là những ngành hàng Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, là nội lực của nền kinh tế Việt Nam, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững, ổn định của các doanh nghiệp Việt cũng như tạo thế mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam.
Trong kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ, có thể chia hai nhóm hàng chính: Nhóm 1 là các mặt hàng mà doanh nghiệp trong nước có khả năng cung ứng, bao gồm hàng may mặc, giày da, túi xách, thủy sản, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, hạt điều,….. Nhóm 2 là các mặt hàng hiện vẫn do khối doanh nghiệp FDI cung ứng, bao gồm máy tính và linh kiện điện tử, điện thoại và linh kiện, phương tiện vận tải,… Riêng sản phẩm nhóm 1, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đã chiếm tới hơn 24 tỷ USD, là một con số đáng khích lệ cho các ngành sản xuất trong nước.
Có thể nói, thương mại Việt – Mỹ đã đi rất sát tới nội lực của nền kinh tế Việt Nam. Sở dĩ có được điều đó, theo một chuyên gia trong ngành cho rằng cộng đồng người Việt ở Mỹ đã rất tích cực trong việc đưa nền kinh tế Việt xâm nhập vào thị trường Mỹ. Và triển vọng này có thể tiếp tục lớn hơn nữa khi quan hệ Việt – Mỹ xuất hiện thêm những điểm sáng.
Đầu tư nước ngoài của Mỹ vào Việt Nam hiện duy trì ở mức trên 11 tỷ USD với khoảng 800 dự án đang còn hoạt động. Trên thực tế nhiều tập đoàn của Mỹ đầu tư vào Việt Nam qua các chi nhánh ở nước ngoài do đó con số 11 tỷ USD này chưa phản ánh chính xác tổng giá trị đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam. Bên cạnh đó, lượng lớn Kiều hối chuyển về nước cũng được rót vào trong các lĩnh vực đầu tư.
Có thể nói, tuyên bố của ông Trump về vấn đề thương mại quốc tế khá rõ ràng. Ông Trump thông báo sẽ rút khỏi Hiệp định TPP ngay từ ngày đầu tiên nhậm chức và yêu cầu đàm phán lại song phương các hiệp định. Không rõ ông Trump sẽ thực hiện kế hoạch thế nào, nhưng ông Trump đã phát đi thông điệp rõ ràng về việc cần đòi lại sự công bằng cho giao dịch thương mại của Mỹ với các nước.
Tuy nhiên, các phát biểu của ông Trump cho đến nay tập trung chủ yếu vào Trung Quốc, đất nước xuất khẩu 482 tỷ USD vào Mỹ, chỉ nhập khẩu 116 tỷ USD và có thặng dư thương mại với Mỹ tới 336 tỷ USD. Ông Trump cho rằng Trung Quốc là quốc gia phá giá tiền tệ, không tuân thủ quy tắc nền kinh tế thị trường và đang thả lỏng tình trạng ăn cắp sở hữu trí tuệ. Và đã đến lúc Trung Quốc phải tuân thủ luật chơi.
Trong cuộc cân sức giữa Trung Quốc và Mỹ trong năm tới, chắc chắn sẽ xuất hiện những khoảng trống thị trường cần các nhà cung ứng khỏa lấp. Đây chính là cơ hội dành cho các quốc gia khác tiến vào thị trường Mỹ. Bên cạnh đó, để lấy thế đàm phán với Trung Quốc, Mỹ cũng cần bổ sung danh mục đối tác cung ứng từ các quốc gia khác.
Điều này cũng đã xảy ra đối với ngành thép của Việt Nam trong năm qua khi các hàng rào thuế quan được dựng lên đối với các nhà sản xuất Trung Quốc.
Cho dù là hay phát ngôn gây sốc, nhưng ông Trump thường chỉ thẳng những vấn đề nổi cộm, hiện hữu. Với các nước, ông Trump là một ẩn số khó lường bởi cách thức trực diện khi nhìn nhận vấn đề, ít bị ảnh hưởng bởi các quan niệm truyền thống.
Vậy đối với Việt Nam ông Trump sẽ ứng xử ra sao? Không ai biết được chính sách của Mỹ đối với Việt Nam như thế nào? Nhưng rõ ràng, Việt Nam là một nước nhỏ, kim ngạch trao đổi thương mại không lớn để Mỹ phải đặt lên bàn làm việc trong những ngày đầu tiên. Cán cân thương mại cũng khá thiên lệch, nhưng lại là con số không đáng kể. Hơn nữa, thương mại Việt – Mỹ lại do nỗ lực của nhiều công dân Mỹ gốc Việt nỗ lực tạo thành. Việc thay đổi, chỉnh sửa các chính sách thương mại sẽ trực tiếp cũng động chạm tới hoạt động của nhiều doanh nghiệp SME mà ông Trump trước nay vẫn muốn bảo vệ lợi ích.
Thứ nhất, Việt Nam đứng về phía nào trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu Việt Nam là một đối tác độc lập, có năng lực, có quyết định độc lập, cơ hội dành cho Việt Nam sẽ rất lớn. Mỹ cần thêm đối tác để làm đối trọng trong cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc lần này. Nhưng nếu Việt Nam lựa chọn đứng trong chuỗi cung ứng của Trung Quốc thì Việt Nam cũng sẽ bị dựng hàng rào thương mại và phi thương mại cao như Trung Quốc.
Việc các công ty Mỹ kiện các doanh nghiệp thép Việt Nam tạo điều kiện thép Trung Quốc đội lốt thép Việt Nam xâm nhập vào thị trường Mỹ là một ví dụ điển hình. Đây không chỉ là lựa chọn của doanh nghiệp mà còn là trách nhiệm của Chính phủ, các cơ quan quản lý ngành. Nếu các Bộ ngành lơ là quản lý, để lọt các công ty Việt tiếp tay công ty Trung Quốc gian lận thương mại sẽ làm ảnh hưởng tới cả ngành, cả nền kinh tế.
Thứ hai, Việt Nam cần chủ động rà soát các cản trở giao thương ở các cấp độ khác nhau, thực hiện nghiêm chỉnh quy tắc tối huệ quốc trong giao thương hai nước, thậm chí trong điều kiện có thể, nên chủ động tạo các điều kiện lợi ưu đãi với doanh nghiệp Mỹ. Có như vậy, các cơ hội giao thương, các khoản đầu tư sẽ tự động chuyển về Việt Nam khi công ty Mỹ gặp khó khăn với các đối tác Trung Quốc.
Thứ ba, chủ động thực hiện các biện pháp, chính sách để cân bằng cán cân thương mại với Mỹ. Hiện nay, thặng dư thương mại với Mỹ cao không phải là điều tốt cho quan hệ thương mại lâu dài. Việt Nam nên chủ động phát triển thị trường nhập khẩu hàng hóa Mỹ để nâng cao năng lực sản xuất trong nước, đồng thời gắn kết sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thứ tư, chú trọng quan hệ giao lưu văn hóa giáo dục Việt – Mỹ. Không thể phủ nhận cộng đồng người Việt tại Mỹ là một nhân tố tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế Việt – Mỹ. Trong thời gian tới, các du học sinh Việt Nam tại Mỹ trở về Việt Nam cũng sẽ góp vai trò quan trọng không kém trong việc gắn kết hai nền kinh tế hai châu lục.
Chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc năm 2016, và bước sang một năm mới. Triển vọng kinh tế xã hội năm 2017 ra sao hoàn toàn do Chính phủ, doanh nghiệp và nhân dân Việt Nam trong và ngoài nước từng bước từng bước vun đúc mà thành.
Nguyên Hương
Xem thêm:
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…