Categories: Kinh TếKinh doanh

VASEP: 6/7 sản phẩm XK tăng trưởng âm trong tháng 9, bi quan trước việc “nửa mở nửa đóng”

Nửa đầu tháng 9/2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam giảm sâu 31% so với cùng kỳ năm 2020. Với việc nới lỏng giãn cách từ giữa tháng 9, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả tháng đạt trên 628 triệu USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tình trạng “nửa mở nửa đóng” khiến hồi phục sản xuất và xuất khẩu thủy sản còn “nhiều chông chênh”. Hệ lụy có thể sẽ kéo dài tới năm sau nếu Việt Nam bị mất thị phần trước các nước cạnh tranh như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia, Thái Lan dù họ cũng đã và đang vừa chống dịch vừa sản xuất.

Chế biến tôm xuất khẩu tại một nhà máy ở Việt Nam. (Ảnh minh họa: Nguyen Quang Ngoc Tonkin/Shutterstock)

Trong 7 sản phẩm thủy sản xuất khẩu do VASEP đưa ra, có tới 6 sản phẩm tăng trưởng âm trong tháng 9, với mức tăng trưởng âm thấp nhất là mực và bạch tuộc (-11,9%), cao nhất là cá các loại (-65,6%). Tính chung trong 9 tháng năm 2021, sản phẩm xuất khẩu có mức tăng trưởng âm lớn nhất rơi vào cua, ghẹ và giáp xác khác (-8,3%).

Duy nhất sản phẩm nhuyễn thể hai mảnh vỏ có mức tăng trưởng tích cực 9,4% trong tháng 9 và 35,7% trong cả 9 tháng. Tuy nhiên sản phẩm này có giá trị xuất khẩu thấp khi cả 9 tháng chỉ mang lại 96,994 triệu USD, kém xa kim ngạch xuất khẩu tôm các loại khi sản phẩm này trong tháng 9 tăng trưởng -20,8% và 9 tháng chỉ tăng trưởng 2,6%, song có tổng trị giá xuất khẩu 2.760,126 triệu USD.

Trị giá xuất khẩu và mức tăng trưởng của 8 sản phẩm thủy sản trong tháng 9/2021 và 9 tháng đầu năm 2021 (triệu USD). (Nguồn: vasep.com.vn)

Về thị trường xuất khẩu, trong tháng 9, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đã hồi phục với mức tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ, đạt 159 triệu USD. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu sang các thị trường khác tiếp tục giảm, trong đó giảm mạnh nhất là Trung Quốc (giảm gần 50%), với các thị trường Nhật Bản, Canada, Anh, Australia giảm từ 35-45%, sang EU và Nga giảm trên 15%, sang Hàn Quốc giảm 5%.

VASEP cho hay với việc nới lỏng giãn cách trong nửa cuối tháng 9/2021, sản xuất và xuất khẩu thuỷ sản đã có dấu hiệu hồi phục. nhất là tại mấy tỉnh trọng điểm về tôm như Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và các tỉnh ven biển miền Trung. Dù kỳ vọng từ tháng 10, xuất khẩu thủy sản sẽ khả quan hơn khi “mở cửa” ở TP.HCM cùng những chính sách hỗ trợ phục hồi SX song VASEP thừa nhận “thực tế kiểu “nửa mở nửa đóng” ở các địa phương và diễn biến khó lường của dịch COVID-19 cho thấy chặng đường hồi phục sản xuất và xuất khẩu thủy sản còn “ nhiều chông chênh”.

Hiệp hội này cho rằng trong trường hợp COVID-19 vẫn bùng phát mạnh ở các tỉnh sản xuất thủy sản trọng điểm thì tháng 10 xuất khẩu sẽ tiếp tục giảm ít nhất 25% so với cùng kỳ. Dù có nỗ lực thích ứng, khả năng xuất khẩu trong 2 tháng cuối năm cũng chỉ tương đương hoặc tăng nhẹ so với cùng kỳ.

Từ đó, VASEP nhận định kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản năm 2021 khả quan nhất là bằng năm 2020, đạt 8,4 tỷ USD. Thậm chí, xuất khẩu sẽ giảm dưới 8,4 tỷ USD nếu tình hình dịch bệnh trở nên căng thẳng hơn và các biện pháp phòng ngừa dịch lại siết chặt sản xuất trở lại. “Hệ lụy sẽ còn kéo dài tới năm sau nếu chúng ta mất thị phần tại các thị trường nhập khẩu lớn, trước các đối thủ như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia, Thái Lan dù họ cũng đã và đang vừa chống dịch vừa sản xuất”, theo VASEP.

Những diễn biến kém tích cực của xuất khẩu thủy sản nổi rõ hơn khi so với dự báo đưa ra vào hồi tháng 1/2021 của VASEP, rằng xuất khẩu thủy sản năm 2021 có thể tăng 10%, đạt trên 9,4 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tôm tăng trưởng mạnh nhất, 15%, đạt 4,4 tỷ USD; cá tra hồi phục với mức tăng trưởng 5%, đạt khoảng 1,6 tỷ USD; các mặt hàng hải sản dự báo tăng 6%, đạt 3,4 tỷ USD.

Tác động lớn nhất là do dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại khu vực trọng tâm của thủy sản Việt Nam, chiếm 90-95% kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của cả nước cũng như lực lượng lao động của ngành hàng; áp lực giãn cách gây đứt gãy ngày càng tăng đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Trong 6 tháng đầu năm 2021 kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt trên 4,12 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2020. Tháng 7 là tháng kim ngạch vẫn duy trì tăng nhờ lượng hàng dự trữ, sang tháng 8 xuất khẩu giảm 31%, trong đó tôm giảm mạnh nhất (giảm 36%), cá tra giảm 31%, cá ngừ và cá biển khác giảm 25%, mực, bạch tuộc giảm 23%…

Nguyễn Minh

Xem thêm:

Nguyễn Minh

Published by
Nguyễn Minh

Recent Posts

BBC: Chuyên gia cảnh báo chiến tuyến Ukraine có thể sụp đổ

Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…

28 phút ago

Hà Nội: 150 bộ hài cốt được phát hiện khi cải tạo hệ thống thoát nước

Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…

55 phút ago

Nghiên cứu: Kẽm giúp chống lại tình trạng kháng kháng sinh ở vi khuẩn

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…

1 giờ ago

Tổng thống Putin cảnh báo sẽ trả đũa các quốc gia cung cấp vũ khí tấn công Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…

2 giờ ago

Ông Trump chọn bà Pam Bondi là ứng cử viên mới cho chức tổng chưởng lý Hoa Kỳ

Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…

2 giờ ago

Gia Lai: Hiệu trưởng nhiều ngày không đến trường, giáo viên huyện biên giới bị chậm lương

Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…

3 giờ ago